Mỗi lần remake, phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung lại bị chê vì nhân vật ‘có sắc mà chẳng có hương’
Những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung khá nhiều. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng được lòng người xem vì dàn diễn viên ‘có sắc mà chẳng có hương’.
Nhắc tới cố nhà văn Kim Dung, người Trung Quốc thường có câu ‘ Ở đâu có người Hoa, ở đó sẽ có người đọc tiểu thuyết Kim Dung‘. Thế mới nói, Kim Dung – tác giả của những tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng nhất Trung Quốc có ảnh hưởng rộng lớn tới mức nào.
Cố nhà văn Kim Dung được đánh giá là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất tới văn học Trung Quốc thế kỉ XX
Suốt nửa thế kỉ qua, hơn 90 tác phẩm điện ảnh và truyền hình chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Kim Dung nối tiếp nhau ra đời. Phim kiếm hiệp Kim Dung không chỉ là món ăn tinh thần của thế hệ 8x, 9x mà còn trở thành một phần của văn hóa đại chúng Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế là, không phải bộ phim chuyển thể nào từ tiểu thuyết Kim Dung cũng chiếm được cảm tình của khán giả. Đặc biệt là trong thời đại ‘vàng thau lẫn lộn’, diễn viên truyền hình ‘có sắc mà chẳng có hương’.
Lần đầu xuất bản năm 1959, Thần điêu đại hiệp được coi là tác phẩm xuất sắc, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn Kim Dung. Với nội dung xoay quanh mối tình thầy trò giữa Dương Quá – Tiểu Long Nữ, Thần điêu đại hiệp đã lay động hàng triệu trái tim khán giả và được chuyển thể liên tục với 4 bản điện ảnh, 9 bản truyền hình.
Đây cũng là cuốn tiểu thuyết được cố nhà văn Kim Dung nhiều lần chỉnh sửa. Bản mới nhất hiện có nhiều điểm khác biệt với phiên bản đầu tiên.
La Lạc Lâm và Lý Thông Minh là hai diễn viên đầu tiên đóng Dương Quá, Tiểu Long Nữ trên phim truyền hình. Ngay khi ra mắt tại HongKong năm 1976, phiên bản đầu tiên của ‘Thần điêu đại hiệp’ đã được khán giả đón nhận nhiệt tình.
Năm 1983, ‘Thần điêu đại hiệp’ tiếp tục được TVB chuyển thể. Với xuất ấn tượng của Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên, ‘Thần điêu đại hiệp’ 1983 trở thành phiên bản được cố nhà văn Kim Dung ủng hộ, hài lòng nhất.
Phiên bản ‘Thần điêu đại hiệp’ năm 1995 do Lý Nhược Đồng – Cổ Thiên Lạc đóng chính vẫn được coi là kinh điển trong lòng thế hệ 8x, đầu 9x.
Năm 1998, Singapore và Malaysia hợp tác sản xuất ‘Thần điêu đại hiệp’. Đây không chỉ là tác phẩm đưa sự nghiệp của hai diễn viên chính bước sang trang mới mà còn là sợi tơ hồng định mệnh gắn kết Lý Minh Thuận và Phạm Văn Phương.
Năm 2006, ‘Thần điêu đại hiệp’ tiếp tục được Trung Quốc đại lục chuyển thể. Nhờ thành công của bộ phim, tên tuổi Huỳnh Hiều Minh vươn lên hàng sao hạng A của làng phim Hoa ngữ, trong khi đó, Lưu Diệc Phi trở thành ‘Thần tiên tỷ tỷ’ trong kí ức nhiều khán giả truyền hình.
Phiên bản ‘Thần điêu đại hiệp’ 2014 được coi là thảm họa khi nhân vật Tiểu Long Nữ do Trần Nghiên Hy thủ vai có tạo hình xấu tệ, bị dàn nữ phụ lấn lướt từ ngoại hình tới diễn xuất. Trong phim, nhân vật này còn được khán giả gọi với biệt danh hài hước – ‘Cô cô đùi gà’.
Dù mới tung poster nhưng ‘Thần điêu đại hiệp’ phiên bản 2019 đã nhận không ít gạch đá từ khán giả vì photoshop quá lố, Tiểu Long Nữ không khác gì ‘hàng nhái’ của Lưu Diệc Phi.
