Miroslav Klose – báu vật tuyển Đức
Cứ sau 4 năm, Klose lại được nhắc đến như một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử World Cup, còn tuyển Đức vẫn loay hoay trong nỗi nhớ chân sút này.
3 năm sau khi quyết định treo giày, Miroslav Klose trải lòng với TZ về những khó khăn gặp phải trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn một thập niên của mình. Nếu bài phỏng vấn đó không tồn tại, có lẽ người hâm mộ bóng đá sẽ chỉ nhớ 2 điều về cựu tiền đạo tuyển Đức. Anh là chân sút ghi bàn nhiều nhất lịch sử các VCK World Cup và sự “fair-play” mà Klose thể hiện trên sân cỏ.
Tuy nhiên, nhân cách và tài năng của cầu thủ này còn đại diện cho những điều lớn lao hơn thế. Không hào nhoáng, phô trương, Klose như đóa hoa nở muộn, lẳng lặng ghi tên mình vào lịch sử bên cạnh rừng siêu sao gắn liền với bóng đá vị nghệ thuật ở thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Để rồi khi Klose giải nghệ, người ta vẫn nhớ về anh mỗi kỳ World Cup, với những ký ức đẹp đẽ và dung dị trong màu áo “Die Mannschaft”.
Pha tung người ăn mừng gắn liền với sự nghiệp của Klose.
Mộng vô địch của chàng thợ mộc
Klose sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao ở Ba Lan. Cha anh là cầu thủ chơi ở giải hạng Ba, còn mẹ anh có 62 lần ra sân cho tuyển bóng chuyền quốc gia. Chuyển tới Đức sinh sống năm lên 8, tuổi thơ cựu tiền đạo Bayern Munich gắn liền với sự tự ti của một người nhập cư. Sau này, chính điều đó đã ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách của Klose.
Khi mới đến Đức, Klose chỉ có thể nói 2 từ, “ja” (vâng) và “nein” (không). Rào cản ngôn ngữ từng khiến anh hoảng sợ trong một buổi tiệc được tổ chức ở thị trấn Friedland. Klose cũng chia sẻ anh từng nằm trên chiếc giường tầng của một phòng gym, bất an đến mất ngủ chỉ vì những người xung quanh đều nói tiếng Đức.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng với Klose. Khi lớn lên, anh bị bạn bè cùng trang lứa xa lánh trong những trận bóng trên đường phố chỉ vì gốc gác Ba Lan của mình. Sau một thời gian, những đứa trẻ này cũng phải đồng ý cho Klose nhập hội, vì chúng nhận thấy anh “có phẩm chất gì đó đặc biệt”.
Đến năm 16 tuổi, cựu tiền đạo tuyển Đức bắt đầu đi học nghề mộc. Anh vượt qua kỳ kiểm tra cuối cùng với số điểm gần như tuyệt đối (99/100) để trở thành một “Journeyman” (người làm thuê sau khi hoàn thành thời gian học việc). Trong khoảng thời gian làm việc tại xưởng, Klose chơi cho SG Blaubach-Diedelkopf, CLB đầu tiên trong sự nghiệp, vài tháng trước khi chuyển đi để tập trung hoàn toàn vào bóng đá. “Sau vài tháng làm Journeyman, tôi chuyển đến Homburg và kể từ đó, cuộc sống chỉ có bóng đá”, Klose chia sẻ.
Sự nghiệp cầu thủ của tiền đạo gốc Ba Lan bắt đầu có những chuyển biến rõ rệt ở tuổi 21. Khi đang chơi tại giải hạng Năm ở Đức, Klose đã gây ấn tượng với tuyển trạch viên của FC Kaiserslautern trong một lần ông bất ngờ ghé thăm Homburg. Tháng 4/2000, anh có lần đầu tiên ra sân tại Bundesliga trước khi ghi 16 bàn ở mùa giải 2001/02, đứng thứ ba trong danh sách vua phá lưới năm đó.
