Mối quan tâm về sức khỏe ứng viên tổng thống Mỹ
Dù Trump hay Biden đắc cử năm nay, họ cũng sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ, nên sức khỏe của họ được nhiều người quan tâm.
Joe Biden, 77 tuổi, từng làm dấy lên lo ngại về sức khỏe khi bước hụt trong một sự kiện. Donald Trump, 74 tuổi, bị thừa cân nhẹ và không thích tập thể dục. Hôm 13/6, khi đến Học viện quân sự West Point, bang New York để phát biểu chúc mừng các sĩ quan lục quân mới tốt nghiệp, Trump gặp khó khăn khi nâng cốc nước và bước đi không vững.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cử tri muốn có thêm thông tin về sức khỏe của các ứng viên, đặc biệt khi Covid-19 đang hoành hành, đặt ra mối đe dọa lớn đối với người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Một cuộc thăm dò hồi tháng hai cho thấy phần lớn người Mỹ cho rằng ứng viên tổng thống nên công bố hồ sơ sức khỏe.
Tổng thống Mỹ Trump tại lễ tốt nghiệp học viện West Point ngày 13/6. Ảnh: Reuters.
Trong lịch sử Mỹ có nhiều tổng thống gặp vấn đề sức khỏe, như Abraham Lincoln từng bị trầm cảm còn Franklin D. Roosevelt bị bệnh bại liệt. Dwight Eisenhower bị đau tim và đột quỵ khi đang tại nhiệm.
John F. Kennedy mắc bệnh Addison (suy tuyến thượng thận), suy tuyến giáp và đau lưng nghiêm trọng, nhưng những thông tin này không được tiết lộ cho đến khi ông qua đời. Woodrow Wilson cũng bị đột quỵ nặng, còn người kế nhiệm Warren Harding bị suy tim sung huyết và qua đời vì đau tim sau hai năm nắm quyền.
Một số tổng thống Mỹ đã giấu bệnh, đặc biệt là Grover Cleveland, tổng thống thứ 22 và 24 của nước Mỹ, người đã vắng bóng trước công chúng vào mùa hè năm 1893. Khi Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, Cleveland quyết định “đi câu cá”.
Vài tháng trước đó, Cleveland phát hiện một vết sưng nhỏ ở vòm miệng bên trái – bên ông ngậm xì gà. Khi nó ngày càng to lên, ông bắt đầu lo lắng. Theo Matthew Algeo, tác giả một cuốn sách về Cleveland, bác sĩ của Nhà Trắng đưa ra một đánh giá rõ ràng: “Đó là một vị khách không mời mà đến, tôi sẽ loại bỏ nó ngay lập tức”.
Nhưng Cleveland, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ hai, lo ngại rằng nếu ông bị chẩn đoán mắc ung thư, tin tức này sẽ làm náo loạn thị trường tài chính, khiến nó thêm tụt dốc. Vì vậy, ông vạch ra một kế hoạch.
Video đang HOT
Dưới vỏ bọc của một chuyến câu cá, Tổng thống lên du thuyền của bạn, về khu nghỉ dưỡng mùa hè của mình ở Cape Cod. Sau khi lên tàu, một nhóm 6 bác sĩ phẫu thuật đã sử dụng ether và oxit nitơ để gây mê cho Tổng thống. Trong chưa đầy hai giờ, họ loại bỏ khối u mà không có vết rạch bên ngoài, giữ cho hàng ria mép của ông nguyên vẹn. Tất cả những người tham gia cuộc phẫu thuật đều phải cam kết giữ bí mật. Vài tuần sau, Cleveland đã có thể xuất hiện trước công chúng. Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm năm 1980 cho thấy khối u của Cleveland là ung thư biểu mô tuyến, một loại ung thư có khả năng di căn thấp.
Tổng cộng gần một nửa tổng thống Mỹ đã bị bệnh nặng hoặc bị thương trong nhiệm kỳ; 8 người qua đời khi tại nhiệm.
Lời kêu gọi các ứng viên tổng thống công bố hồ sơ sức khỏe xuất phát từ mong muốn tìm hiểu liệu họ có nguy cơ qua đời khi tại nhiệm hay có đủ sức gánh vác công việc căng thẳng nhất thế giới hay không.Nhưng ngay cả khi hồ sơ được tiết lộ hoàn toàn, thông tin cũng không có giá trị như nhiều người nghĩ vì các bác sĩ vẫn khó tiên lượng tình trạng của họ.
