Minh bạch trong thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa để tạo sự đồng thuận
Bà Đặng Thị Phương Thảo kỳ vọng những điểm đó cơ bản khắc phục được bất cập trong Luật Giáo dục hiện hành, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra cho giáo dục
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy ở bậc phổ thông, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một số vấn đề quan tâm liên quan Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực vào năm 2020.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Qaang Vinh
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh, giáo dục đóng vai trò quan trọng với đất nước. Sau ba kỳ họp, Quốc hội mới bấm nút thông qua Luật Giáo dục 2019 thể hiện sự cẩn trọng trong cân nhắc của Quốc hội với những chính sách đặt ra với nền giáo dục nước nhà.
Nhiều nội dung trong bản cuối của Dự án Luật Giáo dục 2019 đã được chỉnh sửa phù hợp hơn so với các phiên bản trước trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu cũng như các chuyên gia.
Luật Giáo dục 2019 có một số nội dung mới như: miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở theo lộ trình; nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên; vấn đề biên soạn sách giáo khoa…
Bà Đặng Thị Phương Thảo kỳ vọng những điểm đó cơ bản khắc phục được bất cập trong Luật Giáo dục hiện hành và sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra cho giáo dục, tạo ra bước ngoặt quan trọng giúp ngành ổn định lâu dài và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Theo bà, vấn đề có ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục trong giai đoạn tới chính là việc biên soạn nhiều sách giáo khoa cho cùng một chương trình môn học ban hành kèm theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Mặc dù các bộ sách giáo khoa được đưa ra cho các cơ sở giáo dục lựa chọn, theo quy định đều đã thông qua quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Quốc gia, tuy nhiên chắc chắn sẽ có sự khác biệt giữa các bộ sách này”, bà Thảo chia sẻ, khi đó có thể có nhiều vấn đề đặt ra đối với giáo viên và các nhà trường.
Thứ nhất, giáo viên là người trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, là người điều khiển, truyền tải các nội dung trong đó tới học sinh, họ rất cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để thực hiện chương trình đó.
Tuy nhiên, từ năm học 2021 – 2022 chúng ta đã bắt đầu lộ trình cuốn chiếu để thực hiện chương trình này mà hiện nay các trường mới đang lựa chọn các sách giáo khoa để phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Do vậy, thời gian tiếp cận của giáo viên với sách giáo khoa mới sẽ ngắn.
Sự chuẩn bị cho việc lựa chọn phương pháp và sử dụng các phương tiện, kỹ thuật giảng dạy cho phù hợp sẽ gấp gáp, không được kỹ lưỡng và kéo theo chất lượng giảng dạy sẽ không cao, không như mong muốn.
Video đang HOT
Thứ hai, để đảm bảo cho tiến độ thực hiện chương trình mới, vấn đề tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các nhà trường đang được triển khai, song còn tương đối chậm và chưa đảm bảo được độ rộng, quán triệt và nâng cao nhận thức đối với toàn bộ giáo viên. Đồng thời, cách tập huấn của chúng ta vẫn mang tính chất thứ lớp hành chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho một nhóm giáo viên cốt cán và cán bộ tạm gọi là giỏi hơn và thích ứng nhanh hơn khi áp dụng phương pháp giảng dạy, quản lý tích cực của các sở và một số nhà trường.
Tiếp đó, các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm tương tự với nhóm giáo viên tiếp theo thuộc các cơ sở giáo dục mình quản lý.
Cuối cùng là các giáo viên còn lại trong mỗi nhà trường sẽ được các giáo viên nói trên truyền đạt, tập huấn.
Vì vậy, vấn đề “tam sao thất bản” chắc chắn sẽ xảy ra khi các công đoạn sau không nắm được tinh thần của công đoạn trước.
Đó là chưa nói đến năng lực truyền đạt và tập huấn của một số cán bộ, giáo viên cốt cán ở cơ sở chưa đảm bảo được hiệu quả như công đoạn ban đầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tổ chức thực hiện.
