Mơ một bữa cơm nhà
Tôi là du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Những năm tháng xa gia đình, thực thà mà nói, đã mang lại cho cuộc sống của tôi quá nhiều thay đổi. Tôi quen với tự lập, biết sống hướng ngoại và dễ thích nghi hơn.
Cuộc sống của du học sinh tại một đất nước lớn thực ra rất vất vả chứ không long lanh như nhiều người vẫn tưởng, nhất là khi bạn đến từ một đất nước nghèo. Lu bu với giờ học trên lớp, nghiên cứu ở thư viện rồi tất tả làm thêm, có hôm nhịn qua bữa hay vừa di chuyển vừa gặm đồ ăn nhanh là chuyện với tôi diễn ra như cơm bữa. Để tiết kiệm chi phí, tôi góp gạo thổi cơm chung với 2 người bạn thuê nhà. Lắm lúc thèm vô cùng một món ăn mẹ nấu, cái thời vẫn được ở nhà dưới sự chở che của bố mẹ, vô lo.
Hồi ấy, tôi thích nhất là được vào bếp chuẩn bị cơm cùng mẹ mỗi sáng cuối tuần. Ấy là khoảng thời gian quây quần quý giá cả gia đình luôn chờ đợi. Hôm đó, mẹ sẽ nấu một món ngon cải thiện cho cả nhà, bù lại những ngày thường mẹ không có nhiều thời gian.
Món ăn in đậm trong ký ức của tôi mang vị phở bò – gà, hoặc bát bánh đa cua nước sánh màu vàng gạch ăn kèm rau muống, rau rút và giá, có cả ớt chưng, chỉ một chút thôi đã cay xè nhưng không thể thiếu vì nó cho thứ màu thật hấp dẫn. Hay món súp rau củ của mẹ, tưởng đơn giản dễ nấu, nhưng nếu không biết cách nêm nếm và chọn nguyên liệu thật tươi thì khó lòng có được bát súp ngon… Món nào tôi cũng sẽ ăn nhiều gấp đôi, bố thì tấm tắc khen còn thằng Cún cứ xì xụp xin húp mãi.
Mẹ bảo, cái thời của bà ngoại, để có nước dùng thơm ngọt như vậy phải ninh xương trong nồi nước rất lâu, có khi đến vài tiếng đồng hồ. Khi xương đã thật mềm, vị ngọt của tủy sẽ tiết ra. Song phải mất công canh lửa, vớt bọt sủi để có nồi nước dùng thật trong, thật ngọt. Người ta cứ nói, những món ngon được nấu từ tình yêu thương bao giờ cũng phải kỳ công là vậy.
Đến thời của mẹ hay thời của tôi bây giờ, cuộc sống đã trở nên quá gấp gáp, bận rộn, đến mức đôi khi người ta có cảm giác không theo kịp chính mình, thì thật khó để tìm ra một khoảng trống cho công việc bếp núc, nói gì đến ninh xương. Thế nhưng món canh của mẹ không vì thế mà mất vị. Truyền bí quyết nấu ăn cho con gái, mẹ bảo, khâu lựa nguyên liệu nấu ăn là quan trọng nhất. Rau củ phải thật tươi, miếng thịt hồng, sờ vào thấy chắc chứ không nhờ nhờ lạt màu hay chảy nước thì đã là thịt ôi. Và khả năng kết hợp gia vị, nêm nếm hạt nêm chính là yếu tố làm nên sự khác biệt trong đặc điểm nấu ăn của mỗi người phụ nữ.
Video đang HOT
Mẹ chinh phục và giữ được chân bố cũng vì khả năng nấu nướng tuyệt vời. Dù phần lớn thời trẻ công tác xa nhà, bị không ít cô “lừa” đến mức gần sa ngã, bố vẫn quay về vì không thể rời vị yêu thương chỉ có trong những món ăn của mẹ.
Giờ nơi đất khách quê người tôi càng thấu hiểu, vì sao trải qua những thăng trầm, mẹ và bố vẫn hạnh phúc bên nhau. Nỗi nhớ nhung tình cảm gia đình, thèm một món ngon của mẹ lắm lúc làm tôi bứt rứt. Mong được một ngày trở về bên mẹ, xì xụp những món ngon, để lại được nhìn ánh mắt mẹ cười hiền: “Bí quyết nằm ở việc lựa chọn nguyên liệu và nêm nếm gia vị con nhé!”.
