Minh bạch: “Mồi câu” vốn ngoại
Bất động sản Việt Nam là một trong những lĩnh vực đứng đầu về thu hút vốn ngoại trong những năm gần đây và theo đánh giá của các chuyên gia, dòng vốn này còn chảy mạnh hơn nữa nếu sự minh bạch của thị trường được cải thiện.
Hợp tác phát triển dự án với đối tác trong nước là “gu” ưa thích của nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Việt Dương
(ĐTCK) Bất động sản Việt Nam là một trong những lĩnh vực đứng đầu về thu hút vốn ngoại trong những năm gần đây và theo đánh giá của các chuyên gia, dòng vốn này còn chảy mạnh hơn nữa nếu sự minh bạch của thị trường được cải thiện.
Vốn ngoại chảy mạnh
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong nửa đầu năm (tính đến ngày 20/6/2018), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về hút vốn đầu tư ngoại, đạt 5,54 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 27,25%. Trong các đối tác đầu tư, Nhật Bản bất ngờ dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 6,47 tỷ USD, trong đó bất động sản Việt Nam là “miếng bánh” được các nhà đầu tư Nhật Bản yêu thích.
Chỉ tính riêng Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội đã có tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo (Nhật Bản) liên doanh với Tập đoàn BRG (Việt Nam) thực hiện. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.
Lũy kế đến 20/6/2018, bất động sản cũng là lĩnh vực đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 56,2 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư.
Ngoài Nhật Bản, các nhà đầu tư truyền thống đến từ Singapore cũng liên tục rót vốn vào bất động sản Việt Nam ở nhiều phân khúc, từ biệt thự, căn hộ, cho đến văn phòng cao cấp và trung tâm thương mại.
Trong khi đó, các nhà đầu tư từ Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, vốn đã có mặt từ lâu ở thị trường Việt Nam, nhưng thu hẹp hoạt động khi thị trường bất động sản suy thoái giai đoạn 2011 – 2013, cũng quay trở lại và rất tích cực trong việc tìm kiếm và triển khai các dự án đầu tư.
Ngoài ra, gần đây, thị trường cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhóm các nhà đầu tư mới đến từ Trung Quốc. Mặc dù chưa có nhiều hoạt động và chiến lược phát triển ở thị trường bất động sản Việt Nam chưa rõ nét, nhưng sự xuất hiện của các nhà phát triển dự án từ Trung Quốc vốn có tiềm lực tài chính mạnh có thể sẽ tạo nên những nét mới cho thị trường địa ốc Việt Nam.
Theo đánh giá từ Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle (JLL), hiện nay, Việt Nam là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực châu Á. Quy mô dân số lớn, tập trung ở các đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, kéo theo sự bùng nổ về nhu cầu nhà ở. Vì vậy, thị trường bất động sản Việt Nam rõ ràng có nhiều tiềm năng trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Video đang HOT
Ghi nhận của JLL cho thấy, phân khúc các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn cũng tương đối đa dạng. Tuy nhiên, với tầng lớp trung lưu thành thị đang hình thành và phát triển nhanh chóng về số lượng, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn phân khúc bất động sản cao cấp khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Một trong những lý do mà nhà đầu tư nước ngoài thường hướng tới dự án cao cấp là bởi phân khúc này có lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài, đến từ các thị trường phát triển hơn, thường có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, phát triển và vận hành các bất động sản cao cấp. Trong khi đó, phân khúc trung bình và giá rẻ, áp lực cạnh tranh từ các nhà phát triển dự án nội địa là rất lớn.
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ khi các nhà đầu tư nước ngoài xác định Việt Nam như một thị trường trọng điểm và nhận thấy những ưu thế của mình để cạnh tranh trong phân khúc nhà giá trung bình và giá thấp. Một trong những trường hợp điển hình là các nhà đầu tư Nhật Bản tiên phong trong việc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa để phát triển các sản phẩm căn hộ hướng tới nhu cầu của những người thu nhập trung bình, cặp vợ chồng trẻ hay những người mới nhập cư về TP.HCM.