Chân sút gốc Ba Lan ghi bàn trong lần đầu tiên khoác áo tuyển Đức.
Khả năng săn bàn của Klose giúp anh vào mắt xanh của HLV Rudi Voeller, người khi đó đang dẫn dắt tuyển Đức, và cả HLV Jerzy Engel của Ba Lan. Ông Engel thậm chí bay sang Đức để thuyết phục Klose cống hiến cho quê hương. Sau cùng, anh chọn gắn bó với “Die Mannschaft”. Klose nói: “Lúc bấy giờ, tôi đã có hộ chiếu Đức. Nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra thế này, tôi sẽ có cơ hội chơi cho Rudi Voeller”.
Năm 2001, Klose có lần đầu tiên khoác áo tuyển Đức trong trận đấu với Albani tại vòng loại World Cup 2002. Chưa đầy 15 phút sau khi vào sân từ ghế dự bị, anh ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 bằng cú đánh đầu ở cự ly gần. Đó cũng là khoảnh khắc tiền đạo này nhận ra anh phải làm gì đó để đưa đội tuyển trở thành số một thế giới. “Để lên đỉnh cao rất khó, nhưng ở trên đó còn khó hơn. Tôi phải nghiêm khắc hơn với bản thân mình, không uống rượu, không đi bar và ngủ sớm”, Klose tiết lộ.
Giấc mơ thành sự thật
Pha lập công giúp tuyển Đức giành chiến thắng muộn trước Albani năm đó làm rung chuyển cầu trường BayArena. Màn ăn mừng lộn nhào của Klose cũng trở thành thương hiệu mỗi khi người ta nhắc đến cầu thủ này. Khi đó, không ai nghĩ chân sút gốc Ba Lan sẽ lật đổ sự thống trị của những huyền thoại như Gerd Mueller, Uwe Seeler, Juergen Klinsmann, Oliver Bierhoff hay chính HLV Rudi Voeller.
Video đang HOT
Cho đến khi anh ghi liền 7 bàn để bước đến VCK World Cup 2002, bao gồm 2 cú hat-trick vào lưới Israel và Áo.
Phong độ thể hiện ở vòng loại World Cup khiến HLV Voeller không có lý do nào để đẩy Klose lên ghế dự bị. Cú hat-trick vào lưới Saudi Arabia trong trận ra quân, mỗi bàn trước Ireland và Cameroon giúp Klose giành chiếc giày bạc ngay giải đấu lớn đầu tiên anh tham dự ở cấp đội tuyển. 5 bàn thắng này đều đến từ những cú đánh đầu, và Klose là người đầu tiên làm được điều đó trong lịch sử giải đấu lớn nhất hành tinh.
Năm 2006, ngay kỳ World Cup sau, anh đã có chiếc giày vàng mong muốn với 5 pha lập công dù tuyển Đức thất bại trên sân nhà. 4 năm sau, “Die Mannschaft” tiếp tục lỡ hẹn với chức vô địch, dù Klose đóng góp 4 bàn thắng để đưa mình sánh ngang với huyền thoại Gerd Mueller, trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử các VCK World Cup.
World Cup 2014 trên đất Brazil chứng kiến đỉnh cao sự nghiệp của Klose, không phải vì anh ghi nhiều bàn, cũng chẳng phải đó là giải đấu cuối cùng trước khi chân sút gốc Ba Lan giã từ đội tuyển. “Cỗ xe tăng” Đức vô địch năm đó là sự tổng hòa của đội hình với Lucas Podolski (gốc Ba Lan), Sami Khedira (gốc Tunisia), Mesut Oezil (gốc Thổ Nhĩ Kỳ) hay Jerome Boateng (gốc Ghana) mà đầu tàu là Klose.
Chức vô địch World Cup 2014 khép lại sự nghiệp vàng son của Klose trong màu áo tuyển Đức.
