Miền Trung mở ‘chiến dịch’ hút khách du lịch
Để chuẩn bị đón làn sóng du khách trở lại, ngay từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa, nhiều tỉnh, thành miền Trung lập tức mở “chiến dịch” kích cầu du lịch.
Đà Nẵng, Huế: Kích cầu đón khách quốc tế
UBND thành phố Đà Nẵng ban hành phương án “Tổ chức trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên địa bàn thành phố” với phương châm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 và mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Để chuẩn bị đón làn sóng du khách quay trở lại, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt mới đây thành phố vừa tổ chức thành công ngày hội khinh khí cầu thu hút rất đông khán giả.
Ngành du lịch thành phố tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Chuẩn bị nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng dịch vụ, chuẩn bị sản phẩm mới, công tác bảo đảm an ninh-an toàn phục vụ khách và kế hoạch truyền thông xúc tiến thị trường.
Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch đã chuẩn bị những sản phẩm mới để phục vụ du khách như đưa vào hoạt động thí điểm chương trình “ Phố đêm biển Mỹ An”; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1); khu phức hợp vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Mikazuki; tổ chức thí điểm các dịch vụ du lịch nông nghiệp tại Hòa Vang…
Ngoài ra Đà Nẵng còn thực hiện nâng cấp và tổ chức thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí mới lạ tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài…
Đà Nẵng cũng tổ chức các chương trình kích cầu phù hợp, linh hoạt, đúng thời điểm để kích hoạt trở lại các thị trường khách như “Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á”, “Giải Gofl Châu Á 2022″, chương trình kích cầu du lịch tháng 4, tháng 6…
Đặc biệt, chiến lược truyền thông “Enjoy Da Nang – Tận hưởng Đà Nẵng” với slogan “Đà Nẵng rộn ràng – muôn vàn ưu đãi” sẽ được triển khai từ ngày 1/4 đến 15/8 với 2 giai đoạn. Cùng với đó, ngành du lịch cũng tung ra các gói sản phẩm ưu đãi như gói Free and Easy từ 1,99 triệu đồng, gói nghỉ dưỡng nâng cao sức khỏe, gói tận hưởng thiên nhiên.
Cũng như Đà Nẵng, để thu hút du khách quốc tế, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai nhiều biện pháp, chương trình để kích cầu du lịch. Gần đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có buổi làm việc với Công ty Cổ phần hàng không Thai VietJet liên quan đến việc phát động du lịch Thái Lan đến Huế.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, thị trường Thái Lan là một trong những điểm đến hàng đầu được du khách Việt Nam yêu thích và lựa chọn; đồng thời ở chiều ngược lại, lượng khách Thái Lan đến Việt Nam cũng luôn nằm trong danh sách 10 thị trường khách hàng đầu của du lịch Việt Nam. Riêng tại Huế, lượng khách Thái Lan đến Huế chiếm 11,4% và chỉ đứng sau Hàn Quốc. Ngành du lịch Thừa Thiên – Huế xác định, nguồn khách Thái Lan là dòng khách tiềm năng và quan trọng của điểm đến Huế.
Ngoài việc thúc đẩy các đường bay đưa khách nước ngoài đến Huế, Thừa Thiên – Huế cũng sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp.
Video đang HOT
Do đó, ngành du lịch Thừa Thiên – Huế cùng với Thai Vietjet xúc tiến đẩy nhanh việc khai thác các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay thường lệ từ Bangkok đến Huế. Đồng thời nghiên cứu, xem xét khai thác đường bay nối các cố đô của 4 nước gồm Ayutthaya (Thái Lan); Huế (Việt Nam); Luang Prabang (Lào) – Siem Reap (Campuchia).
Ngoài việc thúc đẩy các đường bay đưa khách nước ngoài đến Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, ngành du lịch địa phương sẽ tổ chức xuyên suốt các hoạt động phục vụ Festival bốn mùa. Kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham quan các điểm du lịch, di tích, di sản trong tỉnh.
Song song với đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng triển khai hàng loạt các chương trình đặc sắc. Cụ thể, khi tham quan Hoàng cung thuộc khu Di sản Huế, du khách sẽ được trải nghiệm miễn phí tái hiện các nghi thức và hoạt động chốn cung đình xưa qua các chương trình nghệ thuật như: Lễ đổi gác, Chương trình Âm sắc cung đình và Huế xưa, Biểu diễn ca Huế, Trình diễn trích đoạn tuồng Cung đình…
Quảng Bình: Mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Những ngày đầu năm 2022, trong lúc cả nước đang loay hoay tìm phương án mở cửa du lịch quốc tế thì Quảng Bình đã đón đoàn làm phim BBC Landmark Natural History Series, với 6 thành viên đến từ Anh và Mỹ cùng hơn 1 tấn thiết bị, máy móc hiện đại, thực hiện dự án quay phim tại Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.