Kinh nghiệm trong thiết kế căn hộ diện tích nhỏ và chi phí vốn thấp có lẽ là hai trong số những lợi thế của các doanh nghiệp Nhật Bản khi lựa chọn phân khúc nhà ở giá trung bình và thấp để đầu tư.
Ngoài ra, việc phát triển các đô thị, thành phố mới với quy mô lớn cũng là lựa chọn của các nhà đầu tư nhiều tiềm lực và kinh nghiệm phát triển. Các khu đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng tiện ích và thu hút khách hàng là một trong số những hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Minh bạch để có những thương vụ M&A bền chặt
Theo giới phân tích, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường bất động sản trong thời gian qua đang làm xuất hiện sự cạch tranh lớn giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thận trọng và nhiều lý do khách quan, đa số các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam đều có xu hướng bắt tay với các nhà đầu tư nội.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã gặt hái thành công tại thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh: Chí Cường
Theo đánh giá của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, đối với các dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch” như hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt. Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm và đa phần việc tiếp cận hiện nay khá mất cân bằng, chủ yếu thuộc về tay các nhà phát triển nội. Do đó, nhà đầu tư ngoại chỉ có cách tối ưu là bắt tay với các nhà đầu tư nội.
Quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp Việt Nam mập mờ với đối tác nước ngoài trong hồ sơ giới thiệu dự án, không cung cấp đủ thông tin, không thể hiện các rắc rối về dự án, tài chính, quy hoạch…, thì sẽ rất dễ dẫn đến rủi ro đầu tư dài hạn. Điều này trên thực tế đã xảy ra, một phần do việc thực hiện báo cáo khảo sát của đối tác nội hời hợt, thiếu trách nhiệm và đôi khi còn do trình độ, kiến thức còn hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Chi nhánh Hà Nội cho biết, có nhiều yếu tố khiến cho các quá trình mua bán, sáp nhập, hợp tác (M&A) giữa đối tác ngoại và đối tác nội không bền chặt, trong đó, một trong những nguyên nhân chính là quy trình minh bạch quản trị thông tin của nhiều doanh nghiệp nội hiện nay chưa thực sự tốt. Trong khi đó, đây lại là điều mà các đối tác ngoại đặt mức độ quan tâm gần như ở mức cao nhất.
“Một yếu tố quan trọng trong các thương vụ M&A thành công là mức độ sẵn sàng và năng lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Cấu trúc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đi kèm với hệ thống quản lý sổ sách tài chính vững mạnh là các yếu tố mang tính kỹ thuật khác để doanh nghiệp trong nước có thể gia tăng lòng tin từ nhà đầu tư nước ngoài”, bà An nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để thu hút mạnh hơn dòng vốn ngoại. Trong bất kỳ ngành nghề nào, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thường sẽ mang lại những lợi ích cho kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác nội nói riêng. Tuy nhiên, nếu muốn thu hút nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp nội cần phải trung thực, minh bạch.
“Chẳng hạn, có nhà đầu tư ngoại muốn mua một khách sạn, bên bán cung cấp cho bên mua công suất phòng là 90 – 95%, nhưng khi bên mua đi khảo sát, thì thấy công suất phòng chỉ 50%. Đây là điều doanh nghiệp nội làm mất điểm”, ông Hiếu nói.
Theo JLL, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những thị trường có chỉ số minh bạch thị trường bất động sản tăng trưởng tốt nhất. Tuy nhiên, hiện vẫn nằm ở nhóm “kém minh bạch”, quá độ lên “bán minh bạch”.
Cũng theo JLL, hiện đang có hàng trăm triệu USD đang chờ đợi đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để dòng vốn này chảy mạnh hơn nữa, vấn đề minh bạch của các doanh nghiệp nội nói riêng và cả thị trường nói chung cần được cải thiện hơn.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thị trường BĐS nửa đầu năm: Sôi động dòng vốn ngoại
Các nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc đang chiếm ưu thế khi dẫn đầu dòng vốn nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản Việt Nam.
