Minh bạch thông tin DN: Cái khó bó… tín chấp
‘Tín dụng là niềm tin mà niềm tin thì anh phải hiểu nhau mới tin được’, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Nguyễn Tiến Đông tổng kết.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Nguyễn Tiến Đông
Thừa nhận tình trạng của các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và cho biết tất cả các NHTM đều rất muốn cho doanh nghiệp (DN) vay tín chấp nhưng Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Nguyễn Tiến Đông cũng cho rằng hoạt động cho vay tín chấp doanh nghiệp đang vướng ở không ít điểm.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng không phải DN nào cũng có đủ tài sản để có thể thế chấp được hết trong cả quá trình vay. Song cái khó ở đây là phải hiểu DN”, ông Đông nói.
Theo đó, để hiểu được DN thì căn cứ là các báo cáo tài chính, sổ sách hạch toán, kế toán nhưng thực tế ở nước ta hiện nay, tính minh bạch trong hoạt động của các DN, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) “vừa thiếu” lại “vừa yếu”.
“Kể cả là các DN đã được kiểm toán chứ chưa nói đến những DN chưa kiểm toán. Các số liệu về tình hình hoạt động nếu nói là để trung thực nhất, bài bản nhất thì cũng vẫn thiếu và yếu”, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Đông chỉ ra lý do khiến các ngân hàng vẫn phải “rụt rè” trong việc cho DN vay không thế chấp và khẳng định đó rào cản lớn nhất để ngân hàng mở hầu bao.
“Tín dụng là niềm tin mà niềm tin thì anh phải hiểu nhau mới tin được”, ông tổng kết.
Theo người đứng đầu Vụ tín dụng, trong thời gian qua, NHNN cũng đã rất tích cực chỉ đạo các TCTD căn cứ vào tình hình tài chính, phương án kinh doanh của DN để xem xét, thực hiện cho các DN vay tín chấp hoặc thế chấp một phần.
Video đang HOT
Vụ trưởng Nguyễn Tiến Đông đề nghị các DN, trong phạm vi của mình, hãy nên đề cao công tác minh bạch thông tin. Bởi vì, “nếu chúng ta làm ăn về lâu về dài thì cái quan trọng nhất, gốc gác nhất, căn cơ nhất phải là chữ tín và sự minh bạch” – ông Đông nói.
TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV
Đồng quan điểm với Vụ trưởng Nguyễn Tiến Đông, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV, cũng cho rằng cho vay tín chấp, về bản chất, tức là “phải tin nhau” và lòng tin phải xuất phát từ cả hai phía, cả ngân hàng và cả DN.
“Mà muốn tin nhau thì phải đầy đủ hơn nữa, minh bạch hơn nữa; phải đi cả từ 2 phía, cùng đến với nhau, tạo niềm tin lẫn nhau, đồng hành với nhau”, TS. Lực chia sẻ với phóng viên.
Theo đó, phía ngân hàng cần phải chủ động, tích cực trong việc đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các DNVVN. Đồng thời, cũng cần phải lưu tâm tới những sản phẩm đặc thù cho khối DN này, liên quan đến công tác tư vấn, cung cấp thông tin, đào tạo và tổ chức đào tạo con người. Song, do các DN này có quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ nên khi mở một chương trình lớn các NH cũng nên tập hợp họ lại với nhau để tiết kiệm chi phí cũng như có thể hỗ trợ nhiều DN cũng lúc. Đây chính là cách mà nhiều nước đã và đang tiến hành, điển hình như Đài Loàn và Hàn Quốc.
Ngược lại, về phía DN cũng cần phải chủ động hơn, đặc biệt là minh bạch hóa hơn nữa tình hình hoạt động và phấn đấu nâng cao năng lực quản trị DN, bởi vì, chỉ khi đó NH mới có thể tin tưởng và sẵn sàng cấp tín dụng không cần TSBĐ.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng cho khối DNVVN hiện chiếm khoản 25% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, dù chưa phải quá lớn nhưng cũng là một mức tăng ấn tượng nếu so với thống kê 17 – 18% của những lần trước đó.
