Mộc mạc những món quà quê
Đôi lúc, thay vì những món ăn đắt đỏ, mới mẻ du nhập từ nước ngoài ta lại thèm cảm giác thưởng thức bao món quà quê mộc mạc, giản dị mà sao thân thương đến lạ kỳ.
Trong một chiều đẹp trời, khi gió thổi mát lạnh cùng tia nắng dịu chiếu rọi con đường, hãy cùng thưởng thức những món ăn thôn quê chứa đựng bao tình cảm quê hương nhé.
BÁNH GAI – MÓN QUÀ QUÊ CỦA BÀ
Cứ mỗi khi chiều về lại có không ít người thèm thuồng hương vị bánh gai giản dị mà chất chứa bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu. Với lớp vỏ màu đen tuyền cùng màu vàng từ đỗ xanh rồi gạo nếp, chiếc bánh gai chính là món quà quê vùng đồng bằng Bắc Bộ mà chắc chắn ai cũng từng không ít lần thưởng thức. Giữa bao món ăn vặt đa dạng, mới mẻ xuất hiện nhưng bánh gai vẫn là một thứ gì đó mang theo sự bình dị của làng quê, chất chứa kỷ niệm về gia đình mà lắm lúc ta thèm muốn đến lạ.
NHỮNG CHIẾC BÁNH RÁN NGỌT THƠM
Những chiếc bánh rán nhỏ xinh xếp thành hàng lối nghiêm chỉnh trong mỗi chiếc rổ tre theo chân người bán hàng đi khắp mọi ngóc ngách, phố phường từ sáng tới tận chiều tối. Bánh rán hay còn gọi là bánh cam thường có lớp vỏ mỏng được làm từ bột gạo nếp, bột gạo tẻ và có thể thêm khoai tây xay nhuyễn bọc ngoài phần nhân đỗ xanh nhỏ phía trong. Sau đó, bánh được đem đi rán giòn, vàng thơm hoàn hảo cho những lúc đói bụng. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại bánh rán như: bánh mật, đường, vừng hay bánh rán nhân thịt nữa.
BỎNG GẬY – MÓN QUÀ QUÊ DÂN DÃ
Gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X đời đầu, bỏng gậy chính là món quà quê dân dã, chẳng cầu kỳ nhưng lại quý giá vô cùng. Chỉ đơn giản sử dụng nguyên liệu gồm đường và gạo, thỉnh thoảng thêm chút dừa khô, lạc, đậu xanh… cho lạ miệng là đủ tạo nên món ăn vặt của miến ký ức này rồi. Đặc biệt, tiếng nổ bỏng vui tai cùng mùi ngọt thơm bình dị của bỏng gậy vẫn luôn khiến chúng ta, dù trẻ con hay người lớn đều cảm thấy rộn ràng trong lòng. Dẫu bỏng gậy không ngọt vị như bánh kẹo hay bim bim nhưng được làm từ các nguyên liệu an toàn nên món quà quê này cho đến này vẫn được ưa chuộng.
NGON MIỆNG CÙNG BÁNH TRÁNG TRỘN
Danh sách những món quà quê bình dị chẳng thể bỏ qua cái tên bánh tráng trộn, món ăn vặt nổi tiếng xuất phát từ tỉnh Long An. Nào là trứng cút, bò khô, xoài xanh, đu đủ… và không thể thiếu bánh tráng, những nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm ở bất kể khu chợ nào của người Việt lại đủ sức tạo thành món ăn vặt nổi tiếng từ Nam ra Bắc. Chẳng thế mà mỗi khi đi xa ta lại thèm nhớ về hương vị lạ lùng cùng màu sắc bắt mắt của món bánh tráng trộn ấy.
GÁNH TÀO PHỚ NGÀY XƯA
Không được đựng trong hộp giấy xinh xắn cũng chẳng được bán trong quán hàng hiện đại như bây giờ, bát tào phớ của ngày xưa chỉ đơn giản từ chiếc nồi to đùng được cô, chú bán hàng gánh đi khắp mọi nơi với tiếng rao quen tai chẳng thể quên cho đến tận bây giờ. Chiếc nồi lớn khi mở ra còn cảm nhận được hơi nóng, bàn tay người bán hàng hớt từng lớp tào phớ cho vào bát rồi thêm nước đường đậm mùi hoa nhài cùng chút đá. Món quà quê đó là quá đủ cho một ngày chớm hạ khô nóng.
