Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất – Kỳ 4: Nợ những câu trả lời thỏa đáng
8 người cùng bị bắt giam oan sai, bị nhục hình phải nhận tội, nhưng chỉ duy nhất ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) khi ra tù có được quyết định đình chỉ điều tra.
Những người còn lại nỗi hàm oan cứ ám lấy cuộc đời họ, ập đến bao nhiêu giông tố, đắng cay… dù mấy mươi năm qua họ đã đi gõ cửa biết bao nơi để mong tìm lại quyền công dân.
Ông Ba Trợn, nguyên Trưởng công an xã Đôn Thuận, nhớ lại một số tình tiết vụ án năm xưa
Quyết định đình chỉ điều tra ở đâu ?
Bà Hồ Thị Tiến (56 tuổi), vợ ông Dũng, nhớ lần gặp đầu tiên chồng mình thời điểm mới ra tù. Khi đó bà mới 21 tuổi, gặp dịp ông Dũng theo người cháu họ ghé nhà chơi. “Sau khi quen, cứ vài bữa anh Dũng lại tới thăm. Lúc thân thiết rồi, ảnh mới kể thật mới ở tù mấy năm ra. Nghe xong tôi hỏi anh làm gì mà bị tù vậy, anh nói bị bắt oan rồi lấy trong túi áo tờ quyết định đình chỉ điều tra cho tôi xem, kể lại vụ việc và những tháng ngày cơ cực trong tù. Tôi nghe xong, nghĩ anh bị bắt oan thật rồi thương anh lúc nào không biết”, bà Tiến kể.
Ông Dũng hồi tưởng: Ngày 11.5.1983, ông cùng với 7 người thân liên quan vụ án được ra tù. Từ một thanh niên mới 25 tuổi, một quân nhân với bao ấp ủ, dự tính tươi đẹp của cuộc đời, dường như ông Dũng mất hết tất cả: cuộc sống, tương lai, nhân phẩm, danh dự… “Khi đó tôi chỉ nghĩ nếu không chứng minh được mình không phải đào ngũ, không phải đi ăn cướp mà bị bắt oan thì có lẽ đến chết tôi không bao giờ nhắm mắt được vì nhục nhã, ê chề”, ông Dũng nói.
Cho nên sau khi ra tù, việc đầu tiên là ông đề nghị cơ quan liên quan phải cung cấp giấy quyết định đình chỉ điều tra để ông lên làm việc với đơn vị là Trung đoàn 774, Sư đoàn 317. Ông Dũng muốn chỉ ra sự sai sót khi bắt tạm giam một quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế nhưng cơ quan tố tụng Tây Ninh không liên hệ với đơn vị chủ quản của ông để xác minh, không liên hệ với cơ quan tố tụng quân đội để phối hợp điều tra. Ngày 25.5.1983, ông Dũng trở lại đơn vị để trình báo sự việc đồng thời xin được phục hồi chế độ như những quân nhân khác. Tuy nhiên, đơn vị từ chối giải quyết với lý do không biết ông bị bắt oan nên đã cắt quân số, thông báo về địa phương là ông đào ngũ. Suốt nhiều năm ông Dũng gửi đơn khiếu nại tới những cơ quan địa phương, trung ương, quân đội nhưng kết quả không được giải quyết.
Đến năm 2000, ông trực tiếp ra Hà Nội khiếu nại tới các cơ quan trung ương như Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ… Lộ phí đi kêu oan lấy từ số tiền ít ỏi chạy xe ôm, bán kem dạo hay tiền chợ tích cóp của vợ. Ba vợ của ông thương con rể thiệt thà, chịu thương chịu khó nên mấy bận bán bò, bán ruộng, còn đích thân đưa ông ra Hà Nội tìm đến cơ quan chức năng cầu cứu. Ở nhà bà Tiến thành hậu phương vững chắc một mình chăm sóc bốn con nhỏ cho chồng yên tâm đi khiếu nại.
