Mở kho 500 tấn vàng trong dân: Khó, ai chịu thiệt?
Quy chuẩn vàng trong nước với vàng thế giới sẽ quy định thế nào? Ai sẽ là người chịu thiệt nếu chuẩn vàng VN đang thấp hơn thế giới?
Chưa cần thiết
Liên quan tới thông tin Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa kiến nghị NHNN huy động khoảng 500 tấn vàng trong dân (tương đương 17 – 21 tỷ USD). TS Bùi Quang Tín -Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để thực hiện chủ trương này”.
Ảnh minh họa
Ông Tín phân tích, trong bối cảnh nền tài chính đang khát vốn như hiện nay, nếu huy động được vàng đang nằm trong dân và coi đó là nguồn tài sản bảo đảm dùng để thế chấp vay vốn nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo vấn đề huy động vàng trong dân được khách quan, minh bạch và hiệu quả, bắt buộc phải thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia thông qua việc phát hành trái phiếu huy động vàng, Nhà nước sẽ trả lãi suất.
Nhưng theo vị chuyên gia, để thành lập được Sở giao dịch vàng quốc gia không hề đơn giản và chưa cần thiết vào thời điểm này. Chỉ ra mấy lý do, vị chuyên gia giải thích:
Thứ nhất, số liệu 500 tấn vàng trong dân hiện nay là phi thực tế. Số lượng trên mới chỉ mang tính tham khảo dựa vào công bố của Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới về số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. Con số này chỉ nghe nói chứ không có tính toán.
Giả sử có 500 tấn vàng được nhập vào Việt Nam tương đương 13,3 triệu lượng vàng thì số lượng vàng nằm trong dân chỉ chiếm chưa tới 30%. Thử làm phép tính từ số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động nhân với số lượng vàng mỗi doanh nghiệp tích trữ sẽ có: 12.000 doanh nghiệp x 800 lượng vàng/một doanh nghiệp = 9,6 triệu lượng vàng.
Như vậy, khoảng 72% trong tổng số 500 tấn vàng trên đang nằm trong các doanh nghiệp, công ty kinh doanh vàng. Khoảng 1% nằm tại các ngân hàng thương mại. Chỉ còn khoảng 27 % số lượng vàng có thể nằm rải rác trong dân. Tuy nhiên, cũng không có một cơ sở chắc chắn nào khẳng định 27% đó vẫn nằm nguyên vẹn trong két sắt của người dân, do họ cũng đã bán ra để kinh doanh, lướt sóng vàng, chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản… tỉ lệ này còn lại là rất ít.
Thứ hai, chính sách tiền tệ của Nhà nước trong thời gian vừa qua phù hợp nên gần như đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng đầu cơ vàng trong dân. Người dân không còn tâm lý đầu cơ vàng nữa. Vì thế, số lượng vàng còn lại nằm trong dân theo ước lượng còn không quá 10% (tương đương khoảng 1,3 triệu lượng vàng). Như vậy, theo kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NHNN đứng ra huy động vàng và thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để thu hút vàng trong dân là không khả thi.
“Số lượng 1,3 triệu lượng vàng là không quá nhiều để thành lập cả một Sở giao dịch vàng hoành tráng như vậy”, ông Tín nói.
Phân tích thêm, ông cho biết, trong trường hợp, thành lập Sở giao dịch vàng để huy động được 1,3 triệu lượng vàng đang nằm trong dân thì đổi lại sẽ phải đối diện với những nguy cơ bất ổn:
Một là, Sở giao dịch vàng sẽ là điều kiện cho các cá nhân tham gia sàn giao dịch vàng để đầu cơ, lướt sóng. Đây là những đối tượng tạo ra những cơn biến động vàng của thị trường vàng và tỷ giá USD trước đây.
Hai là, đáp ứng cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại muốn tham gia vào để đầu cơ lướt sóng và kiếm lợi nhuận. Thực tế, có những thời điểm giá vàng trong nước đã bị đẩy lên gần 50 triệu một lượng vàng. Việc này đã gây ra những bất ổn rất lớn trong chính sách điều hành tiền tệ của VN, đó là bài học để cơ quan quản lý phải nhìn nhận lại.