HOA QUẢ DẦM KHÔNG NGỪNG GÂY NGHIỆN
Video đang HOT
Không phải cốc hoa quả dầm với sữa đặc, sữa chua mà là cóc, là xoài, là ổi… trộn với muối, ớt rồi đường để tạo nên món quà quê “bất hủ” ai cũng yêu thích. Dường như ai cũng có thể tự tay làm nên món hoa quả dầm muối ớt ở nhà nhưng không thể phủ nhận, dưới bàn tay của cô bán hàng, món ăn vặt ấy lại mang theo mùi vị hấp dẫn hơn rất nhiều. Chắc cũng bởi khi ấy hoa quả không chỉ có vị chua, cay, mặn, ngọt mà còn chứa đựng bao câu chuyện cười đùa, những kỷ niệm khó quên cùng bạn bè thân thiết.
Người Trung Quốc thường ăn gì vào bữa sáng?
Sự lựa chọn cho bữa sáng của người Trung Quốc rất đa dạng và có khá nhiều nét tương đồng với người Việt Nam.
Bữa sáng là bữa ăn cung cấp năng lượng cho cả một ngày dài. Người Trung Quốc rất chú trọng bữa ăn này, bởi vậy họ sáng tạo ra rất nhiều món ăn sáng thơm ngon, bổ dưỡng cực kỳ hấp dẫn.
Sữa đậu nành và quẩy
Người Trung Quốc rất thích dùng sữa đậu nành cho bữa sáng, bạn có thể gọi cho mình một ly sữa đậu nành tại bất kỳ quán ăn nào. Thêm vài chiếc quẩy ngọt chiên nóng giòn vậy là đã có một bữa ăn sáng tiện lợi, nhanh gọn.
Đây được xem là một trong những món ăn sáng phổ biến nhất tại Trung Quốc. Có người nếu không thích sữa đậu thì cũng có thể kết hợp ăn quẩy với cháo.
Bánh bao
Đối với người Trung Quốc mà nói, bánh bao là món ăn không thể thiếu. Họ có thể ăn chúng vào bất cứ bữa ăn nào trong ngày, nhưng đặc biệt phổ biến vào bữa sáng.
Bánh bao có rất nhiều hương vị, có mặn, có ngọt. Có loại bánh bao không nhân hay còn được gọi là màn thầu, có loại bánh còn có canh ở bên trong còn được gọi là bánh bao nước.
Bánh bao nhân mặn thường được làm từ thịt lợn xay, cà tím, trứng, lá hẹ, ... Bánh nhân ngọt thì có vô số các loại nhân từ đậu xanh, đậu đỏ, kem trứng, mè đen, đường đỏ, ...
Có một số cửa hàng thường bán bánh bao trong những chiếc xửng trúc, mỗi xửng chứa khoảng tám chiếc bánh nhỏ. Những chiếc bánh này thường được gọi là xiaolongbao - tiểu long bao, có nghĩa là xửng bánh nhỏ.
Tào phớ
Tào phớ là món ăn được làm từ đậu tương. Miếng tào phớ mịn tan như thạch là một trong những món ăn vặt ưa thích của nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên nếu như tại Việt Nam, chúng ta thường chỉ ăn tào phớ ngọt thì ở Trung Quốc, tào phớ có cả vị ngọt và mặn. Ở miền bắc Trung Quốc, người ta thích ăn tào phớ với nước tương hoặc muối, thậm chí ăn chung với thịt như một món canh. Tại miền nam thì thường ăn tào phớ ngọt với nước gừng đường nâu.
Mì
Vùng phía bắc của Trung Quốc thường ưa chuộng các món ăn làm từ lúa mì hơn gạo. Do đó, một bát mì nóng là sự lựa chọn hàng đầu cho bữa sáng của người phương bắc Trung Quốc. Khi phục vụ món, người đầu bếp sẽ luộc mì lên, sau đó chan nước dùng được nấu cầu kỳ trong nhiều giờ, thêm một chút gia vị cay là một bát mì nóng đã hoàn thành.
Mỳ Lan Châu là một món mì nổi tiếng mang đậm nét văn hóa của Trung Quốc. Một bát mì Lan Châu hoàn hảo cần hội tụ đủ 5 yếu tố: nước dùng phải trong, củ cải phải trắng, hẹ có màu xanh tưới, màu đỏ tươi của ớt và sợi mì phải vàng óng. Người ta thường nói, nếu đã đến Trung Quốc nhất định phải ăn thử mì Lan Châu.
