Mỗi lớp học mang tên một hòn đảo
Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã xây cột mốc chủ quyền Trường Sa trong sân trường và lấy tên các hòn đảo đặt tên cho các lớp học.
Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên Trường THCS Kim Liên Ảnh: Phan Ngọc
Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9 m; có hình trụ 4 cạnh (mỗi cạnh 70 cm) gắn sao vàng, có hình trống đồng, ghi rõ kinh độ và vĩ độ, được khánh thành vào đầu năm học 2015- 2016. Ông Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng trường THCS Kim Liên cho biết, sau khi được các cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, ban giám hiệu nhà trường đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ và tổ chức quyên góp từ giáo viên, học sinh toàn trường thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa” để xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên nhà trường.
Ngay sau khi khánh thành cột mốc chủ quyền Trường Sa, ban giám hiệu trường đã quyết định đặt tên 20 lớp học của trường theo tên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Các lớp được phân công luân phiên bảo vệ, giữ cho cột mốc luôn sạch đẹp. “Chúng tôi xây bia chủ quyền Trường Sa, lấy tên các hòn đảo đặt tên các lớp học và tổ chức lồng ghép nội dung biển đảo vào các chương trình ngoại khóa để giáo dục truyền thống, vun đắp tình yêu biển đảo quê hương cho các em học sinh. Việc này đã giúp các em không còn cảm thấy nhàm chán khi học môn lịch sử”, ông Linh nói.
Thêm yêu biển đảo quê hương
Em Lê Quốc Việt, lớp đảo Trường Sa Lớn cho biết, khi đổi tên lớp thành tên hòn đảo này, em và các bạn chưa có nhiều hiểu biết về đảo Trường Sa lớn. Tuy nhiên, bây giờ, các thành viên trong lớp đã có thể kể về lịch sử, vị trí địa lý của đảo và cả sự can trường của những người lính đảo đêm ngày chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ tìm hiểu về tên hòn đảo được lấy đặt tên cho lớp của mình, các học sinh trong lớp đảo Trường Sa Lớn còn tìm hiểu và nắm bắt được những kiến thức cơ bản về các hòn đảo được đặt tên cho các lớp khác. “Em thấy cách gọi tên lớp theo tên các hòn đảo rất hay và vui lắm. Ngoài những giờ ngoại khóa, chúng em cũng thường nói chuyện với nhau về các hòn đảo, nhờ vậy mà hiểu rõ hơn và thêm yêu biển đảo của quê hương mình”, em Việt nói.
Em Võ Thị Thúy An (học sinh lớp 9) cho biết mỗi ngày đến trường, được ngắm nhìn cột mốc chủ quyền Trường Sa, được gọi tên các hòn đảo, em càng thêm yêu mái trường, yêu quý các hòn đảo của quê hương, yêu các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo của Tổ quốc. “Em cũng thấy được trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương. Chúng em đã cùng nhau viết thư gửi các chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa, góp tiền tiết kiệm mua những món quà nhỏ, tới thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình ở địa phương có người đang làm nhiệm vụ trên các đảo”, Thúy An nói.
Cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên môn lịch sử (trường THCS Kim Liên) cho biết, ngoài việc giao cho các lớp phải tìm hiểu kỹ về hòn đảo được đặt tên cho lớp của mình, các em còn có thể trao đổi và tìm hiểu về các hòn đảo khác thông qua các buổi học ngoại khóa của toàn trường. Nhà trường cũng tổ chức các buổi thi và hướng dẫn học sinh viết bài thu hoạch về kiến thức biển đảo. Theo cô Thương, thông qua những hoạt động trên, học sinh đã có thể nắm khá vững các kiến thức cơ bản về biển đảo, giúp các em yêu thích môn lịch sử, hào hứng với những bài giảng trên lớp của các thầy cô.
(Theo Thanh Niên)
Trung Quốc xây phi pháp những gì tại quần đảo Hoàng Sa?
Trung Quốc chiếm và xây phi pháp nhiều tiền đồn, bãi đáp trực thăng tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
(Theo VnExpress)
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc mở ngân hàng ở Hoàng Sa Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định việc Trung Quốc mở chi nhánh ngân hàng ở Hoàng Sa không thể thay đổi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 9/2, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời câu hỏi...