Năm 2022, Quảng Bình xác định sẽ tập trung thị trường khách nội địa.
Các thước phim thực hiện tại hang Sơn Đoòng sẽ được lên sóng trong chương trình chuyên biệt về cảnh đẹp thiên nhiên của BBC. Mục tiêu của bộ phim tại Quảng Bình lần này là giới thiệu các trải nghiệm thiên nhiên, những bí ẩn bất tận của Quảng Bình, một trong những điểm đến du lịch an toàn, khác biệt và hấp dẫn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Dự kiến bộ phim quảng bá này có thể tiếp cận đến 500 triệu người xem trên toàn cầu.
Năm 2022, Quảng Bình xác định sẽ tập trung thị trường khách nội địa, đẩy mạnh khách du lịch trong tỉnh với chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” và “Mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch”. Trên cơ sở đó, thị trường trọng điểm hướng tới gồm: Hà Nội và khu vực các tỉnh Đông Bắc Bộ, TP.HCM, các địa phương lân cận từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; chú trọng thị trường tiềm năng là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Để khai thác hiệu quả thị trường du lịch này, Sở Du lịch Quảng Bình cùng với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp liên quan sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên, thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng biển; các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hay du lịch nông nghiệp, cộng đồng… Đồng thời, sở triển khai các chương trình kích cầu, ưu đãi giảm giá các dịch vụ cho du khách, nhất là người Quảng Bình; miễn phí tất cả các điểm tham quan trong chương trình City tour thành phố Đồng Hới.
Các sản phẩm du lịch được Quảng Bình chú trọng quảng bá, phát triển như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hệ thống hang động nguyên sơ và kỳ vĩ, tìm hiểu văn hóa tộc người ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; du lịch sinh thái suối Moọc, sông Chày – hang Tối, công viên Ozo Treetop Part; khám phá khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong…
Các sản phẩm du lịch được Quảng Bình chú trọng quảng bá, phát triển như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. (Ảnh: Lê Ngọc)
Ông Nguyễn Ngọc Quý – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết: “Sắp tới, Sở sẽ cùng các đơn vị duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các đối tác trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh cập nhật thông tin, hình ảnh, video du lịch Quảng Bình. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá các sản phẩm để đưa ngành du lịch của tỉnh nhà sớm phục hồi và phát triển”.
Quảng Nam: Cú huých từ sự kiện Năm Du lịch Quốc gia
Năm Du lịch Quốc gia 2022 chính thức khởi động hôm 26/3 vừa qua, tức chỉ sau chừng 10 ngày tất cả các địa phương trên cả nước mở cửa lại hoạt động du lịch. Quảng Nam được “chọn mặt gửi vàng” là địa phương đăng cai sự kiện du lịch lớn nhất trong năm và dĩ nhiên địa phương này đang nắm lợi thế rất lớn để thu hút lượng khách “khủng” đến tham quan, nghỉ dưỡng trong một năm diễn ra hàng loạt các sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc.
Ngày hội khinh khí cầu ở phố cổ Hội An – hoạt động hưởng ứng sự kiện khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 thu hút hàng ngàn người dân và du khách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, chương trình khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại và là sự kiện trọng tâm của chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2022.
Cùng với lễ khai mạc, Thủ tướng kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – thông tin, Năm Du lịch Quốc gia – Quảng Nam 2022 có 212 sự kiện, hoạt động; trong đó có 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ VH-TT&DL, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức; tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 64 sự kiện, hoạt động và 138 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Chọn chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, ông Thanh giải thích, du lịch xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học. Ngày 4/12/2021, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ Tiêu chí du lịch Xanh áp dụng cho các điểm đến và các doanh nghiệp làm du lịch, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Nam cùng chung sức đồng lòng tạo lập môi trường du lịch mới mẻ, thân thiện, an toàn và có trách nhiệm.
Chính vì vậy, Năm Du lịch Quốc gia 2022 lấy chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch Xanh” là nhằm mong muốn truyền tải thông điệp đến với bạn bè, du khách khắp muôn nơi về một Quảng Nam lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột, qua đó kêu gọi cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, góp phần gìn giữ cho hành tinh mãi mãi xanh tươi, hòa bình và hạnh phúc.
