Mối nguy từ đập của Trung Quốc: Cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm
Trước mối nguy từ đập của Trung Quốc, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là một giải pháp cho vấn đề điều tiết việc xả lũ từ phía Trung Quốc.
Lũ sông Hồng dâng cao trong ngày 11.10, nhấn chìm toàn bộ bãi bồi và hoa màu ven sông ở Lào Cai và các địa phương dọc theo sông Hồng – Ảnh: Khánh Vân
Trả lời Thanh Niên về giải pháp điều tiết để tránh xảy ra tình trạng xả lũ đột ngột ở thượng lưu, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trung Quốc không tham gia bất cứ tổ chức nào liên quan đến nguồn nước nên chúng ta không có cơ chế nào để ràng buộc họ.
Cụ thể như LHQ có Công ước về luật Sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy (Công ước 1997) hay sông Mê Kông có Ủy hội sông Mê Kông thì Trung Quốc đều không tham gia. Ngay cả khi Trung Quốc tham gia Công ước quốc tế về luật Biển thì họ cũng hành xử theo cách của họ như thực tế đang diễn ra trên biển.
Như vậy, về mặt nội tại, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm ở khu vực biên giới. Hệ thống này sẽ phát tín hiệu khi mực nước diễn biến bất thường. Nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính đối phó”.
Video đang HOT
Cần có cơ chế hợp tác
Nhìn nhận câu chuyện ứng phó xả lũ thượng nguồn sông Hồng, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, cho rằng quan trọng nhất vẫn là cơ chế pháp lý cấp quốc gia giữa VN và Trung Quốc về trao đổi thông tin khí tượng thủy văn, cũng như quản lý dòng chảy trên các dòng sông. Nhưng đây là việc lớn cần có thời gian giải quyết lâu dài.
Còn ở địa phương biên giới đang có những con sông lưu vực nằm cả trên lãnh thổ VN và Trung Quốc, như Lai Châu có sông Đà, Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng… các địa phương chủ động có hợp tác ở cấp tỉnh, mục tiêu quan trọng nhất là nắm được thông tin về khí tượng thủy văn làm cơ sở xây dựng giải pháp ứng phó trong các tình huống khác nhau.
Cũng theo TS Đào Trọng Tứ, nếu hợp tác chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp trao đổi thông tin thì chỉ giải quyết được tính chất xảy ra đột ngột như xả lũ trên sông Hồng vừa qua, phía VN sẽ không bị động bất ngờ. Nhưng để có giải pháp ứng phó mang tính chủ động, giữa VN và Trung Quốc phải xây dựng và thống nhất được các kịch bản xả lũ trên thượng lưu sông Hồng trong các tình huống thiên tai cực đoan để chủ động ứng phó. Ở góc độ kỹ thuật, theo TS Đào Trọng Tứ, các quốc gia nằm ở khu vực hạ lưu các con sông mà đi xây dựng các công trình ngăn, chống lũ không phải là giải pháp tối ưu.
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ TN-MT của VN và Bộ Tài nguyên nước phía Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về chia sẻ số liệu thủy văn của lưu vực sông Hồng, phía Trung Quốc gọi là sông Nguyên. Cụ thể từ ngày 15.5 – 15.10 hằng năm, Cục Thủy văn và tài nguyên nước tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đều chia sẻ số liệu thủy văn trên thượng lưu sông Nguyên tại 5 trạm đo thuộc tỉnh Vân Nam là: Nguyên Giang, Mạn Hảo, Trung Ái Kiều, Thổ Khả Hà và Kim Giang.
Theo đó, các thông tin này được trao đổi qua đường thư điện tử, cụ thể về các số liệu quan trắc về lượng mưa, mực nước và lưu lượng nước đo lúc 0 giờ và 12 giờ GMT hằng ngày, tức là 8 giờ và 20 giờ Bắc Kinh, tương ứng 7 giờ và 19 giờ Hà Nội. Còn phía VN cung cấp cho Trung Quốc số liệu thủy văn trong mùa mưa lũ của lưu vực sông Bằng Giang, sông Bắc Giang, sông Kỳ Cùng là thượng nguồn sông Zuojiang của Trung Quốc tại các trạm thủy văn Bằng Giang (Cao Bằng) và TP Lạng Sơn, Vân Mịch (Lạng Sơn) đo lúc 0 giờ và 12 giờ GMT, tức là lúc 7 giờ và 19 giờ tại Hà Nội, tương đương 8 giờ và 20 giờ Bắc Kinh. Hai bên thống nhất trao đổi thông tin ít nhất 2 lần/ngày và trong các trường hợp lượng mưa, mực nước vượt giá trị bình thường sẽ tăng cường cung cấp các thông tin bổ sung.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh thiết lập cơ chế trao đổi thông tin phòng chống thiên tai Trung Quốc ở cấp quốc gia, cùng với các nước ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp thật sự cho vấn đề này.