Theo Dantri
Chỉ tại bữa cơm
Cuối cùng thì cái đám cưới đã dự định vào cuối năm được âm thầm hoãn vô thời hạn. Hai nhân vật chính đau khổ than: "Chung quy chỉ tại một bữa cơm gặp mặt". Rồi an ủi nhau, thôi thì từ từ "binh" tiếp, chuyện đâu còn có đó!
Hôm ấy, ba mẹ anh từ quê vào Sài Gòn mua sắm chuẩn bị, nhân tiện được vợ chồng "sui gia tương lai" mời ăn trưa. Đến nơi, anh mới biết, đó là tiệc buffet, mà ba mẹ anh lại chưa từng tham gia loại hình này bao giờ. Lòng thầm trách Uyên không "xi nhan" trước để anh hướng dẫn sơ qua cho ba mẹ, đành tới đâu hay tới đó, Hy vọng là ổn.
Nghĩ thế, nhưng hóa ra không phải.
Mẹ anh vốn thiệt tình, hay... góp ý. Suốt bữa ăn, bà làm cho mọi người phát rối lên vì những "chỉ đạo" của mình. Món thịt gà này phải dùng tay ăn mới ngon, mới cảm hết được sự thú vị của nó. Kìa Uyên, con gắp miếng kia đi, miếng kế bên ấy, đó đó đó! Chị phải chan nước nhiều nhiều nữa chứ! Lấy thêm cọng hành luộc đi con!...
Ảnh mang tính minh họa
Ba Uyên vốn bị tiểu đường loại nhẹ, kiêng cữ nhiều thứ, nhưng trước sự nhiệt tình "lấy giùm" và gắp bỏ thẳng vào chén của sui gia tương lai, ông đành miễn cưỡng ăn thêm. Ba anh, sau mấy ly bia, hào hứng bảo: đàn ông tụi tôi chỉ thích mấy món "chém to kho mặn", chẳng như mấy bà, cứ rỉ rả phá mồi, bao nhiêu cũng hết, sau đó hì hụi tập thể dục, buồn thườn thượt vì quá khổ. Mẹ Uyên đang húp chén cháo, "nghẹn họng" với cảm giác mình bị "xỏ ngọt". Bà hơi "sổ sữa", tối tối vẫn loanh quanh đi bộ mong sao lấy lại được vóc dáng.
Câu chuyện xoay quanh chủ đề món ăn ba miền, từ việc nấu nướng nêm nếm ngọt lừ như chè, đến vụ ham ăn mặn ăn cay hại sức khỏe đều được hai ông sui tương lai mang ra mổ xẻ... Cánh đàn bà con gái không tham gia nhưng kín đáo canh me xem có ai chỉ trích gì... phe mình. Chỉ có hai nhân vật chính là vã mồ hôi vì lo lắng trước đề tài nhạy cảm, dễ đụng chạm đó.
Không như ba mẹ anh chấm kiểu gì cũng xong, ba má Uyên nhất quyết đòi phục vụ cho mỗi người một chén nước mắm riêng. Ăn chung mất vệ sinh lắm! Câu nói vô tư của mẹ làm Uyên giật mình đến... nín thở. Len lén liếc nhìn ba mẹ chồng tương lai, Uyên thở ra nhẹ nhõm khi thấy hai người thản nhiên như chẳng nghe thấy gì...
Bữa cơm đầy căng thẳng đối với đôi trẻ rồi cũng kết thúc. Trên taxi về nhà, Uyên được mẹ giáo huấn, con suy nghĩ thêm đi, làm dâu nhà đó không ổn đâu. Đến miếng ăn mà còn ý kiến này nọ nhiều như vậy, thì những chuyện khác sẽ như thế nào? Đàn ông đàn ang gì mà ăn nói vô duyên, chẳng ngó trước ngó sau gì cả... Ba Uyên nhột, cho là vợ "xóc hông" cả mình, giận dữ bảo, thì vui vẻ tí, có gì đâu mà ầm ĩ. Không ưng thì khỏi cưới xin nữa, có gì đâu!
