Mở tuyến buýt 5 sao nối Tân Sơn Nhất với bến xe lớn nhất TP HCM
159 là tuyến buýt đầu tiên kết nối Tân Sơn Nhất với 2 bến xe lớn của TP HCM là Miền Đông và An Sương giúp giảm lượng xe cá nhân vào sân bay.
Ngày 15/1, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Hàng không Miền Nam (Satsco) cùng Sở Giao thông Vận tải TP HCM khai trương tuyến xe buýt chất lượng cao mang mã số 159 có lộ trình đi từ Bến xe Miền Đông đến Bến xe An Sương và ngược lại theo hướng kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Lãnh đạo TP HCM cắt băng khai trương tuyến buýt 5 sao mã số 159. Ảnh: Hữu Công
Tuyến buýt chất lượng cao có lộ trình dài 17,5 km, thời gian hoạt động 5h30 – 20h25, thời gian di chuyển 65 phút mỗi chuyến; 25 – 30 phút sẽ có một chuyến. Các xe hoạt động theo mô hình không trợ giá với giá vé 7.000 đồng mỗi lượt (dưới nửa lộ trình) và 10.000 đồng mỗi lượt (trên nửa lộ trình).
Là tuyến buýt đầu tiên gắn kết 2 bến xe có khối lượng vận chuyển hành khách rất lớn của thành phố đi qua khu vực sân bay, theo đơn vị đầu tư, tuyến buýt 159 sẽ tạo điều kiện cho hành khách đến sân bay hay hành khách từ sân bay đi các tỉnh lân cận giúp giảm lượng xe cá nhân, taxi… ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là tuyến đầu tiên nối sân bay Tân Sơn Nhất với 2 bến xe lớn là Miền Đông và An Sương. Ảnh: Hữu Công
Các xe có thiết kế hiện đại với sức chứa 60 hành khách, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro III, hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách (hệ thống chống kẹt cửa tự động, giảm xóc, thảm sàn cao cấp chống trơn trượt, hệ thống tự điều chỉnh phanh và côn), wifi miễn phí…
Video đang HOT
Trước đó, các tuyến buýt 5 sao gồm:109 (sân bay Tân Sơn Nhất – khu trung tâm TP HCM), 119 (sân bay Tân Sơn Nhất – Bến xe Miền Tây) và Shuttle Bus 49 (tuyến buýt con thoi từ sân bay đi các điểm ở trung tâm thành phố) cũng được đưa vào khai thác.
- Lộ trình lượt đi: Bến xe Miền Đông – Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí – Quốc lộ 13 – Phạm Văn Đồng – Bạch Đằng – Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa – Trường Chinh – Quốc lộ 22 – (Quay đầu tại Công ty Việt Hưng) – Quốc lộ 22 – Bến xe An Sương.
- Lộ trình lượt về: Bến xe An Sương – Quốc lộ 22 – Trường Chinh – Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ – Phan Đình Giót – Trường Sơn – Hồng Hà – Phạm Văn Đồng – Quốc lộ 13 – Đinh Bộ Lĩnh – Bến xe Miền Đông.
Hữu Công
Theo VNE
Đề xuất xây cáp treo vào Tân Sơn Nhất để giảm kẹt xe
Doanh nghiệp đưa ra ý tưởng xây tuyến cáp treo dài hơn 1 km từ Công viên Gia Định tới Tân Sơn Nhất, công suất 3.000-4.500 hành khách mỗi giờ, để giảm ùn tắc các tuyến đường quanh sân bay.
Giám đốc doanh nghiệp ở Sài Gòn cho biết, do TP HCM đang nghiên cứu làm tuyến metro từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài 2 km, tốn gần 250 triệu USD, nên ông nghĩ ra ý tưởng làm cáp treo. Như vậy kinh phí sẽ rẻ hơn rất nhiều, khoảng 550 tỷ đồng và thời gian thi công chỉ mất khoảng 10 tháng.
"Cục Hàng không cũng có ý định cho hành khách làm thủ tục check-in ở công viên. Nếu sử dụng cáp treo, khi làm thủ tục xong hành khách lên cabin cáp treo vào sân bay. So với vận chuyển bằng xe buýt, đi cáp treo sẽ giúp giảm lượng xe trên đường, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả hơn", ông nói.
Ông phân tích, mỗi cabin có thể chứa 8-10 người, tốc độ khoảng 25km/h, mỗi giờ có thể vận chuyển 3.000 khách, kinh phí khoảng 550 tỷ đồng. Nếu thiết kế theo công nghệ hiện đại hơn có thể đạt 4.500 lượt khách, song chi phí sẽ cao.
Về góc độ kỹ thuật, tác giả ý tưởng cho rằng, cáp treo có thể đi dọc đường Hồng Hà. Giữa tuyến có thêm trụ lớn, đường kính khoảng 2 m và hành lang an toàn nền móng là 5x5 m.