“Đây cũng là lý do vì sao từ năm 2010 Ngân hàng BIDV đã có kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhưng chưa được chấp thuận. Tôi cho rằng, quyết định trên của NHNN là hoàn toàn đúng. Vì để lập được Sở giao dịch vàng bắt buộc phải đảm bảo những yếu tố tiền đề, cụ thể như: chính sách tỉ giá, chính sách ngoại tệ phải ổn định; tiếp đến phải hạn chế đầu cơ; cơ chế quản lý, giám sát cũng đòi hỏi phải minh bạch, chặt chẽ”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cho biết thêm, theo kinh nghiệm của thế giới, để thành lập được một Sở giao dịch vàng kiểu như vậy phải mất khoảng 10 năm, thậm chí tới vài chục năm. Còn để nó hoạt động ổn định thì phải cần tới cả 100 năm.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, VN muốn thành lập Sở giao dịch vàng thì cần phải có những điều kiện chín muồi. Thời điểm này, VN chỉ nên quan tâm chứ không nên vội vàng.
Từ những phân tích trên, ông kết luận: “kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là tích cực xong chưa phải thời điểm thích hợp để thành lập Sở giao dịch vàng cũng như chưa phải thời điểm phù hợp để NHNN đứng ra huy động vàng”.
Huy động vàng: Không dễ
Video đang HOT
Vấn đề tiếp theo, TS Bùi Quang Tín cho biết, trong trường hợp NHNN quyết tâm huy động vàng trong dân thì khả năng huy động được số vàng này là rất khó.
Ông cho biết, có tiền là mua vàng cất trong tủ đã trở thành thói quen của người dân VN từ nhiều năm nay. Vậy bằng cách nào NHNN có thể thay đổi thói quen này để huy động được lượng vàng trong dân là bài toán rất khó, không hề đơn giản.
Theo ông, để có thể huy động được vàng trong dân cần tối thiểu 3 điều kiện:
Thứ nhất, NHNN nhà nước phải đứng ra phát hành những chứng chỉ vàng, sau đó thông qua các NHTM để huy động vàng. Ở đây tôi muốn nói là yếu tố đảm bảo tính an toàn cho tài sản của người dân. Nếu vậy, câu hỏi sẽ đặt ra: Chứng chỉ vàng sau khi huy động sẽ được quy đổi thế nào? Quy đổi bằng vàng hay bằng tài sản nào khác?
Thứ hai, quy định lãi suất cụ thể thế nào? Ông khẳng định, gửi vàng không thể đảm bảo lãi suất như gửi tiền mặt. Vì huy động lãi suất cao sẽ có nguy cơ gây ra những bất ổn trong chính sách điều hành tiền tệ. Cơ chế chống vàng hóa sẽ thất bại. Nhưng nếu lãi suất gửi quá thấp cũng sẽ không hấp dẫn được người dân.
Thứ ba, khi gửi vàng vào ngân hàng thì theo hình thức nào? Là gửi tiết kiệm hay theo hình thức kinh doanh?. Thông thường, người dân gửi vàng vào ngân hàng là có tâm lý muốn đầu cơ, tức là muốn kiếm tiền từ gửi vàng. Vậy, câu hỏi ở đây sẽ là: NHNN phát hành chứng chỉ vàng rồi sau đó sẽ thế nào?
“Tôi chưa thấy ai nói tới vấn đề này. Riêng Hiệp hội mới chỉ kiến nghị chủ trương nhưng cũng chưa kiến nghị được định hướng sử dụng vàng sau khi huy động cụ thể như thế nào?”, vị chuyên gia nhận xét.
Vị TS cho biết, để huy động được người dân mang vàng đi gửi thì cần phải đảm bảo ít nhất 3 yếu tố:
Một là, nền kinh tế ổn định, minh bạch.
Hai là, mang vàng đi gửi người dân phải có lợi nhuận.
Ba là, đồng tiền bỏ ra phải an toàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện đầu tư ở VN không hiệu quả từng xảy ra rất nhiều. Rất nhiều dự án đội vốn, trì trệ, kéo dài thời gian. Nhiều dự án cao tốc xây xong không có người đi… Trong khi đó, việc các NHTM huy động vàng trong dân nhưng là không kiểm soát, không quản lý được để xảy ra tình trạng mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng như Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đông Á… Vì thế, những lo lắng của người dân là hoàn toàn chính đáng.
