‘Miên – Khi cello hát’
Tiếp nối thành công của sản phẩm đầu tay ‘ Romance In Hanoi’, nghệ sĩ cello Hà Miên giới thiệu đến công chúng album thứ hai mang tên ‘Miên – Khi cello hát’.
Album đầu tay Romance In Hanoi được người yêu nhạc, đặc biệt là giới audiophile (những người nghe nhạc có sự đòi hỏi cao về âm thanh) tán thưởng nồng nhiệt về sự mới mẻ, sáng tạo trong nghệ thuật trình diễn đàn cello của Hà Miên.
Gần 3 năm sau, tiếp nối thành công đó, nghệ sĩ cello Hà Miên giới thiệu đến công chúng album thứ hai mang tên Miên – Khi cello hát.
Nghệ sĩ cello Hà Miên.
Với chữ ‘hát’ Hà Miên muốn cây đàn của mình gửi tới khán giả giai điệu quen thuộc từ những ca khúc nổi tiếng. 8 bản nhạc được lựa chọn đưa vào album là phiên bản hòa tấu 8 bài hát từ thập niên 60 tới gần đây, đều là những ca khúc in đậm trong ký ức người nghe nhạc với giai điệu trữ tình, đẹp, sâu lắng.
Bắt đầu với Thương nhau ngày mưa, một ca khúc có thể coi là kinh điển của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, không gian âm nhạc được mở ra mênh mang, lãng đãng.
Tiếp nối bằng những bài hát với giai điệu đầy quyến rũ như Bài hát ru cho anh (Dương Thụ), Vĩnh biệt mùa hè (Thanh Tùng), Cô gái đến từ hôm qua ( Trần Lê Quỳnh)… với chất nhạc phảng phất âm hưởng thập niên 90, Hà Miên đưa người nghe trở lại ký ức ngọt ngào thuở nhạc Việt thăng hoa, cũng như trở về với miền hoài niệm của mình, khi trái tim bắt đầu rung động vì yêu.
Hà Miên dành nhạc phẩm Hà Nội mười hai mùa hoa (Giáng Son) như một sự tri ân thành phố đã nuôi nấng tâm hồn và hành trình trở thành nghệ sĩ của cô. Hai bài hát “xưa” Mắt biếc (Ngô Thụy Miên) và Khi người yêu tôi khóc (Trần Thiện Thanh) được biểu diễn trên nền hòa âm đậm chất cổ điển, du dương đầy hoài niệm.
Một bản nhạc khác, được Hà Miên đưa vào album như một kỷ niệm riêng, đó là Nỗi nhớ mùa đông (Phú Quang). Bản nhạc chính là tâm trạng của cô trong quãng thời gian du học tại châu Âu. Nỗi nhớ nhà, nhớ những người thân yêu, nhớ Hà Nội được nữ nghệ sĩ trút hết vào trong những giai điệu vô cùng sâu lắng, để tiếng đàn trầm ấm của cây cello vang lên trong một dáng vẻ buồn mà thật đẹp.
‘Khi cello hát’ được phát hành trên các nền tảng nhạc số từ ngày 20/10.
Album Miên – Khi cello hát của Hà Miên có một tựa đề phụ là Những bản tình ca muôn đời.
Những bản tình ca muôn đời ấy, qua tiếng đàn tinh tế, nữ tính của Hà Miên vang lên vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Khán giả có thể thưởng thức những bản hòa tấu không lời trong cảm nhận về vẻ đẹp âm thanh của tiếng đàn cello, hoặc như nghe thêm một giọng hát, một cách hát khác lạ hoàn toàn. Từ đó, có thêm lý do để yêu, để gắn bó với những bản nhạc sống cùng ký ức của chúng ta…
Album có sự cộng tác đặc biệt của nhạc sĩ Dũng Đà Lạt trong vai trò cố vấn âm nhạc, cùng sự tham gia của các nhạc sĩ hòa âm phối khí Quân Nguyễn, Minh Hoàng, Nguyễn Hữu, Sơn Thạch, Sơn Nguyễn.