Klose đại diện cho giấc mơ đưa tuyển Đức vô địch của những người nhập cư, dập tan định kiến bằng tài năng để ghi tên mình vào lịch sử. Giải đấu năm đó, tiền đạo này ghi 2 bàn khi đã ở tuổi 35, đánh bại Ronaldo “béo” để trở thành chân sút có nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử các VCK World Cup.
Thành tựu này còn ý nghĩa hơn khi anh ghi bàn cuối cùng cho tuyển Đức trong chiến thắng hủy diệt 7-1 trước Brazil ngay trên thánh địa của họ. Xuất phát từ đường chọc khe vào vùng cấm của Kroos, Mueller nhận bóng, trả ngược cho Klose. Anh dứt điểm lần một không thành, trước khi cú sút sau đó khiến thủ môn Julio Cesar bất lực. Đường bóng đi thẳng và sệt, cú dứt điểm đơn giản với lực vừa đủ, giống hệt phong cách của Klose, một tiền đạo chỉ cần biết ghi bàn. Điều khác là lúc này, anh không còn đủ sức để tái hiện màn ăn mừng lộn nhào quen thuộc.
“Lúc đầu, nó không giống như chiến thắng, mà thay vào đó là một gánh nặng được trút bỏ. Tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc. Tôi đã cố gắng nhiều trong những năm qua, thường thì bị ngã sấp mặt, nhưng cuối cùng tôi đã có thứ gì đó hữu hình trong tay”, Klose trải lòng.
Nghịch lý Klose
Sự nghiệp của Klose là tổng hòa của một chuỗi nghịch lý. Anh chơi cho Bayern Munich, CLB thành công nhất nước Đức, nhưng đỉnh cao sự nghiệp ở Bundesliga lại trong màu áo Werder Bremen. 3 năm khoác áo CLB này, Klose chơi 89 trận tại Bundesliga, ghi 53 bàn trước khi chuyển đến Allianz Arena. Tại Bayern, anh chơi 98 trận ở giải quốc nội, nhưng chỉ có 24 pha lập công.
Trong mùa giải đầu tiên, Klose giành cú đúp danh hiệu và ghi 21 bàn. Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên tồi tệ khi HLV Louis van Gaal lên nắm quyền. Chiến lược gia người Hà Lan không còn ưu tiên Klose và đày ải anh lên ghế dự bị. Đó vô tình trở thành lý do giúp chân sút này đạt phong độ cao mỗi đợt triệu tập lên tuyển quốc gia.
Klose chia sẻ: “Đó là cảm giác kỳ lạ. Bạn không thể đóng góp vào thành công của CLB. Song, tôi biết các trận đấu quốc tế sẽ trở lại. Đó là lối thoát của tôi. Tôi có thể giải phóng áp lực của mình, thứ đã dồn nén trong khoảng thời gian ngồi ghế dự bị ở Bayern. Tôi như con thú xổ lồng mỗi khi khoác áo tuyển. Tuyển Đức mới là CLB thực sự của tôi”.
Sau 4 năm, kể cả khi Van Gaal ra đi, Klose cũng không đạt được thỏa thuận ở lại sân Allianz Arena. Anh tới Serie A để đầu quân cho Lazio. Đội bóng Italy lại là CLB mà huyền thoại tuyển Đức có nhiều năm gắn bó nhất. Anh chơi cho Lazio 5 mùa giải trước khi tuyên bố giã từ sự nghiệp ở tuổi 38.
Klose nói lời giã từ sân cỏ trong màu áo Lazio năm 2016.
These Football Times gọi Klose là “nghịch lý của bóng đá”. Trong môn thể thao mà người ta dùng mọi tiểu xảo để giành chiến thắng, anh hai lần khiếu nại trọng tài để đòi quyền lợi cho đối thủ. Năm 2005, Klose bị đốn ngã trong vùng cấm và trọng tài cho Bremen hưởng phạt đền. Klose khiếu nại và khẳng định đây là pha va chạm hợp lệ.
