Mở kho 500 tấn vàng trong dân: Chỉ được làm khi…
NHNN không thể tham gia lướt sóng vàng, như vậy quá mạo hiểm và không đúng với chức năng của một Ngân hàng Trung ương.
Chuyên gia kinh tế – TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm trước kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NHNN huy động 500 tấn vàng trong dân.
PV:- Thưa ông, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa kiến nghị NHNN huy động khoảng 500 tấn vàng trong dân (tương đương 17 – 21 tỷ USD). Ông bình luận thế nào về đề xuất trên? Nếu huy động được số vàng trên, sẽ đóng góp như thế nào cho phát triển nền kinh tế trong lúc ngân sách đang khó khăn như hiện nay?
TS Đinh Thế Hiển: Theo tôi, tâm lý muốn giữ vàng là thói quen, đặc tính chung của người dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Ảnh minh họa
Ngoài việc chơi vàng trang sức, người dân còn thói quen tích trữ vàng, mua vàng để dành. Đây là thói quen không chỉ với người giàu, mà ngay cả công nhân, nông dân cũng tích trữ vàng. Vì vậy, khối lượng vàng đang được cất giữ trong dân rất khó có thể đưa ra được con số ước đoán chính xác là 500 tấn hay cụ thể là bao nhiêu tấn. Số lượng này, nằm cả ở giới nhà giàu nhưng cũng nằm trong cả số đông.
Vàng còn là tài sản tích trữ ở ngay các ngân hàng trung ương nhằm, giữ ổn định thị trường tiền tệ đồng thời bảo đảm cho đồng tiền của họ trước nguy cơ biến động. Trong những trường hợp khẩn cấp, vàng có thể được mang ra quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, những dự trữ như vậy không phải lúc nào cũng lãng phí mà nó còn được coi là yếu tố cần thiết, bắt buộc.
Tuy nhiên, xét về quan điểm kinh tế, vàng nằm ở trong dân, vàng không thể biến thành vốn. Đó chỉ là một kiểu tích lũy an toàn, một nguồn lực chết. Nếu vàng được tích trữ trong ngân hàng nó sẽ được chuyển thành những nguồn lực lý tưởng phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế và phục vụ nhu cầu an sinh xã hội thông qua các hình thức quy đổi ra ngoại tệ, làm công cụ bảo đảm để vay vốn. Tức là từ nguồn lực chết nó được biến thành đồng tiền mặt và đổ vào nền kinh tế.
Video đang HOT
Có thể nói rằng, nguồn vàng hiện nay giống như con gà và quả trứng. Nền kinh tế VN đang trong giai đoạn thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, thời điểm này, chúng ta đang rất cần có một nguồn lực lớn để thực hiện tái cấu trúc.
Bên cạnh chủ trương siết lại dòng tài chính lãng phí, nền tài chính VN vẫn phải cần tới một nguồn tiền để khởi động lại, hồi sinh lại nền kinh tế, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Và nguồn vàng hiện nay, nếu được quy đổi sang ngoại tệ có thể sẽ cung cấp được một nguồn vốn mới cho nền kinh tế, giúp khởi động lại nền kinh tế, giúp cho nền kinh tế không lâm vào tình trạng thiếu tiền.
Dù vậy, tôi không đồng tình với chủ trương để NHNN đứng ra huy động vàng trong dân, vì quá mạo hiểm và khó tránh những rủi ro. Ngân hàng Trung ương không thể và không nên huy động vàng trong dân.
Tôi lấy ví dụ, NHNN huy động vàng, số vàng trên lại được chuyển đổi thành ngoại tệ và cho các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp vay lại. Trong trường hợp giá vàng có biến động hoặc đầu tư không hiệu quả, nguy cơ mất vốn, khó thu hồi nhà nước sẽ phải gánh chịu.
Tôi nhấn mạnh, như vậy quá mạo hiểm và không đúng với chức năng của một Ngân hàng Trung ương.
PV:- Ông cho rằng, không thể để NHNN đứng ra huy động vàng trong dân, vậy theo ông, nên để cho ai đứng ra huy động vàng? Huy động vàng thời điểm này đã thích hợp chưa? Nếu thực hiện thì cần những điều kiện gì, thưa ông?
TS Đinh Thế Hiển: Theo cơ chế trước đây, các NHTM được huy động vàng, sau đó, họ sử dụng một phần để dự trữ, một phần chuyển thành ngoại tệ, một phần cho vay lại, theo tôi, cơ chế trên không hề dở.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào giá vàng thế giới, cùng với các cơ chế quản lý tại các ngân hàng quá tệ, thậm chí có tình trạng lợi ích nhóm thâu tóm, làm khuynh đảo ngành ngân hàng… chính là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại, sự đổ vỡ của một chủ trương. Kết quả sau đó, hàng ngàn lượng vàng bị thất thoát, ngân hàng mất vốn, nhà nước buộc phải dừng lại và yêu cầu bồi hoàn cho dân.
Vì thế, tôi cho rằng, nếu muốn hồi sinh chủ trương huy động vàng thì bắt buộc phải nghiên cứu lại cơ chế thực hiện, cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát nên người dân có thói quen mua vàng tích trữ dù không lời nhiều. Nay, nhà nước nên coi việc huy động vàng giống như huy động các loại ngoại tệ khác và giao cho NHTM kinh doanh như một sản phẩm tiền tệ, tự kiểm soát rủi ro.
Tôi nhấn mạnh, huy động vàng chỉ nên giao cho các NHTM thực hiện, tuyệt đối không nên để NHNN hay bất cứ một tổ chức hay hiệp hội nào đứng ra thực hiện nhiệm vụ huy động vàng.
Vì bản thân các NHTM là những nhà kinh doanh, họ có chuyên môn, có nghiệp vụ, có kinh nghiệm “buôn bán vàng”. Họ có khả năng bám sát và theo kịp những dự bảo về sự bất ổn của thị trường vàng thế giới. Các tổ chức khác không có khả năng này.
Nhưng tôi vẫn nhắc lại, chỉ giao quyền huy động vàng cho các NHTM khi các NHTM phải đảm bảo có một cơ chế quản lý, kiểm soát tốt và phải đảm bảo đã khắc phục được những khiếm khuyết, tồn đọng.
Với vai trò là Ngân hàng Trung ương, NHNN có thể đứng ra ban hành những quy chuẩn chung. Tuyệt đối không nên để NHNN hay bất cứ một tổ chức hay hiệp hội nào đứng ra thực hiện nhiệm vụ huy động vàng. NHNN chỉ nên đứng ra ban hành những quy chuẩn chung buộc các NHTM phải thực hiện theo quy chuẩn đó để tránh rủi ro.
PV:- Thực tế, câu chuyện đầu tư ở VN không hiệu quả từng xảy ra rất nhiều. Rất nhiều dự án đội vốn, trì trệ, kéo dài thời gian. Nhiều dự án cao tốc xây xong không có người đi… Trong khi đó, việc các NHTM huy động vàng trong dân nhưng là không kiểm soát, không quản lý được để xảy ra tình trạng mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng như Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đông Á. Vậy, làm sao đảm bảo tiếp tục huy động vàng sẽ hiệu quả, thưa ông?
TS Đinh Thế Hiển: Tôi cho rằng, nền kinh tế nào cũng phải chấp nhận rủi ro. Ngay cả khi thực hiện theo cơ chế thị trường, NHTM thực hiện huy động vàng theo cơ chế thị trường thì nguy cơ người dân bị mất vốn vẫn có thể xảy ra nếu cơ chế quản lý, kiểm soát tại các ngân hàng không tốt.
Vấn đề ở đây là cơ chế quản lý và kiểm soát tại các ngân hàng này làm sao đảm bảo được nguồn huy động vào và khả năng dự tính có thể bù đắp trong trường hợp rủi ro.
Theo tôi, vàng phải được huy động theo cơ chế thị trường, và ngay cả khi chuyển đổi ra ngoại tệ cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, vốn huy động từ vàng phải được đầu tư vào các dải an toàn, đảm bảo chắc chắn các ngân hàng có thể thu được về. Ví dụ những dự án hạ tầng, tất nhiên, phải chắc chắn các dự án trên cũng được thẩm định và tính toán kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phải có cơ chế chung quy định cách thức huy động và cách thức cho vay. NHNN cũng cần đưa ra các quy chuẩn chung bao gồm cả lĩnh vực đầu tư, cũng như khả năng thu hồi của các NHTM.
Tóm lại, cần thực hiện đầy đủ những yếu tố sau:
Thứ nhất, phải có sự kết hợp giữa tính thị trường và cơ chế quản lý nhà nước.
Nhà nước phải ban hành những danh mục ngân hàng được phép cho vay hoặc đầu tư vốn để vốn có thể sinh lợi. Tất nhiên, quyền lựa chọn thuộc về phía các ngân hàng.
Thứ hai, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình thực thi của các NHTM. Ví dụ, những dự án hạ tầng nếu được thẩm định chính xác thì đó là dự án an toàn, khi đó, việc các NHTM lựa chọn dự án đó mới được coi là an toàn.
Thứ ba, các NHTM đó phải có nghiệp vụ trong quản lý, đầu tư và phải có tính nhanh nhạy, bám sát được dự báo giá vàng thế giới.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Theo_Báo Đất Việt
Giá vàng thế giới "rơi" nhanh
Đồng bạc xanh leo lên mức cao nhất trong vòng ba tuần so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ đã kéo giá kim loại quý tụt giảm hàng chục USD.
Biên bản cuộc họp tháng 4 vừa công bố cho thấy nhiều thành viên của FED ủng hộ quan điểm nâng lãi suất sớm hơn, có thể là ngay trong tháng 6 tới. Chỉ số của giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong hơn ba năm vào tháng 4 và dữ liệu về nhà khởi công hoạt động sản xuất cũng phục hồi mạnh mẽ.
Đó là những nguyên nhân làm cho vàng giảm sức hấp dẫn. Đầu giờ sáng nay, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.259 USD/ounce, tương đương 33,91 triệu đồng/lượng. So với thời điểm đầu tháng 5, giá vàng thế giới đã để "mất" khoảng 34 USD/ounce, tức là giảm hơn 900.000 đồng/lượng.
Trong khi giá vàng thế giới đang ở xu hướng giảm mạnh thì giá vàng miếng SJC trong nước sáng nay lại "đứng im", niêm yết ở mức 33,92-34,15 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với giá chốt phiên chiều qua. Do giá vàng thế giới liên tục giảm trong khi giá vàng trong nước giảm không đáng kể đã đưa giá vàng nội trở lại vị trí cao hơn vàng ngoại khoảng 200.000 đồng/lượng.
T.LINH
Theo_PLO
Tỷ giá trung tâm ngày 19/5 tăng mạnh 21 đồng/USD, giá vàng giảm sâu Tỷ giá trung tâm ngày hôm nay (19/5) tăng 21 đồng/USD, lên mức 21.911 đồng/USD. Giá vàng SJC trong nước quay đầu giảm mạnh. Trong khi đó, tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại ghi nhận đang "đi ngang", khi 2 ngày hôm nay, chưa có sự điều chỉnh đáng kể nào, cụ thể: Tại Vietcombank, tỷ giá đang giao dịch...