Hiện tại, rất nhiều các ngân hàng đã tung ra gói sản phẩm hỗ trợ DNNVV, thậm chí có ngân hàng thành lập cả bộ phận chuyên biệt chuyên để phục vụ nhóm KH này.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, ở cấp vĩ mô, Chính phủ và các bộ nghành cũng cần có những chương trình hỗ lâu dài cho DNNVV như lưu ý tận dụng tốt hơn nữa Quỹ bảo lãnh phát triển DNNVV, xây dựng kênh hỗ trợ thông tin, định hướng thị trường, giúp các DN này tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo An ninh tiền tệ
Thận trọng nới lỏng chính sách tiền tệ
Lạm phát 9 tháng đầu năm nay ở mức rất thấp (0%), cộng thêm 70% doanh nghiệp (DN) kinh doanh hiện không có lãi khiến cộng đồng DN đang chờ đợi hệ thống ngân hàng sớm giảm lãi suất, nới rộng room tín dụng. Thế nhưng, hệ thống ngân hàng lại tỏ ra vô cùng thận trọng với việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Hiện chưa là thời điểm lý tưởng để cân nhắc việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ
Công bằng mà nói, mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam đang ở mức khá cao so với lạm phát. Cụ thể, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đang ở mức 7-11%/năm (tùy lĩnh vực) trong khi lạm phát 9 tháng đầu năm nay chỉ 0%. Chính vì vậy, giảm lãi suất là mong muốn chính đáng của DN.
Tuy vậy, giảm thêm lãi suất cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn không là điều đơn giản, bởi với đặc thù Việt Nam, lãi suất không chỉ phụ thuộc vào lạm phát, mà còn phụ thuộc vào tín dụng, tỷ giá và lãi suất USD.
Hiện nay, thanh khoản ngân hàng vẫn khá dồi dào, nhưng tình trạng dư thừa vốn đã giảm nhờ tín dụng hồi phục mạnh. Bên cạnh đó, USD vẫn đứng trước nguy cơ tăng giá. Vì vậy, trong ngắn hạn, lãi suất tiền đồng càng phải duy trì ở mức hấp dẫn, nếu không người dân sẽ chuyển dịch từ tiền đồng sang USD.
Về trung và dài hạn, việc giảm lãi suất cũng phải được cân nhắc kỹ bởi năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu phát hành 230.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng 8 tháng đầu năm chưa đạt một nửa chỉ tiêu đề ra. Do vậy, để phát hành thành công số trái phiếu còn lại trong những tháng cuối năm, Chính phủ buộc phải duy trì lãi suất trái phiếu ở mức hấp dẫn.
Điều này khiến lãi suất trung, dài hạn ngân hàng khó giảm. Nói cách khác, trái phiếu chính phủ đang nhìn vào ngân hàng, DN và người dân cũng nhìn vào ngân hàng. Đây là lý do khiến Việt Nam có nền lãi cao và cũng là nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm sâu.
Việc nới room tín dụng, bơm thêm vốn ra nền kinh tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tín dụng đang phục hồi khả quan và có khả năng tăng mạnh hơn nữa, song việc nới room không thể được thực hiện ồ ạt do hệ thống ngân hàng không thể quay trở lại thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng mà hiệu quả thấp như trước đây, để rồi lại phải gánh chịu hậu quả nhiều năm sau.
Do đó, phương án nới tín dụng thêm tối đa 2% (có thể tăng tín dụng tối đa lên 17%) của NHNN đưa ra trong năm nay là rất cần thiết để tránh lặp lại tình trạng tín dụng nóng, đồng thời đẩy lạm phát tăng cao trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Rõ ràng, hiện chưa là thời điểm lý tưởng để cân nhắc việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Cho dù đang ở mức thấp kỷ lục, nhưng chỉ cần một số yếu tố tác động thì lạm phát vẫn có thể dễ dàng bùng lên. Hơn nữa, mục tiêu lạm phát được Chính phủ tính toán trong phạm vi xuyên suốt nhiều năm. Do đó, các giải pháp đưa ra đều phải cân nhắc tới độ trễ tác động, nhằm hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định cho cả giai đoạn.
Dĩ nhiên, việc hạn chế tăng trưởng tín dụng cũng như lãi suất vẫn đứng ở mức khá cao như hiện nay sẽ khiến nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Do đó, trong giai đoạn này, Chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa trong hỗ trợ DN, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh mạnh, xử lý nợ xấu, giảm thủ tục hành chính trong tiếp cận vốn của ngân hàng.
Về phần mình, các DN cần tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính để tạo niềm tin cho ngân hàng, đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn huy đông thông qua phát hành trái phiếu, đẩy mạnh M&A, tham gia chuỗi liên kết... tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.
Theo Thùy Liên
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu các điều kiện tiếp cận vốn Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền. "Tín nhiệm tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng" là chủ đề hội thảo được tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Hội thảo...