Minh bạch trong hoạt động ngân hàng, câu chuyện dài!
Giao dịch với bên liên quan nhằm trục lợi đã làm suy yếu ngành ngân hàng Việt Nam, theo như đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
Các giao dịch với bên liên quan nhằm trục lợi đã làm suy yếu ngành ngân hàng Việt Nam
Tại buổi tọa đàm giới thiệu Sổ tay hướng dẫn dành cho các NHTM Việt Nam về giao dịch với bên liên quan diễn ra ngày 14/1, các diễn giả đã bắt đầu với việc đi tìm định nghĩa chuẩn cho khái niệm “bên liên quan” trong ngân hàng.
Ngân hàng thiếu quy định về “bên liên quan”
Tại buổi tọa đàm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Công ty Tài chính phát triển Hà Lan (FMO) và Quỹ đầu tư Dragon Capital tại Việt Nam (DCG) phối hợp tổ chức, Giám đốc pháp chế của một ngân hàng TMCP cho biết, hầu hết các NHTM tại Việt Nam đều chưa có quy định về “bên liên quan” trong quy chế hoạt động, trong khi đó, giao dịch ngân hàng liên quan đến “bên liên quan” lại khá nhiều.
Vị giám đốc này cũng cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 giải thích khái niệm về người có liên quan, nhưng khái niệm này lại không đồng nhất với khái niệm về bên liên quan được nêu trong Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng bao gồm nhiều thành phần hơn, chẳng hạn định nghĩa về các thành viên trong gia đình là rộng hơn và định nghĩa về người quản lý của doanh nghiệp cũng toàn diện hơn.
Ngoài ra, khái niệm nêu tại Luật Các tổ chức tín dụng cũng không nhất quán với khái niệm “bên liên quan” trong chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 26 – Công bố thông tin liên quan, hiện đang được áp dụng tại Việt Nam.
“Để xử lý sự thiếu rõ ràng và không nhất quán này, các ngân hàng cần tự đưa ra định nghĩa riêng về các bên liên quan, sao cho đảm bảo phù hợp với quy định được nêu tại Luật Các Tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp”, vị giám đốc trên nói.
Bà Anne Molyneux, Giám đốc CS International, đồng tác giả của cuốn Sổ tay cho biết thêm, định nghĩa về “bên liên quan” là khác nhau ở mỗi nước và theo nhiều tiêu chí khác nhau. Do đó, mỗi NHTM Việt Nam nên có định nghĩa rõ ràng cho “bên liên quan”, mà tối thiểu phải đảm bảo tuân thủ với các quy định pháp lý được nêu tại Luật Doanh nghiệp, Luật Các Tổ chức tín dụng, các quy định về giao dịch chứng khoán và chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 24.
Bà Anne cũng chia sẻ, khái niệm “bên liên quan” được xác định là khá rộng, để bao gồm trong đó tất cả những người, chủ thể kinh doanh và lợi ích kinh tế của họ có thể tạo ra xung đột lợi ích tiềm tàng hoặc trên thực tế đã phát sinh xung đột lợi ích. “Bên liên quan” cũng bao gồm những người có một số quyền lực, chức năng hay có ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong các giao dịch với ngân hàng mà có thể gây thiệt hại cho ngân hàng.
Video đang HOT
Các bên liên quan có thể là một DN, chủ thể kinh tế khác, tổ chức hoặc cá nhân trong hai nhóm: Thứ nhất, liên quan đến ngân hàng hoặc tổ chức tài chính do mối quan hệ về sở hữu cổ phần; Thứ hai, các mối liên quan khác, bao gồm thành viên HĐQT, cán bộ điều hành cấp cao, các thành viên trong gia đình và lợi ích kinh tế của họ, những người này cũng có thể có một số lợi ích khác trong ngân hàng.
