Môi giới khóc ròng vì khách truy chuyện thế chấp dự án
“Tại sao dự án đã thế chấp rồi mà em lại bán cho chị? Nếu em không làm rõ chuyện này chị sẽ lôi công ty ra tòa. Lúc nào cũng giới thiệu là công ty uy tín mà làm ăn kiểu gì vậy?…” Câu chuyện của Hoàng Nam, môi giới tại Q.2, kể về việc khách hàng truy vấn tới tấp như trên không phải hiếm.
Mọi chuyện bắt đầu từ thông tin gần 80 dự án tại TP.HCM thế chấp ngân hàng, được nhiều tờ báo đăng tải từ đầu tuần nay. Theo Hoàng Nam, lúc tư vấn bán căn hộ, cũng như thông tin được đăng trên các báo, đều nói dự án được ngân hàng thương mại tài trợ vốn. Tuy nhiên, nhiều khách không hình dung rằng tài trợ vốn tức là ngân hàng cho chủ đầu tư vay và chủ đầu tư phải thế chấp dự án.
“Thông thường môi giới chỉ nắm rõ thông tin về sản phẩm, chính sách bán hàng, còn pháp lý thì đa phần phải nhờ cấp quản lý giải thích cho khách hàng. Ngay thứ 2 vừa rồi hàng loạt khách hàng cũ gọi điện hỏi chuyện tại sao dự án đã bán mà còn thế chấp. Đây là tình huống mà môi giới tụi em chưa bao giờ gặp nên cũng xin hẹn khách hàng lên công ty để sếp trả lời.
Tâm lý rất quan trọng đối với giao dịch bất động sản
Cũng may trong 2 ngày gần đây, rất nhiều chuyên gia, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã lên tiếng, thông tin đầy đủ chuyện thế chấp dự án là bình thường và được thực hiện đúng luật, nên tâm lý khách hàng cũng được giải tỏa phần nào, không còn căng thẳng nữa. Giờ có khách hỏi thì tụi em chỉ cần gửi link những bài báo liên quan, để khách đọc là hiểu ngay vấn đề” – Nam cho biết.
Đại diện 1 chủ đầu tư có dự án trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), cho biết, dự án đã bán sạch 100% và đang xây vượt tiến độ. Nhưng 2 ngày qua, khách hàng liên tục gọi môi giới và bộ phận chăm sóc khách hàng, để xét hỏi chuyện dự án nằm trong danh sách thế chấp. Dù cố gắng giải thích qua điện thoại, gửi các bài báo phân tích của chuyên gia cho khách hàng đọc, nhưng vẫn có vài khách dọa kiện và đòi gặp lãnh đạo công ty làm rõ chuyện.
Video đang HOT
“Khách hàng không phải ai cũng nắm rõ thông tin nên doanh nghiệp có tên trong danh sách thế chấp thì chuyện ảnh hưởng đến tâm lý rất khó kiểm soát. Khi thông tin Hưng Lộc Phát thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại của cao ốc Hưng Phát được công bố, chúng tôi cũng đã thông tin cho môi giới nắm rõ, để giải thích cho khách hàng.
Đây là những căn hộ chưa bán và diện tích thuộc sở hữu riêng nên chúng tôi có quyền thế chấp. Những khách hàng khác đã nhận giấy chủ quyền từ tháng 3/2016, nên hoàn toàn yên tâm, không bị ảnh hưởng đến quyền lợi” – ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát, chia sẻ.
Theo ông Trần Minh Nhật, Tổng giám đốc Công ty Nhà Thời Đại, dù những thông tin về thế chấp dự án được các chuyên gia, nhà quản lý phân tích là bình thường và đúng luật nhưng nó vẫn có dư chấn, làm chậm thị trường. Có những khách hàng lẽ ra đã xuống tiền, nhưng thông tin gây nhầm lẫn đã làm họ phải suy nghĩ lại và phải mất 2 – 3 tuần để họ ra quyết định.
“Tâm lý rất quan trọng đối với giao dịch bất động sản, nên dù dự án anh tốt nhưng tâm lý chung của thị trường bị ảnh hưởng, thì sức mua sẽ bị giảm ngay thời điểm đó. Xa hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả giao dịch, được nhắc đến trong các báo cáo hàng quý, của các công ty nghiên cứu thị trường. Đây là tác động dây chuyền, cần phải lường trước, mỗi khi những thông tin nhạy cảm được công bố” – ông Nhật đánh giá.
Quốc Tuấn
Theo_VietNamNet
"Ở Việt Nam, ông nào làm dự án mà chẳng thế chấp!"
Doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, vay vốn ngân hàng là chuyện bình thường. Muốn vay thì phải thế chấp dự án. Doanh nghiệp không vay thì hệ thống ngân hàng để làm gì?... Chuyện thế chấp dự án hết sức bình thường bỗng dưng thành bất thường sau khi 77 dự án thế chấp được công bố.
Trên đây là ghi nhận từ chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng như ngân hàng về tác động từ việc công khai dự án thế chấp. Hàng chục năm nay, từ khi thị trường bất động sản bắt đầu phát triển thì chủ đầu tư đã dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, bên cạnh nguồn vốn tự có và huy động từ khách hàng.
Đầu tư dự án không thế chấp vay vốn là chuyện hy hữu
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietbank, cho biết, doanh nghiệp bất động sản thế chấp dự án vì nhiều mục đích khác nhau như: Để vay vốn để xây dựng công trình hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng
... Tuy nhiên, cần phải nói thêm, việc thế chấp đều được thực hiện theo luật. Những dự án được thế chấp đều được ngân hàng thẩm định về mặt pháp lý cũng như năng lực chủ đầu tư. Ở góc độ này những dự án được thế chấp là những dự án tốt chứ không phải là xấu.
"Theo quy định của Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp. Luật không bắt buộc chủ đầu tư bán dự án A thì phải thế chấp dự án A mà có thể thay bằng tài sản đảm bảo B.
Nhưng Ngân hàng muốn giám sát dòng tiền từ dự án thì bán dự án nào, thế chấp dự án đó là tốt nhất. Việc này cũng tốt cho khách hàng vì Ngân hàng đã thay họ giám sát dòng tiền đi đúng mục đích. Như vậy, hầu như dự án nào theo trình tự đến lúc muốn ra chứng thư bảo lãnh cho khách hàng thì đều phải thế chấp dù có vay vốn hay không" - ông Nhung cho biết.
Trường hợp khá hy hữu, khi chuyện thế chấp được công bố xảy ra với dự án The Art, do Công ty Gia Hòa làm chủ đầu tư. Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Hòa, cho biết, Công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để xây dựng dự án mà không cần vốn vay ngân hàng. Việc thế chấp của dự án là đúng, nhưng do công bố thông tin không đầy đủ khiến nhiều khách hàng hiểu nhầm.
"Công ty chỉ sử dụng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án The Art để bảo đảm cho nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản. Tính đến ngày 25/7, dư nợ vay để thực hiện dự án The Art của Công ty Gia Hòa tại ngân hàng bảo lãnh là 0 đồng" - ông Mạnh nói.
Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VietHome, cho rằng, với quy định về việc bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai như hiện nay, chuyện thế chấp dự án gần như là đương nhiên. Công ty bất động sản nào mà chẳng vay vốn, không lúc này thì lúc khác, không dự án này thì dự án khác.
"Điều quan trọng là cơ cấu vốn vay trên tài sản nhiều hay ít và uy tín năng lực công ty đến đâu. Không vay vốn thì tiền đâu ra mà phát triển dự án hàng ngàn tỷ? Tất nhiên, doanh nghiệp đó phải có lịch sử vay - trả tốt, làm ăn uy tín thì mới vay được nhiều và nhiều ngân hàng nhảy vào cho vay, chứ chẳng ngân hàng nào cho doanh nghiệp thiếu uy tín vay 1 đống tiền, để rồi không biết thu hồi nợ ra sao" - ông Đào phân tích.
"Vấn đề của khách hàng không phải là dự án có thế chấp hay không, mà quan trọng là căn nhà họ mua có bị thế chấp hay không. Dự án thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư "có vấn đề". Chỉ cần nhìn danh sách dự án thế chấp thì sẽ thấy, những chủ đầu tư uy tín hàng đầu hiện nay đều có mặt.
Việc dự án thế chấp ngân hàng đồng nghĩa khách hàng sẽ được lợi bởi ngân hàng sẽ giám sát dòng tiền vào dự án. Thử hỏi, nếu chủ đầu tư không thế chấp, họ thu tiền khách hàng rồi dùng vào việc khác thì khách hàng biết kêu ai? Chờ ra pháp luật phân xử thì đã muộn rồi"- ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Địa ốc Trường Phát, phân tích.
Quốc Tuấn
Theo_VietNamNet
Quy định mới về cải tạo chung cư cũ Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 21/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NCC). Ảnh minh họa. Theo đó việc lập hồ sơ đề xuất đăng ký tham gia làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại NCC chỉ...