"Cáp treo phát huy hiệu quả nhất ở cự ly 2-5 km. Còn với khoảng cách tầm vài chục km thì metro sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Làm cáp treo sử dụng điện thân thiện với môi trường, người dân đi cũng nhẹ nhàng và ngắm cảnh. Tuổi thọ của hệ thống này cũng rất cao", ông nêu quan điểm.
Từ Công viên Gia Định đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng hơn 1 km. Ảnh: Google maps
Về đề xuất này, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng "đây là ý tưởng táo bạo nhưng không khả thi".
"Nếu tốt, có hiệu quả và an toàn các nước phát triển đã làm chứ không phải chờ đến lúc chúng ta có ý tưởng. Cáp treo chỉ có thể áp dụng trong các địa hình hiểm trở, vùng núi cao, ít hoặc không có người bên dưới; tránh làm đường nhằm bảo tồn các di tích văn hóa, phục vụ du lịch, khai thác cảnh quan và phục vụ lượng người đi ít... chứ không ai làm cáp để giải quyết kẹt xe", ông Sanh nói.
Theo TS Phạm Sanh, dù chi phí giảm so với xây dựng tuyến Metro kết nối sân bay, song cáp treo phải bảo trì thường xuyên. Nếu dùng như tuyến giao thông thì mật độ sử dụng cáp treo dày hơn rất nhiều, dù làm bằng công nghệ hiện đại tốt nhất nhưng không ai dám bảo đảm nó an toàn tuyệt đối. "Thậm chí, nếu có cáp đung đưa trên đầu tại một đô thị đông dân, ai dám di chuyển ở bên dưới?", ông Sanh lo ngại.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng: "Ýtưởng này có vẻ mới nhưng không thực tế, bởi cảnh quan khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không thể làm cáp treo".
"Cáp treo đi qua khu vực nào thì bên dưới không thể xây dựng. Với không gian khu vực sân bay thì rất khó tìm được vị trí làm. Hơn nữa, mật độ giao thông cao như khu vực sân bay mà có cáp treo phía trên thì cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm. Mà nếu có thật, chưa chắc khai thác hiệu quả vì không phải ai cũng đi vào sân bay từ hướng có cáp treo", ông Tống nói.
Hệ thống Metrocable tại Medellin, Colombia là tuyến cáp treo giao thông công cộng đầu tiên trên thế giới được hoàn thành vào năm 2004. Ảnh: Guardian.
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP HCM (HASCON) - đánh giá đề xuất xây cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất là "thiếu thiết thực, không giải quyết bản chất vấn đề giảm kẹt xe tại khu vực".
Ông dẫn chứng, số liệu Cục Hàng không cho thấy giờ cao điểm nhất cũng chỉ có 42 chuyến bay lên xuống. Nếu tính mỗi chuyến bay có 150 hành khách thì tổng số khách đi lại và người đến đưa tiễn khoảng 19.000 người ra vào cửa Tân Sơn Nhất trong một giờ. Và đây cũng chính là số người lưu thông trên đường Trường Sơn - đường độc đạo vào Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, năng lực lưu thông của đường Trường Sơn là 170.000 người một giờ. Như vậy, Tân Sơn Nhất lúc tấp nập nhất cũng chỉ đóng 11% năng lực lưu thông của đường Trường Sơn.
"Rõ ràng đường Trường Sơn bị kẹt không phải do hành khách tăng lên mà do người dân thành phố đi lại qua khu vực nhiều", ông Phúc khẳng định.
Trao đổi với VnExpress về ý tưởng xây cáp treo giảm ùn tắc quanh sân bay, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, Sở luôn hoan nghênh và trân trọng các ý tưởng, đề xuất, giải pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cùng chung sức với thành phố giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
"Thực tế cũng có một số nước trên thế giới đã sử dụng cáp treo như một phương tiện vận tải công cộng. Nhưng với đề xuất này chúng tôi chưa thể khẳng định được tính khả thi vì mới dừng ở bước ý tưởng. Cần phải nghiên cứu rất kỹ, toàn diện về phương án kỹ thuật, hiệu quả tài chính, khả năng ảnh hưởng đến các quy hoạch dọc tuyến, rồi những thuận lợi khó khăn khi khai thác vận hành nữa", ông Cường nói.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Người Sài Gòn ám ảnh kẹt xe ở Tân Sơn Nhất Không chỉ vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nghiêm trọng cả buổi trưa và đang là nỗi ám ảnh của người Sài Gòn khi qua cửa ngõ này. Dòng xe ken đặc trên đường Trần Quốc Hoàn, gần sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên diễn ra. Ảnh: G.M...