Mobifone lấy đâu ra gần 9 nghìn tỉ đồng mua cổ phần AVG?
Chỉ sau 5 buổi đàm phán dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Mobifone đã đồng ý mua lại 95% cổ phần AVG với giá gần 9 nghìn tỉ đồng. Sau 19 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận mua bán cổ phần với các cổ đông của AVG, Mobifone đã chuyển đủ số tiền phải thanh toán. Vậy, nguồn tiền của Mobifone được lấy từ đâu?
VKSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty MobiFone và một số đơn vị liên quan. Theo đó, VKSND tối cao truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh nêu trên, “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Gửi công văn xin hướng dẫn bán cổ phần, bất ngờ được hỏi mua
Theo lời khai của bị can Phạm Nhật Vũ, việc thỏa thuận bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh. Do lĩnh vực truyền hình nhạy cảm nên Phạm Nhật Vũ đã ký Văn bản số 571/AVG-CV gửi Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TTTT đề nghị hướng dẫn chào bán cổ phần AVG cho đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ TTTT không có văn bản trả lời Công văn của Vũ. Bất ngờ, 3/2015, Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc Mobifone gọi điện cho Phạm Nhật Vũ hỏi việc AVG bán cổ phần, sau khi biết AVG muốn bán nên Mobifone đã cho người sang tìm hiểu, đánh giá hiện trạng AVG.
Bị can Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có vai trò quyết định trong thương vụ Mobifone mua AVG
Nhanh chóng, đến ngày 20/3/2015, Mobifone và AVG đã ký Bản ghi nhớ mua, bán cổ phần.
Sau 5 buổi đàm phán, đến ngày 2/10/2015, Phạm Nhật Vũ đại diện AVG cùng đại diện Mobifone dưới sự chủ trì của Bộ TTTT đã họp, thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng; bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (AVG đầu tư ngoài ngành vào Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh nhưng không tính tiền).
Sau khi có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Mobifone và AVG đã đàm phán thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng. Đến ngày 25/12/2015, Phạm Nhật Vũ đã ký Thỏa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone.
Chỉ 19 ngày sau, tức là ngày 15/1/2016, Mobifone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương đương trên 8.445 tỉ đồng cho 08 cổ đông của AVG. Trong đó cá nhân Phạm Nhật Vũ được hưởng trên 5.850 tỉ đồng.
Video đang HOT
Mobifone rút tiết kiệm, vay ngân hàng để mua AVG
Sau khi ký Thỏa thuận và Hợp đồng, chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/1/2016) Mobifone đã thanh toán trên 8.445 tỉ đồng(tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG, còn 5% tổng giá trị chuyển nhượng cổ phần sẽ được Mobifone thanh toán vào ngày hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên.
Theo đó, ngày 25/12/2015, Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc và Phan Tuấn Anh, Trưởng Ban Tài chính ký Tờ trình số 241/TC về việc chuẩn bị thanh toán lần 1 = 30% tổng giá trị hợp đồng với số tiền 2.666 tỷ đồng
Trong đó đề nghị HĐTV Mobifone cho rút trước hạn 7 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Vietinbank với tổng số tiền là 850 tỷ đồng và ký Hợp đồng vay ngắn hạn với Vietinbank
Lãnh đạo Mobifone ký nhiều tờ trình về “xoay tiền” thanh toán cho AVG
Cùng ngày, HĐTV Mobifone đã họp và thống nhất ủy quyền cho Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc ký hợp đồng với ngân hàng để vay vốn bằng việc thế chấp các hợp đồng tiền gửi phục vụ cho việc thanh toán.
Ngày 28/12/2015, Ban Tài chính và Ban Kế toán đã có tờ trình Tổng Giám đốc Mobifone về việc thanh toán lần 1 với số tiền gần 2.667 tỉ đồng (30% giá trị hợp đồng) đã được Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc và Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc chấp thuận cho thực hiện thanh toán.
Ngày 11/1/2016, Phạm Thị Phương Anh và Phan Tuấn Anh, tiếp tục ký tờ trình về nguồn vốn thanh toán lần 2 cho dự án, trong đó đề nghị HĐTV Mobifone cho rút trước hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại 5 ngân hàng với tổng số tiền rút là 3.450 tỉ đồng và vay ngắn hạn tại Vietinbank khoảng 1.700 tỷ đồng với lãi suất dưới 6%/năm.
Cùng ngày, HĐTV Mobifone đã họp và chấp thuận phương án nguồn vốn nêu trên để thanh toán lần 2.