Sau khi rời khỏi trại giam, ngoài ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) thì 7 bị can còn lại bị bắt trong vụ cướp vàng không nhận được quyết định đình chỉ vụ án. Do vậy, gần 40 năm qua, họ vẫn sống với thân phận bị can mà không cách nào chứng minh mình vô tội hay đòi xin lỗi, bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Lan (trái) dìu chị chồng Nguyễn Thị Ngọc Lan trên bước đường đi tìm công lý ẢNH: LAM NGỌC
Video đang HOT
Bao giờ hết là bị can ?
Sở dĩ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) nhận được quyết định đình chỉ điều tra vì lúc đi tù ông đang ở trong quân ngũ; khi được tha, ông yêu cầu phải có quyết định đình chỉ vụ án để về đơn vị chứng minh mình bị bắt oan và không đào ngũ. “Từ khi ra tù, do mỗi người ly tán mỗi nơi nên tôi không hề biết những người còn lại có nhận được quyết định đình chỉ điều tra hay không”, ông Dũng nói.
Ám ảnh tới khi nhắm mắt
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) nói không thể quên về những ngày tháng cuối đời ba ông là Nguyễn Thành Nghị vẫn luôn đau đáu việc tìm cách để được giải oan. Một tháng trước khi chết, ba ông không còn đủ tỉnh táo nhưng trong lúc mơ màng vẫn thường hét lên “tôi không ăn cướp”. Mỗi lần nghe thế, ông Dũng và anh, chị em của mình lại vỗ về: “Dạ, ba không phải là cướp” và ba ông nước mắt cứ lăn dài. Thời gian đó, duy nhất một lần ba ông tỉnh táo, cứ siết chặt đôi tay ông Dũng nói: “Ba chết nhưng con không được quên đi tìm những người đã gây ra oan sai, đòi họ giải oan cho ba. Nếu con không đủ sức thì nhờ anh Dũng (Dũng lớn) giúp sức. Hai anh em con phải làm cho bằng được mới thôi. Nếu không, xuống dưới đó ba cũng không thể nhắm mắt”. Trăng trối xong, vài tiếng sau thì ba ông mất.
Ông Nghị qua đời đến nay đã gần chục năm nhưng tâm nguyện của ông vẫn chưa thực hiện được. Giờ tới ông Chiến, bà Ngọc Lan sức cũng đã gần tàn, không biết họ sẽ kiên nhẫn chờ thêm được bao lâu để được minh oan?
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) nhớ lại: “Chiều hôm ra tù, cán bộ trại giam mở cửa cho từng người và dặn về địa phương trình báo. Họ nói giấy tờ sẽ chuyển về địa phương”. Tin vậy nên những người được tha về UBND xã trình báo. Ở đây, họ gặp lại ông Phùng Văn Tiết (tên thường gọi là Tư Tiết) chính là điều tra viên Công an H.Trảng Bàng, phụ trách việc điều tra vụ cướp năm 1979. Ông Tiết dặn những người này ra tù phải lương thiện làm ăn, đừng nghĩ chuyện trả thù. “Lúc ấy chúng tôi rất sợ vì Tư Tiết là điều tra viên đánh đập chúng tôi thậm tệ nhất nên nhanh chóng về thu dọn đồ đạc bỏ đi thật xa. Từ đó chúng tôi không quay lại xã lần nào và chưa một lần nhìn thấy quyết định đình chỉ điều tra”, ông Dũng cho hay.
Về sau, trước sự miệt thị của người đời, họ mới nghĩ tới việc tìm giấy tờ chứng minh mình bị oan. Họ tới một số cơ quan liên quan để nhờ trích lục hồ sơ, cấp lại quyết định nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) làm đơn gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh để xin trích lục hồ sơ nhưng nơi đây trả lời chưa tìm thấy. “Chúng tôi đã gửi không biết bao nhiêu đơn tới các cơ quan từ tỉnh đến trung ương với nội dung cầu cứu, đòi được minh oan nhưng không một hồi âm. Nếu đơn không tới nơi thì phải được trả về. Hoặc đơn không phù hợp thì họ cũng gửi cho chúng tôi thông báo… Vậy mà bặt vô âm tín. Chúng tôi chỉ biết gửi đi và ngóng chờ một tia hy vọng, một tiếng nói từ cơ quan công quyền để được thừa nhận là công dân. Vậy mà họ làm ngơ trước nỗi đau của cả dòng tộc tôi”, ông Dũng gạt nước mắt.