Chí Nhân – Phan Hậu
Theo Thanhnien
Trung Quốc xả lũ, nước sông Hồng vượt mức báo động
Chiều 11.10, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết lúc 7 giờ sáng cùng ngày nước trên sông Hồng đoạn chảy TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bất ngờ cuồn cuộn dâng cao do phải tiếp nhận lượng nước xả lớn từ bên kia Trung Quốc.
Nước lũ trên sông Hồng cuồn cuộn từ Trung Quốc tràn sang, ảnh chụp sáng 11.10 tại TP.Lào Cai - Ảnh: Minh Hằng
Đến 11 giờ cùng ngày, mực nước đo được tại TP.Lào Cai là 81,03 m, vượt mức báo động 1,03 m. Đây là trận lũ lớn nhất trên sông Hồng ở Lào Cai tính từ đầu năm 2015 khi biên độ lũ đạt mức 3,62 m và cường suất lũ đạt tới 0,85 m/giờ. Cũng theo ông Hải, lượng nước xả được phía Trung Quốc thông báo trước lên tới 2.500 m3/giây, ở vị trí cách TP.Lào Cai khoảng 100 km.
Nước lũ bất ngờ đã cuốn trôi tàu thuyền nhỏ neo đậu tại ven sông Hồng, đặc biệt là tại khu vực A Mú Sung, H.Bát Xát ghi nhận có một số tàu cá cỡ nhỏ của người dân bị đứt dây neo, chìm đắm. Nhiều diện tích hoa màu ven sông bị dòng nước nhấn chìm. Còn tại TP.Lào Cai, người dân vớt được một số tàu thuyền khai thác cát, chở hàng từ bên kia biên giới trôi dạt sang.
Chiều cùng ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, mưa lớn khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao. Cụ thể, các tỉnh khu vực trung Trung bộ đã ghi nhận có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm theo giông. Dự báo trong khoảng ngày 11 - 15.10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm giông. Bắt đầu từ ngày 13.10, vùng mưa lớn sẽ mở rộng đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.
Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), trong ngày 11.10 đã có 4 tàu cùng 27 thuyền viên gặp nạn do thời tiết xấu. Theo đó, tàu cá QNg 94958 đang hành nghề ở vùng biển phía nam Quảng Bình, cách Đà Nẵng 90 hải lý thì ngư dân tên Quý, 27 tuổi, bị chân vịt tàu cá đánh vào chân, đùi, mất nhiều máu. Hệ thống Đài thông tin duyên hải VN nối máy để đội ngũ y bác sĩ trong bờ hướng dẫn tàu cá sơ cứu, cầm máu và đưa ngư dân về bờ.
Trưa cùng ngày, tại vùng biển cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 20 hải lý về phía đông nam, biển động dữ dội nên tàu cá QB 98902 do ông Nguyễn Hải Nam (ngụ TT.Ba Đồn, Quảng Bình làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng với 6 ngư dân trên tàu) bị hỏng máy, trôi dạt trong sóng gió cấp 5 - 6, có nguy cơ bị sóng lớn đánh úp, rất may tàu đã khắc phục được sự cố và chạy về Cồn Cỏ trú tránh. Còn tại vùng biển cách Đà Nẵng 20 hải lý, chiều 11.10 tàu cá ĐNa 90435 của ông Nguyễn Thân (ngụ Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cùng 10 ngư dân bị phá nước, tuy nhiên sau đó đã khắc phục được vết nứt và chạy về bờ.
Một vụ chìm tàu khác cũng xảy ra vào 2 giờ hôm qua là tàu hàng An Phú Khang 079 do ông Nguyễn Văn Biên (36 tuổi, trú H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) làm thuyền trưởng. Tàu chở 1.500 tấn đạm, hải trình từ Đồng Nai ra Hải Phòng thì gặp sự cố, nước tràn vào máy, tàu trôi dạt, mắc cạn cách đảo Cồn Cỏ khoảng 500 m. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng biên phòng đảo Cồn Cỏ đã liên lạc và phối hợp cùng tàu cá QNg 92670 TS khẩn trương tiếp cận tàu hàng. Khi nước đã ngập gần đến ca bin, lực lượng chức năng yêu cầu cả 10 thuyền viên nhảy lên phao cứu sinh, bơi qua tàu cá. "Hiện, đuôi tàu hàng đã chìm đến cabin tầng 2, mũi tàu còn nổi", đại úy Ngô Trường Khôi (Phó đồn trưởng Đồn biên phòng đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị) xác nhận.
Theo Thanh Niên
Trung Quốc xả lũ sang Việt Nam, hoa màu bị ngập lụt Dòng nước lũ từ bên kia biên giới bất ngờ cuồn cuộn dâng cao trên sông Hồng đoạn qua thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ngập lụt. Dòng lũ sông Hồng cuồn cuộn từ Trung Quốc chảy sang địa phận Việt Nam - Ảnh: Minh Hằng Trao đổi với Thanh Niên Online,...