Khi cello hát được phát hành trên các nền tảng nhạc số từ ngày 20/10, như một món quà âm nhạc ngọt ngào cho ngày Phụ nữ Việt Nam. Ấn bản CD đặc biệt sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Bùi Hà Miên sinh ra trong một gia đình âm nhạc. Cô học chơi cello với mẹ từ năm 6 tuổi. Năm 1992, cô theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nhận bằng cử nhân nghệ thuật về biểu diễn cello vào năm 2007.
Trong thời gian học, cô được chọn tham gia vào nhiều dàn nhạc trẻ quốc tế như: Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á (Thái Lan), Học viện Âm nhạc mùa hè quốc tế Quảng Đông (Trung Quốc), Dàn nhạc trẻ châu Á… Bùi Hà Miên được cấp học bổng để tham dự Học viện mùa hè quốc tế tại Vienna, Áo (2017) và nghiên cứu sau đại học tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn Vienna (2018-2019).
Bùi Hà Miên là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc thính phòng Hà Nội… Cô có cơ hội làm việc và cộng tác với các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế; từng biểu diễn ở nhiều nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Áo, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hiện tại, Bùi Hà Miên là giảng viên cello của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là giảng viên hướng dẫn của Dàn nhạc trẻ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Hà Miên – ‘Firegirl’:
Trần Tùng Anh và giấc mơ chinh phục những ngọn núi
Sở hữu một giọng castrato hiếm có của Việt Nam (vừa hát được giọng nam và giọng nữ cao), từng được xem là hiện tượng tại sân chơi 'The Voice - Giọng hát Việt 2017', cho tới bây giờ, Trần Tùng Anh vẫn được xem là 'của hiếm' trong làng nhạc Việt.
Nhiều năm qua dù ít xuất hiện trong showbiz nhưng trên mạng xã hội, Tùng Anh vẫn gây sốt bởi những bản cover xuất sắc bằng giọng nữ ngọt ngào, khó tin. Không chạy theo thị hiếu và sự ồn ào, anh lựa chọn dòng nhạc kén người nghe để ra album đầu tay, đánh dấu bước chuyển mình trong sự nghiệp.
Trong khán phòng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chàng trai trẻ bước ra trong chiếc áo dài vàng in hình cầu Tràng Tiền bắc qua dòng Hương Giang, Trần Tùng Anh khiến cả khán phòng gai người khi khoe giọng nữ mềm mại, ngọt ngào qua ca khúc "Nàng thơ xứ Huế". Ngay sau đó anh chuyển sang giọng nam trầm, mạnh mẽ và luân chuyển giọng một cách nhịp nhàng, tinh tế và ăn ý. Nghe Trần Tùng Anh hát, nếu không nhìn lên sân khấu, thật khó tin đó là một chàng trai, vì từ cách bỏ nhỏ đến khi lên tông cao vút đều rất đàn bà, quyến rũ.
Ca sĩ Trần Tùng Anh hát cùng dàn nhạc Sức Sống mới.
Ca sĩ Phúc Tiệp, thầy giáo của Tùng Anh ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: "Tùng Anh là trường hợp đặc biệt. Anh sở hữu chất giọng castrato. Để đào tạo ra một giọng hát như vậy rất gian khổ và đau đớn, xây dựng tác phẩm cho những giọng hát này còn vất vả hơn vì ngày xưa ở Hoàng gia Anh không cho phép ca sĩ nữ lên sân khấu, người ta phải huấn luyện giọng ca nam từ nhỏ để đóng giả nữ khi biểu diễn. Ở Việt Nam, Tùng Anh là giọng hát đầu tiên tự tin bước ra với chất giọng soprano của nữ. Khi nhấc lên vị trí giọng giả thanh thì Tùng Anh có khả năng hát cực cao và rất mềm mại, còn giọng thật thì lại là một giọng Baritone thuần túy. Và các nhạc phẩm song ca nam- nữ được một mình bạn ấy thể hiện".
