Mỗi năm có thêm hàng trăm tấn bao bì thuốc BVTV “dạo chơi” ở môi trường
Thuốc BVTV đang được nông dân sử dụng ngày càng nhiều, đồng nghĩa với lượng rác thải từ bao bì, vỏ chai phát sinh ngày một lớn.
Bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi ngoài đồng
Theo ĐH An Giang, ngay tại địa phương này, với diện tích đất nông nghiệp 600.000 ha, lượng thuốc sử dụng bình quân 10 kg/ha, thì lượng thuốc sử dụng bình quân 6.000 tấn/năm, tức khối lượng bao bì, chai lọ, rác thải từ thuốc BVTV ước chừng 600 tấn/năm (trọng lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng lượng thuốc).
Thế nhưng kết quả điều tra cho thấy, có đến 50% rác thải BVTV được bỏ lại môi trường, còn lại hơn 10% bán ve chai (đối với chai nhựa), 5% sử dụng phương pháp chôn lấp và hơn 30% được ngành chức năng cùng DN nông dược tổ chức thu gom lại để tiêu hủy.
Tại Sóc Trăng, với gần 445.000 ha đất SX nông nghiệp, mỗi năm nông dân dùng hơn 2.800 tấn thuốc BVTV, lượng rác thải bao bì, chai lọ thuốc BVTV đưa ra môi trường gần 300 tấn. Thế nhưng, chưa tới 10% lượng bao bì được thu gom vào các bể chứa để xử lý. Còn lại là bán ve chai, đốt bỏ, hoặc vứt bừa bãi trên bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) tỉnh Sóc Trăng cho biết, phần lớn các hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đều có hỗ trợ của các dự án và Nhà nước, nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này mất dần. Một số nơi xã hội hóa công tác thu gom, nhưng do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành nên lúng túng và khó duy trì.
Tại Hậu Giang, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, muốn thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV thì phải có xe chuyên dùng, giấy phép hành nghề để không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Bên cạnh đó, nếu đốt tại lò theo đúng tiêu chuẩn thì mất chi phí từ 40 – 50 ngàn đồng/kg rác thải, tức 40 – 50 triệu đồng/tấn.
Đến nay, chỉ duy nhất Nhà máy Xi măng Holcim mới có đủ chức năng xử lý loại rác thải BVTV, nhưng do giá xử lý cao, trong khi ngân sách của tỉnh hạn chế khiến công tác thu gom gặp nhiều trở ngại.
Nông dân đem bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng bỏ vào bể chứa
Còn tại tỉnh Tây Ninh có khoảng 380.000 ha đất SX các loại (mía, mì, cao su, lúa…), mỗi năm chỉ cần sử dụng 5kg thuốc BVTV/ha (ít hơn so vùng lúa ĐBSCL), tức có khoảng 1.800 ngàn tấn thuốc BVTV đổ vào đây, đồng nghĩa với việc có gần 200 tấn bao bì, chai lọ thải ra môi trường.
Thế nên, vừa qua tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, chỉ 1 đoạn kênh ông đi qua địa bàn xã 2km, xuất hiện khá nhiều loại bao bì thuốc BVTV, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguồn nước kênh. Vì vậy, đơn vị quản lý kênh ông phải thường xuyên vớt loại chất thải độc hại trên để xử lý.
Ngày 7/8, Trung tâm BVTV phía Nam cùng Tập đoàn Lộc Trời và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh tổ chức ra quân thu gom đợt 2, nhưng cũng chỉ thu được hơn nửa tấn bao bì, vỏ chai thuốc BVTV.
Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT, cứ 3ha đất canh tác cây hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây lâu năm có sử dụng thuốc BVTV đều phải xây một bể chứa bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, phần lớn việc xây bể do địa phương tự vận động và một vài DN góp tiền nên khó thực hiện.
Video đang HOT
Hai là, công tác xử lý bao bì sau thu gom đang khá nan giải. Do bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại, nên việc thu gom và xử lý phải đúng quy trình, do đơn vị được cấp phép thực hiện. Trong khi đó, việc thu gom vẫn còn đơn giản, công tác xử lý, tiêu hủy hoặc bị bỏ trống, hoặc xử lý cùng rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt thủ công, không theo đúng quy định.