Tiếu ngạo giang hồ
Tiếu ngạo giang hồ là cuốn tiểu thuyết được nhà văn Kim Dung viết từ năm 1967, đến năm 1969 mới hoàn thành. Nội dung tiểu thuyết nói về cuộc đời của nhân vật chính Lệnh Hồ Xung cùng mối tính vượt định kiến với Thánh cô Ma giáo Nhậm Doanh Doanh. Bốn chữ ‘Tiếu ngạo giang hồ’ được lấy từ câu trong tiểu thuyết ‘Tây du ký’ của Ngô Thừa Ân. Đây cũng là tên bản nhạc cầm tiêu hợp tấu được nhắc đến trong tác phẩm.
Năm 1984, TVB chuyển thể ‘Tiếu ngạo giang hồ’ lên màn ảnh nhỏ. Đóng cùng với Châu Nhuận Phát trong bản dựng này là Trần Tú Châu (vai Nhậm Doanh Doanh), Thích Mỹ Trân (vai Nhạc Linh San)…
Vai diễn Lệnh Hồ Xung do Lữ Tụng Hiền thủ vai trong ‘Tiếu ngạo giang hồ’ phiên bản 1996 được xem là Lệnh Hồ Xung ấn tượng nhất trên màn ảnh.
Năm 2001, ‘Tiếu ngạo giang hồ’ lần đầu tiên được lên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, lại chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Bản thân nhà văn Kim Dung rất coi trọng sự kiện này nên chỉ lấy tiền bản quyền là một nhân dân tệ. Bản dựng năm 2001 do Lý Á Bằng và Hứa Tình thủ vai cũng là phiên bản ‘Tiếu ngạo giang hồ’ thân thuộc nhất với khán giả Việt.
Dưới bàn tay nhào nặn của ‘biên kịch vàng’ Vu Chính, tân ‘ Tiếu ngạo giang hồ’ bị khán giả công kích tới mức gọi là ‘thảm họa truyền hình năm 2013′. Bộ phim khiến fan Kim Dung vô cùng phẫn nộ khi dám thẳng tay ‘chuyển đổi giới tính’ của Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân), biến mối quan hệ giữa Lệnh Hồ Xung (Hoắc Kiến Hoa) và Nhậm Doanh Doanh (Viên San San) thành chuyện tình tay ba.
Thảm họa hơn cả phiên bản 2013, ‘Tiếu ngạo giang hồ’ 2018 còn bị đánh giá chẳng khác gì một bộ phim đam mỹ. Nam chính Đinh Quán Sâm trở thành tâm điểm chỉ trích với gương mặt quá non nớt, diễn xuất dở tệ, chẳng khác nào ‘Lệnh Hồ Xung phiên bản thiếu nhi’.
Thiên long bát bộ
Thiên long bát bộ là cuốn tiểu thuyết được viết trong thời gian lâu nhất của cố nhà văn Kim Dung. Tác phẩm gồm 50 chương, được bắt đầu đăng tải trên tờ Minh báo do Kim Dung sáng lập từ năm 1963 tới năm 1966. Thiên long bát bộ được ngợi ca là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của Kim Dung khi khắc họa rõ nét cuộc đời nhiều sóng gió của ba nhân vật Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc trong thời kì đất nước loạn lạc.
Năm 1982, ‘Thiên long bát bộ’ lần đầu tiên được chuyển thể thành phim truyền hình dưới cái tên ‘ Thiên Long Bát Bộ: Lục Mạch Thần Kiếm, Hư Trúc Truyền Kỳ’.
Trong tất cả phiên bản, ‘Thiên long bát bộ’ (1997) là tác phẩm được nhiều người khen ngợi nhất. Đặc biệt, nhân vật Vương Ngữ Yến do Lý Nhược Đồng thủ vai đã trở thành ‘tượng đài’ trong lòng khán giả 8x, được xem là ‘Vương Ngữ Yến xinh đẹp nhất lịch sử’.
Năm 2003, ‘Thiên long bát bộ’ tiếp tục được làm lại với kỹ xảo hành động đẹp mặt, thỏa mãn phần nhìn. Không chỉ vậy, diễn xuất của dàn diễn viên như: Hồ Quần, Lâm Chí Dĩnh, Lưu Diệc Phi… cũng nhận được không ít lời khen ngợi từ khán giả. Một số người cho rằng, bản dựng này còn thành công hơn cả ‘Thiên long bát bộ’ phiên bản 1997.
Với sự góp mặt của nhiều ngôi sao nổi tiếng như: Chung Hán Lương, Hàn Đống, Kim Ki Bum… nhưng ‘Thiên long bát bộ’ phiên bản 2013 vẫn thất bại thảm hại. Bộ phim bị nhận xét là: nhảm nhí, kịch bản rời rạc, không thể hiện được khí chất anh hùng.