Với một khả năng trời phú như vậy, Tùng Anh có thể đi theo trào lưu để nổi tiếng hơn. Nhưng ngay từ những ngày đầu, anh đã chọn dòng nhạc dân gian, những bài hát mang âm hưởng dân ca để theo đuổi. Sau 6 năm lăn lộn trong thế giới showbiz, trải qua cuộc thi "The Voice" và sau này là "Tuyệt đỉnh song ca", "Gương mặt thân quen"..., dù không chạm đến đỉnh vinh quang nhưng anh luôn là giọng ca được đông đảo khán giả yêu thích. Năm 2021, chàng ca sĩ gốc Bắc Giang ra mắt MV đầu tay "Con yêu thơ dại", một sáng tác của nhạc sĩ Giáng Sol, được đánh giá tốt về giọng hát nữ dày dặn, tình cảm, cao vút.
Nhìn lại chặng đường hoạt động của mình, Trần Tùng Anh nói anh tự hào vì đã vượt qua nhiều khó khăn mà vẫn có thể theo đuổi con đường âm nhạc đầy đam mê. Anh chia sẻ: "Con đường mà tôi đang đi không "trải hoa hồng" đâu, nhưng tôi tự hào vì mình đã luôn cố gắng. Sau 6 năm theo đuổi nghệ thuật, tôi tự thấy mình đã ở độ "chín" nhất định. Việc tôi hát được giọng nữ cũng là hoàn toàn tự nhiên, điều này khác với việc hát bằng giọng giả thanh. Tôi nghĩ, trong tôi tồn tại 2 con người. Tôi hát được bằng chất giọng cả nam lẫn nữ nên không phải cố gắng để giả giọng nữ. Đó là một may mắn trời ban, nhưng đồng nghĩa với việc phải nỗ lực luyện tập gấp đôi, phải cố gắng như 2 ca sĩ vậy. Tôi hiểu con đường mình đang đi và kiên định với nó. Tôi cũng rất vui khi mình ra sản phẩm và vẫn có lượng khán giả xem lên tới hàng chục triệu "view".
Giọng ca phi giới tính phải tự bươn chải, kiếm tiền học, phát triển nghề nghiệp... để tìm một chỗ đứng trong làng nhạc. Quãng thời gian tham gia các gameshow, phải liên tục giả gái cũng không dễ dàng. Đi giày cao gót, diện trang phục nữ rất vất vả, lại tốn kém. Nhưng, cuối cùng anh đã trở thành hiện tượng được chú ý, không chỉ bởi sự khác lạ mà bởi sự truyền cảm trong tiếng hát. Hơn thế, Tùng Anh còn truyền tải được tình yêu của anh dành cho âm nhạc.
Nhiều người hỏi Tùng Anh, vì sao đang hot và sở hữu một lượng fan mơ ước, Tùng Anh lại chọn theo đuổi một dòng nhạc "già" và kén người nghe, những bài hát kinh điển đi cùng năm tháng, những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Anh nói: "Nếu chỉ thỏa hiệp hát những bài hit theo trend để thu hút fan hâm mộ thì Tùng Anh không phải quá chật vật trên hành trình của mình. Tôi muốn để lại một dấu ấn, dù rất nhỏ, đó là những tìm tòi, sáng tạo trong cách hát để kế thừa di sản của ông cha, những bài ca đi cùng năm tháng".
Một cảnh trong MV của ca sĩ Trần Tùng Anh.
Và "Núi hát" ra đời, sau những năm tháng chật vật nhưng đầy đam mê và nỗ lực của Tùng Anh. Hình ảnh ngọn núi cũng là hình ảnh ám ảnh tâm thức của Tùng Anh từ những ngày nhỏ. Chàng trai miền núi Bắc Giang yêu ca hát, thường hát vang trên đường đi học. "Tôi sinh ra ở Bắc Giang, mở mắt ra toàn là núi. Trên con đường tôi đi cũng như vậy, muốn lên đỉnh núi phải đi qua rất nhiều khó khăn", Trần Tùng Anh nói. "Núi hát" gồm 9 MV, "Tiếng đàn ta lư", "Nàng thơ xứ Huế", "Hồ trên núi", "Còn duyên", "Qua cầu gió bay", "Chín bậc tình yêu", "Tình ca Tây Bắc", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó", và "Đẹp mãi tình ta"...
