Miền Trung: Thương vong nhiều do thủy điện xả lũ?
Đến sáng nay (18/11), mưa đã tạnh hẳn và lũ cơ bản đã rút khỏi các tỉnh miền Trung. Nhưng số người chết, bị thương và mất tích ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã lên đến 60 người.
Trong khi đó, các nhà máy thủy điện lẫn Bộ Công thương đều phủ nhận trách nhiệm và cho biết: không có nhiều nhà máy thủ điện xả lũ.
Đón nhận thông tin trên, người dân và lãnh đạo các địa phương miền rốn lũ bức xúc: “Thủy điện không xả lũ thì nước ở đâu ra mà ngập đến thế?”.
Người chết, nhà trôi theo dòng nước lũ
Từ tối 17/11, lượng mưa dù đã giảm, lũ bắt đầu rút nhưng tại các địa phương đến sáng nay (18/11) vẫn có thêm 10 người chết, mất tích và bị thương. Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, hiện tổng số người thương vong, mất tích ở miền Trung – Tây Nguyên do đợt mưa lũ lớn sau bão số 15 đã lên đến 60 người. Trong đó có 31 người chết.
Thống kê về thiệt hại tài sản cũng tăng lên đáng kể so với báo cáo ngày 17/11. Trong đó có 225 nhà bị đổ, sập, trôi; 166 nhà tốc mái, hư hỏng và 242.190 nhà bị ngập.
Ngoài ra còn có 1.078ha lúa (tăng 16ha) và 1.872ha hoa màu (tăng 1,181ha) bị úng ngập, hư hỏng.
Chính quyền địa phương đều khẳng định thủy điện xả lũ nên hàng vạn ngôi nhà của dân mới ngập chìm trong nước
Đến sáng nay, các hồ thuỷ lợi lớn trong khu vực đều đạt trên 80% dung tích thiết kế, đang mở các cửa van tràn. Đặc biệt, một số hồ đang có mực nước cao. Các hồ chứa nhỏ ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên cơ bản đã đầy nước, các hồ chứa thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt 80 – 85% dung tích thiết kế.
Lúc 6h sáng 18/11, có 14 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 6 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s là Sông Tranh 2, Sông Ba Hạ, Yaly, Sê San 3, Sê San 4, Sê San 4A.
Video đang HOT
Trước đó, chiều tối 17/11, nước về lòng hồ tại thủy điện Sông Tranh 2 là 2.558 m3/giây, khiến nước trong lòng hồ dâng cao vượt trên ngưỡng tràn hơn 3,5m, buộc thủy điện này phải tiếp tục xả tràn với lưu lượng lên đến 2.450 m3/giây. Số liệu trên do Ban Phòng chống lụt bão và chính lãnh đạo các nhà máy thủy điện báo cáo về Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong khi đó, lượng nước về hồ ở thủy điện A Vương là 250 m3/giây, hiện nhà máy này đang xả về hạ lưu một lượng nước tương tự đã nhận.
Nhưng, báo cáo của Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lại cho biết, trong đợt lũ vừa qua, không có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn. Thế nhưng, phản ánh từ các địa phương cho thấy bản báo cáo này hoàn toàn khác xa với thực tế.
Ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hùng Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết: “Lượng mưa năm nay không lớn, nhưng lũ lên nhanh và tàn phá ghê gớm là do các nhà máy thủy điện xả lũ (có lúc xả hơn 7.000 m3/giây). Nếu các nhà máy thủy điện không xả lũ thì Đại Lộc không bị lụt và chắc chắn cũng không thiệt hại lớn như vậy”.
Trong khi người dân đang sống cảnh “màn trời chiếu đất” thì các nhà máy thủy điện lại “né” trách nhiệm
Khi được hỏi, các nhà máy thủy điện trước khi xả lũ có báo cho người dân và chính quyền địa phương biết? Ông Trận nói: “Khi thủy điện xả lũ, có báo trước với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện, chúng tôi thông báo đến các địa phương và người dân. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện báo cáo trước đó chỉ vài ba tiếng đồng hồ nên trở tay không kịp. Nước lớn về ban đêm, trong vòng hai giờ mà từ báo động 1 lên đến báo động 3, người dân ở dưới trở tay không kịp”.
