Mở ra chương mới trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chuyến thăm lịch sử kế thừa quá khứ và mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, tạo thêm động lực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam và thúc đẩy cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu và thực chất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Trên đây là khẳng định của Giáo sư Hứa Lợi Bình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Giáo sư Hứa Lợi Bình đánh giá chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có một lịch trình rất phong phú, bao gồm các cuộc gặp cấp cao, thăm các di tích đỏ, thăm và làm việc tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cả các công ty công nghệ, phản ánh tầm nhìn chiến lược và thực chất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chia sẻ về những đóng góp quan trọng nhất trong chuyến thăm này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Giáo sư Hứa Lợi Bình nhấn mạnh, đó là tăng cường liên lạc, trao đổi chiến lược giữa hai Đảng và lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường sự tin cậy chiến lược lẫn nhau, tạo môi trường chính trị tốt đẹp để Trung Quốc và Việt Nam thực hiện hợp tác thiết thực trong tương lai; tăng thêm lòng tin và quyết tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy việc triển khai hợp tác chất lượng cao Trung Quốc – Việt Nam phát triển nhanh trong tương lai.
Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Việt Nam đã ký 16 văn kiện triển khai hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như hợp tác lý luận, đào tạo giữa hai Đảng, kết nối, công nghiệp, tài chính, kiểm tra và kiểm dịch hải quan, y tế, truyền thông, khu vực địa phương, sinh kế của người dân…, bao gồm cả trao đổi về quản lý nhà nước, phát triển công nghiệp hóa, giao lưu nhân dân…, phản ánh chiều rộng và chiều sâu của hợp tác Trung Quốc – Việt Nam.
Video đang HOT
Giáo sư Hứa Lợi Bình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: TTXVN phát
Giáo sư Hứa Lợi Bình khẳng định, có nhiều điểm nổi bật trong chuyến thăm này. Thứ nhất, chuyến thăm Quảng Châu (Quảng Đông) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Moskva (Nga) đến Quảng Châu với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản để hoạt động cách mạng.
Điều này đã mang đến một bài học lịch sử sống động cho nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, nêu bật nguồn gốc địa chỉ đỏ của hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam.
Đặc biệt, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập tại Quảng Châu vào tháng 6/1925 là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đào tạo hơn 70 trụ cột cách mạng ở Việt Nam và trở thành lực lượng quan trọng của cách mạng Việt Nam, là di sản lịch sử quan trọng của sự hợp tác giữa hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam.
Trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tổ chức lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại quảng trường bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân, bài hát “Việt Nam – Trung Hoa” của nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Nhuận sáng tác đã vang lên, thể hiện không khí ấm áp, hữu nghị giữa hai nước. Điều này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, tạo lên sức ảnh hưởng rất lớn.
Thứ hai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự tiệc trà, tiếp tục truyền thống trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước, đồng thời là nền tảng văn hóa xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam.
Điểm nổi bật cuối cùng, theo Giáo sư Hứa Lợi Bình đó chính là tin tức về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được thông tin rộng khắp trên các phương tiện truyền thông lớn, trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên mạng, phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của chuyến thăm.
Giáo sư Ấn Độ: Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố đoàn kết dân tộc và đặt nền móng cho một xã hội kiên cường
Bài viết với tựa đề "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm là tuyên bố tầm nhìn mạnh mẽ, nêu bật những ưu tiên trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, sáng 3/8/2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trên đây là đánh giá của Giáo sư Archana Upadhyay, trường Đại học Jawaharlal Nehru, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.
Theo Giáo sư Archana, nhằm đảm bảo một tương lai tươi sáng và an toàn cho người dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã nhấn mạnh tới những ưu tiên của chính phủ và tính ưu việt của các thể chế sẽ giúp ban lãnh đạo và người dân Việt Nam thực hiện các mục tiêu. Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây sẽ là bước nhảy vọt so với vị thế hiện tại của một "quốc gia có thu nhập trung bình". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định các mục tiêu rõ ràng cũng như khuôn khổ chỉ đạo để đạt được những mục tiêu này.
Giáo sư Archana cho rằng vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng sáng tạo và phát huy chủ nghĩa Marx - Lenin được truyền cảm hứng với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo kế nhiệm Người sẽ tiếp tục định hướng, định hình nền chính trị và các mục tiêu tương lai của Việt Nam. Các mục tiêu này là xây dựng "một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh".
Vị trí trung tâm của lợi ích quốc gia Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước sẽ là nền tảng cho mọi ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu bật các nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định đường lối phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã được nêu rõ trong bài viết này. Những thách thức an ninh của thế kỷ XXI đã được nhận diện - cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mà thế giới đang phải đối mặt. Ngoài ra còn có những cơ hội bắt nguồn từ cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới. Việt Nam quyết tâm nắm bắt những cơ hội này để tiếp tục câu chuyện tăng trưởng của mình thông qua quyết tâm với tinh thần tự lực, tự tin cao độ. Vai trò quan trọng của Đảng trong việc củng cố sự đoàn kết dân tộc và đặt nền móng cho một xã hội kiên cường cũng đã được nhấn mạnh.
Trên trường quốc tế, Việt Nam cam kết duy trì hòa bình khu vực và toàn cầu, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế thông qua các sáng kiến chính sách đối ngoại đa liên kết. Trong nước, Việt Nam cam kết áp dụng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong quản trị, lấy con người là "chủ thể và trung tâm của công cuộc đổi mới". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.
Giáo sư Archana cho rằng khi Việt Nam bắt đầu một chương mới trong lịch sử chính trị của mình, có những yếu tố vừa mang tính liên tục vừa mang tính ứng biến trong cách tiếp cận với các thách thức trong nước và toàn cầu. Vai trò trung tâm của Đảng bắt nguồn từ niềm tự hào về những công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa được truyền cảm hứng từ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại các thế lực thù địch sẽ là động lực cho những nỗ lực trong tương lai của dân tộc. Phát huy dân chủ, thông qua việc xây dựng một xã hội hòa nhập, tự hào thừa nhận những nét đặc trưng về văn minh và văn hóa của Việt Nam, sẽ xác định bản sắc dân tộc. "Ngoại giao cây tre" sẽ tiếp tục là nền tảng của chính sách đối ngoại của Việt Nam trong hành trình củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp, một lần nữa khẳng định truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào - Việt Nam, luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau và cùng nhau đoàn kết để phát triển đất nước. Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng NDCM Lào, Tổng Biên tập báo...