Mỗi năm, vợ chồng tôi ai về quê người đó ăn Tết
Không còn tranh cãi chuyện Tết về nhà nội hay nhà ngoại, những năm gần đây, vợ chồng tôi thỏa thuận quê ai người ấy về ăn Tết.
Cứ đến gần Tết là trên các diễn đàn, người ta lại tranh cãi rất “sung” về chuyện về nội hay về ngoại. Theo truyền thống, các cặp vợ chồng thường đưa con về ăn Tết với ông bà nội, chừng mùng 2 trở đi mới sang nhà ngoại. Chính vì vậy mà chị em luôn cảm thấy ấm ức, thiệt thòi và cứ đến tháng Chạp là “đấu tranh” để được về ngoại từ những ngày cuối của năm cũ, đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ, anh chị em ruột.
Chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại khiến rất nhiều gia đình nhỏ mâu thuẫn, bất hòa, là nguồn cơn của những giọt nước mắt hay các cuộc chiến tranh lạnh. Nhiều chị em cho rằng cần phải công bằng, năm nay ăn Tết nhà nội thì năm sau nhà ngoại; hoặc cả năm đã ở với bố mẹ chồng rồi thì Tết phải được về đón năm mới với bố mẹ đẻ.
Cánh đàn ông thì thường vin vào truyền thống để bảo vệ chuyện ăn Tết nhà nội. “Chị dâu em cũng ăn Tết với bố mẹ em đấy thôi, có về nhà đẻ của chị ấy đâu”, chồng tôi từng lý sự như vậy.
Vâng, vợ chồng tôi cũng từng trải qua những năm cãi nhau tóe lửa vì chuyện ăn Tết ở quê nào. Chúng tôi cưới nhau đã hơn 17 năm, và đến năm thứ 9, tôi mới giật mình tự hỏi, sao mình lại coi việc ăn Tết cùng nhà chồng là điều tất nhiên như thiên kinh địa nghĩa vậy nhỉ. Và rồi chồng cũng giật mình khi tôi đề nghị Tết đó cả nhà về ngoại.
Cuối năm, ai cũng mong muốn được về quê ăn Tết, đoàn tụ với bố mẹ, anh chị em. (Ảnh minh họa: Đắc Huy)
Anh ấy không đồng ý. Hai đứa cãi nhau, và rồi tôi cũng thành công trong việc đưa chồng con về nhà mẹ đẻ từ 29 đến mùng 3 Tết, vì anh ấy cũng nhận thấy việc ăn Tết nhà nội 8 năm liền sau khi cưới là quá thiên lệch. Các năm sau thì chồng tôi không nhượng bộ nữa bởi vẫn luôn cho rằng con dâu đương nhiên phải ăn Tết nhà chồng. Tôi lại “chiến đấu” và đến năm thứ 12 mới lại được về ngoại.
Nhưng đã 4 năm nay, chuyện ăn Tết quê ai không còn là vấn đề gây tranh cãi. Chúng tôi thỏa thuận ai ăn Tết ở quê người ấy, trừ khi có sự kiện đặc biệt, chẳng hạn bố mẹ mừng thọ năm chẵn hay sức khỏe có vấn đề thì nhất thiết cả nhà phải có mặt.
Video đang HOT
Sự thay đổi này bắt đầu từ những kỳ nghỉ lễ trong năm thứ 13 của cuộc hôn nhân. Trước đó, hễ nghỉ lễ là cả nhà phải đi cùng nhau, nhưng kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm ấy, đúng dịp cậu em út của tôi lấy vợ. Nó chọn cưới vào dịp lễ để mọi người dễ thu xếp. Vợ chồng tôi cùng hai đứa trẻ chuẩn bị sẵn sàng để về ngoại thì ông bà nội ốm. Chẳng có cách nào khác, chồng tôi phải ở lại chăm sóc bố mẹ.
Đến 24 tháng Chạp, mẹ tôi phải phẫu thuật, tôi xin nghỉ phép để về quê. Mẹ được xuất viện sau đó vài ngày, nhưng tôi quyết định ở lại ăn Tết để tiện chăm sóc và cho bà vui vẻ. Hai đứa trẻ và bố nó ăn Tết với ông bà nội.