Cũng theo ông Trận, mỗi lần thủy điện xả lũ là y như rằng người dân Đại Lộc mất trắng, đợt này hoa màu bị hư hỏng nặng hơn 100ha. Mặt khác, việc tiếp nhận thông tin của người dân còn hết sức hạn chế, có nhiều người đi làm đâu có nghe thông báo, đối phó không kịp, việc thiệt hại về người và của là rất dễ xảy ra.
Khẳng định các nhà máy thủy điện là “thủ phạm” gây nên cơn lũ kinh hoàng này, ông Hồ Văn Mẫn – Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) kiến nghị: “Phải dự báo và xả lũ sớm, khi mực nước thấp, mực nước sông ở mức báo động 1, 2 thì nên xả, đừng đợi đến khi nước sông ở mức báo động 3 thì xả một lần mấy nghìn m3/giây, dân hạ du Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ ngập sâu trong nước”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Ông Mẫn cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền giám sát cho được các hồ chứa nước của thủy điện về quy trình vận hành xả lũ, quy trình phối hợp xả lũ giữa các thủy điện. Thời gian qua, địa phương cử người lên giám sát xả lũ tại nhà máy nên chỉ duy nhất thủy điện A Vương là có thông báo lũ trên hệ thống loa công cộng. Còn các thủy điện khác như Đăk Mi 4, Sông Bung 4, 4A, 4B đều không thực hiện được việc này.
Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy TP Hội An (Quảng Nam) cho rằng, ngoại trừ cái lợi của thủy điện mang lại là năng lượng thì mặt trái của nó quá nhiều. “Tôi cương quyết nói không với thủy điện. Bất cứ một thủy điện nào xả lũ, Hội An cũng phải gánh chịu. Nếu giờ mấy ông thủy điện và Bộ Công thương đều chối bỏ trách nhiệm thì việc hàng chục người chết và hàng nghìn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi là do cái gì gây ra? Ai là người chịu trách nhiệm?”.
Theo Khampha
Miền Trung chìm trong lũ lớn
Hôm qua 15.11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên có mưa rất to, xuất hiện lũ lớn cộng với việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng...
Khu vực đầu cầu Diêu Trì (H.Tuy Phước, Bình Định) bị ngập sâu trong lũ - Ảnh: Võ Văn Minh
Tại Bình Định, buổi sáng, nước lũ trên sông Côn bắt đầu lớn nhanh khiến nhiều nơi trên địa bàn H.Tây Sơn bị cô lập. Theo UBND H.Tây Sơn, các xã Bình Thành, Tây Giang, Tây Thuận, Tây Phú... đã bị lũ chia cắt. Đặc biệt, nhiều khu vực của thị trấn Phú Phong (H.Tây Sơn) lần đầu tiên trong vòng 30 năm nay mới bị ngập lũ.
