Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…
Có những nhà tiên tri báo trước cho nhân loại những hiểm họa, bất trắc. Song cũng có những nhà tiên tri chỉ nói với con người về tình yêu, lòng bao dung và cái đẹp… Trịnh Công Sơn không phải là nhà tiên tri, song ông xứng đáng là sứ giả của cái đẹp và tình yêu thương.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Triết lý của một thi nhân
Trịnh Công Sơn sống và viết nhạc trong tâm thế của một thi nhân; triết lý ông đưa vào tác phẩm là sự chấp nhận và buông bỏ. Vài năm trước, tôi có dịp được dự một chương trình văn nghệ do các bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 biểu diễn, đây cũng là một liệu pháp chữa bệnh bằng âm nhạc được bệnh viện áp dụng khá lâu. Những người bệnh đặt hết sự chú tâm, cố gắng để hát: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng… Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai…” .
Chứng kiến điều ấy, tôi không khỏi băn khoăn, day dứt về cuộc đời, song đồng thời lại cảm thấy an tâm, nhẹ lòng bởi nét mặt nhẹ nhàng, thoải mái của người hát. Cũng kể từ đó, tôi có thói quen lặng lẽ dõi theo những gương mặt khi họ đang hát nhạc Trịnh và nhận thấy hầu hết mọi người đều tỏ ra nhẹ nhõm, thanh thoát – dù là ca sĩ chuyên nghiệp hay là những người yêu âm nhạc…
Chấp nhận thực tại và buông bỏ những sầu não, ưu phiền, quả thực Trịnh Công Sơn đã làm được việc này qua gần 600 ca khúc ông đã viết, cùng những bức tranh, những bài thơ ông để lại… Vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, Trịnh Công Sơn đã có những mảng ca khúc khác nhau nhưng tất cả đều như “để gió cuốn đi”… Kể từ Ướt mi, rồi Diễm xưa, Biển nhớ, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ… Lẽ sống, tình yêu đều được nhạc sĩ mang tới bằng cảm xúc dịu dàng, để vỗ về, xoa dịu lẽ thương đau, sự mất mát sinh tử và cả lẽ vô thường…
Song hiểu theo phép biện chứng thì tâm thế chấp nhận và buông bỏ chính là sự tất yếu của triết lý sống và hành động (có lẽ với Trịnh Công Sơn còn là hành thiền nữa). Là một con người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, Trịnh Công Sơn không theo đuổi con đường giải thoát riêng của mình mà ông đã tham gia phong trào sinh viên, viết nhiều bài hát phản chiến… Trịnh Công Sơn đã hát Nối vòng tay lớn trong ngày đất nước hòa bình, thống nhất, rồi Huyền thoại Mẹ, Em ra công trường em ra biên giới… Những bài hát dành cho thiếu nhi của Trịnh Công Sơn thể hiện tình yêu cuộc sống, tương lai thật hồn nhiên, tươi đẹp: Em là hoa hồng nhỏ, Tuổi đời mênh mông, Khăn quàng thắp sáng bình minh, Mùa hè đến…
Ẩn dụ của hoa quỳnh
Có thể thấy, cuộc đời Trịnh Công Sơn đi theo triết lý đấu tranh và hành động, song ông luôn hướng đến sự giải thoát bằng tình yêu, bằng sự thấu hiểu, bằng lý lẽ của thiên nhiên và cái đẹp. Đó cũng là một cách để “nhập thế”.
Sinh thời, nhà thơ Rabindranath Tagore (giải Nobel Văn chương năm 1913) đã sáng tạo cho mình một tôn giáo riêng – tôn giáo của con người, song những tôn giáo lớn trên thế giới đều cho rằng thơ Tagore có tác động tích cực đến tín đồ của đạo mình. Trịnh Công Sơn đã tôn vinh con người bằng cuộc sống chân thật và sự ẩn dụ tuyệt đẹp của ngôn từ. Những giấc mơ phản chiếu đời sống qua một màng lọc rất tinh tế, đó chính là đôi mắt thanh khiết, trong veo của người nghệ sĩ….
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.
Thái độ sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì thế là rất tích cực, khi ông khẳng định: “Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…” ( Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Có lẽ không lời bình nào hay hơn chính ngôn từ của Trịnh Công Sơn, khi ông diễn ca vẻ đẹp của nội tâm khi muốn trao gửi tâm sự cho cuộc đời.
