Mối lo từ những dự án chăn nuôi nghìn tỷ ở Tây Nguyên
Những dự án chăn nuôi hứa hẹn giá trị kinh tế lớn song cũng mang tới không ít lo ngại về đất đai, gây xáo trộn về môi trường và xã hội.
Trước thềm Việt Nam gia nhập TPP, cụ thể là từ năm 2015 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đón một làn sóng đầu tư tăng bất thường để chăn nuôi bò, với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này hứa hẹn giá trị kinh tế lớn và tạo cơ hội xây dựng một nền nông nghiệp cân bằng giữa trồng trọt với chăn nuôi.
Từ năm 2015 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đón một làn sóng đầu tư tăng bất thường để chăn nuôi bò.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư mới cũng mang tới không ít lo ngại bởi dự án nào cũng cần hàng nghìn đến hàng chục nghìn ha đất, lấy từ đất rừng hoặc đất người dân đang sản xuất, gây xáo trộn về xã hội và môi trường. Lo ngại cũng tới từ thực tế, khi hầu hết các dự án nông nghiệp đầu tư ồ ạt vào Tây Nguyên thời gian gần đây đều không thành công, để lại nhiều hậu quả lớn.
Giữa mùa khô nắng cháy kỷ lục của hơn trăm năm qua, một biển xanh dập dờn lạ mắt vẫn bao phủ một vùng đất rộng lớn của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Xen lẫn trong biển xanh ấy là những công trình tôn, thép to lớn, phản chiếu ánh nắng chói chang che khuất tầm nhìn. Màu xanh ấy không phải của cà phê hay mía, ngô, sắn, mà là của cỏ. Những công trình thép-tôn được xây dựng chính là chuồng bò. Đây chính là trang trại bò mới được xây dựng của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai, thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Ông Lê Đình Vũ, Giám đốc Công ty cho biết, những trang trại bò sữa, bò thịt nơi đây có quy mô thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á. “Kế hoạch lâu dài của công ty sẽ phát triển bò sữa khoảng 100.000 con và 100.000 bò thịt. Hiện nay, công ty đã có khoảng 80.000 con bò thịt và kế hoạch về lâu về dài có thể sẽ tăng lên khoảng 100.000 con tùy theo tình hình thực tế”.
Ngoài trang trại ở huyện Mang Yang, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai còn 4 trang trại khác, rải rác trong toàn tỉnh. Theo lãnh đạo tập đoàn, các trang trại đều áp dụng công nghệ chăn nuôi, vắt sữa, chế biến sữa tiên tiến hàng đầu thế giới. Giống bò được nuôi, giống cỏ được trồng cũng là những giống ưu tú nhất. Trong đó, cỏ có thể cho năng suất tới 500 tấn/1 ha/1 năm; bò thịt có thể đạt trọng lượng gần 5 tạ/1 con; bò sữa có thể cho năng suất 30 lít/1 con/1 ngày, cao vượt cả những doanh nghiệp sữa hiện tại như Vinamilk và TH True Milk.
Ông Dương Ngọc Thành, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Gia Lai, cho rằng, đóng góp của các doanh nghiệp nuôi bò là đáng ghi nhận.
“Sự đóng góp của các doanh nghiệp và công ty cổ phần chăn nuôi ở Gia Lai vào việc cải tạo thể vóc và chất lượng đàn bò là đáng ghi nhận. Sự đóng góp của họ đã góp phần tăng trọng lượng của con bò, bình quân chung đạt 350 kg. Bình quân khối lượng tăng và chất lượng cũng tăng”, ông Thành chia sẻ.
Cũng ở Gia Lai, một trang trại bò sữa khác cũng nhanh chóng mọc lên trong sự thán phục của người dân và chính quyền địa phương, đó là trang trại của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, xây dựng trên phần đất rừng nghèo đã chuyển đổi, nhưng không trồng cao su, tại xã Ia Le, huyện Chư Pứh. Cao su đã không mang lại nguồn vàng trắng giá trị như mong đợi, nay bò sữa là chỗ dựa mới.