Nhiều nhà dân sống gần sông Côn bất ngờ vì lũ lớn nên không kịp di dời tài sản. Sáng 15.11, hai anh Trần Văn Sang (40 tuổi) và Phan Minh Hải (43 tuổi, cùng ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong) phát hiện có lũ nên tiến hành di dời gia súc và gia cầm đang chăn nuôi tại bãi bồi ven sông Côn. Bất ngờ lũ lớn khiến hai anh bị cuốn trôi. Anh Hải may mắn được người dân địa phương cứu sống, còn anh Sang bị chết đuối. Ngoài ra, H.Tây Sơn còn phát hiện chị Đỗ Thị Kim Loan (33 tuổi, ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận) chết đuối tại kênh Vân Phong vào sáng cùng ngày. Bình Định đề nghị Trung ương chi viện Tối 15.11, sau khi đi kiểm tra công tác cứu hộ, sơ tán dân tại H.Tây Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà đã báo cáo tình hình với lãnh đạo tỉnh và gọi điện đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu chi viện phương tiện, lực lượng hỗ trợ để sơ tán dân. Trong đó, bà Hà còn yêu cầu Trung ương điều trực thăng đến Bình Định để hỗ trợ việc sơ tán, di dời dân bởi đang có khoảng 10.000 người dân Bình Định cần sơ tán gấp. Chỉ đạo công tác sơ tán dân, bà Hà không cầm được nước mắt. Hầu hết các khu vực trong H.Tây Sơn đã bị lũ chia cắt, nhiều nơi ca nô không tiếp cận được. Đến 21 giờ, tại các xã Tây Giang, Bình Nghi, Bình Tường và thị trấn Phú Phong... đều có người ngồi trên nóc nhà gọi điện đến UBND H.Tây Sơn cầu cứu khẩn thiết. Suốt đêm qua, công tác cứu hộ diễn ra rất khẩn trương. Hoàng Trọng
Cũng trong sáng 15.11, nhiều người dân ở các xã Tây Giang, Tây Thuận (H.Tây Sơn) gọi điện đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Tại khu vực Đông Lâm (thị trấn Phú Phong) và thôn Phú Thọ (xã Tây Phú, H.Tây Sơn)... có nhiều người dân đứng trên nóc nhà kêu cứu. UBND H.Tây Sơn phải điều 3 ca nô của công an, quân đội đi tiếp tế mì tôm, nước uống và cứu hộ.
Huyện Tây Sơn có 3 cây cầu bị sập khiến nhiều khu vực bị cô lập. Đến chiều 15.11, nhiều nơi trên QL19 bị lũ chia cắt và đoạn qua đèo An Khê bị sạt lở gần 300 m khiến giao thông ách tắc hoàn toàn. Đến tối cùng ngày, toàn huyện đã có hơn 3.530 nhà dân bị ngập lũ. Toàn huyện bị mất điện. "Nước lũ năm nay lớn bất thường do mưa lớn và hồ Định Bình xả lũ với lưu lượng 2.611 m3/giây", ông Nguyễn Chí Quang, Chánh văn phòng UBND H.Tây Sơn cho biết.
Trong khi đó tại H.Tuy Phước, đến trưa, nước lũ đổ về nhanh và mạnh làm cho một số đoạn đê sông Hà Thanh khu vực dưới cầu Diêu Trì bị vỡ, 100 hộ dân ở thôn Cảnh An, xã Phước Thành và hơn 20 hộ dân thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì bị lũ cô lập.
Tại H.Hoài Ân, sáng cùng ngày, em Trần Thế Giảng (17 tuổi, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân) khi đi chăn bò đã bị nước cuốn trôi, mất tích. Còn ở H.Hoài Nhơn, ông Phạm Minh Hớn (ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam) bị thương trong khi đang chằng chống nhà. Trên địa bàn H.Vân Canh có một trường hợp bị mất tích do lũ, nạn nhân tên Điền (28 tuổi, ở thôn An Long 1, xã Canh Vinh).
Đến chiều 15.11, các huyện Hoài Ân, Vân Canh, Phù Mỹ... có 2.000 ngôi nhà bị ngập hoặc bị sập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường bị sạt lở và ngập nước, gây ách tắc giao thông.
TP.Quy Nhơn, từ trưa 15.11, nước lũ ào ạt đổ về khiến hàng ngàn hộ dân vùng trũng thấp ở các phường: Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú bị ngập, có nơi ngập sâu hơn nửa nhà.
