Miền tiên cảnh Từ Thức
Chỉ nghe đến những cái tên như động Từ Thức, động Bạch Ái, Phủ Trèo, Thần Phù, chùa Tiên, vườn Đào Tiên hay hồ Đồng Vụa… người ta đã hình dung và tưởng tượng về một miền tiên cảnh với những câu chuyện huyền sử một thời của dân tộc.
Ngay cửa hang là bia đá “Đề Từ Thức động” của Lê Quý Đôn được người sau khắc vào năm 1905.
Giới thiệu với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nga Sơn, cho biết: Trên địa bàn huyện Nga Sơn có tới 250 di tích văn hóa trong đó 42 di tích đã được xếp hạng. Các di tích ấy đều gắn liền với những truyền thuyết mà mỗi chúng ta thường được nghe bà, nghe mẹ kể từ thuở bé thơ.
Nằm cách TP Thanh Hóa về phía Đông Bắc khoảng 50km, ẩn mình trong dãy núi Thần Phù, động Từ Thức hay còn gọi là động Bích Đào, động Bồng Đào gắn liền với truyền thuyết về cuộc tình duyên lãng mạn giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương.
Chuyện xưa kể rằng, quan tri huyện Từ Thức vốn người huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi từ quan, nhân lúc nhàn rỗi ra chơi cửa biển Thần Phù, đi qua núi thấy một cái động đẹp nên vào xem và gặp nàng Giáng Hương. Hai người nên nghĩa vợ chồng, sống với nhau hạnh phúc ở trong động tiên. Lâu ngày nhớ nhà, Từ Thức trở về thăm quê, người xưa cảnh cũ không còn, hỏi ra mới biết mình đã đi quá lâu. Buồn lòng, chàng quay lại cõi tiên nhưng về đến nơi thì động tiên đã khép, vợ cũ cũng chẳng còn.
Truyền thuyết xa xưa là vậy, còn nay, men theo những bậc đá mòn, xung quanh là cành cây tỏa lan, bước nhẹ từng bước, tưởng như đường lên tiên thật gần.
Thêm vài bước chân vào động, du khách có thể òa lên bởi một không gian rộng rãi có hình vòng cung trông như một chiếc bát úp khổng lồ, trên trần có nhũ đá hình trái đào tiên rất đẹp, dưới nền động còn lưu lại vết tích ban thờ Từ Thức và những thạch nhũ lấp lánh được ví như kho vàng, kho bạc của nhân gian.
Đi theo hành lang hẹp, du khách vào sâu trong động. Khắp động là những nhũ đá muôn hình lóng lánh, gợi lên những hình ảnh gắn liền với tình yêu của Giáng Hương và Từ Thức như: buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức, bàn cờ tiên, đôi chim thạch nhũ, mâm ngũ quả, dàn nhạc cụ…
Càng vào sâu, khung cảnh càng đẹp, chẳng khác nào cõi tiên. Du khách bắt gặp ngay hồ nước nhỏ trong vắt, rải rác đây đó là những hòn cuội trắng, kề bên là hình dáng ao bèo bằng đá, điểm xuyết những chùm hoa đá màu trắng lục, rồi những tượng đá hình ông chầu, ếch tọa… như được bàn tay tạo hóa khéo léo sắp đặt.
Cuối động Từ Thức là 2 ngã rẽ. Một ngã với những bậc đá đều nhau, tương truyền là đường lên cõi tiên trên trời. Ngã còn lại rẽ sâu xuống lòng núi theo đường xoáy ốc với những bậc đá gập ghềnh, tối tăm, ẩm ướt là đường xuống âm ti địa phủ, dễ khiến du khách lo sợ mà nhanh chóng quay ra…
Video đang HOT
Ai bảo đá vô tri? Trong không gian lung linh, huyền ảo ấy, người ta chợt thấy đá cũng có linh hồn, đá và người, cảnh và tình đan xen vào nhau tạo nên những cung bậc cảm xúc đa chiều. Xa xa là hình ảnh chàng Từ Thức đang đứng bần thần với chiếc áo trên tay, nhìn về trần gian với nỗi nhớ day dứt khôn nguôi. Cảnh tiên và cảnh trần ấy khiến người ta ngạc nhiên về vẻ đẹp kỳ thú mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Nga Sơn huyền bí.
Chạm tay vào thạch nhũ, lắng nghe câu chuyện hư hư, thực thực, du khách tưởng thời gian như ngừng trôi và không khỏi ngẩn ngơ tiếc một câu chuyện tình đẹp.