7 năm sau, trong trận đấu giữa Lazio và Napoli, cầu thủ này dùng tay đưa bóng vào lưới. Sau khi ăn mừng, anh thừa nhận hành vi của mình với trọng tài. Lazio bị tước bàn thắng, nhưng thay vì rút thẻ vàng, vị vua áo đen chìa tay ra bắt Klose. Huyền thoại tuyển Đức nhận giải “fair-play” năm đó. Anh làm điều mà Diego Maradona, Paul Scholes, Thierry Henry hay Lionel Messi đều không làm được. Đó là trả lại những thứ không thuộc về mình.
Nhân cách của Klose vượt lên trên cả con số 64 bàn thắng cho Lazio, khiến đội chủ sân Olimpico tri ân anh như một huyền thoại. Các cổ động viên Lazio có bài hát riêng về Klose, rằng anh sẽ luôn ghi bàn trong mọi trận đấu, và gọi tiền đạo này là “Miro của chúng tôi”. Đồng đội của anh mặc áo đấu in tên “Klose” trên ngực trong trận cuối cùng.
Chừng đó có quá nhiều cho một cầu thủ như Klose? Anh không tạo ra những pha đi bóng ma thuật như Messi, chẳng bật cao và có thể hình đẹp như Cristiano Ronaldo, cũng không thẳng thắn và ngạo nghễ như Zlatan Ibrahimovic.
Dấu ấn của Klose chỉ là những pha cú điểm gọn gàng trong vùng cấm, pha ăn mừng lộn nhào và sự “fair-play” trên sân cỏ. 3 yếu tố đó đủ để anh ghi danh mình như một huyền thoại, người mang đến sự giản dị và ấm áp cho các cổ động viên.
Trong thời đại bóng đá bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, sự oan tính, tham lam, phân hóa giàu nghèo, Klose đại diện cho những điều bình dị và tốt đẹp đã qua. Cứ 4 năm một lần, anh sẽ khơi dậy ký ức về những mùa hè World Cup nóng bỏng, nơi tình yêu với kỷ lục gia người Đức sống mãi với thời gian.
Ronaldo, Messi có xứng đáng vào top 10 cầu thủ vĩ đại nhất?
BLV Quang Huy gọi Cristiano Ronaldo và Lionel Messi là những nhà thể thao kiệt xuất, do đó xứng đáng vào top 10 cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá.
Trong 10 năm qua, làng túc cầu thế giới liên tục tranh cãi về câu chuyện Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi có xứng đáng góp mặt trong top 10 cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử. BLV Quang Huy cho biết để chọn ra 10 cái tên trong hàng trăm cầu thủ xuất sắc là bài toán thật sự nan giải.
Theo BLV Quang Huy, sự vĩ đại không chỉ bởi tài năng, danh hiệu, mà cách họ truyền cảm hứng, đóng góp cho phát triển của môn thể thao vua.
Danh sách 10 cầu thủ vĩ đại gồm Messi, Ronaldo, Pele, Diego Maradona, Franz Beckenbauer, Lev Yashin, Johan Cruyff, Michael Platini, Stanley Matthew và Garrincha.
Messi và Ronaldo cùng đứng trên đỉnh cao bóng đá thế giới hơn 10 năm.
Ba biểu tượng của sự bền bỉ
Ronaldo đã 35 tuổi, nhưng vẫn là ngôi sao sáng nhất của Juventus và giải đấu Serie A. Lionel Messi kém CR7 2 tuổi, tiếp tục là nguồn cảm hứng lớn nhất trong lối chơi Barcelona. Ronaldo và Messi cùng chiếm lấy "ánh đèn sân khấu" khi còn tuổi đôi mươi. Sau hơn 10 năm, sự ổn định của cả 2 khiến tất cả kinh ngạc, đang chống lại mọi quy luật trong thể thao.