Chứng kiến những người dân chân lấm, tay bùn lam lũ khó nhọc tuyệt vọng trên con đường đi tìm lời giải cho cuộc đời mình, chúng tôi đã tìm gặp những người có thể biết về quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can. Gần 40 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Phước Lần (63 tuổi), ở xã Gia Bình, H.Trảng Bàng, nguyên cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an H.Trảng Bàng từ năm 1975 – 1979, vẫn nhớ nhiều chi tiết về vụ trọng án ấy. Trong đời làm quản giáo trại giam, chưa bao giờ ông Lần chứng kiến một gia đình bị bắt đông và 3 thế hệ phải vào tù như thế. Điều ngạc nhiên, suốt một thời gian dài, ông Lần không hề biết những người này được thả nếu như cách đây mấy năm không tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) đi bán kem dạo, được nghe kể lại sự tình. Về quyết định đình chỉ điều tra, ông Lần cho hay sau năm 1980 được điều về làm ở Công an H.Trảng Bàng nhưng chưa bao giờ ông nghe thông tin vụ án bị đình chỉ điều tra.
Những ngày ở Tây Ninh, chúng tôi lần mò hết những manh mối có liên quan vụ án ở 2 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu nhưng thông tin thu được chỉ là những cái lắc đầu. Ông Ba Trợn (86 tuổi), nguyên Trưởng công an xã Đôn Thuận, là người trực tiếp tham gia vụ bắt giữ người trong đêm 26.7.1979, nhớ ra ngay vụ việc nhưng đi vào chi tiết thì lúc nhớ lúc quên. Ông chỉ khẳng định đó là chuyên án lớn và đối tượng tình nghi đều bị bắt nóng, sau đó giao cho công an huyện và tỉnh giải quyết. Công tác ở UBND xã Đôn Thuận đến những năm 1990 nhưng ông Ba Trợn cũng không nghe vụ án bị đình chỉ và giấy đình chỉ được gửi về địa phương.
Ông Hai Mầm (63 tuổi), thời điểm xảy ra vụ án là người được phân công làm thư ký ghi chép vụ việc, khi được hỏi cũng không nhớ cụ thể. Ông Mầm cho hay sau đó ông làm Phó trưởng công an xã Đôn Thuận và năm 1983 làm Phó chủ tịch UBND xã Đôn Thuận, nhưng chưa bao giờ thấy giấy đình chỉ vụ án được gửi về xã. Chỉ duy nhất khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước có người về tìm hiểu vụ việc, giống như phúc tra vụ án nhưng vì xã không còn lưu giấy tờ, hồ sơ vụ việc nên không giúp gì được.
Theo TNO
Tai bay vạ gió
Đang là giám đốc của một doanh nghiệp ăn nên làm ra, năm 2017, anh Phan Thanh Trà (ngụ tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) bị bắt oan, dẫn đến công ty phá sản. Đến tháng 4/2018, Viện KSND thành phố Đà Nẵng có quyết định đình chỉ vụ án vì hành vi của anh không cấu thành tội phạm, nhưng lúc này anh đã trắng tay...
Từ giám đốc của một công ty, bị bắt oan, Phan Thanh Trà trở thành công nhân làm thuê
Hình sự hóa một vụ việc dân sự
Câu chuyện của anh Phạm Thanh Trà (Giám đốc Cty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê) tóm tắt như sau: Vào ngày 24/3/2017 anh Trà bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt vì tội "chiếm đoạt tài sản", nhưng đến tháng 10/2017 được thả. Hơn 6 tháng sau, Viện KSND thành phố có quyết định đình chỉ vụ án. Vụ việc gây xôn xao dư luận.