Nhà nghiên cứu Hoàng Bá Tường khẳng định: “Khi nói về những địa danh có truyền thuyết nổi tiếng, giới văn hóa cho rằng: không có nơi đâu trên đất Việt Nam ta ở một miền quê như ở Nga Sơn mà có tới hai câu chuyện đẹp, chuyện thứ nhất là Mai An Tiêm và sự tích quả dưa đỏ, chuyện thứ hai là Từ Thức gặp tiên. Có phải các thế hệ người Nga Sơn xưa vì quý yêu mảnh đất này mà với trí tưởng tượng và lòng mong ước chắp cánh, cha ông đã sáng tạo nên những câu chuyện tuyệt tác này”.
Nếu truyền thuyết về Mai An Tiêm với sự tích quả dưa đỏ trên đất Nga Sơn ngợi ca ý chí, nghị lực và sự lao động sáng tạo của con người đầu tiên khai phá đất này, phản ánh hành trình mở cõi, chinh phục biển cả và mở ra con đường giao thương hàng hải thì truyền thuyết về Từ Thức vừa là mong ước của con người về cõi tiên, vừa là sự dùng dằng, chênh vênh giữa hai thế giới tiên và thực. Chuyện về Từ Thức có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự sáng tạo của con người, nhưng phải nói rằng, nếu cảnh không đẹp, người không tình, thì dù sức sáng tạo cỡ nào cũng khó có thể dệt thay thiên nhiên một miền tiên cảnh như nơi đây.
Ngẫm lại về hai bài thơ được đề khắc trên bia đá ngay trước động Từ Thức ta càng thấy sức hấp dẫn của phong cảnh nơi đây. Lê Quý Đôn, trong bài “Đề Từ Thức động”, có viết:
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng,
Thùy thức Thiên Thai diệc hí trường.
(Nhiều người cho rằng Từ Thức gặp tiên cũng như chuyện (Lưu Nguyễn) vào Thiên Thai
Nhưng ai ngờ Thiên Thai chỉ là một câu chuyện đùa).
Rồi Chúa Trịnh Sâm, với bài “Ngự chế đề Từ Thức động”:
Chu trình thừa hứng phỏng Từ lang,
Động khẩu y nhiên tỏa tịch dương.
Bích quải nghê thường quang ỷ tú,
Thạch xao phụng quản hưởng cung thương.
(Nhân nhàn rỗi đi thuyền tới thăm Từ Thức,
Cửa động khép lại sau bóng chiều tà
Xiêm áo như treo trên cao sáng lấp lánh
Gió mưa gõ vào đá vang lên điệu cung thương).
“Không phải không có duyên cớ gì mà chúa Trịnh Sâm với “đôi mắt xanh” đã tạc vào đá chữ “thần” trên vách núi Eo Hai về miền đất tích tụ linh khí của đất trời, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển khơi đầy khí phách này. Đến bất cứ nơi đâu trên miền đất cổ được phù sa bồi đắp cho luôn tươi trẻ đều bắt gặp những danh thắng đẹp, mang đậm hồn người như động Bích Đào – động đẹp nhất trời Nam, cõi tiên cảnh Từ thức gặp Giáng Hương” (Hoàng Bá Tường).
Một góc động Từ Thức.
Nhưng, suy cho cùng thế giới ấy có đẹp thế nào thì con người vẫn phải quay về thực tại. Du khách sau khi thả hồn vào cảnh tiên, lang thang chìm đắm với những vẻ đẹp mê hồn trong lòng động tiên Từ Thức, bước ra khỏi động là quay về cõi thực, ngắm nhìn trời đất bao la với một vùng không gian thanh bình, có những thửa ruộng vuông như ô bàn cờ, dòng sông quanh co uốn lượn, cảnh làng quê dân dã ẩn mình dưới lũy tre xanh… Chẳng khác nào chàng Từ Thức năm xưa mãi vui lạc bước chốn thần tiên, bỗng một ngày giật mình nhớ tới quê hương chốn cũ muốn quay về.