“Tôi cho rằng, ngay lúc này có thể người dân sẽ không quay lưng lại với chủ trương trên, nhưng họ không hào hứng hưởng ứng ngay mà sẽ chờ đợi. Chờ đời một thời điểm thích hợp, chờ đợi một cơ chế hợp lý”, ông Tín cho hay.
Chưa có chuẩn vàng cụ thể
Cuối cùng, TS Bùi Quang Tín cho biết, trong trường hợp NHNN muốn đứng ra huy động vàng thì câu hỏi về chuẩn vàng thế nào cũng là vấn đề rất phức tạp. Quy chuẩn vàng trong nước với vàng thế giới sẽ quy định thế nào? Ai sẽ là người chịu thiệt nếu chuẩn vàng VN đang thấp hơn thế giới?
Đi vào phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho biết: Có hai trường hợp NHNN có thể biến vàng thành ngoại tệ.
Thứ nhất, bán vàng và mua ngoại tệ trực tiếp. Giải pháp này sẽ rất rủi ro. Ông lấy ví dụ, giá vàng hiện nay chỉ là 30 triệu/lượng, nếu một vài năm nữa giá vàng tăng lên 50 triệu/lượng thì phần lỗ đó ai sẽ bù đắp và lấy ở đâu để bù đắp?.
“Phương án này là hoàn toàn không khả thi vì rủi ro quá lớn, lại đe dọa tới an ninh tài chính, ngân sách quốc gia”, ông nói.
Với phương án thứ hai, là dùng vàng làm tài sản bảo đảm thế chấp nước ngoài và vay ngoại tệ với lãi suất thấp. Theo ông Tín, phương án này sẽ nảy sinh một số vấn đề về tuổi vàng, chủng loại vàng, chất lượng vàng. Khi mang vàng đi thế chấp, VN phải thống nhất được chuẩn vàng trong nước cho phù hợp với chuẩn vàng thế giới, khi đó, thế chấp vàng mới có giá trị.
Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi cần được giải quyết. Cụ thể về quy định thế nào là vàng chuẩn cho tới nay cũng chưa rõ ràng. Người dân cũng chưa nắm được thế nào là vàng chuẩn?.
Hơn nữa, khả năng chênh lệch giữa chất lượng, tiêu chuẩn vàng trong nước với vàng thế giới là rất cao. Khi đó, vấn đề trên sẽ được giải quyết ra sao? Ai phải chịu phần chênh lệch?
“Như vậy, với phương án này cũng không khả thi vì người dân sẽ không dễ dàng bỏ vàng ra để chịu thiệt phần chênh lệch theo tiêu chuẩn mới”.
Vì thế, ông Tín cho hay, cả hai phương án trên đều có khả năng gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý. Do đó, cần phải có phương án khác khả thi và hiệu quả hơn.
Theo_Báo Đất Việt
Mở kho 500 tấn vàng trong dân: Chỉ được làm khi...
NHNN không thể tham gia lướt sóng vàng, như vậy quá mạo hiểm và không đúng với chức năng của một Ngân hàng Trung ương.
Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm trước kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NHNN huy động 500 tấn vàng trong dân.
PV:- Thưa ông, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa kiến nghị NHNN huy động khoảng 500 tấn vàng trong dân (tương đương 17 - 21 tỷ USD). Ông bình luận thế nào về đề xuất trên? Nếu huy động được số vàng trên, sẽ đóng góp như thế nào cho phát triển nền kinh tế trong lúc ngân sách đang khó khăn như hiện nay?
TS Đinh Thế Hiển: Theo tôi, tâm lý muốn giữ vàng là thói quen, đặc tính chung của người dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Ảnh minh họa
Ngoài việc chơi vàng trang sức, người dân còn thói quen tích trữ vàng, mua vàng để dành. Đây là thói quen không chỉ với người giàu, mà ngay cả công nhân, nông dân cũng tích trữ vàng. Vì vậy, khối lượng vàng đang được cất giữ trong dân rất khó có thể đưa ra được con số ước đoán chính xác là 500 tấn hay cụ thể là bao nhiêu tấn. Số lượng này, nằm cả ở giới nhà giàu nhưng cũng nằm trong cả số đông.
Vàng còn là tài sản tích trữ ở ngay các ngân hàng trung ương nhằm, giữ ổn định thị trường tiền tệ đồng thời bảo đảm cho đồng tiền của họ trước nguy cơ biến động. Trong những trường hợp khẩn cấp, vàng có thể được mang ra quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, những dự trữ như vậy không phải lúc nào cũng lãng phí mà nó còn được coi là yếu tố cần thiết, bắt buộc.
Tuy nhiên, xét về quan điểm kinh tế, vàng nằm ở trong dân, vàng không thể biến thành vốn. Đó chỉ là một kiểu tích lũy an toàn, một nguồn lực chết. Nếu vàng được tích trữ trong ngân hàng nó sẽ được chuyển thành những nguồn lực lý tưởng phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế và phục vụ nhu cầu an sinh xã hội thông qua các hình thức quy đổi ra ngoại tệ, làm công cụ bảo đảm để vay vốn. Tức là từ nguồn lực chết nó được biến thành đồng tiền mặt và đổ vào nền kinh tế.
Có thể nói rằng, nguồn vàng hiện nay giống như con gà và quả trứng. Nền kinh tế VN đang trong giai đoạn thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, thời điểm này, chúng ta đang rất cần có một nguồn lực lớn để thực hiện tái cấu trúc.
Bên cạnh chủ trương siết lại dòng tài chính lãng phí, nền tài chính VN vẫn phải cần tới một nguồn tiền để khởi động lại, hồi sinh lại nền kinh tế, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Và nguồn vàng hiện nay, nếu được quy đổi sang ngoại tệ có thể sẽ cung cấp được một nguồn vốn mới cho nền kinh tế, giúp khởi động lại nền kinh tế, giúp cho nền kinh tế không lâm vào tình trạng thiếu tiền.
Dù vậy, tôi không đồng tình với chủ trương để NHNN đứng ra huy động vàng trong dân, vì quá mạo hiểm và khó tránh những rủi ro. Ngân hàng Trung ương không thể và không nên huy động vàng trong dân.
Tôi lấy ví dụ, NHNN huy động vàng, số vàng trên lại được chuyển đổi thành ngoại tệ và cho các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp vay lại. Trong trường hợp giá vàng có biến động hoặc đầu tư không hiệu quả, nguy cơ mất vốn, khó thu hồi nhà nước sẽ phải gánh chịu.
Tôi nhấn mạnh, như vậy quá mạo hiểm và không đúng với chức năng của một Ngân hàng Trung ương.
PV:- Ông cho rằng, không thể để NHNN đứng ra huy động vàng trong dân, vậy theo ông, nên để cho ai đứng ra huy động vàng? Huy động vàng thời điểm này đã thích hợp chưa? Nếu thực hiện thì cần những điều kiện gì, thưa ông?
TS Đinh Thế Hiển: Theo cơ chế trước đây, các NHTM được huy động vàng, sau đó, họ sử dụng một phần để dự trữ, một phần chuyển thành ngoại tệ, một phần cho vay lại, theo tôi, cơ chế trên không hề dở.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào giá vàng thế giới, cùng với các cơ chế quản lý tại các ngân hàng quá tệ, thậm chí có tình trạng lợi ích nhóm thâu tóm, làm khuynh đảo ngành ngân hàng... chính là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại, sự đổ vỡ của một chủ trương. Kết quả sau đó, hàng ngàn lượng vàng bị thất thoát, ngân hàng mất vốn, nhà nước buộc phải dừng lại và yêu cầu bồi hoàn cho dân.
Vì thế, tôi cho rằng, nếu muốn hồi sinh chủ trương huy động vàng thì bắt buộc phải nghiên cứu lại cơ chế thực hiện, cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát nên người dân có thói quen mua vàng tích trữ dù không lời nhiều. Nay, nhà nước nên coi việc huy động vàng giống như huy động các loại ngoại tệ khác và giao cho NHTM kinh doanh như một sản phẩm tiền tệ, tự kiểm soát rủi ro.
Tôi nhấn mạnh, huy động vàng chỉ nên giao cho các NHTM thực hiện, tuyệt đối không nên để NHNN hay bất cứ một tổ chức hay hiệp hội nào đứng ra thực hiện nhiệm vụ huy động vàng.
