Mối đe dọa mới từ khủng bố: Cấy bom bên trong cơ thể
Các nhóm khủng bố đang tìm những cách thức sáng tạo hơn, tinh vi hơn nhằm qua mặt hệ thống kiểm tra an ninh tại các sân bay. Cấy chất nổ vào trong cơ thể sống là một cách hiệu quả.
Máy quét khó phát hiện bom cấy trong cơ thể- Ảnh: AFP
Ngày 22-5, chuyến bay mang số hiệu 787 của Hãng US Airways từ Paris (Pháp) đi North Carolina (Mỹ) đã phải đột ngột đổi hướng và hạ cánh xuống sân bay bang Maine. Nguyên nhân là do hành khách Lucie Zeeko Marigot, một phụ nữ Pháp gốc Cameroon, viết một mảnh giấy đưa cho tiếp viên, nói một nhóm bác sĩ đã “cấy một thiết bị vào cơ thể mình mà cô không thể kiểm soát được”.
Khi tiếp viên hỏi liệu thiết bị này có gây nguy hại cho cô và người khác không, Marigot nói không biết. Việc người phụ nữ này đến Mỹ 10 ngày một mình, không có hành lý ký gửi, càng khiến phi hành đoàn lo lắng. Hai chiến đấu cơ F-15 được lệnh cất cánh, kè sát và buộc máy bay hạ cánh xuống Bangor, bang Maine.
Người phụ nữ sau đó bị thẩm vấn, cuối cùng nhà chức trách kết luận cô ta không liên quan gì đến âm mưu khủng bố hay al-Qaeda. Hóa ra cô ta được phẫu thuật cấy ghép một số bộ phận trong cơ thể từ năm 2001 và vì không tin tưởng các bác sĩ ở Pháp nên quyết định sang Mỹ kiểm tra.
Video đang HOT
Phẫu thuật cấy bom
Trên thực tế, vụ việc tưởng như chẳng có gì này lại phản ánh một mối lo ngại thật sự về nguy cơ khủng bố bằng cách cấy ghép bom hoặc vật liệu nổ vào cơ thể sống. Giới chuyên gia nhận định đây là cách hiệu quả để giúp những kẻ đánh bom tự sát qua mắt hệ thống an ninh các sân bay. Báo cáo năm 2011 của tiến sĩ Robert J Bunker thuộc ĐH Claremont đã chỉ ra rằng việc cấy ghép bom bên trong cơ thể là một xu hướng.
Ngoài cách nhét vật liệu nổ vào cơ thể thông qua hậu môn, một kẻ đánh bom tự sát được phẫu thuật cấy ghép bom trong người. Cách này đã được thực hiện trên động vật. Tình báo Mỹ xác định năm 2010, al-Qaeda ở Iraq đã phẫu thuật để cấy ghép chất nổ vào những con chó, đưa chúng lên máy bay sang Mỹ. Tuy nhiên, những con chó đã chết trước khi âm mưu này được thực hiện.
Phẫu thuật cấy bom cần những kỹ năng y khoa đáng kể. Tình báo Mỹ nghi ngờ kẻ chế tạo bom hàng đầu của al-Qaeda là Ibraham al-Asiri đang cộng tác với các bác sĩ để tìm ra cách thực hiện hiệu quả. Một trong các khả năng là mổ bụng của kẻ đánh bom, đặt bom vào giữa các cơ quan nội tạng. Một báo cáo khác cho biết bọn khủng bố còn có thể cấy bom vào ngực của phụ nữ.
Giới chuyên gia mô tả trong những năm qua các nhóm khủng bố đã chơi trò “mèo vờn chuột” và luôn đặt an ninh Mỹ, phương Tây vào thế bị động, đối phó. Sau vụ 11-9, an ninh sân bay đã được thắt chặt, al-Qaeda chuyển sang cài bom trong giày rồi chuyển sang chế bom chất lỏng. Sau khi ngành hàng không thắt chặt quy định về việc đem chất lỏng lên máy bay và kiểm tra giày, al-Qaeda lại chuyển sang những phương thức khác. Năm 2009, an ninh Mỹ phát hiện một thanh niên Nigeria giấu bom trong quần lót trên chuyến bay đến Detroit (Mỹ). Quả bom giấu trong quần lót không có kim loại và không bị các máy kiểm tra phát hiện. Để đối phó, an ninh phương Tây đã phải cho đặt các máy quét nguyên cơ thể người tại các sân bay để tăng cường kiểm tra.
