Miền núi phía Bắc: Nhiều cơ hội “hốt vàng” từ nuôi cá lòng hồ
Hội thảo sơ kết nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm một số tỉnh miền núi phía Bắc được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây nhằm đánh giá hiệu quả và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong chăn nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao.
Hội thảo có sự tham gia của của các chuyên gia Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cán bộ Trung tâm khuyến nông, Trung tâm thủy sản các tỉnh cùng một số nông dân tiêu biểu trong nuôi trồng thủy sản tại 7 tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Điện Biên.
Diện tích lồng bè liên tục tăng
Bắt đầu từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cho nông dân về nuôi trồng thủy sản, khai thác những tiềm năng lợi thế tại các ao, hồ chứa trong phát triển các loại cá có giá trị kinh tế cao.
Năm 2018, dự án tiếp tục được triển khai tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc và xây dựng 7 mô hình trình diễn, gồm 3 mô hình nuôi cá tầm, 2 mô hình nuôi các diêu hồng và 2 mô hình nuôi cá lăng với tổng quy mô là 1.400m3.
Mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên hồ Pa Khoang (Mường Phăng, Điện Biên) được đánh giá có triển vọng, cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%. ảnh: Vinh Duy
Qua kiểm tra thực tế tại các mô hình cho thấy, các đàn cá đều phát triển tốt, trọng lượng cá tầm bình quân đạt 1-1,2kg/con, cá diêu hồng đạt từ 0,6-0,7kg/con và cá lăng đạt từ 1,5-1,8kg/con, tỷ lệ sống các đàn cá đều đạt trên 80%.
Theo ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nghề nuôi cá lồng bè trong các hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc rất có triển vọng, đặc biệt là các đối tượng thủy sản cá lăng, cá hồi và cá diêu hồng. Những năm gần đây, với sự sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình dự án, các mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa càng đạt hiệu quả cao. Diện tích lồng bè nuôi cá ở các hồ chứa liên tục tăng qua các năm.
Đơn cử, năm 2012 mới có gần 3.100 lồng nhưng đến nay đã phát triển lên 20.000 lồng, trung bình mỗi lồng có thể tích từ 50-120m3. Đa phần các sản phẩm thủy sản cung ứng đều an toàn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và cải thiện môi trường các tình miền núi bền vững.
Video đang HOT
Điện Biên là 1 trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, với diện tích mặt nước lên đến hơn 2.326ha, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 2.600 tấn. Bà Đinh Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên, cho biết: Điện Biên rất có tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các ao và hồ chứa, với số lượng nuôi cá lồng bè trên sông hơn 100 lồng, thể tích trên 7.000m3, tập trung chủ yếu ở khu vực lòng chảo Mường Thanh, huyện Điện Biên, huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay.
Đa số các hộ dân và các hợp tác xã chú trọng đầu tư hệ thống lồng bè kiên cố, khu nuôi quy mô và các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Tìm liên kết để tiêu thụ
Chia sẻ tại hội thảo về quá trình nuôi cá lồng trên hồ Pe Luông, ông Phạm Khang Mừng (đội 1 xã Thanh Luông,
huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Trước đây gia đình nghiên cứu kỹ thuật, phương pháp nuôi các lồng được 3 năm và nuôi chủ yếu loại cá diêu hồng và cá rô phi đơn tính. Tuy nhiên thị trường tại Điện Biên chỉ tiêu thụ mạnh loại cá rô phi đơn tính, còn cá diêu hồng thì hơi chậm, một phần do giá thành cao (khoảng 80.000 đồng/kg), một phần do người tiêu dùng sử dụng và chế biến chưa quen nên hơi khó bán.
Tham gia mô hình nuôi cá trong lồng, tôi đăng ký nuôi cá lăng và cá tầm, áp dụng đúng theo kỹ thuật hướng dẫn của các chuyên gia, bước đầu đàn cá phát triển tốt, bình quân đạt 1,2-1,8kg/con và tỷ lệ sống đạt trên 80%. Gia đình đang tìm đầu ra sau thu hoạch, dự kiến sẽ liên kết tiêu thụ tại các tỉnh dưới xuôi và một phần thị trường trong tỉnh”.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chia sẻ với bà con những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm; những kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc đàn cá lồng; một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị bệnh trên các đối tượng cá; hiệu quả mô hình chuỗi liên kết và một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trong lồng bè…
Theo Danviet
Nuôi ong mật chất lượng cao tại Sơn La, nông hộ thu về trăm triệu
Sáng nay, 20/11 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình ong mật chất lượng cao trong nông hộ ở các tỉnh Miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên. Hội thảo diễn ra tại Mộc Châu, thu hút 50 hộ dân tham dự và nhiều đại biểu đại diện cho các ban ngành, địa phương.
Dự án xây dựng mô hình nuôi ong chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây Nguyên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt theo quyết định số 5518/QĐ-BNN-KHCN ngày 31.12.2015. Dự án hình thành trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong những nước xuất khẩu mật ong lớn nhất thế giới.