Ngồi lại nói chuyện với nhau sau cái Tết đó, vợ chồng tôi nhận ra với hoàn cảnh nhà mình, việc nghỉ lễ hay ăn Tết ở đâu cần xét theo khía cạnh thực tế hơn là chuyện so bì hơn thua. Bố mẹ già yếu, chúng tôi có thể chia ra để ở bên các cụ, để ai cũng được hưởng niềm vui có con cái ở bên.
Tất nhiên, thỏa thuận này cũng được thực hiện một cách mềm dẻo. Chẳng hạn kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm ngoái, chúng tôi mua vé máy bay và chi tiền khách sạn cho cô Út đưa ông bà nội đi du lịch, còn gia đình nhỏ của tôi về nhà ngoại. Quê nội gần nên khi con cái nghỉ hè, hai vợ chồng xin nghỉ phép một vài ngày, kết hợp kỳ nghỉ cuối tuần để đưa con về. Sau đó, bọn trẻ tiếp tục ở lại chơi với ông bà, chúng tôi về lại Hà Nội làm việc.
Tết năm nay tôi mang con gái lớn về ngoại. “Quê ai nấy về” không phải là so bì theo kiểu không ai chịu ai, đơn giản là bố mẹ đã già yếu, tôi cần tranh thủ ở bên hai cụ càng nhiều càng tốt, nhất là vào những dịp người già mong con cháu nhất là Tết cổ truyền. Trước Tết tôi tranh thủ về thăm bố mẹ chồng, sắm sửa cho hai cụ. Bố mẹ chồng tôi đều rất thông cảm, thậm chí còn gửi quà cho thông gia.
Tôi cho rằng vấn đề ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, nếu thực sự biết nghĩ cho nhau thì mọi chuyện sẽ êm thấm.
Về quê ngoại chơi, tôi "nóng mặt" khi nghe hàng xóm tiết lộ việc vợ làm
Nhớ lại chuyện đầu năm nay, tôi đề nghị vợ hàng tháng biếu tiền quà bánh cho hai bên ông bà. Cô ấy gạt đi, phân tích nọ kia để từ chối, không ngờ...
Vợ chồng tôi đều xuất thân từ quê lên thành phố học hành rồi lập nghiệp. Bố mẹ tôi là nông dân, bố vợ là giáo viên cấp hai về hưu, mẹ vợ làm ruộng. Nhìn chung, hai bên ông bà đều vất vả, không khá giả.
So với ở quê, mức thu nhập của vợ chồng tôi khá ổn. Tuy nhiên, do những năm đầu hôn nhân vừa nuôi con nhỏ, vừa dành dụm mua nhà nên kinh tế lúc nào cũng trong tình trạng khó khăn, không dư dả để biếu hai bên ông bà nội ngoại.
Đầu năm nay, tiền vay mua nhà đã trả hết, không còn nợ nần, tôi bàn với vợ:
"Tiền tiêu bao nhiêu cũng không đủ, mỗi tháng hai vợ chồng mình dành ra một khoản biếu hai bên ông bà nội ngoại. Số tiền có thể không nhiều nhưng với bố mẹ già, đó sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn".
Vừa nghe tới đó, vợ tôi lập tức phản đối. Cô ấy phân tích tình hình kinh tế, nói ông bà nội ngoại ở quê, lúa rau tự trồng, gà vịt tự nuôi, thực phẩm có thể tự cung tự cấp, tiêu pha chẳng hết bao nhiêu.
Dù vợ có giải thích thế nào về việc lén gửi tiền cho bà ngoại, tôi vẫn thấy cô ấy quá ích kỷ (Ảnh minh họa: Getty).
Nhà mình ở thành phố, dăm ba cái lá lốt nấu canh cũng phải mua, ra khỏi nhà là phải có tiền, chưa nói đến việc còn nuôi con cái học hành, tích lũy tương lai. Tính cho cùng, ông bà giờ không còn phải lo lắng gì, còn mình thì trăm nghìn thứ phải lo.
Vợ đề nghị, chỉ biếu tiền ông bà hai bên mỗi dịp Tết hoặc khi ốm đau, còn biếu một khoản cố định hàng tháng là không cần thiết.