Đặc biệt, vị giám đốc trên cho rằng, định nghĩa về bên liên quan nên ở mức độ bao quát và đủ rộng để nắm bắt toàn bộ các bên và các giao dịch phù hợp/có liên quan mà có thể gây ra nguy cơ trục lợi trong tiềm năng, điều này là không nên dễ dàng bỏ qua và có thể được tăng cường thực hiện một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, danh sách các bên được giả định là “bên liên quan” không nên được xem là một bản danh sách đầy đủ bởi các bên liên quan khác có thể xuất hiện theo thời gian. Cuối cùng, việc xác định “bên liên quan” cần phải được xác định bằng năng lực hiện tại hoặc tương lai của một cá nhân hoặc tổ chức có khả năng ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định của ngân hàng.
… tới giao dịch với “bên liên quan”
Tại buổi tọa đàm, ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng về lĩnh vực tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, giao dịch của các bên liên quan là nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng ngân hàng, bởi tác động đến sự lành mạnh trong quản trị doanh nghiệp.
Về tác động của giao dịch với bên liên quan, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Danh mục đầu tư, Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital đã dẫn ra những câu chuyện không xa của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đó là, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, mở rộng mạng lưới ồ ạt của các ngân hàng, có những trường hợp, lãnh đạo ngân hàng trực tiếp tìm hiểu những vị trí tốt, mua lại bất động sản rồi bán lại hoặc cho ngân hàng thuê lại với giá rất cao. Rồi tình trạng ngân hàng cho người trong ban giám đốc, HĐQT, tổ chức liên quan vay tiền.
Hay chuyện Ngân hàng A có công ty liên quan là Công ty X, Ngân hàng B có công ty liên quan là Công ty Y. Hai người có quyền quyết định cao nhất tại ngân hàng làm việc với nhau rồi Ngân hàng A cho công ty Y vay và Ngân hàng B cho công ty X vay cùng số tiền như nhau. Nhờ đó, các ngân hàng “lách” được quy định cho vay “bên có liên quan”.
“Giao dịch với bên liên quan” có khả năng gây ra sự không công bằng đối với ngân hàng và tất cả các cổ đông nếu không được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, theo các điều khoản và điều kiện giao dịch thông thường. Để quản lý tốt hơn các giao dịch với “bên liên quan”, ngân hàng cần phải nhận diện các bên liên quan và các thông tin này cần được cán bộ ngân hàng công bố để giúp nhận diện khả năng tư lợi thông qua các giao dịch “bên liên quan”, bà Anne cho biết.
Ông Điền thông tin, việc phê duyệt giao dịch của các “bên liên quan” được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Với các NHTM, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật đã có quy định về giao dịch với bên liên quan. Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121, quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty đại chúng và công ty đại chúng quy mô lớn, trong đó có đề cập đến giao dịch của các bên liên quan.
“Tuy nhiên, tất cả các quy định này vẫn chỉ chung chung. Đến nay, hầu như chưa một ngân hàng nào cụ thể hóa các quy định đó rồi kết hợp với các thông lệ quốc tế để xây dựng quy trình phê duyệt riêng cho ngân hàng mình”, ông Điền nhận xét.
Ông Martin Steindl, chuyên gia cao cấp về quản trị công ty của FMO thì đưa ra nhận xét khá “tế nhị”: “Còn nhiều dư địa để cải thiện quản trị rủi ro trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN nhấn mạnh: “Các giao dịch với bên liên quan nhằm trục lợi đã làm suy yếu ngành ngân hàng Việt Nam và ngày càng thách thức tính chuẩn mực của thị trường tài chính Việt Nam. Đã đến lúc các NHTM phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và thông lệ về giao dịch bên liên quan”.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vì sao BIDV 'phủ sóng' truyền thông 2015?
Trong năm 2015, BIDV trở thành điểm nhấn truyền thông của ngành ngân hàng với tần suất xuất hiện liên tục trên báo chí. Đặc biệt, đây là ngân hàng có tỷ lệ tin xấu ở mức thấp nhất trong TOP 3 ngân hàng.
Ngân hàng có ít tin xấu nhất
Theo thống kê và phân tích của Media Tenor - Công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích các nội dung truyền thông, trong năm 2015, thông tin và nhận định về ngân hàng chiếm nhiều nhất trong các ngành kinh tế trên các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam và quốc tế.