Video đang HOT
Bởi vậy, dù mới tới lập nghiệp và định cư ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, cách khá xa trang trại Đức Long Gia Lai, nông dân Ngô Văn Lập vẫn nắm rõ thông tin và tràn ngập hy vọng vào dự án.
“Trang trại chăn nuôi của Đức Long rất triển vọng. Trước mắt, họ họp dân, hứa đầu tư cho dân để dân trồng ngô, đến lúc thu hoạch được họ mua cả lá, cả thân cả. Ngô có thời gian trồng ngắn hơn, chỉ khoảng 70 ngày nhưng lại có giá bán cao hơn, đạt hơn 15 triệu đồng/ha so với trước. Cùng với đó, tập đoàn còn đầu tư đường xá, trải cấp phối, lu phẳng về đến tận trang trại”, ông Lập phấn khởi cho biết.
Vùng rừng trồng mênh mông giờ trở thành đồng cỏ của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai
Ngoài Gia Lai, 3 tỉnh khác ở Tây Nguyên là Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng đều có doanh nghiệp xin đăng ký các dự án rất lớn về chăn nuôi bò; không tỉnh nào có tổng vốn cam kết dưới 10.000 tỷ đồng. Riêng Đăk Lăk, các dự án có tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng. Lĩnh vực chăn nuôi bò hấp dẫn đến nỗi, doanh nghiệp chuyên về sản xuất đồ gỗ và trồng rừng như Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng sốt sắng triển khai dự án nuôi bò 4.500 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Khánh Hoà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Trường Thành, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cho biết, thực hiện dự án tại Đăk Nông, Trường Thành triển khai dự án tiền khả thi 9.000 tỷ đồng. Dự án này tạo ra một chuỗi giá trị tiềm năng cho tỉnh, thu hút đông đảo người dân và doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị. Trước đó, do quy trình thủ tục hành chính của tỉnh quá phức tạp, hội đồng quản trị công ty đã quyết định hạ quy mô dự án xuống còn 4.500 tỷ đồng nhưng vẫn giữ nguyên những chuỗi giá trị hoạch định ra trong dự án này.
Hy vọng vào những dự án bò còn nhanh chóng truyền tới cả những người làm công tác Giáo dục Đào tạo. TS. Trương Tấn Khanh, Phó trưởng khoa Chăn nuôi-Thú y, trường Đại học Tây Nguyên cho biết, chỉ riêng việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyển kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y đã khiến ngành đào tạo này “cháy hàng”. Ngành cũng nhờ nhu cầu lớn của các dự án mà thoát khó, bước sang một thời kỳ mới đầy triển vọng.
“Trước đây 6 – 7 năm, ngành chăn nuôi đào tạo bác sỹ thú y ra trường không có việc làm, dẫn đến người ta chán học. Có khi hai ba năm ngành chăn nuôi không tuyển được vì học sinh không thi vào. Nhưng mấy năm nay thị trường lao động lại phát triển, các công ty đang triển khai những dự án chăn nuôi lớn tuyển hàng trăm bác sỹ thú y, từ đó số sinh viên theo học ngành này tăng cao”, TS. Khanh cho hay.
Cũng theo TS. Trương Tấn Khanh, tốc độ và hiệu quả áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ở Việt Nam là rất tốt, thậm chí tốt hơn cả Thái Lan, Philippines và Indonesia. “Việc tạo ra năng suất cao, phẩm chất tốt đối với ngành chăn nuôi Việt Nam là không có vấn đề gì” – ông khẳng định. Chính vì vậy, chăn nuôi bò ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều cơ hội thành công.
Tuy nhiên, TS. Trương Tấn Khanh cũng cho rằng, sẽ có 2 điều mà các nhà quản lý phải tính đến đó là những tác động xã hội và môi trường sẽ xảy ra. Khi đất ở những vùng dự án sẽ bị dồn vào các công ty, cứ 10.000 con bò thì cần khoảng 1.000 ha đất, đất ở chỗ này nhiều lên thì chỗ khác sẽ ít đi, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân xung quanh. Ảnh hưởng thứ hai là môi trường. Ở các trại lớn đang xảy ra vấn đề về môi trường, nên ngay từ đầu phải lo vấn đề môi trường.
