Mở cửa, thêm nhiều DN tham gia chuyển mạch tài chính
Việc cho phép các DN tham gia thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử là giải pháp mở cửa một lĩnh vực còn độc quyền, tạo sự cạnh tranh, giúp giảm chi phí, tăng tiện ích, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Khi dịch vụ tài chính phát triển, tất cả mọi người dân và doanh nghiệp (DN) được hưởng. Điều này có ý nghĩa tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo.
Tăng cạnh tranh
Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020. Theo đó, sẽ hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.
Mục tiêu là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Sắp tới, các khuôn khổ pháp lý sẽ được hoàn thiện, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện.
Video đang HOT
Ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, đây là quyết định có nhiều đổi mới, mang tính đột phá, sẽ có tác động sâu rộng, đem lại sự phát triển trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam.
Đặc biệt, với hoạt động chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử, sẽ cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được cung ứng dịch vụ, nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay trong lĩnh vực chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử, mới chỉ có Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) là đơn vị duy nhất cung ứng hạ tầng thanh toán cho hàng chục ngân hàng nội địa và quốc tế tại Việt Nam. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Cơ cấu giao dịch đang có sự dịch chuyển từ giao dịch rút tiền mặt sang chuyển mạch giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên ngân hàng. Nếu chỉ dựa vào hệ thống chuyển mạch hiện nay rất khó để giảm phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước.
Việc có thêm DN tham gia thị trường, chắc chắn sẽ xóa bỏ sự độc quyền, tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ, giúp giảm chi phí, tăng các tiện ích, thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Mọi người đều hưởng lợi
Thanh toán phi tiền mặt của Việt Nam đến nay vẫn còn rất thấp. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 4.9%. Tuy nhiên, tăng trưởng đang rất nhanh. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2019 thanh toán điện tử qua Internet tăng trên 60% và qua điện thoại di động tăng trên 90% so với 2018.
Thanh toán phi tiền mặt của Việt Nam đến nay vẫn còn rất thấp.
Kinh tế số ngày càng phát triển, sẽ khiến các loại hình thanh toán mới xuất hiện nhiều hơn, thói quen người tiêu dùng sẽ nhanh chóng thay đổi. Nếu hạ tầng cung ứng dịch vụ chuyển mạch vẫn chậm đổi mới, thanh toán không dùng tiền mặt khó có sự đột phá.
Theo chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim, cho đến nay, hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân khu vực thành thị, còn khu vực nông thôn vẫn rất thiếu. Độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng với chi phí cao, đang là rào cản lớn đối với người nghèo, người thu nhập thấp đến với các dịch vụ tài chính chính thức. Thanh toán qua thẻ hiện vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, hình thức thanh toán qua QR Code, ví điện tử còn thấp, trong khi đây đang là xu hướng mới. Hệ thống chuyển mạch chưa liên thông được các phương tiện thanh toán mới.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đưa dịch vụ tài chính đến tận vùng sâu, vùng xa, phải thông qua mạng lưới hệ thống ngân hàng đại lý, fintech, mobile money, ví điện tử, các kênh thanh toán hiện đại.
Trong bối cảnh đó, cần tập trung nguồn lực và nỗ lực của tất cả các ngành, lĩnh vực, cả nhà nước và tư nhân, tạo ra các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Việc cho phép các doanh nghiệp tham gia thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử là giải pháp giúp phát triển hạ tầng, thúc đẩy các loại hình thanh toán mới. Sự phát triển của các dịch vụ tài chính sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Khi dịch vụ tài chính phát triển, tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những người chưa được tiếp cận, hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính; những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh… sẽ được thụ hưởng. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trần Thủy
Theo Vietnamnet.vn
Phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản đến người dân
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, gồm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, với mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp (DN) được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính thuận tiện, phù hợp với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người thu nhập thấp, yếu thế, DN nhỏ và siêu nhỏ. Phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25% đến 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% đến 25% hằng năm; ít nhất 250 nghìn DN nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng,...
Chiến lược đề ra một số giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và DN tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản thuận tiện, hợp lý; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến những đối tượng mục tiêu; tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, giảm phí giao dịch,...
PV
Theo nhandan.com.vn
Đưa vốn vay ưu đãi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) mới đây đã ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa Quỹ và ba ngân hàng gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Quân đội (MBBank), TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và TMCP Bắc Á (BacABank). Dự kiến chỉ một tuần sau khi ký, các ngân hàng sẽ hoàn tất...