Tại Quảng Ngãi, từ đêm 14.11 bắt đầu có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ các sông trong tỉnh lên nhanh đã gây chia cắt nhiều địa phương. Tại H.Nghĩa Hành có 9 xã thuộc lưu vực các sông Vệ, sông Phước Giang bị ngập. Riêng 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây nước tràn vào nhà dân hơn 1 m. Các xã ven sông Vệ, sông Trà Khúc thuộc H.Tư Nghĩa và 4 thôn thuộc 3 xã Phổ Văn, xã Phổ Minh, xã Phổ Khánh (H.Đức Phổ) cũng bị ngập lụt nghiêm trọng.
Tại H.Sơn Hà, các xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba, Sơn Linh, Sơn Giang, Sơn Nham bị chia cắt do đường giao thông và cầu bị ngập. Mưa lớn cũng đã làm sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường Sơn Hà - Sơn Tây bị sạt lở tại Km 9 400 và QL24 Quảng Ngãi - Kon Tum tại Km 63 - Km 69 nằm trên tuyến đèo Viôlăk thuộc địa bàn H.Ba Tơ bị sạt lở 36 điểm, trong đó có 11 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông hoàn toàn, khiến nhiều người bị mắc kẹt giữa những đoạn đường bị sạt lở. Cũng tại H.Ba Tơ, trưa 15.11, lực lượng chức năng đã giải cứu 5 hộ dân ở xã Ba Vì bị cô lập do nước lũ đến nơi an toàn, cả H.Ba Tơ bị mất điện hoàn toàn.
QL24 đoạn qua Kon Tum bị lũ cuốn trôi - Ảnh: Gia Hương
Mưa rất lớn ở Miền Trung và Tây nguyên Sáng sớm 15.11, sau khi đi vào khu vực các tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường, ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế - Phú Yên và khu vực bắc Tây nguyên đã có mưa to đến rất to. Do mưa lớn, lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế - Phú Yên và khu vực bắc Tây nguyên đang lên nhanh. Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo triều cường vùng hạ lưu các sông ở khu vực này sẽ lên trở lại theo kỳ triều cường rằm tháng 10 âm lịch. M.Vọng
Trong ngày, các địa phương trong tỉnh đã di dời 5.874 người ở các vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Tính đến tối 15.11, mưa lũ làm 1 người chết, 1 người bị thương. Nạn nhân tử vong là em Vương Thị Thu Thảo, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hành Minh (H.Nghĩa Hành) bị gió lớn cuốn ngã xuống cống nước sâu khi đến trường.
Trên địa bàn H.K'bang (Gia Lai) mưa lớn kéo dài. Nước trên nhiều sông suối dâng cao bất thường cộng với thủy điện An Khê - Kanak xả lũ khiến nước sông Ba lên nhanh. Nhiều đoạn đường thuộc huyện này bị ngập trong lũ, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Sáng 15.11, tại ngầm tràn qua suối Tà Nang (thuộc xã Đông, H.K'bang) 2 cô giáo trên đường đi dạy đã bị lũ cuốn trôi dù người dân trước đó đã phát hiện hai cô này mắc kẹt giữa suối nhưng bất lực do nước chảy quá xiết. Sau đó, lực lượng cứu hộ và người dân đã tìm được thi thể cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (ngụ tại thị trấn K'Bang) là giáo viên mẫu giáo ở xã Kông Lơng Khơng.
Đến chiều 15.11 đã có 10 ngôi nhà ở xã Xuân Thọ 2, TX.Sông Cầu (Phú Yên) bị sập, 1 người mất tích, 4 tàu cá bị chìm... Còn tại huyện miền núi Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai gần 2 m nên nhiều xe bị kẹt lại tuyến đường ĐT 641, ĐT 647 bị ngập nên chia cắt nhiều khu vực dân cư. Hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ (cả vận hành) với lưu lượng 1.400 m3/giây.
Đêm 14 và cả ngày 15.11 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa to đến rất to, sông Đăk Bla đã có lũ lớn, hàng loạt tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Đến cuối ngày 15.11, QL24 đoạn thuộc xã Pờ Ê (H.Kon Plong) bị lũ cuốn trôi một đoạn, chia cắt hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Nước lên nhanh nên một số điểm trường học tại H.Kon Plong bị ngập sâu. Chiều 15.11, chị Y Hiên (38 tuổi, trú tại thôn Đăk Bút, xã Đăk Nên, H.Kon Plong) khi đi làm rẫy về qua suối bị lũ cuốn trôi.