"Messi và Ronaldo chưa vô địch World Cup, nhưng điều đó không thành vấn đề. Đặt lên bàn cân những danh hiệu cả 2 đạt được trong sự nghiệp, tôi nghĩ họ xứng đáng để được điền tên vào top 10 cầu thủ vĩ đại. Cả Messi và Ronaldo đều vô địch Champions League, giúp CLB của mình thống trị giải vô địch quốc gia. Mỗi ngôi sao lần lượt có 6 và 5 Quả bóng vàng, nên xứng đáng được vinh danh", BLV Quang Huy nhận định.
"Sự vĩ đại đầu tiên của Messi và Ronaldo là tố chất chơi bóng đặc biệt. Thế nhưng, điều tôi ấn tượng hơn là độ bền bỉ khó tin. Ở giai đoạn mà bóng đá gọi là tuổi băm, Messi lẫn Ronaldo chơi với đẳng cấp rất cao, chúng ta chưa thấy nhân tố nào khác đủ sức vươn tới đẳng cấp này trong vài năm tới. Họ là những nhà thể thao kiệt xuất với tài năng, cống hiến hết mình và độ nổi tiếng bao phủ toàn cầu, không kém cạnh bất kỳ ngôi sao nào ở các lĩnh vực", anh nhấn mạnh.
Trong top 10 cầu thủ vĩ đại, Stanley Matthew cũng là tượng đài về độ bền bỉ. Ông là người đầu tiên giành Quả bóng vàng thế giới, được phong tước hiệp sĩ Anh ngay ở thời điểm còn thi đấu. Matthew chơi bóng đỉnh cao đến tận 50 tuổi, đây là kỷ lục của bóng đá Anh và có thể còn lâu mới xuất hiện người thứ 2 đủ sức tái hiện điều tương tự.
Beckenbauer khai sinh vị trí "libero" trong bóng đá.
Những cuộc cách mạng trong bóng đá
Thủ môn Yashin, trung vệ Beckenbauer và tiền đạo Johan Cruyff là những "nhà cách mạng" vĩ đại trong bóng đá. Họ được nhắc tên không chỉ vì tài năng xuất chúng, mà còn góp công lớn để trái bóng tròn trở nên hoàn hảo và mang tới cho cổ động viên những "món ăn" mới, giàu cảm xúc.
"Yashin là thủ môn đầu tiên giành Quả bóng vàng, song thành tựu lớn nhất của ông là cuộc cách mạng trong khung gỗ. Yashin tận dụng mọi thứ trên cơ thể để làm chủ cầu môn, đó là sự phát triển đặc biệt so với giai đoạn người gác đền chỉ chủ yếu sử dụng đôi tay. Yashin chơi chân điêu luyện, đặc biệt là bước chủ động di chuyển để đổ người. Đó là bước tiến vĩ đại, và về sau xuất hiện nhiều thủ môn như vậy", BLV Quang Huy phân tích.
"Hoàng đế" Beckenbauer cống hiến cả thanh xuân cho Bayern Munich với 439 trận. Ông khoác áo tuyển Tây Đức 103 trận, trải qua một loạt chiến dịch lớn và gặt hái những thành công như vô địch World Cup 1974. Ông là cầu thủ hiếm hoi sở hữu 3 danh hiệu World Cup, EURO và cúp châu Âu. Beckenbauer còn thành công trong sự nghiệp huấn luyện với thành tích dẫn dắt Tây Đức vô địch World Cup 1990.
"Beckenbauer là cha đẻ của vị trí libero trong bóng đá hay còn gọi là hậu vệ quét. Ông sẵn sàng băng lên đọc ý đồ, mạnh dạn đánh chặn từ xa thay vì bị động để truy cản. Beckenbauer là bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của bóng đá hiện đại. Những trung vệ giỏi lúc này ít nhiều ảnh hưởng bởi triết lý của Beckenbauer. Với tôi, không thể thiếu Beckenbauer trong top 10, thậm chí top 5 cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử", BLV Quang Huy nói.
