Mối đe dọa rình rập hàng triệu người Mỹ chưa tiêm vắc xin
Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra, 5 khu vực dân cư gồm 15 triệu dân Mỹ có nguy cơ trở thành “lò ấp” những biến chủng virus nguy hiểm hơn do phần lớn dân cư ở các khu này chưa tiêm vắc xin.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều người Mỹ vẫn chưa thực sự mặn mà với việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 (Ảnh: USA Today).
CNN đưa tin, các nhà nghiên cứu từ Đại học Georgetown công bố một bản phân tích dữ liệu mới, cảnh báo rằng các khu vực dân cư có tỷ lệ tiêm chủng thấp, hầu hết nằm ở miền nam nước Mỹ, rất dễ tổn thương trước làn sóng lây nhiễm dịch bệnh bùng phát và có thể trở thành “lò ấp” những biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn cho nước Mỹ và cả thế giới.
Nghiên cứu trên xác định ra 30 khu vực gồm các hạt tiêm chủng thấp, trong đó có 5 cụm nằm rải rác tại các bang đông nam và trung tây của Mỹ. Các cụm dân cư này trải rộng trên 8 bang, bắt đầu từ đông Georgia tới Texas ở phía tây, Missouri ở phía nam. Ngoài ra, các cụm này gồm một phần của các bang Alabama, Arkansas, Louisiana, Oklahoma và Tennessee. Hầu hết các bang kể trên đều đang ghi nhận số ca Covid-19 tăng trong thời gian qua.
“Một phần của nước Mỹ đang dễ tổn thương và nếu không nói là tổn thương hơn thời điểm tháng 12/2020″, chuyên gia Shweta Bansal từ Đại học Georgetown cảnh báo.
Video đang HOT
Các khu vực dễ tổn thương trên đang đặt nước Mỹ và cả thế giới vào mối đe dọa rằng kịch bản năm 2020 có thể tái diễn một phần nào đó, khi những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao có thể trở thành “lò ấp” các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn trong tương lai.
“Những khu vực tập trung người chưa tiêm chủng đang chặn đứng con đường nhằm loại bỏ virus vĩnh viễn”, tiến sĩ Jonathan Reiner từ đại học George Washington, cảnh báo.
Hiện có 1/3 người Mỹ chưa tiêm bất cứ mũi vắc xin nào và nghiên cứu của Georgetown chỉ ra rằng họ không phân bố đồng đều khắp cả nước, mà tập trung lại trong các khu vực kể trên. Năm khu vực dân cư “trong tầm ngắm” của nghiên cứu bao gồm 15 triệu dân và trong số đó, chỉ 27,9% người đã tiêm chủng đầy đủ các mũi, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 47,6% trên cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng triệu người Mỹ chưa tiêm chủng đang đối mặt với nguy cơ có thể vô tình giúp hình thành nên biến chủng mới khi tình hình lây nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng.
Cơ chế xuất hiện của biến chủng là, mỗi lần nó lây lan rộng khắp, nó sẽ có cơ hội để học cách đột biến. “Nếu quý vị cho virus cơ hội lan truyền và nhân rộng, quý vị đã trao cho nó cơ hội để sản sinh ra nhiều biến chủng hơn”, nhà dịch tễ học Mỹ Anthony Fauci cảnh báo.
Các chuyên gia lo ngại rằng, những biến chủng mới có thể sẽ ngày càng nguy hiểm hơn và có thể có khả năng kháng vắc xin. Điều này có thể gây ra mối đe dọa với cả những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao.
“Chúng ta đã khá may mắn khi các biến thể cho đến nay tương đối bị vô hiệu bởi vắc xin, nhưng nếu càng chần chừ trong việc tiêm vắc xin, biến chủng kháng vắc xin càng có cơ hội cao xuất hiện”, chuyên gia Reiner cảnh báo.
Chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm đe dọa các bang Mỹ chậm tiêm chủng
Giới chuyên gia lo ngại biến chủng Delta đang có nguy cơ đe dọa nước Mỹ khi một số bang chậm tiêm vắc xin đang ghi nhận số ca bệnh gia tăng.
Một cơ sở tiêm chủng ở Seattle, bang Washington (Ảnh: Reuters).
Tại Mỹ, một số bang đang thực hiện rất trơn tru chương trình tiêm chủng, hướng tới mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số bang đang đối mặt với nguy cơ dịch bùng trở lại do chậm tiêm chủng và sự xuất hiện của biến thể Delta nguy hiểm, chủng gây ra làn sóng lây nhiễm bùng nổ ở Ấn Độ hồi tháng 4.
Khoảng 45,2% dân số Mỹ đã tiêm đủ các mũi vắc xin. Tại 16 bang và thủ đô Washington DC, tỷ lệ trên vượt qua mức 50%, trong khi 16 bang khác đã đạt được mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 liều cho 70% dân số trưởng thành.
Tuy nhiên, tại một số bang ở phía nam như Alabama, Arkansas, Louisiana, Mississippi, Tennessee và Wyoming, tỷ lệ người tiêm đủ mũi vắc xin vẫn ít hơn 35%.
Sau 500 ngày chìm trong dịch bệnh và 600.000 người đã thiệt mạng tại Mỹ, các chuyên gia nói rằng vắc xin là chìa khóa để nước này có thể mở cửa an toàn trở lại cũng như kiểm soát các chủng nguy hiểm, có khả năng lây lan mạnh hơn, như chủng Delta.
Một nghiên cứu mới nhất do công ty về nghiên cứu gen Helix (Mỹ) thực hiện chỉ ra rằng, chủng Delta đang có xu hướng lây lan rất nhanh ở các hạt có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, các bang Missouri, Arkansas và Utah ghi nhận tỷ lệ nhập viện trung bình vì Covid-19 trong 7 ngày đã tăng 30% trong 14 ngày qua. Các ca nhập viện đặc biệt tăng cao với nhóm người trẻ, từ 18-29 tuổi.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, Mỹ còn một chặng đường xa để có thể sớm dập được đại dịch dù họ ít có khả năng sẽ bùng dịch quy mô lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ổ dịch trong các cộng đồng nhỏ, đặc biệt là những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Viễn cảnh này khá đáng lo ngại, khi một thống kê của Bloomberg chỉ ra rằng, chưa tới 25% dân số tại ít nhất 482 hạt ở Mỹ, đã tiêm đủ các liều vắc xin. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, phương án tốt nhất để ngăn chặn chủng Delta lúc này chính là tiêm chủng và tiêm đủ mũi.
Ứng viên Biden giành chiến thắng ở New York, nâng số phiếu đại cử tri lên 129 Tính đến 9h sáng 4/11, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành thêm chiến thắng tại bang New York với 29 phiếu đại cử tri. Cho đến thời điểm hiện tại, Fox News đưa tin Tổng thống Trump đã thắng ở 9 bang, gồm: Kentucky, Tây Virginia, Indiana, New Hampshire, Oklahoma, Tennessee, Alabama, Mississippi, Arkansas, Bắc Dakota, Wyoming, Nebraska, Nam Dakota....