Mưa lớn bất ngờ ập xuống trong tối 15.11 khiến nhiều người dân ở Thừa Thiên-Huế không kịp trở tay. Đến 22 giờ tối qua, trừ một số tuyến đường như Hà Nội, Lê Lợi, cả TP.Huế nước đã ngập sâu và gây chia cắt hầu hết các tuyến đường trong thành phố, giao thông hỗn loạn và tê liệt.
Tại xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy những thôn thấp trũng, nằm ven sông Phù Bài như các thôn 4, 6, 7, 9, 10 nước đã tràn vào nhà từ lúc 20 giờ khiến nhiều người dân hốt hoảng chạy lũ. Xã Phú Mậu, H.Phú Vang đến 22 giờ nước lũ đã ngập hầu hết các tuyến đường.
21 giờ tối qua, mưa lớn vẫn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến mực nước các sông lên nhanh. Riêng nước lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (H.Đại Lộc) đã ở mức 9,45 m, vượt mức báo động 3 là 0,45 m. Bắt đầu từ chiều cùng ngày, 4.000 người trú tại các xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Minh... đã được sơ tán. Nhiều khu vực bị cô lập, hàng trăm nhà dân ngập sâu trong nước lũ. Các tuyến đường nội thị Ái Nghĩa cũng chìm sâu trong nước. Trong khi đó, tại huyện miền núi Nam Giang, mưa lớn đã khiến nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó một vụ sạt lở núi tại thôn Pà Dồn (xã Cà Dy) đã khiến 5 căn nhà bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp.
Sông Tranh 2 xả lũ cấp tập Hôm qua 15.11, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My (Quảng Nam) - cho biết địa phương đã phải chỉ đạo cho xe thông tin lưu động của huyện và hệ thống truyền tin các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giang và TT.Trà My liên tục thông báo khẩn cấp về tình trạng thủy điện Sông Tranh 2 đã vượt ngưỡng xả tràn (161 m) với lưu lượng lớn để người dân ven các sông Tranh, Nước Oa, Trường... chủ động đề phòng lũ. Theo Công ty thủy điện Sông Tranh 2, từ 11 giờ trưa qua 15.11 lưu lượng nước đổ về hồ chứa tăng đột biến lên đến hơn 4.000 m3/giây, lớn nhất kể từ khi xảy ra sự cố nước rò rỉ qua thân đập thủy điện (tháng 3.2012) và cao hơn ngưỡng xả tràn 1,2 m. Trước đó, từ lúc 10 giờ sáng, nước đã tự chảy qua 6 cửa xả mở sẵn theo sự chỉ đạo chưa cho phép tích nước của Chính phủ. Tình trạng lũ về hồ tăng đột biến xảy ra sau khi vùng núi cao Trà My hứng đợt mưa rất to và liên tục kể từ khuya ngày 14.11 đến cả ngày 15.11 do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới. Lũ cũng vượt ngầm Sông Trường và ngầm sông Nước Oa gần 3 m trên tuyến ĐT 616 (thuộc địa bàn 2 xã Trà Sơn, Trà Tân), cô lập 6 xã vùng cao H.Bắc Trà My và toàn bộ H.Nam Trà My. Lưu thông ách tắc nghiêm trọng.
Theo TNO
Lũ nhấn chìm nhà dân, 8 người chết và mất tích Mưa lớn, kết hợp với thủy điện xả lũ đã nhấn chìm hàng ngàn căn nhà của người dân ở 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong biển nước; ít nhất 8 người đã chết và mất tích do nước lũ. Nhiều nơi ở Hà Tĩnh nước lũ nhấn chìm nhà dân trong biển nước Mưa lớn do ảnh hưởng của bão...