Bị can Phạm Nhật Vũ “bỏ túi” trên 5 nghìn tỉ đồng sau thương vụ
Ngày 14/1/2016, Ban Tài chính, Ban Kế toán và Ban Triển khai truyền hình có tờ trình thanh toán lần 2 theo thoả thuận chuyển nhượng cổ phần đã được Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc và Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc chấp thuận thanh toán lần 2 với tổng số tiền là trên 5.778 tỉ đồng (65% tổng giá trị hợp đồng).
Ngày 14/1/2016 Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Bảo Long ký Báo cáo số 255/MOBIFONE và được Chủ tịch HĐTV chấp thuận thanh toán lần 2 với tổng số tiền là trên 5.778 tỉ đồng.
Cáo trạng VKSND tối cao nhận định, các bị can tại Mobifone đã có những sai phạm trong việc đánh giá khả năng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG; tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án. Trong khi, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn.
Hậu quả thiệt hại của Mobifone: Căn cứ báo cáo tài chính của AVG, ý kiến đánh giá của Công ty tư vấn, xác định giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỉ đồng trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỉ đồng, giá trị tài sản ròng còn lại của AVG là 1.970 tỉ đồng.
Như vậy, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là trên 6.475 tỉ đồng. Ngoài ra, Mobifone còn bị thiệt hại trên 115 tỉ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. Như vậy Mobifone đã thiệt hại tổng số là trên 6.590 tỉ đồng.
Hà Nhân
Theo baovephapluat.vn
Ông Phạm Nhật Vũ được đề nghị áp dụng 'chính sách đặc biệt'
Chi tới 6,2 triệu USD để "lót tay" cho dàn cựu lãnh đạo Bộ TT&TT và MobiFone để bán 95% cổ phần AVG, nhưng ông Phạm Nhật Vũ vẫn được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt.
Trong số 14 bị can bị đề nghị truy tố ở vụ án liên quan đến thương vụ MobiFone-AVG, ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch HĐQT AVG) là người duy nhất bị cáo buộc về tội đưa hối lộ.
Lời khai của các bị cáo cho thấy ông Vũ đã "mạnh tay" chi tới 6,2 triệu USD cho các cựu lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như MobiFone để thương vụ mua bán 95% cổ phần AVG được nhanh chóng hoàn tất.
Ông Phạm Nhật Vũ được đề nghị áp dụng "chính sách đặc biệt".
Cụ thể, suốt quá trình dự án diễn ra, ông Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục để dàn lãnh đạo nói trên tạo điều kiện, sớm hoàn thành việc mua bán. Ngay khi thương vụ "đầu xuôi đuôi lọt", bị can Vũ đã đến tận nhà riêng để đưa cho Nguyễn Bắc Son (cựu bộ trưởng Bộ TT&TT) 3 triệu USD.
Ngoài ra, cựu chủ tịch AVG còn chi 2,5 triệu USD cho Lê Nam Trà (cựu chủ tịch MobiFone), 500.000 USD cho Cao Duy Hải (phó TGĐ MobiFone) và 200.000 USD cho Trương Minh Tuấn (cựu bộ trưởng Bộ TT&TT).
Ông Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ theo khoản 4, điều 346 BLHS năm 2015, với khung hình phạt từ 12-20 năm. Dù vậy, cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng cần áp dụng chính sách hình sự đặc biệt đối với bị can này.
Theo đó, CQĐT xác định ông Vũ với vai trò chủ tịch HĐQT là người đại diện cho giao dịch mua bán 95% cổ phần AVG. Vì muốn bán được cổ phần nên ông Vũ đã đề nghị Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải - là những người có chức vụ quyền hạn, để dự án sớm hoàn thành. Quá trình đàm phán, Vũ không hứa hẹn đưa tiền cho bốn người này mà phải đến sau khi hoàn thành dự án.
Quá trình điều tra, bị can Vũ đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ vụ việc. Đặc biệt, bị can chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ MobiFone (cả gốc và lãi), chi phí dự án; từ đó góp phần tối đa làm giảm thiệt hại cho Nhà nước.
Thêm nữa, gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, bản thân bị can có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Hội chất độc màu da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội....
Do vậy, CQĐT đề nghị quá trình truy tố, xét xử, cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng hình với bị can.
T.PHAN
Theo PLO
Thương vụ MobiFone mua AVG: Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã "vấy bẩn" như thế nào? Cơ quan công an đã có kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng. Đưa - nhận hối lộ tại Mobifone và các đơn vị có liên quan - cho thấy sai phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn. Vậy hai...