Một nghiên cứu được coi là mang tính bước ngoặt vào năm 2000 cho thấy 80% bác sĩ dự đoán sai thời gian bệnh nhân mắc bệnh nan y có thể sống thêm sau khi bị bệnh viện “trả về”. Vì vậy, việc dự đoán các ứng viên tổng thống, những người cao tuổi tương đối khỏe mạnh, sẽ sống được bao lâu là điều khó khăn hơn rất nhiều.
Trí tuệ nhân tạo cũng không thể giúp ích nhiều. Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu từ MIT, Đại học Harvard và Stanford đã sử dụng kỹ thuật máy học để kiểm tra hơn 6 triệu hồ sơ bệnh nhân cao tuổi và dự đoán ai sắp phải từ giã cõi đời. Họ kết luận rằng rất khó có thể dự đoán, ngay cả với những bệnh nhân mắc bệnh nặng nhất. Trong số những bệnh nhân nằm trong top nguy cơ tử vong cao nhất, gần một nửa sống tiếp.
Chưa chắc các con số đo lường có thể nói lên nhiều điều hơn việc quan sát các ứng viên trong quá trình vận động tranh cử. Nếu một ứng viên đủ sức thực hiện nhiều chuyến bay, các cuộc mít tinh, tranh luận, phỏng vấn, tham dự các bữa tiệc thì điều đó có thể nói lên nhiều về thể lực của họ hơn các số liệu.
Hồ sơ sức khỏe có thể trở thành vũ khí chính trị thay vì công cụ đánh giá mức độ phù hợp về thể lực của ứng viên. Các đảng phái có thể dùng nó để công kích lẫn nhau, đưa ra những cáo buộc như các ứng viên không đủ khả năng lãnh đạo đất nước vì mắc một số bệnh nhất định. Điều đó có thể dẫn đến hậu quả là những bệnh nhân mắc bệnh tương tự cảm thấy mặc cảm.
Tại sự kiện tưởng niệm nạn nhân 11/9/2016, Hillary Clinton cảm thấy chóng mặt và phải ra về. Thông tin sau đó được tiết lộ rằng bà bị viêm phổi. Cũng vào cuối tuần đó, quỹ từ thiện của Trump bị cáo buộc gian lận.
Ngày hôm sau, các kênh tin tức đưa tin về bệnh viêm phổi của Clinton gấp 13 lần so với cáo buộc về quỹ của Trump. Các bác sĩ nổi tiếng và các học giả chính trị đưa ra nhiều suy đoán về sức khỏe của bà.
Joe Biden tại Delaware ngày 5/6. Ảnh: Reuters.
Dhruv Khullar, giảng viên tại Đại học Y Weill Cornell, nêu ý tưởng lập ra một hội đồng bác sĩ độc lập để kiểm tra thể chất của ứng viên. Tổng thống Jimmy Carter từng đề xuất ý tưởng này. Hội đồng đó có thể không chỉ đánh giá sức khỏe ứng viên, mà còn xác định khi nào Tu chính án số 25, quy định cách xử lý khi tổng thống mất năng lực lãnh đạo, được kích hoạt.
Thực tế, việc liệu một tổng thống có thể dẫn dắt đất nước hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều hơn vào mức độ sắc bén thần kinh – yếu tố có thể suy giảm theo thời gian. Nhưng không giống như nồng độ cholesterol hay kết quả nội soi vốn mang tính khách quan, không có xét nghiệm tiêu chuẩn nào có thể xác định liệu một người có vấn đề về tinh thần hoặc cảm xúc khiến họ không phù hợp trở thành tổng thống.
Theo Khullar, có thể sử dụng một hội đồng bác sĩ phi đảng phái để thực hiện đánh giá về mức độ sắc bén thần kinh của ứng viên tổng thống. Hội đồng này không được sử dụng dữ liệu từ bác sĩ riêng của ứng viên, vì bác sĩ riêng “phải cân bằng giữa yêu cầu bảo mật, lợi ích cá nhân của bệnh nhân với lợi ích quốc gia”. Ông cho rằng cần tổ chức đánh giá hàng năm vì hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên để theo dõi xu hướng nhận thức và hành vi của ứng viên.
“Dù sao thì không có tiêu chuẩn thống nhất về sức khỏe cho tổng thống. Bài kiểm tra tốt nhất cho thấy một ứng viên có phù hợp để vào Nhà Trắng hay không là hiệu suất hoạt động của họ trong chiến dịch (nếu Mỹ có thể quay lại với các chiến dịch vận động như trước đây)”, Khullar viết.
