“Mỏ vàng” từ rừng gỗ lớn: Gỗ đẹp, bán giá cao
Thay vì trồng rừng gỗ nhỏ, nhiều nông dân tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn tham gia trồng rừng gỗ lớn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị của rừng. Đi dọc các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, rất dễ bắt gặp những lô rừng gỗ lớn, thân cây to, thẳng tắp.
Gỗ đẹp, giá cao
Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn” giai đoạn 2014 – 2019, tỉnh Yên Bái đã trồng được 114ha rừng thâm canh gỗ lớn, với 90 hộ gia đình tham gia tại 8 xã của 2 huyện Yên Bình và Trấn Yên, chuyển hóa 216ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn với 185 hộ gia đình tham gia tại 7 xã của các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn và Lục Yên.
Người dân thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn nên tích cực tham gia. Ảnh: Sỹ Hồng
Thời điểm bắt đầu triển khai, nhiều người còn nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của mô hình, bởi theo tập quán canh tác của các chủ rừng đối với rừng keo lai và keo tai tượng chỉ sau 5 – 7 năm là khai thác. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động và tham quan học tập các mô hình trình diễn, người dân thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn nên tích cực tham gia. Sau 5 năm thực hiện, các mô hình đã cho thấy sự khác biệt.
Đơn cử như mô hình rừng trồng keo tai tượng Úc xuất xứ Pongakii tại các xã Tân Hương, Tân Nguyên (huyện Yên Bình), Việt Cường (huyện Trấn Yên), rừng trồng từ tháng 4/2016, mật độ trồng 1.330 cây/ha, khi cây được 30 tháng tuổi, chiều cao bình quân đạt 12m, đường kính bình quân 14cm, trữ lượng 122,7m3/ha.
Đối với mô hình chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại xã Việt Cường, sau khi có sự điều chỉnh về mật độ cây trồng 2 lần, tạo không gian dinh dưỡng, đã có sự khác biệt về chiều cao và đường kính, trữ lượng gỗ bình quân đạt 133,5m3/ha.
Video đang HOT
Ông Phạm Tiến Sỹ (thôn Ngòi Vồ, xã Tân Hương) cho biết, gia đình ông tham gia dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 2ha keo tai tượng, được dự án khuyến nông Trung ương hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng. Đến nay, rừng đang sinh trưởng tốt, chiều cao vút ngọn trung bình khoảng 13m, đường kính bình quân 15cm, giá bán gỗ lại cao hơn 2 – 3 lần so với gỗ nhỏ và giảm được một lần đầu tư trồng lại rừng.
Bà Lê Thị Đông (thôn 3 xã Việt Cường) cho biết thêm, gia đình bà có 10ha đất rừng, trước đây thường trồng keo tai tượng với mật độ 3.300 cây/ha để kinh doanh gỗ nhỏ, chu kỳ 6 – 7 năm thì khai thác, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha chưa tính chi phí đầu tư, thu nhập bình quân 10 – 12 triệu đồng/ha/năm.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, bà mạnh dạn chuyển đổi 5ha rừng trồng năm 2011 sang kinh doanh gỗ lớn, tỉa thưa đợt đầu được 100 tấn, sau khi trừ chi phí, sản phẩm tỉa thưa đã thu về 70 triệu đồng.
Sau khi khai thác tỉa thưa 2 lần, cây rừng sinh trưởng phát triển mạnh, mật độ hiện tại còn khoảng 700 cây/ha, đường kính bình quân 20cm, chiều cao bình quân 16m. Bà Đông hy vọng sau 4 năm nữa, rừng khi đó 12 tuổi đạt đường bình quân 23 – 25cm, trữ lượng đạt trên 300m3/ha, rừng khi đó sẽ bán với giá gỗ lớn từ 2 – 3 triệu đồng/m3.
Còn nhiều tiềm năng
Ông Kiều Tư Giang – Phó Chi cục trưởng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái có 469.857ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 68,2% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác trồng rừng, phát triển rừng ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, đã hình thành được vùng gỗ nguyên liệu, vùng cây đặc sản, góp phần đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành nghề chính và nông dân làm giàu được từ nghề rừng.
Hàng năm, toàn tỉnh trồng trên 15.000ha rừng các loại, tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng lên nhưng chủ yếu là diện rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ với chu kỳ 5 – 7 năm, sản phẩm cung cấp cho thị trường nguyên liệu giấy, dăm gỗ, ván bóc, tỷ lệ gỗ xẻ chỉ chiếm từ 25 – 30% nên hiệu quả kinh tế tăng thêm trên một đơn vị diện tích còn thấp; đa phần người dân và doanh nghiệp trồng rừng chưa áp dụng triệt để các giải pháp về kỹ thuật và chính sách đầu tư để phát triển rừng trồng gỗ lớn.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn với quy mô 11.875ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt 20m3/ha/năm, trữ lượng từ 180m3/ha trở lên với chu kỳ 12 năm, đối với cây sinh trưởng chậm, năng suất bình quân đạt trên 10m3/ha/năm.