Dù mới khai máy chưa lâu nhưng ‘Thiên long bát bộ’ phiên bản 2019 vẫn không tránh khỏi bị cư dân mạng ‘mổ xẻ’. Hầu hết mọi người đều cho rằng tạo hình quá dìm hàng nhân vật, trông ai cũng ‘kém sang’ và Đoàn Dự vốn nổi danh đẹp trai nay lại vô cùng ‘kém sắc’.
Ỷ Thiên Đồ Long ký
Ỷ Thiên Đồ Long ký gồm 40 chương, ra mắt năm 1961. Đây là cuốn cuối cùng trong bộ tiểu thuyết ‘Tam khúc xạ điêu’. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Trương Vô Kỵ, một chàng trai lương thiện, cả tin nên thường bị thiệt thòi. Tuy nhiên, với võ công cái thế, Trương Vô Kỵ đã lần lượt vạch trần những âm mưu thủ đoạn tàn khốc trong giang hồ nhằm chiếm đoạt hai binh khí là Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao.
Năm 1978, ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ được hãng Thiệu Thị Huynh Đệ ra mắt khán giả, quy tụ những nhan sắc nổi bật nhất điện ảnh HongKong lúc bấy giờ.
Năm 1986, phiên bản ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ do Lương Triều Vỹ, Lê Mỹ Nhàn, Nhậm Đạt Hoa… đóng chính bất ngờ tạo nên cơn sốt. Phim để lại ấn tượng với dàn diễn viên trẻ, đẹp, diễn xuất tốt, được trang QQ bình chọn là phiên bản ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ thành công nhất.
Năm 2003, Trung Quốc đại lục tiếp tục làm lại ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ với sự tham gia của Tô Hữu Bằng, Cao Viên Viên, Giả Tịnh Văn… đã thu hút được nhiều sự quan tâm cuả khán giả. Tuy nhiên, bộ phim vẫn bị coi như ‘Ỷ Thiên phiên bản phim thần tượng’.
‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ bản 2009 do Đặng Siêu và An Dĩ Hiên đóng chính bị đánh giá là mờ nhạt so với các phiên bản của TVB trước đó, dù ekip làm phim đã mạnh dạn đầu tư cho bối cảnh nhằm tái hiện khung cảnh như trong nguyên tác Kim Dung.
Được dự kiến lên sóng trong thời gian sắp tới, ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ phiên bản 2019 quy tụ dàn sao trẻ 9x của màn ảnh Hoa ngữ hiện tại như: Tăng Thuấn Hi, Trần Ngọc Kỳ, Chúc Tự Đan… Dù phần nhìn đã tạm thời thỏa mãn, nhưng diễn xuất của dàn diễn viên vẫn là câu hỏi lớn với khán giả.
Trailer ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ năm 2019
Theo tiin.vn
Những bộ phim Hoa ngữ từng gây tranh cãi khi nam nữ phụ lại được yêu thích và nhiều đất diễn hơn vai chính
Phim truyền hình cải biên từ các tiểu thuyết nhiều năm trở lại đây được rất nhiều nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, họ lại thay đổi quá nhiều so nguyên tác, tới cả diễn viên phụ cũng bị đẩy làm nam nữ chính.
Những bộ phim truyền hình được cải biên từ các bộ truyện trên mạng ngày càng nhiều. Các nhà sản xuất nói rằng sẽ dựa theo nguyên gốc của tiểu thuyết mà thực hiện nhưng lại thay đổi rất nhiều, đến nổi tình tiết nội dung hay nhân vật cũng không thể nguyên vẹn như truyện đã miêu tả trước đó. Có nhiều độc giả sau khi xem xong bộ phim còn ngỡ ngàng vì sự thay đổi của tác phẩm mà biên kịch mang lại.
Những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung đã được chuyển thể thành phim không biết bao nhiêu lần. Trong bộ phim Tiếu ngạo giang hồ () được Vu Chính làm lại năm 2012 đã thay đổi rất nhiều.
Bộ phim có sự tham gia của một dàn diễn viên rất đỗi hùng hậu là "gà mới" nhà Vu Chính bao gồm: Viên San San, Trần Hiểu, Dương Dung, Tưởng Y Y... và hai diễn viên rất nổi tiếng là Hoắc kiến Hoa, Trần Kiều Ân.
Bộ phim khi được ra mắt khán giả đã thu hút rất nhiều sự chú ý nhưng đến cuối cùng đã làm người xem thất vọng. Nguyên bản đã bị biên kịch Vu Chính thay đổi gần như hoàn toàn, có nhiều nhận xét bộ phim đã không còn là Tiếu ngạo giang hồ nữa.