Theo Đ.Quyên (NNVN)
KIT thử nhanh dư lượng BVTV: Không có giá trị pháp lý và cơ sở khoa học
Việc dùng các KIT thử nhanh dựa trên sự ức chế men ChE không có giá trị pháp lý và không có cơ sở khoa học để khẳng định sự an toàn hay nguy cơ nhiễm độc thuốc BVTV trong nông sản, con người...
* Đề nghị chấm dứt việc dùng các KIT thử nhanh để đánh giá và công bố sự tồn dư thuốc BVTV trong nông sản và môi trường
Dư luận đang rất xôn xao về "nguy cơ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong máu" đăng tải trên nhiều tờ báo và phương tiện truyền thông, như: "Báo động: Xét nghiệm 67 người ở Hà Nội thì 31 người tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu" (bằng cách tách huyết tương từ máu người, nhỏ vào chất chỉ thị màu để kiểm tra nồng độ thuốc BVTV trong máu, báo Sức khỏe Đời sống, ngày 27/7/2018); "Báo động đỏ khi làng quê không còn là nơi trong lành, an toàn": đã xác định 138 trường hợp có nguy cơ và 43 trường hợp không an toàn, tương ứng 56,8% và 17,7% trong tổng số 243 người tham gia (bằng cách đánh giá nồng độ men Cholinesterase (ChE) trong huyết tương bằng giấy phản ứng, báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 1/8/2018), cùng nhiều báo, đài khác đã đăng tải thông tin này. Đơn vị thực hiện khảo sát được nói đều là Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế. Các thông tin này được lan truyền chóng mặt qua các báo điện tử những ngày gần đây làm không ít người dân và cả cán bộ hoang mang.
TS. Nguyễn Trường Thành, Nguyên Trưởng bộ môn Thuốc, Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ Thực vật.
Là nguyên Trưởng Bộ môn Thuốc, Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ Thực vật và trực tiếp phụ trách Phòng phân tích dư lượng thuốc BVTV (2000 - 2012), chủ trì đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ: "Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp phân tích nhanh (Enzim, Elisa) và phân tích đa dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, phục vụ kiểm soát nông sản an toàn", 2003 - 2005), tôi thấy cần phải có ý kiến với mục tiêu góp phần để chúng ta hiểu đúng thực trạng tồn dư thuốc BVTV hơn.
Tại sao nhiều người không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV mà lại có nguy cơ bị nhiễm độc máu như vậy? Tại sao quá nhiều người bị suy giảm hoạt độ men ChE huyết tương đến thế do thuốc BVTV? Rồi cả các ý kiến suy diễn cho rằng con người có thể nhiễm độc do sờ, ngửi rau, hoa!
Trong khi đó, các thuốc ảnh hưởng đến men ChE là Lân hữu cơ và Carbamate lại là các thuốc nhanh bị phân hủy trong môi trường cũng như cơ thể người và vật nuôi và hiện có tỷ trọng nhỏ khoảng 10% tổng lượng thuốc được sử dụng mà thôi.
1. Không phải thuốc BVTV là độc hại ở mọi hàm lượng
Trước hết cần thống nhất về cách nhìn khách quan về thuốc BVTV. Do đòi hỏi của xã hội và sự phát triển của khoa học, con người phát minh ra và sử dụng ngày càng nhiều chủng loại hóa chất chữa bệnh cho người, cho gia súc và bảo vệ cây trồng.
Cũng như thuốc y tế và thuốc thú y, thuốc BVTV phải được coi là các phát minh quan trọng của con người và là công cụ không thể thiếu được cho đời sống và sản xuất. Và chúng chỉ được coi là độc hại khi dư lượng của chúng trong nông sản, môi trường (kể cả trong cơ thể người và vật nuôi) đạt một mức độ nào đó đủ gây hại mà thôi.
