Mối nguy hiểm khó ngờ từ món đồ chơi vịt cao su trong nhà tắm
Những chú vịt cao su màu vàng dễ thương là một trong những món đồ chơi nhà tắm được trẻ yêu thích nhất. Nhưng món đồ chơi có vẻ ngoài khá vô hại này lại có thể gây nguy hiểm cho con bạn.
Hãy cùng các nhà khoa học tìm hiểu bên trong một con vịt cao su để xem món đồ chơi nhà tắm này đang che giấu điều gì.
Nếu cắt đôi một con vịt cao su đã dùng được một thời gian, bạn có thể bị sốc. Một trong những điều tuyệt vời nhất khi chơi với vịt cao su trong bồn tắm là hiệu ứng phun nước giúp trẻ giải trí. Nhưng điều gì thực sự xảy ra khi nước lọt vào bên trong đồ chơi cao su?
Vịt cao su – món đồ chơi được nhiều trẻ ưa thích.
Hóa ra, phòng tắm ấm và ẩm ướt tạo điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn và nấm phát triển và đồ chơi trong nhà tắm cũng không ngoại lệ. Theo thời gian, bề mặt bên trong của đồ chơi bị nhiễm bẩn và sau đó tất cả các vi khuẩn và nấm này sẽ thoát ra khỏi đồ chơi khi trẻ bóp nó.
Một nhóm các nhà khoa học từ Eawag (Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Thụy Sĩ), ETH Zurich (một trường đại học nghiên cứu công lập ở TP Zrich, Thụy Sĩ) và Đại học Illinois (Mỹ) đã nghiên cứu vấn đề này. Họ thực hiện các thí nghiệm với đồ chơi tắm đã qua sử dụng và đồ chơi nhà tắm mới sau khi mô phỏng cách sử dụng của trẻ 11 tuần tuổi. Sau đó, các nhà nghiên cứu cắt đồ chơi để có cái nhìn sâu hơn về bề mặt bên trong của chúng.
Tùy thuộc vào điều kiện thí nghiệm, bề mặt bên trong của những con vịt cao su đã cắt có chứa từ 5 triệu đến 75 triệu tế bào nấm và vi khuẩn trên mỗi cm2. Vi khuẩn gây bệnh tiềm tàng được tìm thấy trong quá trình nghiên cứu bao gồm Legionella (có thể gây ra bệnh viêm phổi).
Vậy đâu là nguyên nhân khiến nấm và vi khuẩn phát triển bên trong đồ chơi nhà tắm? Theo các nhà nghiên cứu, nguyên liệu nhựa làm nên những món đồ chơi là nguyên nhân. Thông thường những vật liệu này được làm bằng chất lượng kém và chúng có thể “giải phóng một lượng đáng kể các hợp chất cacbon hữu cơ”.
Video đang HOT
Những hình ảnh bên trong của con vịt cao su sau một thời gian sử dụng.
Hãy tưởng tượng điều gì thực sự xảy ra khi một em bé đang chơi với một con vịt cao su trong bồn tắm. Vật liệu của đồ chơi cho phép vi khuẩn và nấm phát triển, bản thân nước bị nhiễm vi khuẩn. Trẻ em, sức khỏe còn non yếu, sẽ phun nước từ bên trong đồ chơi và tiếp xúc với nước bẩn đó.
Tất nhiên, điều này không chỉ đúng đối với vịt cao su mà còn đúng với các đồ chơi nhà tắm khác cùng loại, được làm bằng vật liệu tương tự.
Phát biểu về mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe từ vịt cao su, Frederik Hammes từ Eawag lưu ý: “Điều này có thể tăng cường hệ thống miễn dịch nhưng nó cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt, tai hoặc thậm chí đường tiêu hóa của bé”.
Một trong những giải pháp là đóng kín lỗ khi mua vịt để nước không lọt vào bên trong. Nhưng Frederik Hammes khuyên rằng, chúng ta nên loại bỏ đồ chơi trong nhà tắm được làm bằng vật liệu kém chất lượng ngay từ đầu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Bé trai mắt đỏ như máu, suýt mù vì thứ nhiều cha mẹ cho con dùng khi tắm
Một bà mẹ đã đưa ra lời cảnh báo sau khi con trai cô suýt mất thị lực do chơi với đồ chơi nhà tắm bị nhiễm bẩn.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, cô Eden Strong cho biết giờ cô đã nhận thức được việc nấm mốc có thể dễ dàng tích tụ trong đồ chơi nhà tắm như thế nào và luôn phơi khô chúng thật khô ráo sau mỗi lần tắm.
Bà mẹ ba con người Mỹ viết: "Tôi đã xem những bài đăng mà các bà mẹ mở đồ chơi ra và thấy bên trong chứa đầy nấm mốc. Vì vậy, tôi cũng đã cố gắng vắt sạch nước ở những món đồ chơi, làm sạch chúng vài tuần một lần bằng dung dịch nước tẩy, và thường xuyên phơi ra ngoài nắng để tránh nấm mốc."
Nhưng dù Eden đã xử lý chúng bằng thuốc tẩy, cô không biết rằng vi khuẩn vẫn có thể phát triển bên trong đồ chơi vì những khu vực đó thường ít khô ráo.
Eden Strong cảnh báo trên Facebook về việc đồ chơi nhà tắm bị bẩn có thể gây nguy hiểm cho trẻ thế nào.
Đầu năm 2020, người trông trẻ của gia đình nói với Eden rằng con trai cô, Baylor đã vô tình khiến một món đồ chơi nhà tắm đập vào mắt trong khi nô đùa lúc tắm. Lúc đầu, Eden không lo lắng lắm vì mắt con trai chỉ hơi đỏ và cô cũng không thể nhìn thấy bất kỳ nấm mốc nào trong đồ chơi. Eden chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng mắt thằng bé chỉ bị kích thích do nước, hoặc có thể là áp lực của nước nên tôi không nghĩ nhiều về nó."