Vì có nhiều gương mặt mới cần lăng xê nên Vu Chính tạo điều kiện nâng tầm họ lên. Thế nhưng Vu Chính sai lầm, khán giả cho biết rằng nam phụ của phim thì đất diễn nhiều hơn nam chính, có người xem phim chỉ muốn nữ phụ Đông Phương bất bại (Trần Kiều Ân) sẽ tạo nên một chuyện tình đẹp với nam chính Lệnh Hồ Xung (Hoắc Kiến Hoa). Còn nữ chính của phim là Viên San San sau khi tham gia còn nhận thêm nhiều "gạch đá" từ người xem.
Bộ phim thứ hai có thể kể đến vì đã làm thay đổi nhiều tình tiết trong truyện chính là Tru tiên: Thanh Vân chí ( É13;õ35;). Đây là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Tru tiên, một tác phẩm rất được yêu thích trên các trang truyện ờ Trung Quốc, khán giả lại rất mong chờ phim phát sóng. Nhưng đến lúc bộ phim được phát sóng lại nhận về nhiều lời chê trách hơn là khen ngợi.
Dù cho nam chính là Lý Dịch Phong, nữ chính là Triệu Lệ Dĩnh, dàn diễn viên phụ là Dương Tử, Tần Tuấn Kiệt nhưng vẫn không cứu nổi bộ phim. Khán giả cho rằng nội dung bộ phim đã bị biên kịch "xào nấu" quá nhiều, không chỉ các fan nguyên tác, những khán giả trung lập cũng chê tơi bời nội dung của Tru tiên: Thanh Vân Chí. Theo đó, kịch bản phim bị đánh giá dài dòng, rời rạc, thiếu điểm nhấn. Phim không còn chất tiên hiệp mà đậm chất ngôn tình.
Nữ chính Bích Dao (Triệu Lệ Dĩnh) quá yểu điệu hay tỏ vẻ đáng thương, còn cùng với Trương Tiểu Phàm (Lý Dịch Phong) diễn quá nhiều cảnh tình cảm rồi trở nên dư thừa. Sau bộ phim, Triệu Lệ dĩnh nhận nhiều "gạch đá" hơn các tác phẩm khác mà cô từng tham gia diễn xuất. Tuy nhiên, ưu điểm cần phải khen ngợi rằng Tru tiên: Thanh Vân Chí được đầu tư khá nhiều về những pha hành động và hậu kì kĩ xảo hoàn hảo.
Đối với người hâm mộ dòng phim chuyển thể thì Hương mật tựa khói sương(2018) đã không làm họ thất vọng. Thế nhưng nhiều khán giả cho rằng nhân vật nam phụ Nhuận Ngọc đã được biên kịch ưu ái cho thêm nhiều đất diễn hơn so với nguyên tác.
Có người còn cho rằng nhân vật Dạ Thần Nhuận Ngọc ( La Vân Hi) còn xuất hiện trong các tập phim nhiều hơn hẳn nam chính Húc Phượng ( Đặng Luân). Trong giai đoạn bộ phim phát sóng, người hâm mộ của hai diễn viên đã tranh cãi rất nhiều về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng việc "tẩy trắng" cho một nhân vật ác như Nhuận Ngọc của biên kịch đã làm trái hoàn toàn với tác phẩm.
Nhưng nói đi thì cũng nói lại, do quá hợp tạo hình cộng với khả năng diễn xuất tốt mà La Vân Hi rất được khán giả yêu thích bên cạnh tranh cãi cướp đất diễn của đồng nghiệp. Còn về phần cặp đôi chính là Đặng Luân - Dương Tử vẫn thu hút được lượng hâm mộ hùng hậu về cho mình dù đất diễn bị hạn chế khá nhiều.
Dù có nhiều thay đổi so với nguyên bản nhưng ba bộ phim kể trên cũng có những gặt hái được những thành công riêng và để lại nhiều ấn tượng dù tốt trong lòng khán giả.
Theo saostar
Nhìn thứ vị nữ hiệp "Tân Thiên Long Bát Bộ" đang đội trên đầu, bạn có đói chưa? Còn chưa kịp để công chúng "tiếp nhận" tạo hình khó hiểu ở buổi khai máy, NSX Tân Thiên Long Bát Bộ tiếp tục gây choáng cho fan của Kim Dung bởi phục trang khó hiểu trong phim. Trong ngày 25/1, NSX Tân Thiên Long Bát Bộ, phiên bản được cho là sở hữu nhân vật Kiều Phong xấu nhất trong lịch sử...