Bà đó mà thành mẹ chồng thì can thiệp vào đời sống của con cái phải biết! Đó là nhận xét chính thức của mẹ Uyên lúc về đến nhà. "Con nói thẳng với nó, cam kết sống riêng được suốt đời thì cưới, không thì thôi!" - tối hậu thư của mẹ, Uyên không dám kể lại với anh. Càng không thể chia sẻ với mẹ dự định, hai đứa kết hôn xong sẽ rước ba mẹ chồng vào ở chung... Thâm tâm Uyên cũng chợt e ngại. Đã nghe anh kể nhiều về ba mẹ, nhưng đến khi gặp gỡ, Uyên vẫn không tránh khỏi cảm giác sẽ bị "hành" tơi bời, bởi một bữa cơm còn như thế, những chuyện khác sẽ tới mức nào?
Phía bên kia cũng chẳng vui sướng gì. Ba mẹ anh cho là gia đình Uyên trịch thượng, coi thường "người nhà quê", ăn uống cảnh vẻ, cố tình chê bai này nọ. Đứng lên múc về tận bàn mời ăn mà cũng chẳng thèm đụng đũa, chẳng phải khinh người là gì? Nhìn "ông già" khỏe mạnh phây phây như thế, đau ốm chỗ nào đâu mà bày đặt kiêng khem, nói năng lên lớp thiên hạ. Mà họ cũng kỳ, đãi đâu không đãi, lại mời ăn ở cái chỗ phải tự bưng bê, phục vụ. Ăn tiệm như thế, thà về nhà vô bếp nấu luôn, còn đỡ cực thân hơn. Tiệc đứng là vậy đó sao, nghe hoài bây giờ mới thấy, chen lấn, chụp giựt thấy ớn! Ăn thì cũng không biết gắp mời ai, cứ chăm chăm tự lo cho mình, ích kỷ như thế, sau này biết con gái đối đãi với người khác ra sao...
Anh chẳng biết phải giải thích sao cho ba mẹ hiểu và bớt thành kiến. Nhà Uyên thường không có thói quen gắp tiếp đồ ăn, anh từng đến nhà dùng cơm nhiều lần, anh biết. Họ có quý mình mới đãi ở một nhà hàng có tiếng, giá vé cũng đâu rẻ. Tiệc đứng nó vốn vậy, do ba mẹ chưa quen thôi... Nhưng ba mẹ anh gạt ngang, kết luận một câu: chỗ sang như vậy, nhà mình không với tới nổi đâu, con liệu mà tìm mối khác...
Chỉ vì thiếu chuẩn bị, coi thường việc cha mẹ hai bên tiếp xúc "tiền hôn nhân" mà hậu quả thật khó lường. Anh kể khổ với Uyên xong, hai người nhìn nhau cười như mếu. Chỉ là khác biệt văn hóa vùng miền trong ẩm thực thôi mà. Có nhất thiết phải "ngăn sông cấm chợ" như thế? Thời buổi nào rồi mà ba mẹ còn khó khăn lỗi phải đến vậy? Trả lời câu hỏi của anh, ba mẹ anh và cả ba má Uyên đều bảo, ừ thì tụi bây muốn tính sao thì tính.
Tính gì bây giờ, khi cha mẹ hai bên "quăng cục lơ", chả buồn ngó ngàng gì tới chuyện cưới xin. Ai cũng kêu từ từ, vội vàng chi rồi hối hận... Uyên biết cha mẹ hai bên chỉ tự ái, giận lẫy nhau thôi, chẳng phải ác ý gì, nhưng biết làm sao hóa giải bây giờ?
Có lẽ lại phải bày ra một bữa cơm chung lần nữa.
Theo VNE
Dâu cả Chị về làm dâu nhà chồng tôi thấm thoát đã hơn ba mươi năm. Chị là giáo viên dạy văn cấp 2, trường cách nhà hơn 30 cây số, ngày đó đường xá còn khó khăn, mà cuối tuần nào chị cũng đạp xe về phụ công việc đồng áng và chăm sóc các em. Nhà chồng tôi ngày đó còn nghèo lắm,...