Vụ án bắt đầu khi vào năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã hình sự hóa vụ việc dân sự giữa Công ty CP Chefmeat Việt Nam và Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê. Cụ thể, Công ty CP Chefmeat Việt Nam (Công ty Chefmeat) đóng trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng) do ông Kamogari Yamato làm Tổng giám đốc (đại diện cho đối tác Nhật Bản góp vốn 51%) và ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc (góp vốn 49%). Trong quá trình xây dựng các hạng mục của nhà máy Chefmeat, Công ty Trí Tuệ Việt (do ông Nguyễn Tấn Bình, 41 tuổi làm giám đốc) nhận thầu thi công hệ thống cơ điện.
Ông Bình đã giới thiệu ông Phan Thanh Trà ký hợp đồng kinh tế với Chefmeat nhận lại công việc của mình. Vì quá gấp rút để dự án kịp hoạt động, ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc nên đã thay đổi sang thiết bị đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất. Việc thay đổi này, sau đó ông Trà đã chủ động làm việc với Công ty Chefmeat để thương lượng sửa sai và khắc phục đền bù. Ngoài ra, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đã hơn 4 năm, tất cả máy móc thiết bị mà ông Trà lắp đặt đã được chủ đầu tư xác nhận hoạt động bình thường.
Trong điều khoản hợp đồng này có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra TAND có thẩm quyền tại Đà Nẵng giải quyết. Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2017, VKSND TP Đà Nẵng phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trà về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ông Nguyễn Tấn Bình cũng bị truy tố và bắt giam với cùng tội danh trên.
Khi công bố cáo trạng, Viện KSND Đà Nẵng xác định: Trong thời gian khoảng tháng 8/2013 đến 2/2014 Nguyễn Tấn Bình và Phan Thanh Trà đã thông đồng với nhau thực hiện hành vi gian dối thi công lắp đặt không đúng với nội dung hợp đồng đã ký, thay đổi máy mới thành máy cũ chiếm đoạt phần tiền chênh lệch 430 triệu đồng của Công ty Chef Meat Việt Nam. Vụ án gây xôn xao dư luận ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian dài khi giới luật sư cho rằng cơ quan chức năng cố tình hình sự hóa một quan hệ dân sự .
Đến ngày 13/4 vừa qua, Viện KSND thành phố Đà Nẵng đã có quyết đình chỉ vụ án Nguyễn Tấn Bình và Phan Thanh Trà do xét thấy hành vi của cả 2 không cấu thành tội phạm.
Từ giám đốc trở thành người đi làm thuê
Một ngày cuối tháng 8, điện thoại hẹn gặp, anh Trà cho hay đang ở tận Bình Dương chưa về được. Hỏi chuyện mới hay, sau những oan sai hiện anh đang làm công nhân cho một công ty tại Bình Dương để mưu sinh, nuôi sống gia đình. Lần lữa mãi, dịp anh về Đà Nẵng thăm vợ con, tôi mới gặp lại anh.
Bên ly cà phê, khuôn mặt anh Trà đầy tư lự. Sinh ra trong gia đình khó khăn nhà có 2 chị em. Nỗ lực vượt khó, tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang với tấm bằng ngành cơ điện lạnh, anh Trà làm việc cho nhiều đơn vị để đúc kết kinh nghiệm và tạo mối quan hệ. Năm 38 tuổi, khi đủ điều kiện anh thành lập Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê chuyên về thi công điện, điện lạnh, dân dụng và công nghiệp. Hoạt động thuận lợi, làm ăn phát đạt được 7 năm thì anh dính vào vòng lao lý, Cty phá sản, công nhân tứ tán.