Năm 2014, tổng sản lượng mật ong nước ta sản xuất là 53.000 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 49.000 tấn, tương đương 92% kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD (Cục Chăn nuôi). Những lợi thế về thương mại và đặc thù sản phẩm của mật ong cho thấy tiềm năng lớn của mật ong Việt Nam khi tham gia hội nhập thị trường quốc tế, trái ngược với những sản phẩm vật nuôi khác như gia súc, gia cầm đang gặp khó khăn trong xu thế hội nhập.
Hội thảo xây dựng mô hình ong mật chất lượng cao trong nông hộ được tổ chức tại Mộc Châu.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: "Dự án thành công sẽ giúp người dân xoá bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, giảm được tình trạng lây lan dịch bệnh, giúp nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa. Hạn chế việc khai thác khoáng sản, khai thác rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái".
"Dự án có mục tiêu nhằm phát triển nuôi ong theo hướng VietGAHP trong nông hộ, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào nghề nuôi ong để nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, góp phần xây dựng nông thôn mới dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật, phấn hoa; người dân chủ động được thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy việc xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc có khả năng mở rộng cao và đem lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp bà con vươn lên làm giàu" - bà Hạnh cho biết thêm.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.
Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính nước ta có trên 1.500.000 đàn ong gồm các giống Ý và ong nội, trong đó số đàn ong nội đạt 350.000 đàn chiếm 23,33%, ong ngoại đạt 1.150.000 đàn chiếm 76,67%. Số người nuôi ong khoảng 34.000 người, trong đó số người nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.350 người chiếm 18,67%.
Hiện nay, nghề nuôi ong mật đã đem lại nguồn thu nhập cao cho các nông hộ vươn lên làm giàu.
Tại Hội thảo ông Phạm Văn Cường, chuyên gia chất lượng sản phẩm ong, cho biết: "Muốn ong mật phát triển, cần tìm địa điểm nuôi ong mật phù hợp như không gian khô ráo, không có khói bụi, xa nơi sản xuất đường, bánh kẹo, nước ngọt, đặt thùng ong cách nhau 2m, cửa tổ quay về các hướng khác nhau. Dụng cụ nuôi và khai thác sản phẩm ong phải đầy đủ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".
"Đặc biệt, thức ăn và nước uống bổ sung cho đàn ong phải đảm bảo các yếu tố sạch, rõ nguồn gốc, không để lại tồn dư trong sản phẩm ong. Thức ăn thay phấn hoa phải là phấn hoa khô trộn với đường, tỷ lệ 1:1 hoặc pha thêm bột đậu tương đã khử béo, tỷ lệ 1:1:2 (về khối lượng) cho nước vừa đủ, trộn hỗn hợp ở dạng sệt. Bên cạnh đó người nuôi ong phải theo dõi sức khỏe và có số ghi chép và cách phòng bệnh, có như vậy mới đề ra được khẩu phần ăn chuẩn xác và nâng cao chất lượng mật ong đến với người tiêu dùng" - ông Cường nói.
Số lượng đàn ong mật trong những năm qua không ngừng tăng lên.
Các hộ dân chăm chú lắng nghe chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong tại Hội thảo.
Anh Bùi Văn Hiếu, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), cho hay: Tôi nuôi ong ngoại từ năm 2005 đến nay đã có tổng số 120 đàn, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Qua Hội thảo tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La tổ chức, tôi đã nắm thêm nhiều kiến thức mới cũng như kỹ năng chăm sóc, phòng bệnh cho ong... Thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng đàn ong hiện có lên 300 đàn để nâng cao thu nhập.
Tại Hội thảo đã diễn ra nhiều chuyên đề hướng dẫn các nông hộ về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh trong chăn nuôi ong mật.
Để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, yêu cầu cấp thiết đặt ra với ngành nuôi ong cũng như các đơn vị chuyên môn là phải kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong. Cần triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm tái cơ cấu ngành ong theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt( VietGAPHP) trong chăn nuôi an toàn, GMP trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và mở rộng liên kết sản xuất với các đối tác trong ngành ong.
Tại vùng sản xuất cần xây dựng tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hóa khăng khít với nhau. Đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu uy tín, quảng bá sản phẩm ong mật đến với các khách hàng trong và ngoài nước.
Theo Danviet
Phát triển vùng cây ăn trái Nam Bộ: Chờ nhà buôn bắt tay nông dân Vùng Nam Bộ có diện tích cây ăn quả chiếm khoảng 50% diện tích trồng cây ăn quả của cả nước, đã có nhiều loại có chỉ dẫn địa lý, tạo được thương hiệu và xuất khẩu đi nhiều nước. Tuy nhiên thời gian gần đây có nhiều nhà vườn vì chạy theo lợi nhuận mà buông dần chất lượng, cộng thêm tình...