Chúng ta đã loại bỏ các thuốc có độ độc cấp tính nhóm 1 (trừ thuốc trừ chuột), các thuốc có độ độc mãn tính nguy hiểm. Nhưng nhìn chung, thuốc BVTV vẫn luôn được coi là nhóm chất độc hại cần được quản lý, sử dụng thận trọng. Bản thân thuốc BVTV không có tội. Vấn đề là con người sử dụng chúng ra sao để vừa kiểm soát được dịch hại, vừa an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường.
Theo TS. Thành, việc sử dụng các bộ KIT thử nhanh không có giá trị pháp lý cũng như không có giá trị cơ sở khoa học để khẳng định còn tồn dư thuốc BVTV hay không?. Ảnh: Tincay.com
2. Về kiểm tra tồn dư thuốc BVTV trong nông sản và môi trường
Ngày nay chúng ta đã có nhiều công cụ hiện đại để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong nông sản và môi trường như hệ thống các máy sắc ký (GC, LC), sắc ký khối phổ (GCMS, LCMS)... có thể xác định nồng độ chất độc đến một phần tỷ (ppb). Song do để kiểm tra nhanh và ít tốn kém, các phương pháp đánh giá nhanh (KIT thử nhanh dựa trên khả năng ức chế men ChE của thuốc Lân hữu cơ và Carbamate, KIT ELISA dựa trên phản ứng miễn dịch đặc hiệu với một hoặc một nhóm thuốc đặc thù...) cũng được hình thành và thử nghiệm trong những năm qua.
Nhóm các phương pháp sử dụng KIT ELISA (đánh giá hấp phụ miễn dịch liên kết men), dựa trên phản ứng kháng nguyên - kháng thể đặc hiệu, thường được dùng để kiểm tra sự có mặt hay không của thuốc cực độc, thuốc cấm, chất gây ung thư với độ nhậy khá cao song chỉ là định tính (có mặt hay không) và chỉ cho một hoặc rất ít thuốc cùng nhóm mà thôi.
Nhóm các phương pháp đánh giá nhanh dư lượng thuốc dựa trên khả năng ức chế men ChE của các thuốc BVTV có khả năng ức chế men này. Đó là các thuốc Lân hữu cơ và Carbamate. Cholinesterase là một men xúc tác phản ứng thủy phân chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholin thành cholin và acid acetic (một phản ứng tối cần thiết để các neuron thần kinh phục hồi trở lại trạng thái nghỉ ngơi sau khi hoạt hóa).
Phương pháp của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc nhóm này. Kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật [1] đã cho kết luận về phương pháp đánh giá nhanh dựa trên Enzim ChE như sau:
Ưu điểm của các phương pháp này là chi phí thấp, thời gian nhanh, thao tác đơn giản. Nhược điểm của các phương pháp này cũng không ít như:
- Chủ yếu là định tính chỉ cho hai nhóm thuốc Lân hữu cơ và Carbamate theo kiểu có mặt và có mặt ở mức nguy cơ cao hơn. Hiện các thuốc thuộc hai nhóm này còn rất ít trong các thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Do vậy, phương pháp này để lọt đa số các thuốc BVTV được sử dụng hiện nay. Hơn nữa, các thuốc Lân hữu cơ và Carbamate có đặc điểm nhanh bị phân hủy trong môi trường, nhanh bị đào thải ra khỏi cơ thể người và động vật. Việc ức chế men ChE trong người với thuốc Carbamate chỉ trong vài giờ, với thuốc Lân hữu cơ chỉ trong vài ngày đến vài tuần [2].
Rất nhiều cơ quan, đơn vị đang dựa vào kết quả test của các bộ KIT nhanh để làm cơ sở đánh giá mức độ an toàn của nông sản. Ảnh minh họa.
- Dù chủ yếu là định tính song phương pháp dựa vào việc ức chế men ChE cũng rất khác biệt giữa các thuốc về độ nhậy khi thử nghiệm. Bản chất của vấn đề là men ChE được sử dụng là của một động vật nào đó (như từ đầu ruồi, đầu ong, huyết thanh ngựa chửa...) không phải bị ức chế như nhau với từng loại thuốc thử. Thuốc nào càng độc với các động vật trên thì càng nhậy với việc ức chế men ChE của chúng và ngược lại.
Theo kết quả thử nghiệm tại Việt Nam và các nước, phản ứng dương tính (qua chất chỉ thị màu) của các thuốc này khá khác nhau, thậm chí khác nhau rất lớn, dù đó là KIT của Đài Loan, Thái Lan, Viện BVTV (Việt Nam). Các KIT này cho phản ứng dương tính với một số thuốc Lân hữu cơ ở hàm lượng quá cao (có loại đến cả trăm lần) so với mức dư lượng tối đa cho phép (tức là sẽ cho nhiều kết quả âm sai).
Trong khi đó các KIT phản ứng quá nhậy với thuốc Lân hữu cơ khác, thấy báo dương tính ngay cả ở hàm lượng thấp hàng chục, hàng trăm lần so với mức dư lượng cho phép (nên dễ cho sai số lớn với kết quả dương sai).
Như vậy, các KIT thử nhanh dựa trên việc ức chế men ChE không phát hiện được các thuốc kể cả nhóm Lân hữu cơ và Carbamate khi chúng không ức chế tốt ChE song lại báo động không ít thuốc thực ra ở mức rất an toàn do chúng quá nhậy trong ức chế ChE được sử dụng (tức là cho kết quả cả âm sai và dương sai).
Kết quả của việc đánh giá nhanh này không có ý nghĩa pháp lý và cũng chỉ nói lên sự có mặt (mà không đầy đủ các thuốc thuộc nhóm Lân hữu cơ và Carbamate theo nghĩa định tính). Nếu dùng số liệu này như các bài báo đã nêu mà đánh giá nguy cơ sẽ là không có cơ sở khoa học.
Năm 2010, Hội đồng Khoa học của Cục BVTV do Cục trưởng Nguyễn Quang Minh chủ trì, với sự có mặt của các ông Viện trưởng Viện BVTV, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội và chúng tôi đã không chấp nhận việc "sử dụng KIT Enzim để đánh giá sự an toàn của nông sản" do một đơn vị đề xuất (cũng vì lý do tương tự như trên). Thực ra, các phương pháp này được sử dụng và tạm chấp nhận giai đoạn trước đây khi thuốc Lân hữu cơ và Carbamate được sử dụng chiếm tỷ trọng lớn trong các thuốc BVTV và các thiết bị phân tích hiện đại còn quá hiếm.
Hiện nay với phương pháp phân tích đa dư lượng (MRA) dựa trên hệ thống sắc ký và sắc ký khối phổ chúng ta có thể kiểm soát sự có mặt (định tính) và định lượng với mức chính xác của nhiều hoạt chất BVTV trong nông sản, môi trường, kể cả trong máu người. Những con số này mang ý nghĩa pháp lý mà mọi phương pháp phân tích nhanh không thể thay thế được [1].
3. Về việc đánh giá hoạt độ của men ChE trong huyết tương bằng giấy phản ứng
Theo tài liệu trong và ngoài nước, hoạt độ của men ChE trong con người (trong đó có men ChE huyết thanh - PchE) thay đổi rất nhiều trong mỗi con người, giữa các cá nhân, giữa kết quả phân tích các phòng phân tích, giữa các phương pháp thử nghiệm [2]. Hoạt độ bình thường của men ChE trong con người nằm trong khoảng rất rộng 5.300 - 12.900 U/L [3]. ChE trong con người bị ức chế do nhiễm độc các thuốc Lân hữu cơ và Carbamate song chúng được hồi phục sau vài giờ đến vài tuần.
Do đó, theo Chương trình đánh giá ảnh hưởng của thuốc BVTV quốc gia do 4 trường đại học của Mỹ hợp tác, tốt nhất là nên lập được hoạt độ của ChE ban đầu trước khi phơi nhiễm các thuốc BVTV hoặc trị số gần nhất mới có thể dễ xem xét ảnh hưởng của thuốc khi so sánh chúng với nhau.