Máy quét toàn thân thông thường như thế này khó phát hiện bom cấy trong cơ thể – Ảnh: rnw.nl
Mối đe dọa thật sự?
Vài tháng trước vụ “kẻ đánh bom quần lót”, một thanh niên tên Abdullah al-Asiri tự nguyện nộp mình cho hoàng tử Mohammed bin Nayef, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố Ả Saudi Arabia. Sau đó, thân thể của hắn nổ tung, tình nghi là do kích nổ bằng điện thoại. Điều tra không xác định được hắn giấu bom trong hậu môn hay trong quần lót.
Abdullah chính là em trai của Ibraham al-Asiri, kẻ chế tạo bom hàng đầu của al-Qaeda ở Yemen. Ibraham là tác giả của nhiều thiết bị khủng bố hiện đại như bom quần lót hay chất nổ giấu trong hộp mực in trên chuyến bay chở hàng đến Mỹ.
Nhiều chuyên gia chống khủng bố cho rằng cấy bom vào cơ thể khó mà thành công được. Theo các quan chức Mỹ, nghiên cứu cho thấy bom được cấy ghép trong cơ thể ít có khả năng gây nguy hại cho máy bay bằng bom giấu trong quần áo. Trong trường hợp bom được cấy vào cơ thể, nếu nổ thì nhiều khả năng sẽ giết chết kẻ đánh bom hơn là làm tổn hại đến máy bay.
Tuy nhiên, an ninh Mỹ vẫn lo ngại việc cấy bom trong cơ thể vẫn là mối đe dọa tiềm tàng. Khả năng phát hiện bom cấy trong cơ thể hiện đang là một vấn đề gây đau đầu. Máy quét cơ thể chỉ có thể phát hiện bom giấu trong quần lót. Một số nhà khoa học đề xuất dùng công nghệ X-quang trong y tế để kiểm tra hành khách máy bay.
Theo Tuổi trẻ
Người dân Mỹ ủng hộ các biện pháp kiểm tra an ninh
Gần một thập kỷ sau sự kiện 11/9 ở Mỹ buộc chính quyền nước này không ngừng gia tăng các biện pháp an ninh, ngày càng có nhiều người dân Mỹ coi việc từ bỏ vài quyền tự do cá nhân để góp phần trong cuộc chiến chống khủng bố là điều không cần bàn cãi.
Hành khách được kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế OHare ở Chicago, Mỹ. (Nguồn: AP)
Đây là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 5/9.
Có khoảng 47% số người được hỏi trả lời sẵn sàng cho phép các cơ quan chức năng giám sát hòm thư điện tử (e-mail), và 30% số ý kiến tán thành biện pháp kiểm tra cuộc gọi trên điện thoại được thực hiện từ những công dân ngoài nước Mỹ. Tỷ lệ này đối với các thư điện tử và cuộc gọi trong nước lần lượt là 50% và 25%.
Theo khảo sát trên, có sự khác nhau giữa tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với các biện pháp an ninh riêng rẽ. Có tới 71% số người được hỏi chấm điểm cao cho biện pháp lắp đặt camera giám sát ở những địa điểm công cộng, 58% ủng hộ việc khám xét hành lý của hành khách tại các nhà ga, sân bay..., trong khi 47% đồng tình với yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân đối với mọi người dân và công dân các nước trên nước Mỹ.
Trong khi đó, một tỷ lệ không nhỏ, khoảng 54% số người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ cảm thấy bị xâm phạm đời tư. Nhiều người hoài nghi rằng liệu việc hy sinh các quyền lợi và sự tự do cá nhân có thực sự cần thiết hay không.
Cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu dư luận NORC và hãng tin AP thực hiện qua điện thoại với hơn 1.000 người dân Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 28/7 đến ngày 15/8./.
Theo TTXVN