Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp: Việc phải làm ngay
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thời dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác rà soát, tung gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn hỗ trợ sớm đúng đối tượng.
Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế Danameco gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, song phải tự xoay xở
Khẩn trương hỗ trợ
Trong chỉ thị mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt khó bởi dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng giao NHNN hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
Ads by optAd360
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần: Trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020; Xem xét gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, có 2 gói hỗ trợ: Gói tín dụng khoảng 285.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tự cứu mình trước khi được hỗ trợ. Ảnh: PV
Gói 285.000 tỷ đồng là tổng các gói mà khoảng 10 tổ chức tín dụng đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp, ưu đãi từ 0,5 đến 1,5%/năm so với tín dụng thông thường. Tổng số các gói tín dụng này có thể sẽ nhiều hơn khi nhiều ngân hàng tham gia hơn. Nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp; tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Đối với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng, theo TS Cấn Văn Lực, đây là tổng số tiền dự tính đối với các khoản miễn, giảm chi tiêu do dịch. Hỗ trợ này cũng rất quan trọng, vì nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đang mong đợi.
Hỗ trợ trúng đối tượng
Video đang HOT
Ngày 11/3, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã ký công văn lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Thời gian gia hạn là 5 tháng, gồm các khoản tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất phát sinh phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6/2020 với trường hợp kê khai theo tháng hoặc của quý I và quý II/2020 với trường hợp nộp theo quý. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn đợt này là 30.100 tỷ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục thuế hướng dẫn DN, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ gửi thủ trưởng cơ quan Thuế quản lý trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế (nếu có nhu cầu).
Theo Tổng cục Thuế, người nộp thuế cần có biên bản kiểm kê, đánh giá thiệt hại vật chất; xác nhận thiệt hại của một trong các cơ quan, tổ chức như công an, UBND xã hoặc phường, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế…nơi xảy ra thiệt hại; Hồ sơ bồi thường thiệt hại được các cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, những gói hỗ trợ này rất tốt cho DN vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, NHNN cần có động thái hạ lãi suất với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu… ở mức độ mạnh để sớm tác động lên mặt bằng lãi suất.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan cần có giải pháp xác định đối tượng và tiêu chí cụ thể để nguồn hỗ trợ của Chính phủ đến được đúng đối tượng thụ hưởng và thực sự phát huy hiệu quả.
Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội lưu ý, cần có cơ chế để dòng tiền đến được với DN thực sự gặp khó khăn do dịch bệnh. Theo ông Quốc Anh, có những DN gặp khó khăn từ những năm trước và có thể sẽ “mượn cớ” để được hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ này, trong khi đó những DN thật sự gặp khó khăn do dịch thì có thể lại không tiếp cận được.
Được hỗ trợ một đồng cũng quý
Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và tiền thuê đất tối đa 5 tháng, trong đó có nhóm ngành kinh doanh vận tải (gồm vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không).
Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, DN rất ủng hộ đề xuất này và mong sớm được thực hiện. Tuy nhiên, ông Tuấn kỳ vọng sẽ được miễn, giảm thuế, như vậy DN sẽ giảm được chi phí trong bối cảnh doanh thu sụt giảm mạnh. Việc lùi thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ có ý nghĩa về dòng tiền vào lúc này, còn thực tế cuối năm, DN vẫn phải nộp số tiền đó. Theo ông Tuấn, công ty đang phải nộp thuế VAT mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng, tiền thuê đất nộp khoảng 40 tỷ đồng.
Với đường sắt, ông Tuấn đề xuất Chính phủ có chính sách giảm tiền thuê hạ tầng, với mức phí mỗi năm là 8%/tổng doanh thu, năm 2019, công ty nộp khoảng 50 tỷ đồng. Lãnh đạo Cty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đề xuất NHNN thống nhất với các ngân hàng thương mại giảm lãi, khoanh nợ các khoản vay đầu tư. Khi mức lãi các khoản vay của DN này từ 9,3 đến 9,5%/năm, tổng tiền gốc và lãi phải trả khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải Hoàng Hà (kinh doanh xe khách, taxi, xe buýt…) cho rằng, trong bối cảnh này mọi hỗ trợ đều quý, dù chỉ 1 đồng. Khi khách giảm tới 70-80%, DN đã cắt giảm 2/3 số chuyến xe, thu vẫn không đủ trang trải chi phí. Toàn bộ tiền phải gom góp để trả lương cho người lao động, dù một số đang nghỉ luân phiên vẫn phải trả lương đủ sống để giữ chân người lao động. Theo ông Hà, hiện ngân hàng cũng nói sẽ có chính sách hỗ trợ, như giảm lãi suất, gia hạn nợ, giảm số tiền gốc phải trả hàng tháng… nhưng vẫn chưa có hướng dẫn.