"Cruyff khai sinh ra thứ bóng đá gây cuốn hút những người xem bóng đá khó tính nhất. Chính ông là người đặt nền móng cho lối đá tiki-taka trứ danh, đã giúp Barca khuất phục cả châu Âu, đồng thời đưa tuyển Tây Ban Nha lên đỉnh thế giới. Cruyff được tôn sùng như vị thánh trong bóng đá, đó chính là sự ghi nhận tốt nhất của làng túc cầu với những gì ông đã cống hiến", BLV Quang Huy nhắc lại đóng góp của huyền thoại người Hà Lan.
Garrincha (áo vàng), đôi chân vòng kiềng huyền thoại của thế giới.
Các bậc thầy truyền cảm hứng
Sự vĩ đại của Pele và Maradona là điều không cần bàn cãi. Pele vô địch World Cup tới 3 lần, Maradona dẫn dắt Argentina lên ngôi năm 1986. Cả 2 góp công không nhỏ để đưa bóng đá thật sự là môn thể thao vua. Trong mọi danh sách bình chọn, Pele và Maradona luôn được xếp ở 2 vị trí đầu tiên.
Ở Pháp, CĐV luôn tranh cãi câu chuyện giữa Zinedine Zidane và Platini, ai mới là số 10 xuất sắc hơn. BLV Quang Huy gọi Zidane là kỳ tài của bóng đá châu Âu, nhưng Platini có những phẩm chất riêng. "Chất ngẫu hứng của Platini nhiều hơn Zidane, ông ấy tạo ra những thứ không ai có thể làm được. Khi Platini chơi bóng, ông giống như chỉ huy của cả dàn nhạc giao hưởng", anh lý giải.
Người cuối cùng trong danh sách là huyền thoại Brazil Garrincha. Ông chơi gần 600 trận cho 6 CLB trong sự nghiệp, ghi 232 bàn. Garrincha có 50 lần khoác áo tuyển Brazil và vô địch World Cup các năm 1958, 1962.
"Garrincha có phong cách hoang dã, thi đấu đặc biệt cống hiến. Ở World Cup 1962, Pele chấn thương, chính Garrincha là đầu tàu dẫn dắt Brazil đến chức vô địch đầy cảm xúc. Garrincha được xem là biểu tượng của bóng đá Brazil kể từ màn độc diễn trên đất Chile. Thậm chí, nhiều CĐV Brazil nhận định Garrincha vĩ đại hơn Pele", BLV Quang Huy nói.
"Garrincha là dị nhân khi chân trái thấp hơn chân phải 6 cm, chân phải cong ra bên ngoài, trong khi chân trái ngắn hơn và cong vào bên trong. Đôi chân ông ấy cực nhanh, xử lý biến ảo. Garrincha có cuộc sống phóng khoáng, hoang dã tựa Maradona, nhưng ông lành tính, chưa làm hại bất kỳ ai. Đến khi Garrincha qua đời, ông không còn đồng nào vì đã chia hết cho bạn bè. Với tôi, đây là cầu thủ vĩ đại, nguồn cảm hứng xứng đáng để được nhắc tên mãi về sau", anh khẳng định.
BLV Quang Huy nhắc tới Marco van Basten và Ronaldo de Lima với sự tiếc nuối. Nếu Van Basten lẫn Ronaldo "béo" không bị chấn thương hành hạ ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, CĐV có thể dễ dàng hơn trong việc chọn ra 10 cái tên vĩ đại nhất.
Top 5 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử World Cup Hãy cùng Doanh nghiệp Việt Nam điểm danh 5 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup. 1. Miroslav Klose (Đức) bàn thắng: 16. Ảnh: These Football Times. 2. Ronaldo "béo" (Brazil) bàn thắng: 15. Ảnh: Jss77. 3. Gerd Muller (Đức) bàn thắng: 14. Ảnh: Theguardian. 4. Just Fontaine (Pháp) bàn thắng: 13. Ảnh: Pinterest. 5. Pele (Brazil) 13...