Vì bản thân các NHTM là những nhà kinh doanh, họ có chuyên môn, có nghiệp vụ, có kinh nghiệm "buôn bán vàng". Họ có khả năng bám sát và theo kịp những dự bảo về sự bất ổn của thị trường vàng thế giới. Các tổ chức khác không có khả năng này.
Nhưng tôi vẫn nhắc lại, chỉ giao quyền huy động vàng cho các NHTM khi các NHTM phải đảm bảo có một cơ chế quản lý, kiểm soát tốt và phải đảm bảo đã khắc phục được những khiếm khuyết, tồn đọng.
Với vai trò là Ngân hàng Trung ương, NHNN có thể đứng ra ban hành những quy chuẩn chung. Tuyệt đối không nên để NHNN hay bất cứ một tổ chức hay hiệp hội nào đứng ra thực hiện nhiệm vụ huy động vàng. NHNN chỉ nên đứng ra ban hành những quy chuẩn chung buộc các NHTM phải thực hiện theo quy chuẩn đó để tránh rủi ro.
PV:- Thực tế, câu chuyện đầu tư ở VN không hiệu quả từng xảy ra rất nhiều. Rất nhiều dự án đội vốn, trì trệ, kéo dài thời gian. Nhiều dự án cao tốc xây xong không có người đi... Trong khi đó, việc các NHTM huy động vàng trong dân nhưng là không kiểm soát, không quản lý được để xảy ra tình trạng mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng như Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đông Á. Vậy, làm sao đảm bảo tiếp tục huy động vàng sẽ hiệu quả, thưa ông?
TS Đinh Thế Hiển: Tôi cho rằng, nền kinh tế nào cũng phải chấp nhận rủi ro. Ngay cả khi thực hiện theo cơ chế thị trường, NHTM thực hiện huy động vàng theo cơ chế thị trường thì nguy cơ người dân bị mất vốn vẫn có thể xảy ra nếu cơ chế quản lý, kiểm soát tại các ngân hàng không tốt.
Vấn đề ở đây là cơ chế quản lý và kiểm soát tại các ngân hàng này làm sao đảm bảo được nguồn huy động vào và khả năng dự tính có thể bù đắp trong trường hợp rủi ro.
Theo tôi, vàng phải được huy động theo cơ chế thị trường, và ngay cả khi chuyển đổi ra ngoại tệ cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, vốn huy động từ vàng phải được đầu tư vào các dải an toàn, đảm bảo chắc chắn các ngân hàng có thể thu được về. Ví dụ những dự án hạ tầng, tất nhiên, phải chắc chắn các dự án trên cũng được thẩm định và tính toán kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phải có cơ chế chung quy định cách thức huy động và cách thức cho vay. NHNN cũng cần đưa ra các quy chuẩn chung bao gồm cả lĩnh vực đầu tư, cũng như khả năng thu hồi của các NHTM.
Tóm lại, cần thực hiện đầy đủ những yếu tố sau:
Thứ nhất, phải có sự kết hợp giữa tính thị trường và cơ chế quản lý nhà nước.
Nhà nước phải ban hành những danh mục ngân hàng được phép cho vay hoặc đầu tư vốn để vốn có thể sinh lợi. Tất nhiên, quyền lựa chọn thuộc về phía các ngân hàng.
Thứ hai, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình thực thi của các NHTM. Ví dụ, những dự án hạ tầng nếu được thẩm định chính xác thì đó là dự án an toàn, khi đó, việc các NHTM lựa chọn dự án đó mới được coi là an toàn.
Thứ ba, các NHTM đó phải có nghiệp vụ trong quản lý, đầu tư và phải có tính nhanh nhạy, bám sát được dự báo giá vàng thế giới.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Theo_Báo Đất Việt
Giá vàng hôm nay 23/5: Giá vàng SJC tăng 20.000 đồng/lượng Giá vàng hôm nay 23/5, lúc 9h00", giá vàng SJC được chiều chỉnh tăng nhẹ, với mức tăng khoảng 20.000 đồng/lượng so với phiên cuối tuần qua. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP HCM được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 33,74 triệu đồng/lượng (mua vào), 33,97 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 10.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua-...