Trong một bài hát, ông nhắc đến đóa quỳnh hương:
Ta mang cho em một đóa quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng ( Quỳnh Hương).
Tròn 19 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa (1-4-2001 – 1-4-2020), mọi người có thể dành nhiều cảm xúc, nhiều mỹ từ để tưởng nhớ ông. Nhiều bài hát được cho là kinh điển của Trịnh Công Sơn cũng đã được hát nhiều thập kỷ qua, song ẩn dụ của một đóa quỳnh hương âm thầm nở trong đêm, mang đến mùi hương vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc, vừa quý giá… là điều mà tôi muốn nhắc đến tâm hồn và âm nhạc của Trịnh Công Sơn!
Mai Sơn
"Hiện tượng mạng" Hoàng Trang và những "ca lạ" của nhạc Trịnh
Với nhạc Trịnh, có nhiều giọng ca thành danh như Khánh Ly, Hồng Nhung... Cũng có cả những "ca lạ" như "hiện tượng mạng" Hoàng Trang.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ lâu đã rất nổi tiếng với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Nhạc Trịnh len lỏi trong đời sống, trầm lắng trên sân khấu bởi lời ca da diết, giai điệu du dương và những thông điệp sống ý nghĩa như "Hãy yêu nhau đi", "Một cõi đi về", "Ca dao mẹ", "Ru tình", "Hạ trắng", "Diễm xưa"...
Với nhạc Trịnh, có nhiều giọng ca thành danh được đông đảo người yêu nhạc mến mộ như Khánh Ly, Hồng Nhung... Cũng có cả những "ca lạ" như Giang Trang, Hà Lê, Đồng Lan. Mới đây nhất là "hiện tượng mạng" Hoàng Trang. Họ "lạ" ở cách tiếp cận và nổi lên với nhạc Trịnh. Tuy có xuất phát điểm khác nhau nhưng ở họ đều có một tình yêu và niềm khám phá với nhạc Trịnh.
"Hiện tượng mạng" Hoàng Trang
Cái tên Hoàng Trang được khán giả biết đến nhờ clip "Ta thấy gì đêm nay" được chia sẻ trên mạng. Sau một tuần đăng tải, đoạn clip ngắn Hoàng Trang hát cùng đàn guitar đạt gần 3 triệu lượt xem, 7.800 lượt bình luận và 40.000 lượt chia sẻ.
Việc clip được đông đảo khán giả chú ý khiến cô gái sinh năm 1997 rất ngạc nhiên. Cô vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngành ngôn ngữ Italy và chưa từng được học hành bài bản về âm nhạc. Hoàng Trang tự nhận mình là một giọng ca bản năng và chọn cho mình cách hát theo những cảm xúc tự nhiên của người trẻ.
Có lẽ vì thế mà ca khúc "Ta thấy gì đêm này" đi được vào trái tim khán giả bởi lối hát mộc, rất hồn nhiên với chất giọng khỏe khoắn, không giống với bất kỳ ca sĩ hát nhạc Trịnh nào trước đây. Đây cũng là ca khúc hiếm hoi của Trịnh Công Sơn được... gây sốt trở lại nhờ một giọng ca mạng.
Nhận xét về giọng hát Hoàng Trang, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho rằng: "Giọng của Hoàng Trang khá lạ, trong sáng và mới mẻ. Em ấy có giọng hát, tâm hồn, phong cách trong sáng và quan trọng là cảm nhận được ca từ nhạc Trịnh".
Hoàng Trang chia sẻ, cô đã thích nhạc Trịnh từ bé và theo đuổi đã 10 năm nay. Tuy vậy, do công việc học hành, cô không có nhiều cơ hội để học thêm và rèn luyện về âm nhạc cũng như đi biểu diễn. Sau khi kết thúc việc học, Hoàng Trang sẽ đi theo con đường ca hát. Hy vọng trong thời gian tới, cô sẽ có bước chuyển mình vượt bậc từ một giọng ca mạng sang một ca sĩ thực thụ.
Clip: "Ta thấy gì đêm nay" - Hoàng Trang
Giang Trang - kẻ nghiệp dư hát nhạc Trịnh
Với Giang Trang, cô luôn gọi hành trình với âm nhạc Trịnh của mình là cuộc "dạo chơi" và ở đó, cô là một "kẻ nghiệp dư". Nói nghiệp dư là bởi, Giang Trang chưa bao giờ được học hành bài bản về âm nhạc mà chỉ đến với nhạc Trịnh bằng niềm đam mê, bằng tình yêu.