Thực tế cho thấy, những ngày diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội hấp dẫn như Ngày hội khinh khí cầu, Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, 2 điểm tham quan nổi tiếng của Quảng Nam là đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn luôn dập dìu du khách. Rõ ràng, việc được chọn là địa phương đăng cai sự kiện Năm Du lịch Quốc gia đã giúp địa phương này nắm trong tay lợi thế vô cùng lớn trong việc sớm phục hồi du lịch.
Nhờ đăng cai sự kiện Năm Du lịch Quốc gia, Quảng Nam nắm trong tay lợi thế vô cùng lớn trong việc sớm phục hồi du lịch.
Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia, từ ngày thí điểm mở cửa du lịch (cuối tháng 12) đến hết năm 2022, ngành du lịch Hội An quyết định giảm 50% giá vé tham quan cho khách du lịch trong lẫn ngoài nước. Đây được xem là hoạt động kích cầu du lịch vô cùng ý nghĩa nhằm kéo khách về với vùng đất giàu giá trị văn hóa di sản.
Không thông báo giảm giá vé như đô thị cổ Hội An, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn linh động trong cách giảm chi phí tham quan cho khách đoàn. “Ví dụ, khách đi theo đoàn 20 người, chúng tôi chỉ thu tiền 10 vé, còn miễn phí 10 vé tham quan. Hy vọng, với khuyến mãi linh động này cùng với sản phẩm Đêm Mỹ Sơn huyền thoại dự kiến đưa vào phục vụ thường nhật, Mỹ Sơn sẽ đông khách như hồi chưa có dịch”, đại diện Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn nói.
Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh - Gìn gữ giá trị bản địa
Trong khuôn khổ chương trình Năm Du lịch quốc gia 2022, ngày 26/3, tại thành phố Hội An, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo "Quảng Nam phát triển Du lịch Xanh - Gìn giữ giá trị bản địa" và "Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam".
Trình diễn khinh khí cầu tại ngày hội khinh khí cầu chào mừng Năm du lịch quốc gia. Ảnh minh họa: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản xanh...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhấn mạnh, phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đã và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận định, việc tổ chức Hội thảo là hành động thiết thực mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; là cơ hội để Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch; đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Ông Trần Văn Tân đánh giá rất cao và hoan nghênh các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch tiên phong ký cam kết áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh trong quá trình phát triển.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng "du lịch bền vững Quảng Nam - du lịch không rác thải nhựa", kế tiếp - du lịch "xanh" là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên...
Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu - dài hạn và thiện chí đồng hành. Hơn thế nữa, những tác động ngoại lực về cơ chế chính sách là rất quan trọng. Những kiến nghị từ góc nhìn của doanh nghiệp du lịch sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, ưu tiên - khích lệ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch- dịch vụ xanh tại Quảng Nam.
Đặc biệt, khủng hoảng COVID-19 như hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường du lịch đã đi qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành Du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ.
"Cho dù băng qua khủng hoảng vì đại dịch COVID -19, kiên định mục tiêu và đồng hành vì du lịch xanh của Quảng Nam bằng chính nội lực và niềm tin của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cũng rất cần sự đồng hành về cơ chế chính sách, cần sự thừa nhận, trân trọng đối với nỗ lực của họ. Quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp; thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới; chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch ở Quảng Nam; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên...", ông Phan Xuân Thanh chia sẻ.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao Giấy chứng nhận "Điểm đến du lịch xanh" cho 14 doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng thành công các sản phẩm du lịch xanh thời gian qua. Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh.
Nội hàm của du lịch xanh có 3 thành tố trụ cột. Thứ nhất, du lịch xanh phải đảm bảo phát triển bền vững; thứ hai là bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; thứ ba là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam nói riêng và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung".
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của du lịch xanh, ngày 10/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 5177 về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025. Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh theo Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 4/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Đến nay, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch xanh dựa trên các tiêu chí đã ban hành, được du khách quốc tế và trong nước tích cực đón nhận.
Người từ nước ngoài không có hộ chiếu vaccine có được nhập cảnh Việt Nam? Nhà chức trách hàng không Việt Nam thông báo sẽ dỡ bỏ hạn chế tần suất các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu không có hộ chiếu vaccine thì việc nhập cảnh Việt Nam ra sao? Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã giao Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam phát thông báo tin...