"Mấy lần mình nói với điều tra viên, việc này là chuyện dân sự, hai bên ký hợp đồng với nhau, có điều khoản rõ ràng nên mình không có tội". Nhưng tất cả không được ghi nhận. Chiều ngày 24/3/2017, công an đến nhà đọc lệnh bắt vị giám đốc trẻ. "Lúc đó có công an phường, tổ dân phố chứng kiến, tôi có nói rõ ràng: "Nếu các anh bắt tôi thì hàng ngàn doanh nghiệp khác ở Đà Nẵng cũng bị bắt"... Đáp lại, một anh công an lúc đó nói: "Nếu tôi làm sai tôi sẽ ngồi thế chỗ anh. Nhưng việc bắt anh, tôi phải bắt".
7 tháng tù tội, 6 tháng sau ngày được tại ngoại nhưng không có quyền công dân với anh đó là cả một chuỗi ác mộng của một đời người. "Đó là chuỗi ngày âm u nhất của đời mình", anh Trà chua xót.
Tháng 4 vừa qua, anh được trả lại quyền công dân nhưng uy tín không còn, muốn làm ăn, xin việc ở Đà Nẵng cũng khó. Biết hoàn cảnh, mấy tháng trước, một đối tác cũ thương tình, giới thiệu vào Bình Dương làm công nhân thi công nhà máy. Thương vợ con, anh vác ba lô lên đường.
"Giờ làm công nhân ăn lương theo ngày. Khổ cực nhưng phải mưu sinh để nuôi vợ con. Hồi xưa trẻ có sức, có tâm huyết. Nay cũng đã có tuổi, muốn vực dậy nhưng không biết có nổi không", anh Trà thở dài. Mỗi ngày làm thuê, anh được trả 270.000 đồng, cùng vài đồng phụ cấp. Giấc mơ lập lại nghiệp sao nghe quá xa vời, nhưng anh bảo quyết không từ bỏ. Hôm về lại Đà Nẵng thăm vợ con, đưa tiền lương tháng đầu cho vợ, anh Trà kể: Bảy tháng tù tội oan, vợ anh đã phải nói dối con rằng: "Bố đang đi công tác xa". Nay anh biền biệt trời Nam để mưu sinh sau biến cố, vợ anh cũng chỉ biết động viên con: "Bố sẽ chóng về".
Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phan Thanh Trà
Chờ một lời xin lỗi công khai
Mấy ngày sau khi có quyết định đình chỉ vụ án, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Linh, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng (người trước đây ký quyết định truy tố 2 bị can) cho biết vấn đề xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai, theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì người bị oan có đơn yêu cầu, sau khi xem xét đơn đó với các yêu cầu của họ như thế nào thì mới xem xét.
Anh Trà cho biết: Sau khi có quyết định đình chỉ vụ án đến nay chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào liên hệ để làm việc hay nói chuyện về việc xin lỗi, bồi thường. Riêng anh vì bận đi làm nên đã nhờ luật sư làm các thủ tục, tuy nhiên vẫn chưa có động tĩnh gì.
Liên hệ với anh Nguyễn Tấn Bình người cùng cảnh ngộ trong vụ án, đầu dây bên kia giọng anh buồn rượi: "Thôi em ạ. Giờ mọi chuyện đã qua, anh chỉ muốn bình yên, không muốn ồn ào ảnh hưởng vợ con nữa. Em thông cảm". Anh Trà cho biết: sau khi bị bắt oan, công ty của Bình cũng phá sản, nợ chồng chất, gia đình lao đao. Cuộc sống của Bình hiện cũng khốn đốn đủ đường. Giờ cũng phải cảnh làm thuê để trả nợ, nuôi vợ con.
NGUYỄN THÀNH
Theo TPO
Ông Cao Toàn Mỹ nói gì về việc bị thu hồi 2,5 tỉ đồng? Theo ông Mỹ, CQĐT ra quyết định thu hồi mà không nêu được lý do thuyết phục và có căn cứ hay quyết định đình chỉ vụ án. Chiều 1-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Toàn Mỹ cho biết ông đã nhận được quyết định của CQĐT về việc thu hồi, tạm giữ 2,5 tỉ đồng của ông. Ngay sau...