Miền Trung tập trung khắc phục hậu quả bão số 5
Chiều 18/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do bão số 5.
Nhờ sự phối hợp triển khai tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cùng toàn thể người dân, thành phố Đà Nẵng đã giảm thiểu được thiệt hại do bão.
Người dân đưa các cành cây chắn các khu vực bị ngập nước trên đường Hà Huy (Đà Nẵng) Tập để các phương tiện giao thông không đi vào khu bị ngập. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Theo báo cáo, tại thành phố có 1 tàu dưới 20CV bị chìm khi neo đậu tại sông Phú Lộc, là tàu số hiệu ĐNa-07164 của ông Văn Tuấn, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê. Về nông nghiệp, diện tích rau màu bị ngập nước, hư hại là 29,84 ha; 2.250 m2 ao nuôi cá bị ngập; 18 hộ có ao nuôi tôm bị tràn bờ…
Công trinh thuy lơi, khối lượng kênh mương, bể hút trạm bơm, đập dâng bị bồi lấp là 600m3. Bão số 5 cũng làm khoảng 50m tại bờ tả sông Túy Loan và 70m tại sông Cu Đê xã Hòa Bắc bị sạt lở; 387 cây xanh bị thiệt hại do nghiêng, đổ, gãy; một số nhà dân bị ngập lụt cục bộ… Các quận, huyện đã tổ chức sơ tán 4.053 hộ với 14.350 người đến nơi an toàn.
Các sở, ngành, địa phương đang triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường để đảm bảo thoát nước, vệ sinh; khắc phục cây xanh bị ngã đổ… Ngành Giao thông vận tải đang tiến hành tiến hành thu hồi, xử lý, khắc phục các biển báo giao thông, dải phân cách mềm trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã đổ; những khu vực bị sạt lở đang được tích cực xử lý đảm bảo cho ô tô lưu thông qua lại…
Theo tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, sáng 18/9, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên – Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều 18/9, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, từ 19 giờ ngày 17/9 đến 7 giờ ngày 18/9, trên địa bàn đã có mưa to đến rất to. Tổng Lượng mưa 12 giờ một số nơi như sau: Đà Nẵng (Quận Hải Châu) 212.6mm, Hòa Bắc (Huyện Hòa Vang) 147.2mm, Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ) 248.6mm, Sơn Trà (Quận Sơn Trà) 123.8mm, Hòa Khê 178.6mm (Quận Thanh Khê).
Video đang HOT
* Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Lúc 14 giờ 15 phút ngày 18/9, do ảnh hưởng bão số 5, một trận lốc xoáy đã càn quét qua các thôn Quang Trung, Hồng Thịnh, làm tốc mái hàng chục hộ dân và các công trình phúc lợi, trụ sở Ủy ban nhân dân xã cũng bị hư hỏng nặng, hệ thống cây xanh, cột điện bị đổ, gãy.
Tại xã Thịnh Lộc, trụ sở Ủy ban nhân dân xã cũng bị mưa dông kèm lốc xoáy làm tốc mái nhiều phòng, mưa lớn làm hư hỏng nhiều dụng cụ, giấy tờ; hội trường UBND xã bị tốc mái hoàn toàn và hệ thống loa máy, ti vi, đèn chiếu sáng đều bị hư hỏng nặng; trường học và chợ khu vực này bị lốc xoáy đi qua cũng đều bị tốc mái và thiệt hại nặng nề. Cũng trong chiều 18/9, tại xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, gió lớn làm tốc mái 45 nhà dân, hiện tại chính quyền đang huy động lực lượng khắc phục.
Trước đó, 23 giờ ngày 17/9, do ảnh hưởng của bão số 5, tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, cũng đã xảy ra trận lốc xoáy và làm tốc mái hàng chục nhà dân.
Hiện tại chính quyền các huyện Lộc Hà, Thạch Hà và Nghi Xuân đã huy động các lực lượng quân đội, biên phòng, công an và các khối đoàn thể cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão, tạm thời ổn định đời sống nhân dân.
* Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết: Đến 18 giờ ngày 18/9, bão số 5 đã làm 9 người bị thương (trong đó huyện Bố Trạch 1 người, huyện Minh Hóa 2 người, huyện Quảng Ninh 1 người, huyện Tuyên Hóa 5 người). Những người này bị thương khi đang chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, tham gia giao thông khi bão đổ bộ và đã được đưa đến cơ sở y tế kịp thời để khám và điều trị. Trên địa bàn tỉnh có 66 người đi rừng hiện chưa liên lạc được (không xác định được thời gian đi), những ngươi này chủ yếu ở hai huyện miền núi Tuyên Hóa (2 người) và Minh Hóa (64 người).
Điện lực Quảng Bình huy động người và máy móc để khắc phục hậu quả sau bão số 5, để sớm cấp điện trở lại. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, mưa bão kèm gió mạnh đã làm 15 ngôi nhà ở địa bàn xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa bị tốc mái. Một trạm biến áp của xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh bị chập điện hư hỏng; dây điện 0,4 KV, xã Thạch Hóa bị đứt và Trạm điện Tuyên Minh (huyện Tuyên Hóa) đang tiến hành sửa chữa. Gió mạnh cũng đã làm đứt một số đường dây điện gây sự cố mất điện tại 7 xã vùng trên, 8 xã vùng ngoài và một phần thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Các địa phương trên địa bàn tỉnh, một số cây xanh bị đổ, gãy và nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng do mưa bão.
Mưa lớn kéo dài cũng đã khiến mực nước tại các sông suối trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhất là ở các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa dâng cao. Nhiều khu vực không thể di chuyển, bị cấm di chuyển, thậm chí nhiều nơi đã bị chia cắt. Đặc biệt, tại huyện Tuyên Hóa, tuyến đường liên xã Thanh Thạch đi Thanh Hóa, đường nội thôn xã Thanh Thạch, tuyến đường IFax xã Thuận hóa bị xói lở nhiều đoạn; ngầm Bùng trên Quốc lộ 15 bị ngập sâu tắc đường.
Do ảnh hưởng của mưa bão, 15 bản tại các xã biên giới, vùng núi của tỉnh Quảng Bình đã bị chia cắt, gồm: Địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) có 1 điểm ngầm tại 2 bản (Ka Ai, Ka Vang), địa bàn Đồn Biên phòng Ra Mai (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) có 4 điểm ngầm tại 7 bản (Pa Chong, Ra Mai, Si, Dộ tà Vơng, Lòm, Cha Oóc, Cây Dừa), địa bàn Đồn Biên phòng Cồn Roàng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) có 1 điểm ngầm tại 3 bản (Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn) và địa bàn Đồn Biên phòng Cà Roòng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) có 1 điểm ngầm tại 3 bản (Noọng Củ, Noọng Mới, Cha Pu) bị chia cắt.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 5, nhiều đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình đã tiếp cận, nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo các lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ nhân dân, bước đầu khắc phục hậu quả của bão. Tại các nơi có mực nước dâng cao, lực lượng Biên phòng Quảng Bình và chính quyền địa phương đã cử cán bộ, lực lượng ứng trực tại các điểm nguy hiểm nhằm tuyên truyền, hỗ trợ và ngăn người dân không qua lại. Các tuyến đường bị cây đổ, sạt lở cũng đã được xử lý bước đầu nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Các nhà dân bị tốc mái đã được hỗ trợ sửa chữa, khắc phục. Những nơi, khu vực bị chia cắt cũng đã được lực lượng chức năng tiếp tế lương thực, thuốc men. Nhiều hộ dân tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới, đã được di dời lên các điểm nhà văn hóa, trường học để tránh trú an toàn.
Đến 19 giờ ngày 18/9, mưa vẫn còn rải rác ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo các công điện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Các đơn vị, địa phương cũng tích cực triển khai thực hiện phòng chống bão lũ với phương châm “4 tại chỗ”; đẩy mạnh tuyên truyền bà con không đi rừng, không xuống khe bắt cá…. ; sẵn sàng tiếp ứng lương thực, thuốc men cho nhân dân tại các vùng xung yếu, ngập lụt, chia cắt khi cần. Đồng thời, tổ chức lực lượng thường trực canh gác 24/24 giờ ở những điểm nguy hiểm trong thời gian xảy ra lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các địa phương cũng khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão và có phương án ổn định đời sống nhân dân sau khi bão lũ đi qua.
* Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, bão số 5 đã gây mất điện của 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp; gần 200 cột điện bị gãy, đổ. Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế đã huy động nhân lực và phương tiện cơ giới tập trung khắc phục sự cố. Đến 20 giờ ngày 18/9 đã khôi phục điện cho 130.000 khách hàng, cấp điện đến trung tâm huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Về thông tin liên lạc, trên địa bàn tỉnh bị đứt 21 tuyến cáp quang do cây gãy đỗ; 204 trạm BTS (thu phát sóng di động) mất sóng do mất điện lưới diện rộng toàn tỉnh. Hiện VNPT Thừa Thiên – Huế; Viettel Thừa Thiên – Huế; Mobifone Thừa Thiên – Huế và Vietnamobile đang điều động máy nổ đến các trạm này để khắc phục sự cố.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến 18 giờ ngày 18/9, bão số 5 đã làm 1 người chết, 95 người bị thương; gần 6.800 nhà dân bị sập và tốc mái. Bão số 5 cũng làm 95 ha hoa màu bị hư hại; 1.130 ha rừng bị gãy đổ; 300 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 30 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ. Tỉnh Thừa Thiên – Huế huy động các lực lượng chức năng nỗ lực dọn dẹp hiện trường và khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã huy động 100% cán bộ, chiến sỹ cùng trang thiết bị kịp thời có mặt tại các địa phương hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp rà soát, thống kê thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân khắc phục thiệt hại; huy động lực lượng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; tổng vệ sinh, thu dọn cây đổ gãy… Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống cây xanh các trường học để có giải pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo điều kiện đến lớp cho học sinh. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lớn xảy ra; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Nguy cơ cao vỡ đê ở Cà Mau do hoàn lưu bão số 5
Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến chiều tối ngày 18/9, hoàn lưu bão số 5 đã gây thiệt hại về tài sản và sản xuất, đặc biệt nguy cơ vỡ đê rất cao.
Chiều 18/9, ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đi khảo sát thực tế tình hình đê biển Tây. Tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ, việc kè mái đê chưa hoàn thiện, nước dâng cao, mưa gió khá lớn nên tạo những con sóng vỗ ập, gây xói mòn chân đê.
Tại vị trí giáp ranh với Cà Mau, đoạn đê của tỉnh Kiên Giang chưa được hoàn thiện, sóng biển đã tràn qua đê, gây hại vùng phía trong, nguy cơ ảnh hưởng đến Cà Mau là rất lớn.
Triêu cường dâng cao, kết hợp mưa giông đã tạo những cột song lớn gây áp lực chân đê biển Tây Cà Mau.
"Những điểm xung yếu, đặc biệt là đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa; Đá Bạc - Kinh Mới; T25... chúng tôi cắt cử lực lượng hộ đê giữ vững quân số, phương tiện ứng trực tại chỗ nhằm chủ động và kịp thời khi có tình huống xảy ra", ông Lê Thanh Triều cho biết.
Hiện vẫn có mưa lớn trên khắp các địa phương trong tỉnh, cùng với đó là những đợt gió giật rất mạnh, khả năng thiệt hại do thiên tai tiếp tục xảy ra.
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến chiều 18/9, hoàn lưu bão số 5 làm 1 sà lan chở vật tư xây dựng đê biển bị mắc cạn trên biển (đã di chuyển con người vào bờ an toàn); 30 ha lúa hè thu bị sập; sập 4 căn nhà và tốc mái 4 căn nhà dân. Ước thiệt hại gần 54 triệu đồng.
Miền Trung: Bão số 5 khiến 1 người tử vong, nhiều người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái Bão số 5 (Noul) sau khi đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế làm 1 người tử vong, nhiều người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng thiệt hại nặng do bão tập trung tại...