Trong đó, BIDV trở thành Ngân hàng có ít thông tin xấu nhất trong TOP 3 ngân hàng. Theo Media Tenor, BIDV có tần suất và tỷ lệ nhận định truyền thông tương đối đồng đều nhờ các vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi và sự đóng góp tích cực của các ngân hàng này trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng do Ngân hàng nhà nước khởi xướng.
BIDV sáp nhập thành công MHB vào tháng 5 năm 2015
Đặc biệt, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2015, tần suất xuất hiện thông tin BIDV trên các phương tiện truyền thông tăng vượt trội về số lượng với tỷ lệ tin xấu ở mức thấp nhất trong TOP 3 ngân hàng. Hầu hết các thông tin giai đoạn này phản ánh về kết quả kinh doanh của BIDV cũng như hoạt động xúc tiến đầu tư mạnh mẽ của ngân hàng sang các thị trường mới như: Nga, Đài Loan, Nhật Bản... Ngoài ra, dư âm của đợt sáp nhập MHB thành công cũng làm lượng tin phản ánh về BIDV được tăng cường.
Dấu ấn thương vụ sáp nhập &'thần tốc'
Lý giải về độ "phủ sóng" của BIDV trên mặt báo, Media Tenor cho hay yếu tố làm nên hiện tượng BIDV trong năm 2015 chính là nhờ các thương vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi và sự đóng góp tích cực của đơn vị này trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - một hoạt động do Ngân hàng Nhà nước khởi xướng từ năm 2011 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2015.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi theo chuyên gia nghiên cứu truyền thông Nguyễn Thu Hiền (Media Tenor Việt Nam), hoạt động M&A và xu hướng phát triển ngành ngân hàng đang là hai trong số các chủ đề được báo chí quan tâm nhiều nhất. Kéo theo đó, các vấn đề liên quan như: nhân sự chủ chốt, giá cổ phiếu ngân hàng, nợ, kết quả kinh doanh hay chiến lược sản phẩm... cũng được chú ý không kém.
Tương đồng với kết quả phân tích của Media Tennor, số liệu tổng hợp từ 150 website và 200 đầu báo giấy trong nước và quốc tế trong năm 2015 của Công ty Truyền thông TVPlus cũng cho thấy BIDV là ngân hàng dẫn đầu trong số các ngân hàng có lượng thông tin phản ánh trên báo chí với 11.200 tin, bài.
Trong đó, chỉ tính riêng thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV diễn ra trong tháng 5/2015 đã thu hút tới 800 bài viết đăng tải trong khoảng thời điểm sáp nhập. Đặc biệt, thương vụ sáp nhập này còn trở thành điểm nhấn và dẫn chứng trong nhiều bài báo về sau.
Từ câu chuyện về thứ hạng của BIDV có thể thấy công chúng ngày càng quan tâm tới các vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi, trong đó, điển hình là thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV. Đây là giao dịch sáp nhập tiên phong trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 năm 2015.
Và với những nỗ lực trong hoạt này, BIDV được Diễn đàn M&A Việt Nam (tổ chức 6/8/2015) đánh giá là Thương vụ sáp nhập tiêu biểu năm 2015. Việc được trao tặng giải thưởng thương vụ sáp nhập tiêu biểu 2015 đã một lần nữa khẳng định sức hút thông tin mạnh mẽ từ hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động sáp nhập nói riêng trong thế giới truyền thông.
Theo đại diện BIDV, năm 2015, toàn bộ quá trình thực hiện công tác sáp nhập MHB vào BIDV được thực hiện trong vòng 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV và chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Thống đốc NHNN có quyết định 589/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập MHB vào BIDV. Đến hết ngày 22/5/2015, thương hiệu MHB chính thức chấm dứt hoạt động. Trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật (23-24/5/2015), BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của Hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây, nay hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV. Sau sáp nhập, mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm mạng lưới trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên.
Mai Phương
Theo_VietNamNet
Hàng nghìn nhân viên ngân hàng sẽ mất việc năm 2016 Áp lực từ cắt giảm chi phí và những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật đang khiến nghề ngân hàng phải lao đao. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng lớn tại Châu Âu và Mỹ đã cắt giảm gần 100.000 việc làm và có khả năng hàng nghìn nhân viên ngân hàng tại BNP Paribas và Barclays sẽ còn mất...