Có thể thấy, thực trạng của các dự án chăn nuôi bò có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng đang đăng ký đầu tư ở khu vực Tây Nguyên mặc dù có nhiều triển vọng nhưng cũng không ít lo âu. Hiện các tỉnh trong khu vực hoàn toàn không có quỹ đất trống; Khoảng 50.000 ha của các dự án phải rút ra từ đất rừng và đất người dân đang canh tác nhưng chưa có quyền sử dụng đất. Những mối lo lớn đến từ những dự án chăn nuôi ở Tây Nguyên sẽ được đề cập trong phần tiếp theo của loạt bài này…/.
(còn nữa)
Nhóm PV
Theo_VOV
Phát triển đặc sản Việt: Nhà nước phải chủ trì
Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền nhưng chưa được phát triển nên giá trị kinh tế mang lại còn khiêm tốn, rất cần nhà nước chủ trì phát triển đặc sản.
Việt Nam lâu nay vẫn tự hào có nhiều đặc sản, như: Bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Năm Roi (Hậu Giang), nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà (Hải Dương), nem chua Thanh Hóa, dừa Bến Tre, gạo Cần Thơ, gạo Tám thơm (Nam Định), cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc...
Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong các đặc sản nổi tiếng của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)
Trong đó, một số đặc sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, còn lại đa số vẫn đang tự bơi nhờ "hữu xạ tự nhiên hương", trong đó không ít đặc sản có biểu hiện mai một. Trong thời đại thương mại toàn cầu, cạnh tranh gay gắt, các chuyên gia và người trong cuộc khuyến nghị cần nhiều giải pháp để phát triển đặc sản Việt.
Có thể tạo ra các đặc sản mới cho địa phương
Dẫn câu chuyện thực tế về đặc sản địa phương, ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho hay tỉnh miền núi này có nhiều lợi thế tự nhiên và có nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích, như: quế, chè Suối Giàng, táo Mèo, gạo nếp Tú Lệ, tinh bột sắn, khoai tím, hồng không hạt, măng tre bát độ... Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này đã được tỉnh Yên Bái và các địa phương trong tỉnh quan tâm, song công tác quảng bá sản phẩm còn hạn chế, do đó giá sản phẩm bán ra còn thấp so với thực tế.
Chia sẻ thực trạng này, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cho hay việc phát triển các đặc sản địa phương không phải bao giờ cũng thành công. Theo ông Ngọc, đặc sản địa phương mang tính lịch sử, có thể thay đổi theo thời gian. Việc phát triển đặc sản địa phương có thể là phát triển đặc sản hiện tại hoặc đặc sản đã từng tồn tại tại mỗi địa phương.
Với cách tiếp cận này, ông Ngọc cho rằng, "chúng ta có thể tạo ra các đặc sản mới cho địa phương mình". Dẫn kinh nghiệm phát triển đặc sản vùng miền tại Nhật Bản, ông Ngọc cho biết: Ở đất nước mặt trời mọc này, họ có phong trào mỗi làng một sản phẩm đặc sản từ những năm 1979. Có 3 yếu tố cốt lõi của phong trào là: Hành động địa phương/sản phẩm địa phương - suy nghĩa toàn cầu/chất lượng toàn cầu; sáng tạo tự lực cánh sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nguyên liệu có hạn nhưng trí khôn và tính sáng tạo thì vô hạn...
Việc phát triển hàng gỗ mỹ nghệ ở làng Atelier Toki, Nhật Bản có triết lý phát triển bền vững để xây dựng hình ảnh sản phẩm địa phương. Ở đó, người dân địa phương không nghĩ những cành cây bị gió làm gẫy là rác. Đó là những nguyên liệu rất quý để họ làm ra các sản phẩm thủ công có chất lượng. Và, nếu họ chặt 1 cây thì sẽ trồng 5 cây ngay cạnh đó và để có một khu rừng nhỏ để sống hòa hợp với thiên nhiên trong 10 năm sau đó. Đặc biệt, người dân nơi đây quan niệm: Nguyên liệu thì có hạn nhưng trí khôn và tính sáng tạo thì vô hạn..."- ông Lê Bá Ngọc, VIETCRAFT.Với phương châm đó, Nhật Bản đã có nhiều thương hiệu đặc sản nổi tiếng như: nấm hương khô, rượu Shochu lúa mạch, chanh Kabosu... Nhờ đó, thu nhập của người sản xuất ra đặc sản này cao hơn rất nhiều lần thu nhập của các công nhân trong các nhà máy công nghiệp.
Để có được kết quả này, trong 3 yếu tố cốt lõi nêu trên, riêng về sản phẩm địa phương - chất lượng toàn cầu, thì người Nhật đã làm tốt việc sử dụng các nguồn lực địa phương (nguyên liệu, con người, kỹ thuật truyền thống, sáng kiến). Chất lượng sản phẩm luôn hướng đến hoàn hảo, luôn cải tiến sản phẩm làm ra kiểu sản phẩm hôm nay tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai. Đồng thời, kiểm soát chất lượng toàn diện từ khâu nguyên liệu cho đến người tiêu dùng, các sản phẩm đều có chứng thực về chất lượng. Họ cũng luôn đa dạng hóa sản phẩm từ một nguồn nguyên liệu đầu vào và tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào (hạn chế sử dụng tài nguyên). Tất nhiên, người Nhật cũng luôn cải tiến và đề cao vai trò của bao bì sản phẩm.
Chú trọng phát triển thương hiệu, đảm bảo chất lượng
Khác với cách phát triển thương hiệu đặc sản ở Nhật Bản, tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, lấy ví dụ thực tế tại các tỉnh, thành Nam bộ cho thấy, ở đây có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có, nổi tiếng cả nước và có giá trị kinh tế cao (xoài, sầu riêng, măng cụt, khô cá tra phồng, khô cá lóc, mắm cá sặc, mắm ba khía...). Tuy nhiên, đến nay, nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.
Trước thực trạng này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Invest Corporation, chỉ ra rằng, thương hiệu đặc sản Việt Nam chưa tạo được uy tín sâu rộng do nhiều nguyên nhân: Hàng kém chất lượng làm giảm uy tín thương hiệu (ví dụ chè bẩn Tuyên Quang, trộn phân lân, xi măng, bùn vào chè). Hoặc sản phẩm nước ngoài đột lốt hàng Việt gây hoang mang cho người tiêu dùng (ví dụ: nấm hương Trung Quốc là nấm Lào Cai, nấm Hà Nội, hành tỏi Trung Quốc thành hành tỏi miền Trung...).
Đặc biệt, theo ông Vinh, nhiều sản phẩm đặc sản nước ta chưa được đầu tư xây dựng thương hiệu, bán sản phẩm thô để nước ngoài gắn thương hiệu của họ và xuất khẩu.
Do vậy, để cải thiện thực trạng này, ông Vinh đề nghị: Cần có một nỗ lực và kế hoạch hành động từ phía cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ đầu ra cho đặc sản vùng miền nước ta. Trong đó, trước hết là quan tâm xây dựng thương hiệu, vì thương hiệu là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng căn cứ ra quyết định mua hàng.
Theo đó, mô hình hợp tác công - tư cần được chú trọng, với chiến lược là Nhà nước phải xây dựng cơ sở pháp lý, chính sách, quy hoạch và cung cấp đất xây chợ; hỗ trợ chiến lược quảng bá thương hiệu; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại; bảo đảm xuất xứ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đặc sản. Còn về phía doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng chợ, nghiên cứu thị trường, thu mua và cung cấp đặc sản, xây dựng thương hiệu, kinh doanh và vận hành chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, bán lẻ, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại...
Một giải pháp nữa được nhiều chuyên gia khuyến dùng để làm tăng vị thế đặc sản vùng là cần tạo liên kết vùng giữa các địa phương, thông qua sự hợp tác của các trung tâm xúc tiến thương mại nhằm gắn kết giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ.
Xuân Thân
Theo_VOV
Hạn, mặn gây thiệt hại gần 5.600 tỷ đồng Đại hạn, mặn xâm thực ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung bộ khiến nhiều triệu người sống khổ sở và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai cho biết khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu thiệt hại...