3 tháng doanh thu của DN bằng 0
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên, doanh nghiệp chuyên về vận tải hành khách, lữ hành cho hay, đến nay DN vẫn chưa tiếp nhận được thông tin, hướng dẫn gì về các thủ tục miễn, giảm thuế, chỉ có văn bản chung chung từ Tổng cục Thuế. Theo ông Tùng, các DN tư nhân như Thiên Thảo Nguyên có tới vài trăm nhân sự, sau 3 tháng bị dịch hoành hành vẫn đang vật vã tự bơi. “Dù rất khó khăn, lao động của công ty phải chấp nhận chỉ hưởng 70% lương, song họ vẫn không muốn nghỉ việc. Trong khi 3 tháng nay doanh thu của công ty bằng 0. Tháng tới với tình hình thế này, công ty sẽ phải giảm tiếp lương nhân viên”, ông Tùng chia sẻ.
TUẤN NGUYỄN – LÊ VIỆT
Theo Tienphong.vn
Chồng chất khó khăn vì COVID-19, khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp
Chính phủ mới đây đã công bố gói giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn còn quy định về thuế bị bỏ ngỏ.
Gánh nặng COVID-19 và điểm nghẽn 3 năm
Kinh tế Việt Nam năm 2020 dự báo sẽ có nhiều thách thúc, trong đó, một mối nguy lớn nhất là COVID-19. Tổng cục Thống kê nhận định dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp. 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Dưới áp lực này, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và hỗ trợ tài khóa 30.000 cấp bách nhằm cứu doanh nghiệp khỏi cơn bão COVID-19. Trong đó, Bộ Tài chính được chỉ đạo ngay trong tháng 3 này phải ban hành Nghị định gồm các giải pháp về thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Những chỉ đạo ngay thức thời của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tuy nhiên, vẫn còn một điễm nghẽn đã tồn tại 3 năm nay - đó là Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/5/2017. Mục tiêu là để ngăn ngừa, phòng chống chuyển giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, khoản 3 điều 8 quy định khống chế "tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế". Điều này có thể hiểu, phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 20 lại trở thành rào cản cho chính khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con, và hạn chế việc đầu tư mới vì các dự án mới khởi sự sẽ chịu áp lực lãi vay lớn mà chưa phát sinh lợi nhuận. Do đó, ngay từ năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp liên tục kiến nghị bỏ áp dụng khoản 3 điều 8 của Nghị định, kết quả là Bộ Tài chính mới xây dựng một dự thảo Tờ trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20.
Theo dự thảo sửa đổi, cơ quan quản lý thuế đã sửa lại một số điểm so với quy định hiện hành, cụ thể là tỷ lệ khống chế đã được điều chỉnh từ 20% lên 30% EBITDA; cho phép tính chi phí lãi thuần (lãi đi vay trừ đi lãi cho vay) và ngoại trừ một số sẽ không áp dụng Nghị định 20 như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vốn ODA... Nghị định sửa đổi này sẽ áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019 (tiền hành vào 31/3/2020).
Các chuyên gia cho rằng, động thái này đã phần nào tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và đưa Nghị định 20 hợp lý hơn và không trái với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc mới sửa một nửa - không áp dụng hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp "khóc ròng" vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 lên đến hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ từ lãi chuyển sang lỗ bởi những khoản truy thu từ các năm trước.
Thống kê của cơ quan thuế cho hay, năm 2017 có 11.196 đơn vị kê khai quan hệ liên kết, năm 2018 có 11.970 đơn vị. Qua kết quả thu thuế và thanh tra kiểm tra các đơn vị có liên doanh, liên kết, ngành thuế đã xử lý 11.089 tỷ đồng, trong đó 2.089 tỷ đồng là tiền truy thu, truy hoàn và phạt; 75 tỷ đồng tiền giảm khấu trừ bình quân; 8.925 tỷ đồng từ việc doanh nghiệp giảm lỗ và có 7.732 tỷ đồng do doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân.
Như vậy, điểm mong chờ 3 năm nay của cộng đồng doanh nghiệp đã không được Bộ Tài chính đề cập trong lần sửa đổi này, đó là được áp dụng điều sửa đổi hồi tố về năm 2017. Việc này sẽ tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp vốn đang chồng chất khó khăn vì dịch COVID-19.
Giãn, giảm và hoàn trả thuế
Đưa quan điểm về Nghị định sửa đổi, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Trước đó, Hiệp hội này đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi những bất cập liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, do lĩnh vực bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ quy định này.
Đơn cử với trường hợp của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), do kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Công ty đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20. Nếu không được hồi tố, HAGL sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng.
Trước ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc áp dụng Nghị định 20 của cơ quan thuế trong việc khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này là không đúng mục tiêu ban đầu của Nghị định này, gây ảnh hưởng nặng nề cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên trong cùng tập đoàn/tổng công ty. Riêng về ý kiến của doanh nghiệp muốn cơ quan thuế hồi tố áp dụng nội dung sửa đổi cho năm 2017, 2018, ông Trần Anh Tuấn - Công ty dịch vụ tư vấn kế toán thuế Đồng Nai nhận định: Việc hồi tố lại cho các doanh nghiệp là hợp lý và chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh đình trệ vì dịch COVID-19, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì ngành thuế cũng cần có những biện pháp xử lý thấu đáo đối với những khoán thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và yên tâm sản xuất.
P.V
Theo Tienphong.vn
Đề nghị gia hạn khoảng 22.600 tỷ đồng thuế GTGT, 4.500 tỷ tiền thuê đất Để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã soạn thảo Nghị định gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh...