Mô hình ‘5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo’ tại Đắk Nông
Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Huyện ủy Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo”.
Bằng những hình thức giúp đỡ đa dạng với từng hoàn cảnh cụ thể, áp dụng phương pháp “cho cần câu không cho con cá”, các đảng viên đã sát cánh cùng các hộ nghèo trên con đường vượt khó.
Sau thời gian triển khai, các tổ chức cơ sở đảng tại huyện Đắk Song đã phối hợp vận động, huy động nguồn lực được trên 1,1 tỷ đồng giúp người nghèo.
Hành động thiết thực
Ngay sau khi Huyện ủy Đắk Song xây dựng kế hoạch “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo”, Đảng ủy xã Trường Xuân đã bắt tay thực hiện. Đến nay, địa phương được đánh giá là một trong những tổ chức Đảng triển khai tốt.
Gia đình bà Trần Thị Mầu, tại bon Jâng Plei 3, xã Trường Xuân là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhận thấy, nhu cầu của gia đình bà Mầu là cây con giống, kỹ thuật, ngày công, vốn đầu tư…, nhóm 5 đảng viên của Chi bộ bon Jâng Plei 3 đã lên kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện giúp bà thoát nghèo. Từ đóng góp của các thành viên và vận động, kêu gọi, nhóm đã hỗ trợ 1 cặp dê giống, 100 con gà giống, 30 cây bơ giống và thức ăn chăn nuôi, phân bón. Bên cạnh đó, nhóm đề xuất với cơ quan chức năng hỗ trợ các chính sách theo quy định như cho vay thêm vốn để giúp bà Mầu vươn lên thoát nghèo. “Được sự giúp đỡ tận tình từ các đảng viên, cuộc sống của gia đình đã đổi thay”, bà Mầu vui mừng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng nhóm “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo” tại Chi bộ bon Jâng Plei 3 cho biết, ngoài việc tìm hiểu hoàn cảnh thực tế để hỗ trợ, các thành viên trong nhóm thường xuyên hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi, động viên cố gắng vươn lên.
Video đang HOT
Xã Trường Xuân hiện có 110 nhóm đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo. Đến nay, các nhóm đã giúp đỡ được 73 hộ thoát được nghèo. Điều đáng nói, từ sự hỗ trợ của nhóm, bản thân các gia đình được giúp đỡ ngày càng tích cực, chủ động hơn trong lao động sản xuất. Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân Nguyễn Văn Anh cho biết, qua thời gian triển khai, mô hình đã được đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Việc giúp đỡ hộ nghèo thiết thực còn là cách để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, củng cố hơn nữa niềm tin của dân đối với Đảng.
Cách làm ý nghĩa
Để nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo, Chi bộ thôn 8, tại xã Nam Bình có cách làm riêng. Do số lượng đảng viên không nhiều, ngay từ đầu Chi bộ đã xây dựng kế hoạch, thành lập tiểu ban vận động. Các nhóm đảng viên phối hợp với nhau rà soát số hộ nghèo thực tế, khảo sát tình hình, nguyên nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để có sự hỗ trợ thích hợp.
Ngoài việc tìm hiểu hoàn cảnh thực tế của từng hộ nghèo, các đảng viên thường xuyên hướng dẫn các gia đình về cách chăn nuôi, động viên cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Ông Đồng Xuân Liền, Bí thư Chi bộ thôn 8 cho biết, các đảng viên được phân công khảo sát, phân tích kỹ rồi mới giúp đỡ. Hàng tháng, trong các buổi họp Chi bộ, các nhóm đều báo cáo tiến độ, khả năng thoát nghèo của mỗi hộ cũng như vấn đề phát sinh để cùng nhau bàn bạc tháo gỡ. Việc tháo gỡ các khó khăn là nhiệm vụ chung của toàn Chi bộ. Ngoài ra, để việc quán triệt được đảm bảo và thông suốt, Chi bộ thành lập nhóm Zalo, giải quyết các công việc hàng ngày. Việc làm này giúp các đảng viên thêm gắn bó, thông tin được nhanh hơn. Ban đầu thôn 8 có 10 hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, các nhóm đã giúp được 8 hộ thoát nghèo. Năm 2021-2022, Chi bộ đưa ra chỉ tiêu giúp 2 hộ còn lại thoát nghèo.
Xã Nam Bình hiện có 254 đảng viên được phân công giúp đỡ 98 hộ nghèo. Năm 2020, cùng với nhiều nguồn giúp đỡ khác, toàn xã có 60 hộ thoát được nghèo. Năm 2021, xã kêu gọi mỗi thôn giúp 1 hộ thoát nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,85%.
Tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo
Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về triển khai chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song đã ban hành kế hoạch triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo”.
9/9 xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và chia tổ phân công đảng viên giúp hộ nghèo. Mô hình không chỉ đem đến nguồn động viên cho hộ nghèo mà còn thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa đảng viên và người dân. Sự hỗ trợ vật chất của đảng viên cho hộ nghèo thực hiện theo đúng phương châm là hỗ trợ cần câu.
Sau thời gian triển khai, các tổ chức cơ sở Đảng đã phối hợp vận động, huy động nguồn lực được trên 1,1 tỷ đồng giúp người nghèo. Ngoài ra, các nhóm còn huy động nhiều nguồn lực khác nhằm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, đào giếng, mua máy móc phục vụ sản xuất, phân bón, cây con giống, làm chuồng trại chăn nuôi…
Theo ông K’Thanh – Bí thư Huyện ủy Đắk Song, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo. Trước hết, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo. Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo các điều kiện sản xuất, dịch vụ xã hội như: dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn ngân hàng. Đắk Song huy động các nguồn lực từ ngân sách và ngoài xã hội ưu tiên phát triển hạ tầng cho các xã nghèo, đặc biệt khó khăn.
Cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo huyện Đắk Song là hơn 2.800 hộ, chiếm 14,2%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ là 32%. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 2,28%; trong đó hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 7,9%.
Từ kết quả mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ thoát nghèo”, huyện đang nghiên cứu thêm mô hình mới để chỉ đạo các cấp ủy địa phương, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống có giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Huyện tập trung kêu gọi các nguồn lực ngoài xã hội giúp đỡ người nghèo về vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật… chung sức trong công tác giảm nghèo.
Cần Thơ: Nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thành phố quan tâm thực hiện.
Đến nay, thành phố chỉ còn 80 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Đó là thông tin được lãnh đạo thành phố Cần Thơ đưa ra tại buổi gặp mặt chúc Tết cổ truyền Khmer Chôl Chnăm Thmây năm 2022 do Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 8/4.
Lãnh đạo thành phố tặng quà cho những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.
Chúc Tết các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sư sãi, a char, Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer, người Khmer có uy tín trên địa bàn thành phố Cần Thơ, lãnh đạo thành phố đã thông tin về kết quả công tác dân tộc trong thời gian qua.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng được nâng lên. Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây mới các công trình cơ sở hạ tầng. Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, tổ chức chu đáo, long trọng, trang nghiêm. Phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer được bảo tồn và phát huy...
Năm 2021, Cần Thơ cũng như cả nước đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, với sự nỗ lực, chung sức của chính quyền và nhân dân, Cần Thơ đã vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiều chỉ tiêu. Đặc biệt, các chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, hiệu quả.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội lớn để Cần Thơ có nhiều điều kiện chăm lo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên bức tranh khởi sắc trong thực hiện chính sách dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng sẽ tiếp tục được nâng lên về mọi mặt.
Hòa thượng Đào Như, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ cho rằng, để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cũng cần sự chung tay góp sức, góp tiếng nói từ những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Do đó, các hòa thượng, thượng tọa, chức sắc, chức việc và đồng bào dân tộc Khmer cam kết tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên trong cuộc sống; tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ thành phố để ra, góp phần xây dựng quê hương Cần Thơ ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hồ tiêu xanh tốt, hiệu quả cao nhờ canh tác hữu cơ Đến xã Nhân cơ, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) không khó để bắt gặp các vườn hồ tiêu được trồng cách đây khoảng 20 năm nhưng xanh tốt và cho năng suất cao. Điểm chung là các vườn tiêu này đều được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học. Giá hồ tiêu hữu cơ của Hợp tác xã Hồ...