Việc xác định hoạt độ của ChE huyết tương tức thời để đánh giá ảnh hưởng của thuốc BVTV đến men này là không hợp lý. Chỉ nên giám sát hoạt độ của men ChE cho những người trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV (phơi nhiễm ít nhất 30 giờ trong vòng một tháng) để đánh giá sự ngộ độc của thuốc Lân hữu cơ và Carbamate mà thôi [2].
Hơn nữa, các thuốc BVTV nhóm Lân và Carbamate cũng chỉ là một trong hơn 10 nhân tố làm giảm ChE của con người. Những nhân tố sau cũng làm giảm hoặc thay đổi hoạt độ của men ChE huyết tương như: nhiễm trùng cấp, suy dinh dưỡng mãn, viêm gan mãn, viêm da cơ, bệnh thận mãn, urê máu cao, sử dụng các thuốc dãn cơ, atropin, estrogen, thuốc ngừa thai, vitamin K... [3]. Như vậy không có cơ sở khoa học khi dùng phép thử nhanh để đánh giá được sự suy giảm hoạt độ men ChE huyết tương của người do thuốc BVTV ở mức nguy cơ hoặc không an toàn được như các bài báo đã nêu.
Kết luận
1. Việc dùng các KIT thử nhanh dựa trên sự ức chế men ChE không có giá trị pháp lý và không có cơ sở khoa học để khẳng định sự an toàn hay nguy cơ nhiễm độc thuốc BVTV trong nông sản, con người và môi trường. Nó chỉ định tính (song có không ít kết quả dương sai và âm sai) và chỉ nên dùng để tham khảo, tuyệt đối không nên thông báo khi chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh. Đề nghị chấm dứt việc dùng các KIT thử nhanh hiện đang quảng cáo không ít ở trong nước để đánh giá và công bố về sự tồn dư thuốc BVTV trong nông sản và môi trường.
2. Việc đánh giá suy giảm hoạt độ men ChE huyết tương tức thời và kết luận mức độ ngộ độc thuốc BVTV là không có cơ sở khoa học do trị số này biến động rất nhiều, thuốc có ảnh hưởng (nhóm Lân hữu cơ và Carbamate) lại nhanh bị đào thải trong cơ thể người và nó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân làm suy giảm hoặc thay đổi hoạt độ của men ChE huyết tương của người.
3. Những thông báo về đánh giá mức độ nhiễm độc và tồn dư thuốc BVTV trong cơ thể người là vô cùng nhạy cảm và đòi hỏi phải có các đánh giá chính xác, điều mà ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể làm được bằng hệ thống máy phân tích công cụ chính xác ở trong nước. Nên chăng cần có các hội đồng với các chuyên gia có kinh nghiệm để thẩm định các kết quả quan trọng này trước khi đưa ra đại chúng. Và nếu không thỏa đáng, các thông tin không có độ tin cậy cần được đính chính ngay để không để lại tác động tiêu cực của nó.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Nguyễn Trường Thành và các tác giả (2005). Báo cáo kết quả thực hiện đề tài: "Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp phân tích nhanh (Enzim, Elisa) và phân tích đa dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, phục vụ kiểm soát nông sản an toàn". Viện Bảo vệ Thực vật, 2005.
2. Cholinesterase Inhibition (1993). A Pesticide Information Project of Cooperative Extension Offices of Cornell University, Michigan State University, Oregon State University, and University of California at Davis. Major support and funding was provided by the USDA/Extension Service/National Agricultural Pesticide Impact Assessment Program - 9/1993
Theo TS NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH (Nguyên Trưởng Bộ môn Thuốc, Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ Thực vật) (NNVN)
Theo Danviet
Khâm phục những huyện nhiều năm lãng quên thuốc bảo vệ thực vật Nơi nào tràn ngập thuốc sâu, nơi nào đau đớn vì bệnh tật, nơi nào hậu họa môi trường hãy trông về những huyện nhiều năm canh tác thuận theo tự nhiên, hầu như hạn chế tối đa dùng thuốc BVTV... Nhiều thứ ngược với văn minh lúa nước Anh Nguyễn Văn Quân - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Mỹ Đức (Hà Nội)...