Tôi thấy vợ nói cũng đúng, vả lại tiền bạc nhà mình đúng là không quá dư dả, hàng ngày vợ phải tính toán chi tiêu cho phù hợp. Đề nghị của vợ tôi không phải là không hợp lý.
Sẽ chẳng có chuyện gì đáng nói nếu không có một chuyện tôi tình cờ biết được. Tuần trước, dì ruột của vợ gả con gái, mời vợ chồng tôi về quê ăn cưới. Ngày cưới vào đúng cuối tuần nên cả nhà tôi có thể về, tiện thể ghé nhà ông bà ngoại chơi một hôm.
Hôm đó, vợ chở bà ngoại đi chợ. Tôi ở nhà một mình, có bác hàng xóm sang chơi. Bác kể, vợ chồng bác có hai đứa con gái đều lấy chồng xa. Đứa nào cũng khó khăn nên lúc bố mẹ ốm đau không trông mong được gì.
Bác ấy xuýt xoa khen bố mẹ vợ tôi sướng. Bố vợ có lương hưu, mẹ vợ không có lương nhưng cũng như có lương. Ở quê, với tình hình như bố mẹ vợ tôi là quá ổn.
Tôi lấn cấn đoạn bác kể "mẹ vợ không có lương mà cũng như có lương". Hỏi ra mới biết, hóa ra bác cả, vợ tôi và cậu em trai út đã bàn nhau vào một ngày định kỳ hàng tháng sẽ gửi mỗi nhà một triệu đồng cho mẹ, coi như là mẹ cũng có lương.
Bác ấy kể xong, bối rối nhìn tôi: "Ơ thế cháu không biết việc này à? Coi như bác chưa nói gì nhé". Khi biết việc này mấy anh chị em nhà vợ đã thực hiện mấy năm nay rồi, tôi thật sự "nóng mặt".
Khi trở về nhà, tôi đem chuyện hỏi vợ. Lúc đầu cô ấy chối, nói các bà ở quê nhiều chuyện. Nhưng khi tôi hỏi căng, vợ mới thú nhận có chuyện đó.
Cô ấy nói, ông ngoại có lương nhưng tính ông gia trưởng và khá keo kiệt, chỉ thích giữ tiền. Thương mẹ phụ thuộc kinh tế, không có tiếng nói, mấy chị em mới bàn nhau mỗi người cho mẹ một triệu mỗi tháng để mẹ có thể "dễ thở" hơn một chút.
Vợ tôi nói: "Thực ra, chỉ là em bớt tiền mua quần áo của mình để cho mẹ, chẳng đáng bao nhiêu, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình, anh yên tâm".
Tôi thật sự quá buồn, thất vọng. Nhớ lại chuyện đầu năm nay, tôi đề nghị vợ hàng tháng biếu tiền quà bánh hai bên ông bà, cô ấy còn gạt đi, phân tích nọ kia để từ chối.
Trước mặt tôi nói vậy, sau lưng lại giấu giếm gửi tiền cho bà ngoại mỗi tháng. Trong khi xét cho cùng, điều kiện ông bà ngoại còn khá hơn ông bà nội. Ít nhất, ông ngoại còn có mấy triệu tiền lương mỗi tháng, còn ông bà nội không hề có lương.
Mấy hôm nay tôi chán, chẳng muốn nói chuyện với vợ. Tôi nhận ra vợ mình quá ích kỷ với nhà chồng. Cô ấy không biết sai, còn hỏi tôi: "Đừng nói là anh chưa bao giờ giấu em cho tiền ông bà nội nhé?".
Tại sao vợ tôi lại có suy nghĩ như vậy? Chuyện muốn biếu bố mẹ chút tiền, vợ chồng không thể thẳng thắn nói với nhau mà nhất định phải giấu giếm hay sao?
Người đàn ông 'van xin' vợ cũ đi bước nữa và chuyện về sự văn minh hậu ly hôn Văn minh để làm gì ư? Để chúng ta không nghĩ về nhau bằng một hơi thở dài ngán ngẩm, ngay cả khi đã đường ai nấy đi. 01 Ngày bước ra khỏi tòa án sau phán quyết ly hôn, Lan ngồi sụp xuống sảnh và khóc nấc lên từng hồi. Mặc cho người thân, bạn bè ra sức động viên, cô vẫn...