Thậm chí, cô còn cam kết sẽ không đi học thanh nhạc bởi cô muốn âm nhạc của một nghệ sĩ nghiệp dư phải được hát bằng người nghiệp dư.
Giọng hát của Giang Trang không cầu kỳ, không có những sự luyến láy tinh tế hay có những phần đòi hỏi kỹ thuật tốt, nhưng ở Giang Trang, khán giả luôn yêu thích sự mộc mạc và lối hát một cách tự nhiên như thủ thỉ.
Trong suốt 7 năm (từ 2011-2018), Giang Trang đã thực hiện hàng loạt dự án, khai thác những khía cạnh khác nhau của nhạc Trịnh. Từ "Lênh đênh nhớ phố" (2011), "Hạ huyền 1" (2012), "Hạ huyền 2" (2015), "Nguyệt hạ 1" (2016) và cuối cùng là "Nguyệt hạ 2" (2018), Giang Trang đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng những người yêu nhạc Trịnh bằng sự chân thành và đồng cảm của "kẻ ngây ngô hát nhạc Trịnh".
Hà Lê và nhạc Trịnh đương đại
Xuất phát điểm là rapper, theo đuổi dòng nhạc hiphop, việc Hà Lê lựa chọn nhạc Trịnh Công Sơn để thực hiện dự án "Trịnh Comtemporary" (nhạc Trịnh đương đại) là một quyết định bất ngờ.
Theo Hà Lê, Trịnh Contemporary không chỉ dừng lại ở việc hát (cover) nhạc Trịnh mà sẽ thêm vào đó các yếu tố đương đại để tạo ra sự mới mẻ. Trong dự án này, Hà Lê đã tung ra 3 ca khúc "Hạ trắng", "Diễm xưa" và "Mưa hồng". Bên cạnh những phản hồi tích cực thì cũng có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nghi ngờ Hà Lê là đang "làm mới hay phá nát nhạc Trịnh?".
Tuy nhiên, với bản thân Hà Lê, anh không sợ những ý kiến trái chiều. Nam ca sĩ từng chia sẻ: "Nếu sợ thì tôi đã không phá, mà không phá thì sẽ không mới nên dù có sợ, tôi vẫn phải phá để mở ra cho nhạc Trịnh một con đường khác hơn.
Với những khán giả đã yêu và thích nghe nhạc Trịnh một cách truyền thống, có thể họ sẽ không chấp nhận cách làm của Hà Lê. Song, với những người thích sự thay đổi, chấp nhận những cái mới trong âm nhạc thì họ sẽ bị ấn tượng bởi nhạc Trịnh mới mẻ và kỳ lạ qua góc nhìn của Hà Lê.
Clip: "Diễm xưa" - Hà Lê
Đồng Lan hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp
Đồng Lan là ca sĩ đầu tiên thực hiện một album nhạc Trịnh Công Sơn song ngữ Việt-Pháp và ít nhiều cũng gây tranh cãi với người yêu nhạc Trịnh theo phong cách truyền thống.
Đồng Lan đã dành 4 năm cho việc chuyển ngữ các bài hát nhạc Trịnh sang tiếng Pháp, trung thành với nguyên tác, với ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng vẫn mang tinh thần Pháp.
Clip: "Hãy yêu nhau đi" - Đồng Lan
9 bài hát trong album "Này em có nhớ" được hòa âm và hát theo phong cách jazz Pháp giản dị, nhẹ nhàng. Đồng Lan đã dựa vào sự giao thoa văn hóa của nhạc Trịnh để phát triển ý tưởng cho album của mình.
Đồng Lan hát nhạc Trịnh bằng chính cảm giác lãng đãng bay bổng trong những chiêm nghiệm nhẹ nhàng để đến gần hơn với khán giả trẻ cũng như khán giả quốc tế./.
Theo Thanh Vân/VOV.VN
Hồ Trung Dũng sâu lắng với ca khúc đình đám của Trịnh Công Sơn - 'Em còn nhớ hay em đã quên' Hồ Trung Dũng đã tiếp tục gửi đến khán giả tập 6 của dự án The Songbook. Lần này, anh đã thể hiện lại một ca khúc cực nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: ' Em còn nhớ hay em đã quên'. Có thể nói, đông đảo khán giả yêu thích nhạc xưa đã nghe qua giai điệu du dương,...