“Do đó, tôi nghĩ cần tính toán để có được những bộ tài liệu tập huấn chuẩn mực và thống nhất, có chăng chỉ là cách thức để áp dụng của mỗi địa phương và cơ sở giáo dục là khác nhau để phù hợp với thực tiễn từng nhà trường mà thôi. Đồng thời, cần có đội ngũ cán bộ tập huấn mang tính nòng cốt và chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Họ sẽ là người trực tiếp làm công tác tập huấn cho các nhà trường hoặc luôn luôn thường trực theo các cuộc tập huấn để quán triệt được tinh thần chung cho mọi cơ sở giáo dục”, bà Thảo nhấn mạnh.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần làm tốt công tác truyền thông để mọi cán bộ quản lý, mọi giáo viên tại các cơ sở giáo dục đều hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu chính xác về chương trình mới cũng như về sách giáo khoa mới.
Qua đó, họ sẽ đóng tròn vai của người phát ngôn tới phụ huynh và học sinh ở mỗi nhà trường, mỗi cấp học của ngành giáo dục; tạo sự lan tỏa và đồng thuận cao từ chính nội bộ ngành tới phụ huynh, tới nhân dân, tới toàn xã hội.
Thứ tư, vấn đề thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa được dư luận đặc biệt quan tâm, vì vậy mà cần phải hết sức lưu ý, cẩn trọng trong công khai minh bạch quá trình này.
Đồng thời, chúng ta cần có sự thẳng thắn trong đánh giá, nhìn nhận đối với những hạn chế cần khắc phục của các cuốn sách đó, tránh cả nể hay lợi ích nhóm.
Cần có sự minh bạch trong thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa để tạo sự đồng thuận (Ảnh minh họa: Đỗ Thơm).
Ngoài ra, chúng ta có thể phối hợp hoặc đóng vai trò kết nối để một số nhóm tác giả biên soạn sách hội tụ được những nội dung hợp lý và căn cốt nhất để cùng thống nhất có được những cuốn sách giáo khoa phù hợp nhất vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục, vừa đảm bảo được tính thực tiễn khi triển khai.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng còn nhiều giáo viên băn khoăn về đầu mối nào giữ vai trò quyết định cho các cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa, vấn đề khi học sinh chuyển trường thì sẽ thế nào nếu trường mới các em học sách khác…
“Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, làm gì cũng vậy, đổi mới giáo dục bao giờ cũng thế, sẽ có những khó khăn đặt ra nhất định.
Nhưng nếu chúng ta quyết tâm và may mắn là không ít giáo viên, đơn vị giáo dục đang rất quyết tâm để thực hiện và đồng lòng thì việc đổi mới đó, chúng ta vẫn có nhiều căn cứ để tin tưởng rằng không sớm thì muộn, trong tương lai ngành giáo dục cũng sẽ tiếp tục giữ vững và phát triển, đồng thời sẽ đào tạo được những thế hệ học sinh có năng lực và tri thức sát với nhu cầu ngày càng cao của xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rất khó tránh việc có những chỉ đạo ngầm, chỉ đạo miệng khi chọn SGK. Để minh bạch, nội dung sách nên sớm được công bố.
Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định phê duyệt 32/38 bản thảo SGK của 8 môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, đến nay, nội dung cụ thể từng cuốn sách ra sao vẫn hoàn toàn là ẩn số với giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Theo Nghị quyết 88, quyền lựa chọn SGK năm học 2020-2021 sẽ do các trường cân nhắc dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ sau năm học này, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND các tỉnh quyết định theo đúng Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những Bộ SGK lớp 1 mới.
Điều này đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về việc nảy sinh lợi ích nhóm khi lựa chọn SGK.
Bàn về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, từ trước đến nay, các phòng, sở giáo dục vẫn quen chỉ đạo theo 1 SGK nên dễ xảy ra trường hợp địa phương muốn cả tỉnh chọn 1 bộ SGK nhất định cho dễ chỉ đạo. "Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng sẽ có những tác động vật chất không tiện nói khiến sự chỉ đạo sai lệch".
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn cho rằng, trước nay vẫn có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo: "Có khi nào không có những chỉ đạo ngầm đâu. Đôi khi chỉ đạo không cần văn bản. Cứ hỏi các trường xem hàng năm có nhận được chỉ đạo của cấp trên là mua sách tham khảo này, sách tham khảo khác hay không. Có chỉ thị của cấp trên, các trường đâu dám cãi.
