Mô hình mới: Trồng dâu ta lấy quả, mỗi năm có 200 triệu đồng
Bằng ý chí quyết đoán, sáng tạo, lão nông Quốc gàn- tên mà nhiều người thường gọi – đã “đổi đời” khi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm nhờ trồng cây dâu ta ăn quả.
Bỏ tiêu trồng dâu
Sáng sớm mùa hè tháng 5 Quảng Trị đã nóng oi ả, ai nấy đều mệt mỏi. Thế nhưng khi chúng tôi ghé thăm, đứng giữa vườn dâu, gương mặt ông Trần Văn Quốc (59 tuổi) lại sáng lên niềm hạnh phúc.
Ông Quốc thu hái dâu trong vườn nhà. Ảnh: N.V
Video đang HOT
Trong lúc vườn tiêu đang tàn lụi, ông Quốc lóe lên ý nghĩ trồng dâu ngâm rượu bán. Khi người dân quanh vùng đang cố gắng vực dậy vườn tiêu thì ông Quốc phá sạch, dành đất để đào hố, mua phân về trồng 1.000 gốc dâu trên diện tích 1ha vào năm 2008.
Sinh ra trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ thôn Tân Phú, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị), trước đây ông Quốc là công nhân Nông trường Tân Lâm. Sau khi nông trường cổ phần hóa, ông Quốc vào Nam ra Bắc lăn lộn kiếm sống với nhiều công việc khác nhau. Cuối cùng ông quay về quê hương và dừng chân, đánh vật với vườn tược.
Nơi đây đất đỏ baza, hồ tiêu là loại cây được nhiều nông dân trồng. Ông Quốc cũng làm theo, nhưng ngày qua ngày vườn tiêu nhà ông mắc nhiều thứ bệnh. Dù đã dùng nhiều loại thuốc phòng trừ bệnh nhưng tiêu vẫn chết dần, chết mòn, năng suất giảm, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Mất nguồn thu nhập chính, cuộc sống gia đình ông Quốc khốn đốn.
Thế rồi cơ duyên với cây dâu tằm đến với ông Quốc bất chợt. Ông kể, cách đây khoảng 30 năm, trong một lần ra thăm quê vợ ở Nghệ An, thấy có cây dâu tằm ra quả ngon nên ông xin vài nhánh về trồng chơi. Mang về đất Tân Phú trồng, dâu tằm hợp thổ nhưỡng, lớn nhanh, ra trái nhiều. Tìm hiểu sách báo, ông Quốc biết được trái dâu là phương thuốc nam rất tốt cho sức khỏe. Ông hái dâu đem ngâm rượu thì cho ra loại rượu thơm ngon, ai nấy đều khen. Trong lúc vườn tiêu đang tàn lụi, ông Quốc lóe lên ý nghĩ trồng dâu ngâm rượu bán. Năm 2008, khi người dân quanh vùng đang cố gắng vực dậy vườn tiêu thì ông Quốc phá sạch, dành đất để đào hố, mua phân về trồng 1.000 gốc dâu trên diện tích 1ha.
Thấy vậy, hàng xóm đặt cho ông cái tên Quốc gàn. Vợ ông thì suốt ngày khóc lóc van xin ông dừng làm vì sợ ôm cục nợ. Bà Hồ Thị Lan – vợ ông nhớ lại: “Lúc đó tôi như ngồi trên đống lửa. Con cái đang tuổi ăn học, điều kiện gia đình khó khăn, ông ấy làm liều lỡ không thành công, ôm cục nợ thì cả nhà chỉ có nước ra ở bờ ở bụi. Ngăn ông ấy không được nên tui đành đồng cam cộng khổ làm…”.
Nổi danh Quốc “dâu”
Là mô hình trồng trọt mới, nên ông Quốc phải tự mày mò trồng dâu theo hàng lối (tỷ lệ 3-3-3), cắt tỉa cẩn thận. Sau vài năm, ông thu hái lứa dâu đầu tiên đem ủ rượu. Do ông chưa biết kỹ thuật, rượu liên tục hỏng, lúc quá ngọt, lúc quá chua. Sau mỗi lần thất bại, ông Quốc tự rút ra kinh nghiệm để đi đến thành công.
Bây giờ, 2.000 gốc dâu trong vườn của ông thu được 6 tấn quả tươi, nếu ngâm rượu sẽ cho ra 2.000 lít, còn bán quả tươi sẽ thu khoảng 300 triệu đồng (bình quân 50.000 đồng/kg quả tươi). Sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi khoảng 200 triệu đồng. Ông Quốc dự định đến năm 2019 sẽ tăng diện tích lên 4ha, tương đương 4.000 gốc dâu và đăng kí thương hiệu, nhãn mác cho rượu dâu. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, ông Quốc còn thuê 4 lao động địa phương với lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Theo Danviet
Trồng dâu xen xoài cho thu nhập khá
Với diện tích hơn 4.000m2 vườn tạp, ông Phan Văn Kiến, khu dân cư Bình Thường, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (Cần Thơ) đã cải tạo trồng dâu xen xoài và cho thu nhập khá.
Ông Phan Văn Kiến (phải) giới thiệu về kỹ thuật chăm sóc cây dâu. Ảnh: T.L
Cách đây hơn 7 năm gia đình ông Phan Văn Kiến còn thuộc diện hộ khó khăn của địa phương. Khu vườn rộng hơn 4.000m2 rậm rạp um tùm, trồng vài chục khóm chuối thì cỏ dại tràn lan làm cho còi cọc. "Thấy xung quanh bà con làm ăn dữ lắm, tui cũng tính cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái, nhưng ngặt nỗi kiếm vài triệu đồng vốn đầu tư cũng khó...".
Năm 2010, qua tổ vay vốn do Hội Nông dân phường quản lý, ông Kiến được vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Số vốn đó, ông dùng thuê nhân công dọn dẹp mảnh vườn, mua giống dâu và xoài về trồng xen canh. Ông Kiến bố trí mật độ cứ 1 cây dâu trồng xen 1 cây xoài. Mảnh vườn hơn 4.000m2 của gia đình được ông Kiến trồng 80 gốc dâu và 80 gốc xoài. "Quả dâu vốn là đặc sản ở Cần Thơ. Mấy năm nay, du lịch phát triển nên sản phẩm quả dâu được nhiều nhà vườn trồng. Cây dâu không khó tính, dễ chăm sóc, người trồng dâu cũng có nguồn thu nhập" - ông Kiến chia sẻ.
Với 4.000m2 vườn, 4 năm nay, gia đình ông Kiến có nguồn thu nhập 100 triệu đồng từ dâu và xoài. Bước sang năm thứ 5 sau khi trồng, cây dâu bắt đầu cho quả với sản lượng lớn. Bình quân 1 gốc dâu trong vườn cho 100kg/vụ, với giá bán từ 6.000 đồng/kg trở lên. Như vậy, mỗi vụ dâu gia đình ông Kiến thu về gần 50 triệu đồng. Mỗi năm cây dâu cho 2-3 vụ trái thì riêng tiền bán dâu của gia đình ông Kiến đã có hơn 100 triệu đồng/năm.
"Cây dâu sau khi cho quả cứ mỗi năm phải gạt đất gốc và bồi thêm bùn vào năng suất, chất lượng năm sau mới cao. Có những cây dâu đậu trái nhiều đến nỗi 2 người đứng ở 2 bên gốc nhìn không thấy nhau bởi bị trái che kín. Tôi đang tham khảo các nhà vườn trong vùng để tác động để cây dâu cho trái nghịch vụ để giá bán được cao..."- ông Kiến tiết lộ.
Theo Danviet