Theo bà Đinh Thị Nhung, chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nga Sơn: Trên địa bàn xã Nga Thiện hiện có 4 di tích đã được xếp hạng. Ngoài 3 di tích cấp tỉnh: đền thờ, mộ Trịnh Minh; đền thờ, bia Lê Thị Hoa – nữ tướng thời Hai Bà Trưng; động Bạch Á; còn có động Từ Thức, di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Những năm vừa qua cùng với sự quan tâm trùng tu, bảo tồn của Nhà nước, di tích không chỉ được giữ gìn khá nguyên vẹn mà còn phát huy được giá trị, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách tìm hiểu về đất và người Nga Sơn.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, dấu tích về cuộc tình duyên năm nào vẫn hiện hữu, thậm chí qua thời gian, từng phiến nhũ đá trong động Từ Thức lại được phủ thêm những câu chuyện hư – thực. Bởi, xưa kia Từ Thức dù sống ở cảnh tiên vẫn không quên làng quê yêu dấu; và nay người Nga Thiện nói riêng, Nga Sơn nói chung “luôn coi trọng nghĩa hiếu hòa, cùng cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm”. Điều đó chỉ để nhắc nhớ chúng ta rằng trong mỗi con người vẫn chấp chới giữa hai bờ hư thực, vẫn mơ về một miền tiên cảnh, để rồi biết trân trọng những gì mình đang có, biết giữ gìn di sản mà thiên nhiên và cha ông để lại.
Đến Ninh Bình, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh của động Vái Giời
Động Vái Giời là điểm tham quan thu hút du khách với hệ thống nhũ đá hấp dẫn. Nhiều nhũ đá trong động Vái Giời như những dấu tích của hàm răng của động vật, xương cá...
Lối lên thơ mộng của động Vái Giời, Ninh Bình.
Động Vái Giời thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nằm trên ngọn núi cao trong khu du lịch sinh thái Thung Nham. Để leo lên tới động phải qua 439 bậc đá, động rộng khoảng 5000m2 với 3 tầng ẩn chứ nhiều măng nhũ đá mang hình khối tượng trưng cho cõi niết bàn, bồ tát, thiên đình.
"Vái" là động từ chỉ hành động cúi đầu của con người để tỏ lòng thành kính, "Giời" là từ Việt cổ đồng nghĩa với từ "trời". Động Vái Giời xưa kia là nơi người dân kinh thành Hoa Lư lập đàn tế trời cầu mong mưa thuận gió hòa. Ngày nay, nơi đây được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh khi hội tụ đầy đủ: "địa ngục - trần gian - thiên đường" nơi đất Cố Đô. Ở mỗi tầng sẽ tạo cho du khách cảm giác khác nhau như: bình dị đời thường với tầng "trần gian". Sinh lão bệnh tử, kiếp nhân quả luân hồi với tầng "địa ngục" và cảm giác thoát tục trên "thiên đường".
Hệ thống nhũ đá với hình thù đa dạng trong động.
Động Vái Giời là điểm tham quan thu hút du khách với hệ thống nhũ đá hấp dẫn. Nhiều nhũ đá trong động Vái Giời như những dấu tích của hàm răng của động vật, xương cá... nằm ở nhiều nơi trong hang, tạo cho du khách như lạc vào một động khảo cổ với nhiều chứng tích xưa. Tầng địa ngục trong động Vái Giời có nhiều nhũ đá với những truyền thuyết người xưa để lại như: Cầu Nại Hà, Tam Sinh Thạch, ngai Diêm Vương...Ở tầng "trần gian" có thể thấy những khối đá bằng phẳng như cuộc sống bình dị, mộc mạc của thực tại.
Tầng "địa ngục" có 2 khối nhũ đá giống hình chó ngao, nơi đây là nơi phân biệt giữa tầng địa ngục và trần gian. "Cột mốc số 0" nơi đánh dấu giữa thiên đường - trần gian và địa ngục trong động Vái Giời. Nhiều du khách đến tham quan động thường chụp ảnh lưu niệm với cây cột mốc đặc biệt này.
Từ cửa phía trên của động có thể quan sát thấy toàn bộ khung cảnh của núi rừng Thung Nham với những dãy núi trùng điệp, điểm vào đó là những ngôi nhà sàn tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp và sinh động.
Hãy đến Ninh Bình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh nơi động Vái Giời, chắc chắn sẽ để lại trong lòng bạn những dấu ấn khó phai mờ.
Khám phá động Thiên Đường - Vẻ đẹp tiên cảnh giữa trần gian Ấn tượng của du khách tới khám phá động Thiên Đường là vẻ đẹp lung linh của các nhũ đá nghìn năm, tạo nên những hình thù kỳ lạ, phản chiếu ánh sáng Mặt Trời khiến du khách như bước vào chốn bồng lai. Khung cảnh huyền ảo của động Thiên Đường. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) Với những người yêu thích trải nghiệm hang...