Báo chí gần đây đã phản ánh hiện tượng NXB Giáo dục Việt Nam chi lương cho các lãnh đạo và chuyên viên Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh suốt 4 năm liền. Việc lãnh đạo và tất cả các chuyên viên chỉ đạo môn học của Sở nhận lương tháng của nhà xuất bản chắc chắn, sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn SGK".
Nghị quyết 88 nêu rõ, các trường được quyền tự chọn SGK, song GS Thuyết cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có những quy định để thông tư hướng dẫn việc chọn SGK mang tính dài hạn hơn: "Được biết thông tư này chỉ phục vụ cho việc chọn SGK lớp 1 trong năm tới theo Nghị quyết 88. Bộ nên xin ý kiến bên Quốc hội để hướng dẫn việc lựa chọn SGK vừa phù hợp với Nghị quyết 88, vừa phù hợp với Luật Giáo dục. Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định "việc chọn SGK", chứ không nói UBND cấp tỉnh "quyết định chọn SGK". Vậy thì UBND cấp tỉnh vẫn có thể giao cho các trường chọn theo Nghị quyết 88, nếu thế có thể soạn được thông tư dài hơi cho nhiều lớp và trong nhiều năm khác nhau. Thông tư ấy cũng phải quy định trách nhiệm, quyền của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Cụ thể là UBND cấp tỉnh được làm gì và không được làm gì, nhiệm vụ của Sở và các phòng GD- ĐT ra sao.
"Các cơ quan cấp trên phải tôn trọng quyền dân chủ các trường khi chọn SGK, không được chỉ đạo thiên lệch, kể cả chỉ đạo miệng. Tránh trường hợp như đã từng xảy ra chưa lâu: ông giám đốc Sở đứng lên giữa hội nghị ca ngợi hết lời một bộ sách hay nói thẳng là chỉ chọn sách này sách kia. Như vậy thì cấp dưới sao dám chọn sách khác? Và như vậy thì cần gì Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 88 hay Luật Giáo dục nữa?", GS Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn cho rằng xưa nay vẫn có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo ở các trường.
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, lần đổi mới này có nhiều NXB cùng tham gia làm SGK, do đó, thông tư hướng dẫn việc chọn SGK cũng cần quy định rõ quyền của các NXB được tiếp thị sách như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, công bằng.
Nên công khai ý kiến thẩm định và chế bản SGK lên mạng
Để việc chọn SGK được công khai, minh bạch, GS Thuyết đề xuất, Bộ GD- ĐT nên công khai ý kiến đánh giá của Hội đồng thẩm định SGK về từng cuốn sách: "Phụ huynh, giáo viên đọc ý kiến thẩm định sẽ biết hội đồng thẩm định khen gì, chê gì, số phiếu cho từng cuốn sách ra sao. Có những cuốn sách chỉ được 3/4 số phiếu đánh giá "Đạt, không cần sửa chữa" cũng đã đạt, nhưng cũng có những cuốn sách được 100% số phiếu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo đưa các chế bản SGK lên mạng để người dân tham khảo. Nếu làm được như vậy sẽ vừa đảm bảo công khai, dân chủ lại giảm được chi phí vì hầu hết mọi người đều có điện thoại, máy tính có thể vào mạng. Còn về những lo ngại như sợ làm sách lậu, ăn cắp bản quyền, thì đều có thể giai quyết được bằng công nghê và pháp luật".
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, việc lựa chọn SGK cần làm hết sức cẩn thận, tránh trường hợp chọn SGK một cách cảm tính, chạy theo "thương hiệu", đến giữa năm học, học sinh học không nổi, giáo viên kêu ca, phụ huynh phàn nàn thì rất dễ xảy ra "vỡ trận" SGK.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội, đơn vị biên soạn 1 Bộ SGK cũng cho rằng, những băn khoăn của dư luận về lợi ích nhóm, tính minh bạch khi lựa chọn SGK là hoàn toàn đúng. "Bản thân chúng tôi cũng mong được cống hiến một cách công bằng, dân chủ. Với cơ chê chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và sự vào cuộc của các địa phương, chúng tôi hy vọng SGK sẽ được lựa chọn một cách công bằng, minh bạch, không có đất cho lợi ích nhóm tồn tại", ông Khánh nói./.
Theo VOV
Lựa chọn sách giáo khoa: Cần khách quan, minh bạch Chia sẻ về dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ủng hộ việc chọn sách giáo khoa trên tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ...