“Mở cửa” cho đặc sản xứ Mường vào chuỗi siêu thị Vinmart
Cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc cùng nhiều đặc sản khác của xứ Mường ( Hòa Bình) đang có cơ hội lớn để bán vào chuỗi siêu thị Vinmart của Tập đoàn Vingroup. Nếu việc này thành công, sẽ mở ra cơ hội lớn cho người trồng cam, trồng bưởi tại Hòa Bình.
Ngày 11.10 tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cùng Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa trên địa bàn Hòa Bình.
Hòa Bình hiện có trên 10.000ha cam và bưởi, cùng với hàng chục nghìn ha trồng rau màu, trong đó đặc sản cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc đã nổi tiếng từ lâu, được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do diện tích cây có múi tăng chóng mặt, nên việc tiêu thụ các mặt hàng này của bà con cũng gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, những đặc sản của Hòa Bình có chất lượng rất tốt. Nhưng bà con mới chỉ biết dừng lại ở việc sản xuất, việc bán hàng vẫn trông cả vào thương lái. Do vậy, tỉnh Hòa Bình mong muốn đưa được các sản phẩm nông sản này vào chuỗi siêu thị Vinmart.
Đặc sản cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình.
Cũng theo ông Tuấn, việc triển khai dự án là phù hợp với chủ trương phát triển nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa của tỉnh. Về vấn đề cơ chế, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi đến chân hàng rào vùng dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Video đang HOT
Hòa Bình còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt. Mong muốn của nhiều HTX cũng như chính quyền tỉnh Hòa Bình là đưa các sản phẩm này vào chuỗi siêu thị Vinmart.
Hội nghị cũng có sự tham dự của nhiều HTX sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Các HTX đã có sự trao đổi trực tiếp với đại diện của VinEco và Vinmart về vấn đề tiêu thụ nông sản. Trong đó có việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân vào chuỗi siêu thị Vinmart. Bà con cũng mong đại diện Tập đoàn Vingroup sớm có giải pháp “mở cửa” và kết nối để bán các đặc sản của xứ Mường như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, quýt Nam Sơn, cá sông Đà…
Đại diện VinEco và Vinmart ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình.
Trước sự mong mỏi của chính quyền và người nông dân, phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Kiên Cường – Giám đốc phát triển Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup khẳng định, việc đưa những đặc sản của xứ Mường vào chuỗi siêu thị Vinmart là rất thiết thực. Trong thời gian vừa qua VinEco và Vinmart cũng đã kết nối đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của các địa phương vào chuỗi siêu thị Vinmart.
Tại Hội nghị, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình và đại diện VinEco và Vinmart đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm xúc tiến việc đưa những đặc sản của Hòa Bình vào chuỗi siêu thị Vinmart càng sớm càng tốt.
Theo Danviet
Hòa Bình: Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên khá giả nhờ nuôi bò
Nhiều hội viên nông dân huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã có cuộc sống khá giả nhờ vay vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân đầu tư nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế gia đình. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã từng bước giúp nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập cho các hội viên, nông dân.
Với mục đích hỗ trợ các hộ nông dân duy trì và phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh có thế mạnh ở địa phương, Hội Nông dân huyện Lạc Thủy luôn duy trì tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Tính đến nay, tổng số nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Lạc Thủy đang quản lý, cho vay hơn là 4,4 tỷ đồng cho 66 hộ vay. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các ngân hàng duy trì việc tín chấp, ủy thác cho các hội viên vay vốn với tổng dư nợ do tổ chức Hội đang theo dõi là 332,142 tỷ đồng cho 5.524 hộ hội viên. Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang quản lý 168 tổ vay vốn các loại. Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân và phối hợp với ngân hàng của Hội đã giúp cho các hội viên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập cao và ổn định cuộc sống.
Nhờ Qũy Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên huyện Lạc Thủy đã vay vốn mua bò sinh sản phát triển kinh tế.
Thời gian vừa qua, chi hội nông dân thôn Vỏ, xã Liên Hòa đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản với 10 hộ hội viên nông dân tham gia. Các hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tổng số tiền Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân cho các hộ vay là 500 triệu đồng. Cùng với số tiền vay và vốn tự có của gia đình, mỗi gia đình hội viên thạm gia dự án đã mua được 2 con bò cái trưởng thành. Sau 3 năm chăm sóc tổng số bò của nhóm hộ dự án đã có là 64 con.
Là một trong những hội viên được vay vốn từ Qũy Hỗ trợ nuôi bò sinh sản ở xóm Vỏ (xã Liên Hòa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), bà Bùi Thị Nương phấn khởi, cho biết: Gia đình tôi được vay 50 triệu đồng, tôi mua 3 con bò cái, trong đó có 2 con đang chửa, chỉ sau 5 tháng đàn bò của gia đình tôi đã đẻ 2 con bê. Như vậy, sau nửa năm vay vốn Quỹ tôi cũng có lãi rồi. Tôi chỉ mong sao đàn bò luôn phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt để tôi hùn vốn trả nợ gốc cho Quỹ hội. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hội viên khác trong xã cũng nhờ vay vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân nuôi bò, đến nay cuộc sống của nhiều hội viên đã dư giả và có công việc làm thương xuyên hơn....".
Chị Bùi Thị Nương, xóm Vỏ, xã Liên Hòa cho biết: Nuôi bò ít chi phí chăm sóc và nhàn hơn các loại vật nuôi khác, giá cả trên thị trường luôn ổn định.
Theo tính toán của hội viên, nông dân xã Liên Hòa, nuôi bò sinh sản rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, vì đất đồi núi rộng có nhiều cỏ mọc xanh mướt nên rất thuận lợi cho việc nuôi thả đồi. Bà con cho biết, nuôi bò chỉ tốn chi phí ban đầu mua con giống, về sau thì chỉ tốn công chăn thả, cắt cỏ, trồng cỏ. Vay Quỹ Hỗ trợ nông dân có thuận lợi là thời gian trả nợ kéo dài 3 năm, khi trả vốn gốc thì bò sinh sản ít nhất đã đẻ được 1-2 lứa. Thấy được hiệu quả thiết thực đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản.
Tận dụng diện tích đồi núi rộng, nguồn thức ăn dồi dào, nuôi bò sinh sản là hướng đi mới cho các hội viên ở xã Liên Hòa.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, cho biết: Thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, vay vốn theo tổ nhóm không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều hội viên nông dân, phát triển kinh tế mà còn giúp các hội viên đoàn kết, gắn bó với nhau, hỗ trợ nhau tốt hơn....
Theo Hội Nông dân huyện Lạc Thủy, những năm qua, Hội đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi. Phong trào này có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển kinh tế hộ. Cùng với hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề của Hội, phong trào đã khuyến khích nông dân tự tạo việc làm thường xuyên, nâng cao nguồn thu nhập.
Với những điều kiện thuận lợi, Qũy Hỗ trợ nông dân sẽ giúp nhiều hội viên, nông dân huyện Lạc Thủy phát triển kinh tế và tăng thu nhập cao hơn.
"Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Lạc Thủy đã tổ chức hơn 320 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch hại tổng hợp... giúp hội viên nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Các dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tại huyện Lạc Thủy đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả; góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương"- bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Theo Danviet
Nông dân Cao Phong sửa đường, hiến đất xây dựng nông thôn mới Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã huy động các hội viên nông dân góp tiền, công lao động tham gia sửa đường, hiến đất xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua đó, Hội không chỉ tạo được phong trào nông dân tham gia xây dựng NTM, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo làng...