Bún
Nếu như người miền bắc Trung Quốc ưa chuộng mì thì người miền nam lại thích ăn bún hơn, đặc biệt là ở các tỉnh như Quảng Tây và Vân Nam. Bún Quế Lâm là món đặc sản khá nổi tiếng và được nhiều người ưa thích của nơi đây. Người dân địa phương có thể ăn món này vào bất cứ bữa nào trong ngày chứ không riêng gì bữa sáng.
Bún thường được ăn kèm với đậu phộng hoặc đậu nành chiên giòn, thêm thịt, hành lá, củ cải muối và một số gia vị đi kèm tùy theo sở thích của mỗi người.
Xôi nắm
Xôi được làm bằng gạo nếp, đồ chín, gói trong lá tre. Tuy nhiên, khác với xôi ở Việt Nam, xôi ở Trung Quốc thường được nắm kèm với nhiều loại nhân bên trong với đủ hương vị cả mặn, cả ngọt.
Tùy theo yêu cầu của mỗi người, người bán sẽ thêm các loại nhân khác nhau vào xôi sau đó nắm lại. Nhân ngọt thường có vị đậu đỏ, nhân trứng hay hạt sen, hạt dẻ. Nhân mặn thường là các loại thịt.
Cháo
Có lẽ cháo chính là món ăn được nhiều người Trung Quốc lựa chọn nhất vào bữa sáng. Để cháo có hương vị thơm ngon hơn, tùy từng địa phương mà có những món ăn đi kèm khác nhau. Chẳng hạn như rau muối chua, đậu phụ lên men, đậu phộng, trứng hay thịt, ...
Đối với cháo ngọt, người ta thường nấu kèm cả đậu đỏ, đậu trắng, đậu phộng và nhiều loại ngũ cốc khác để tạo thành một món ăn đầy màu sắc hấp dẫn.
Hoành thánh và sủi cảo
Thực ra hoành thánh và sủi cảo là hai món ăn khá tương tự nhau về cách chế biến và nguyên liệu. Các loại nhân của chúng khá phong phú, từ thịt lợn, tôm, cá đến nấm và một số loại rau đều có thể sử dụng để làm nhân bánh.
Hoành thánh và sủi cảo có thể được chế biến bằng cách luộc trong nước dùng, hấp trong xửng tre hoặc chiên. Ở một số nơi, hoành thánh và sủi cảo thường được ăn kèm với mì.
Bánh rán
Những chiếc bánh bột rán mỏng, được làm từ bột mì, bột ngũ cốc, trứng và nước sốt là một món ăn đường phố phổ biến ở Trung Quốc.
Khi chế biến, người bán thường chiên hỗn hợp bột mì mỏng trên một chiếc chảo bằng, sau đó thêm trứng, dưa cải thái nhỏ, hành lá, rau mùi, nước sốt cay và cuộn chúng lại. Món này tương tự như món bánh crepe của phương Tây nhưng nhân thường là nhân mặn.
Dimsum và trà
Uống trà vào buổi sáng là một phong tục truyền thống của người Trung Quốc, họ thường vừa ăn bữa sáng vừa nhâm nhi một tách trà. Những món ăn kèm thưởng thức chung với trà được gọi là dimsum.
Từ những nguyên liệu chính là bột mì, bột gạo, thịt băm, hải sản và rau củ, người ta có thể biến hóa đa dạng để làm ra gần 100 món ăn khác nhau đều được gọi chung là dimsum. Chúng thường được phục vụ trong những chiếc xửng tre nhỏ, uống kèm các loại trà như trà xanh, trà ô long, trà nhài, trà hoa cúc, ...
Dimsum thường không nhiều về lượng nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng và rất dễ tiêu hóa, vì vậy người Trung Quốc thường xuyên chọn những món này làm bữa ăn sáng của mình.
10 món ăn nhẹ đường phố ngon nhất ở Hà Nội được báo Tây ca ngợi Hà Nội là thiên đường cho những người đam mê ẩm thực đường phố. Những món ăn có giá thành không cao nhưng hương vị tạo nên sự khác biệt gây ấn tượng mạnh với du khách thập phương. Bánh rán mật Hàng Chiếu Bánh được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh hấp chín. Có một quầy hàng nằm trên phố Hàng...