Để đạt được mục tiêu này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã đưa ra các giải pháp tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường của rừng gỗ lớn; khuyến khích người dân sử dụng các giống mới có năng suất cao, giống tiến bộ kỹ thuật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn cho tương xứng với tiềm năng.
Theo Danviet
Xuất khẩu dăm gỗ: Số 1 thế giới vẫn không "quyết" nổi thị trường
Đứng đầu thế giới về xuất khẩu (XK) dăm gỗ nhưng Việt Nam lại không được ở thế làm chủ thị trường khi chịu sự chi phối quá lớn từ Trung Quốc.
Phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2009, Việt Nam có 47 nhà máy dăm với lượng dăm XK đạt khoảng 2,3 triệu tấn khô. Đến 2014, con số này tăng lên 130 nhà máy với lượng dăm XK đạt 7 triệu tấn khô. Năm 2018, lượng dăm XK đạt kỷ lục gần 10,4 triệu tấn khô, trị giá 1,34 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng dăm XK của Việt Nam đã tăng vọt lên gần 4 triệu tấn, tương đương gần 0,56 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước XK dăm lớn nhất trên thế giới.
TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cho biết, hiện Việt Nam đã trở thành nước XK dăm lớn nhất thế giới, chiếm trên dưới 30% tổng cung dăm toàn cầu. Cung dăm từ Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với lượng nhập hàng năm lên tới 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam XK đi tất cả các thị trường. Các thị trường lớn tiếp theo của Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việt Nam đứng đầu thế giới về XK dăm gỗ nhưng không làm chủ được thị trường. Ảnh: T.L
Mặc dù là nước đứng đầu thế giới về cung dăm gỗ ra thị trường nhưng ngành dăm Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để định hình thị trường tiêu thụ dăm thế giới mà vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tại Trung Quốc, dăm gỗ Việt Nam không cạnh tranh được với dăm gỗ của các nước khác về mức giá.
Nguyên nhân là do chất lượng dăm của Việt Nam kém hơn chất lượng dăm của các nước. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp trong dăm gỗ Việt Nam tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, ngành dăm phát triển nóng, mất kiểm soát dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá XK xuống.
"Theo thông tin chia sẻ từ một số doanh nghiệp (DN), ngành dăm gỗ có hiện tượng làm giá bởi các DN Trung Quốc tại Việt Nam. Các công ty dăm Trung Quốc sang mua lại các công ty dăm của Việt Nam, thuê quản lý người Việt, những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành trước đó. Họ phối hợp với nhau, dìm giá bán.
Trong khi đó, tính liên kết giữa các DN dăm của Việt Nam còn lỏng lẻo khiến ngành dăm gỗ Việt Nam dù cung một lượng lớn nhất cho thế giới nhưng vẫn tham gia thị trường thế giới với vị thế bị động chứ chưa phải chủ động" - ông Phúc nói.
Có lộ trình tăng thuế phù hợp
Ngoài các vấn đề nêu trên, câu chuyện rất đáng quan tâm của ngành dăm hiện nay chính là tăng thuế XK. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm hạn chế XK dăm gỗ, tăng cường chế biến sâu. Một trong những biện pháp cơ bản là áp dụng tăng thuế XK dăm gỗ lên 2% kể từ năm 2016.
Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành tham vấn với các bộ, ngành liên quan và cân nhắc trình Chính phủ kế hoạch tăng thuế XK dăm từ 2% hiện nay lên 5%. Mức thuế cao, được kỳ vọng sẽ khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến đồ gỗ, từ đó mang lại lợi ích cao hơn của cả hộ trồng rừng lẫn ngành đồ gỗ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn - cho rằng, việc tăng thuế mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Chính phủ cần có sự chỉ đạo các bộ, ban, ngành có đánh giá tác động của việc áp, tăng thuế XK dăm gỗ để có lộ trình tăng thuế phù hợp, không để tác động tiêu cực đến diện tích rừng trồng và người trồng rừng.
Xung quanh vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đang xem xét sửa đổi thuế XK dăm gỗ nhưng chưa có phương án chính thức. Trên cơ sở ghi nhận, lắng nghe ý kiến kiến nghị của các DN và hiệp hội, Bộ Tài chính sẽ có những điều chỉnh phù hợp trình Chính phủ trong thời gian tới.
"Hiệp hội dăm có vai trò kết nối các DN, đảm bảo cân bằng lợi ích, giảm thiểu phát triển nóng và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Hiệp hội cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, với chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu; kiểm soát chất lượng dăm XK, nhằm duy trì thương nhằm nâng cao hình ảnh, xác định vị thế của ngành trên trường quốc tế" - ông Tô Xuân Phúc nói.
Theo Danviet
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục, đạt 7,5 tỉ USD Trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm tới 15%, dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi khiến 5 triệu con lợn phải tiêu hủy nhưng tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2019 vẫn đạt khoảng 2,2%. Một trong những kéo cánh giúp ngành nông nghiệp giữ được nhịp độ tăng trưởng là xuất khẩu gỗ,...