Tùng Anh nói, toàn bộ 9 ca khúc gói trọn bước chân hành quân của bố anh trong cuộc đời quân ngũ của ông. Khán giả nghe có thể hình dung được phần nào câu chuyện về cuộc đời của một thanh niên đầy nhiệt huyết, đã sống hết mình để cống hiến cho đất nước. Anh khéo léo chọn lựa ca khúc để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đến người cha đã khuất. Đó là những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của những ca sĩ nổi tiếng như Anh Thơ, Lan Anh... nhưng Tùng Anh hát bằng những cảm xúc riêng của mình, của một người trẻ đầy mới mẻ và cảm hứng sáng tạo.
Tình yêu và niềm say mê âm nhạc của Trần Tùng Anh đã thuyết phục được hai nghệ sĩ lớn, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và nhạc trưởng Lưu Sơn Minh hòa âm, phối khí cho album "Núi hát". Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ: "Bình thường tôi không có nhiều thời gian phối khí cho các ca sĩ và nghệ sĩ solo, vì muốn chỉ dành thời gian cho những dự án thật đặc biệt. Nhận được lời mời của Trần Tùng Anh, tôi nghiên cứu tác phẩm và giọng ca đặc biệt của chàng trai này, tôi quyết định nhận lời phối và hòa âm 3 bài cho album "Núi hát" của em".
Với "Núi hát", Trần Tùng Anh bảo anh muốn dẫn đầu, truyền lửa để những bạn trẻ có tình yêu với dòng nhạc cách mạng, âm nhạc truyền thống luôn nỗ lực để có những dự án chỉn chu, nhằm lan tỏa dòng nhạc này theo cách riêng của người trẻ. "Núi hát" còn kể câu chuyện về hai con người của Tùng Anh, lúc sôi nổi, nồng nhiệt, lúc sâu lắng, trầm tĩnh và khát vọng về một giấc mơ lớn trong cuộc đời.
Có ai hiểu rằng, đằng sau ánh đèn sân khấu hào nhoáng ấy, những nghệ sĩ trẻ như Tùng Anh đã phải chật vật kiếm sống. Không ngại ngần chạy show, thậm chí bán hàng online để tích cóp và nuôi dưỡng đam mê của mình. "Trải qua nhiều khó khăn, tôi thấy không điều gì có thể cản trở được con đường mình muốn đi khi mình đủ tình yêu và tha thiết với nó" - Trần Tùng Anh khẳng định. 6 năm tham gia rất nhiều cuộc thi gây dựng tên tuổi, Trần Tùng Anh được khán giả nhớ đến là một giọng hát phi giới tính nhạc âm hưởng dân gian, thính phòng. Sau này, để bù đắp những khuyết thiếu của mình khi rời bỏ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, anh đã tìm hiểu và học hỏi những ca sĩ - giáo viên hàng đầu dòng nhạc này như ca sĩ Phúc Tiệp, Khánh Ngọc, Tố Loan...
Trần Tùng Anh chọn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - ngôi trường thân yêu của anh - để ra mắt dự án "Núi hát". Được đứng trên sân khấu phòng hòa nhạc hát và chia sẻ cũng là ước mơ từ lâu của anh. Hỏi về những kỳ vọng với dự án, Tùng Anh khẳng định: "Thực lòng tôi chỉ muốn làm thỏa mãn đam mê". Hướng tới hình ảnh chàng ca sĩ sang trọng, lịch sự và chỉn chu trong tương lai, "Núi hát" là dấu mốc đầu tiên trên chặng đường âm nhạc đó của Trần Tùng Anh. Hành trình phía trước còn nhiều gian nan và thử thách khi tôi chọn con đường đã có rất nhiều ca sĩ thành danh. Nhưng cảm giác của một người leo núi cũng rất hạnh phúc, hạnh phúc ở trên hành trình chứ không phải là đích đến".
HÀ MIÊN và album KHI CELLO HÁT... Gần 3 năm sau album đầu tay Romance In Hanoi, một đĩa nhạc được người yêu nhạc, đặc biệt là giới audiophile (những người nghe nhạc có sự đòi hỏi cao về âm thanh) tán thưởng nồng nhiệt về sự mới mẻ, sáng tạo trong nghệ thuật trình diễn đàn cello, ngày 20/10/2023, nghệ sĩ cello Hà Miên tiếp tục giới thiệu đến...