Ngoại trừ một vài tin đồn, màn “giấu bệnh” của Grover Cleveland được giữ bí mật trong gần 1/4 thế kỷ, cho đến khi bác sĩ phẫu thuật còn sống cuối cùng của nhiệm vụ tiết lộ sự thật. Cleveland, người nặng 117 kg, đã hồi phục nhanh chóng và hoàn thành nhiệm kỳ hai mà không gặp sự cố nào. Ông sống thêm hơn 10 năm sau nhiệm kỳ tổng thống.
Thành phố Mỹ mong Trump hoãn sự kiện vận động tranh cử
Giới chức thành phố Tulsa mong Trump hoãn cuộc vận động tranh cử vào ngày 19/6 do lo ngại nguy cơ Covid-19 lây lan.
"Tôi mong chúng ta có thể lùi sự kiện này đến thời điểm nCoV không còn là mối lo ngại lớn như hiện nay. Được Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm là vinh dự với cộng đồng của chúng tôi, nhưng không phải trong lúc đại dịch vẫn hoành hành", Bruce Dart, giám đốc Sở Y tế thành phố Tulsa, bang Oklahoma, hôm nay cho biết.
Ông Dart bày tỏ lo ngại về khả năng đảm bảo sức khỏe cho những người tham gia sự kiện trong nhà quy mô lớn, cũng như an toàn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát biểu được đưa ra sau khi Tulsa chứng kiến số ca nhiễm nCoV mới tăng đột biến hôm 12/6, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại thành phố này.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump chưa bình luận về phát biểu trên.
Giám đốc Bruce Dart trong một cuộc họp báo tại Tulsa hồi tháng 3. Ảnh: Tulsa World.
Sở Y tế Tulsa tuần trước cảnh báo nguy cơ bùng phát Covid-19 tại những sự kiện tập trung đông người, vốn gây khó khăn cho các biện pháp cách biệt cộng đồng. "Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy một ổ dịch liên quan tới những cuộc tụ tập đông người, trong đó người dân tiếp xúc gần với nhau trong thời gian dài", cơ quan này cho biết trong thông cáo hồi tuần trước.
Tulsa là thành phố lớn nhất của hạt cùng tên, cũng là thành phố lớn thứ hai của bang Oklahoma. Hạt Tulsa ghi nhận tổng cộng 1.443 ca nhiễm nCoV tính đến ngày 12/6, trong đó 62 người đã chết.
Tổng thống Trump tuần trước tuyên bố sẽ tái khởi động các chiến dịch vận động tranh cử để chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11, với điểm đầu tiên ở thành phố Tulsa vào ngày 19/6. Những người đăng ký tham gia sự kiện phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu nhiễm nCoV.
"Khi bấm vào nút đăng ký bên dưới, bạn chấp nhận rằng nguy cơ tiếp xúc với Covid-19 tồn tại ở bất kỳ nơi công cộng nào. Khi tham dự buổi vận động tranh cử, bạn và bất kỳ khách mời nào tự nguyện chấp nhận mọi rủi ro về lây nhiễm nCoV và không bắt Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm", trang web đăng ký tham dự buổi vận động tranh cử của Trump viết.
Sự kiện tại Tulsa dự kiến được tổ chức ở Trung tâm BOK với sức chứa 19.000 người, nhưng chưa rõ bao nhiêu người được phép tham dự sự kiện.
Trump đã phải ngừng các cuộc vận động tranh cử từ tháng 3, sau khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, buộc các bang áp lệnh phong tỏa và cấm tụ tập đông người. Ông cũng đối mặt với không ít chỉ trích về kế hoạch nối lại các buổi vận động tranh cử trong lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ.
Ngày 19/6 cũng trùng với ngày lễ Juneteenth, ngày kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ cuối cùng ở nước Mỹ, trong bối cảnh biểu tình đòi bình đẳng cho người da màu nổ ra trên khắp đất nước sau cái chết của George Floyd và Rayshard Brooks.
Katrina Pierson, cố vấn cấp cao chiến dịch vận động tranh cử của Trump, tuần trước nói rằng việc tổ chức vận động tranh cử ngày 19/6 ở Tulsa là "không có gì phải bàn cãi", thêm rằng Tổng thống Trump "tự hào về lịch sử của Juneteenth".
Tổng thống Trump sẽ nối lại các cuộc vận động tranh cử trong tháng 6 Quyết định nối lại vận động tranh cử được đưa ra trong bối cảnh ông Trump phải đối mặt với tỉ lệ khá cách biệt so với ứng cử viên Tổng thống khác. Tổng thống Donald Trump có kế hoạch nối lại các cuộc mít tinh vận động tranh cử trong 2 tuần tới, khi các bang xúc tiến mở cửa lại các...