Trong nửa đầu 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định. GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08%, mức cao nhất trong 7 năm qua. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư, trong đó TP.HCM là đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn. Trong xu thế đó, dòng vốn nước ngoài tiếp tục có xu hướng đổ mạnh vào ngành địa ốc.
Mặt khác, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư "miệt mài" tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn. Vào tháng 1/2018, Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Với diện tích gần 11,5 ha, dự án phát triển nhằm đáp ứng một khu phức hợp khách sạn, công viên nước, công viên giải trí và khu ẩm thực đẳng cấp năm sao phía trước bãi biển Đà Nẵng.
Cũng trong quý đầu tiên, Bamboo Capital (BCG), một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam, đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty này, họ mua lại khu đất ven biển này nhằm phát triển khu nghỉ dưỡng Malibu Resort. Tổng diện tích đất của dự án khoảng 11ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 66 triệu USD. Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công vào tháng 8 tới đây, hoàn thành vào 2020. Quy mô của dự án gồm 100 căn villa và hơn 500 căn condotel, mặt biển Quảng Nam - Đà Nẵng.
Cũng theo chia sẻ của vị chủ tịch BCG, sắp tới công ty sẽ hợp tác với những đối tác ngoại đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm gia tăng giá trị, và đẩy mạnh đầu tư cho dự án.
Không chỉ quan tâm đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn, nhiều nhà đầu tư ngoại còn nhắm đến các dự án ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Chẳng hạn hồi tháng 3, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9 ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Dự án này bao gồm một khu dân cư 380 căn hộ, khoảng 21.400 m2 diện tích văn phòng, và hơn 19.300 m2 diện tích bán lẻ. Thương vụ mới nhất này sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 khu phát triển dân cư, một khu phát triển tích hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ, trải dài trên khắp sáu thành phố của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng đã thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng - Saigon Sports City - với khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64 ha, thành phố nhỏ này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và trung tâm sống lý tưởng hàng đầu Việt Nam với đầy đủ cơ sở vật chất cho thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
Một giao dịch đáng chú ý khác - đó là việc Nomura Real Estate đã thâu tóm 24% quyền sở hữu tại Sunwah Tower, một tòa nhà văn phòng hạng A tại Tp.HCM vào tháng 1 vừa qua.
Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, phần lớn thương vụ M&A BĐS gần đây là của nhà đầu tư châu Á. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc...đang chiếm ưu thế ở hầu hết các phân khúc.
Họ mở rộng đầu tư vào BĐS Việt Nam thông qua việc hợp tác với các công ty trong nước. Họ thấy ở thị trường Việt Nam 100 triệu dân, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, là đầy tiềm năng và triển vọng, đó cũng là cơ hội đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có cách tiếp cận thị trường khác nhau. Trong khi Singapore (với các tên tuổi như Capitaland hay Keppel Land) tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở vì lý do về sự dân số trẻ đồng hành cùng sự gia tăng nhu cầu nhà ở như đã đề cập phía trên thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt các dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá là có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên và sở hữu nhiều cơ hội đầy hứa hẹn.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở.
Bởi, tốc độ phát triển của nền kinh tế và nguồn lao động dồi dào chính là những nguyên nhân thuyết phục các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào mảng văn phòng, với những kì vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững của dự án.
Hiếu Nguyễn
Theo Trí thức trẻ
"Điểm nóng" thị trường nhà đất khu Đông Sài Gòn giờ ra sao? Đối với nhà đầu tư giá trị, lúc thị trường nhà đất giảm nhiệt là thời điểm vàng để đầu tư, nhất là ở những khu vực có tiềm năng phát triển mạnh. Mặc dù không còn sốt nóng như năm trước nhưng thị trường biệt thự, liền kề tại TP. HCM trong nửa đầu năm nay cho thấy khách hàng vẫn ưa...