Đến tối hôm đó, mắt của Baylor thậm chí còn đỏ hơn rõ rệt nên chồng của Eden đã vội vàng đưa com đến bệnh viện vì họ sợ rằng cậu bé sẽ bị đau mắt đỏ. "Bác sĩ cũng nghĩ Baylor bị đau mắt đỏ và tôi tự trấn an mình rằng không có gì nghiêm trọng", Eden viết. "Thằng bé đã được kê thuốc nhỏ mắt và đến nửa đêm, tôi quyết định nhỏ thêm thuốc cho con để đảm bảo mọi thứ sẽ tốt hơn vào buổi sáng".
Nhưng trong đêm đó, mắt của Baylor thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn nhiều. Người mẹ kể lại: "Tôi không ngờ rằng khi nhìn con nằm ngủ trong nôi và thấy mắt thằng bé sưng to gấp đôi, vết tấy đỏ lan xuống tận má. Tôi lên mạng tìm hiểu và nghi ngờ liệu có phải thằng bé bị viêm mô tế bào hay không và đưa con tới bệnh viện". Tại đây, một bác sĩ khác cũng đồng tình với suy nghĩ của Eden và kê đơn thuốc kháng sinh cho con trai cô.
Đôi mắt sưng vù của bé trai.
Nhưng vào lúc 6 giờ sáng, mắt của Baylor bị sưng lên đến mức cậu bé không thể nhắm lại được khiến vợ chồng Eden vô cùng hoảng sợ lại vội vã đưa con trở lại bệnh viện. Eden lúc này rất lo sợ con trai có thể bị hỏng mắt: "Mắt của thằng bé sưng to đến mức phần tròng trắng như lồi ra, còn tròng đen thì đang bị che khuất. Thằng bé cũng liên tục kêu nóng mắt và khi đo thân nhiệt thì rất cao".
Khi trở lại bệnh viện, Baylor ngay lập tức được cho uống thuốc kháng sinh và phải chụp CT để kiểm tra võng mạc. Kết quả cho thấy Baylor bị viêm mô tế bào nặng, lan xuống mặt và cả hai mắt. Viêm mô tế bào thường do nhiễm trùng bởi vi khuẩn gây ra và là một tình trạng đau nhức chủ yếu ảnh hưởng đến bàn tay, chân và bàn chân. "Họ đã cảnh báo tôi rằng thằng bé có thể bị mất thị lực nhưng may mắn đã đến viện kịp thời nên có thể chữa khỏi", Eden viết.
Sau sự việc, Eden cảnh báo các bà mẹ hãy bỏ thói quen cho con chơi đồ chơi nhà tắm hoặc nếu trẻ vẫn muốn, hãy cố gắng vệ sinh thật sạch và để nó ra khỏi nhà tắm. "Bạn rất khó có thể làm sạch hoàn toàn. Tôi không có bất kỳ hình ảnh đồ chơi bồn tắm bị mốc nào để các bạn thấy rõ bởi nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường".
Bài đăng của Eden đã nhận được hơn 21.000 lượt "thích" trên Facebook và những người theo dõi cô rất biết ơn vì lời cảnh báo.
Nên vệ sinh đồ chơi nhà tắm bao lâu một lần?
Đồ chơi trong nhà tắm là nơi sinh sôi nảy nở của nấm mốc, vi khuẩn,... Nước bị hút vào đồ chơi chứa đựng đủ loại chất độc hại và nếu nó ở bên trong quá lâu sẽ trở thành một ổ vi khuẩn.
Đồ chơi nhà tắm có thể thành ổ vi khuẩn nếu không được vệ sinh sạch sẽ. (Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu của ABC đã kiểm tra các đồ chơi nhà tắm khác nhau do cha mẹ gửi đến và tìm thấy nấm mốc và vi khuẩn trên 100% đồ chơi trong số đó và nhiều đồ chơi cũng có dấu vết của phân. Nhiều trẻ nhỏ có thể đưa cả đồ chơi lên miệng nên các chuyên gia khuyên bạn nên vệ sinh đồ chơi trong nhà tắm của trẻ ít nhất một lần một tuần.
Cách làm sạch đồ chơi khi tắm:
- Để đồ chơi trong một túi lưới treo phía trên bồn tắm để giữ cho đồ chơi tránh xa nước khi không sử dụng.
- Vắt hết nước ra khỏi chúng trước khi cho vào lưới.
- Để làm sạch, trước tiên hãy rửa chúng bằng nước xà phòng nóng để loại bỏ bụi bẩn bám bên ngoài.
- Sau đó cho ba cốc giấm vào một xô nước sạch, bóp đồ chơi bằng cao su để đảm bảo nước giấm ngấm vào bên trong.
- Để qua đêm, sau đó lắc đều, đổ hết nước và rửa lại bằng nước sạch.
- Nhiều đồ chơi trẻ em cũng có thể được rửa trong máy rửa bát - nhưng bạn sẽ cần kiểm tra bao bì trước.
Điều gì xảy ra nếu lỡ ăn phải thực phẩm bị nấm mốc? Nấm mốc là những loại nấm cực nhỏ sống trên thực vật hoặc động vật. Nấm mốc phát triển từ các bào tử nhỏ bay lơ lửng trong không khí. Khi một số bào tử này rơi vào thức ăn ẩm ướt, chúng sẽ phát triển thành nấm mốc. Bánh mì bị nấm mốc - SHUTTERSTOCK Có hàng ngàn loại nấm mốc khác...