Miền Đông Ukraine chìm trong xung đột đẫm máu
Ngày 13/4, các cuộc biểu tình ở miền Đông Ukraine đã biến thành xung đột đẫm máu khi lực lượng đặc nhiệm Ukraine tấn công đồn cảnh sát ở thành phố Slavyansk làm nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Khói lửa bao trùm nhiều khu vực ở thành phố Slavyansk.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov xác nhận lực lượng đặc nhiệm đã được điều động tới thành phố miền Đông Slavyansk, nơi người biểu tình chiếm giữ một trụ sở cảnh sát và văn phòng cơ quan an ninh khu vực.
“Lực lượng đặc nhiệm đã được lệnh thực thi chiến dịch phản ứng cứng rắn đối với các cuộc biểu tình ở Đông Nam Ukraine. Đã có người thiệt mạng trong cuộc tấn công này”, ông Avakov nói.
Theo người đứng đầu ngành nội vụ Ukraine, đã có thương vong từ cả hai phía. Trong đó bên phía cảnh sát có ít nhất một sĩ quan thiệt mạng và 5 người bị thương.
“Đã có người chết và bị thương từ cả hai phía”, Bộ trưởng Nội vụ Avakov viết trên facebook, đồng thời cho biết có khoảng 1.000 người tham gia các hoạt động chiếm giữ các cơ quan công quyền ở Slavyansk.
Trong khi đó, truyền thông đưa tin phía người biểu tình có một người chết và 2 người bị thương.
Đây là các cuộc đụng độ gây thương vong đầu tiên giữa lực lượng an ninh Ukraine và những người biểu tình ở các thành phố Đông Nam sau khi lực lượng thân Nga chiếm giữ các tòa nhà công quyền, trụ sở an ninh và tuyên bố tự thành lập nhà nước riêng ở Donesk.
Video đang HOT
Trực thăng đã được lệnh quần thảo tại thành phố Slavyansk. Nhiều nhân chứng cho biết đã nhìn thấy các cột khói lớn xuất hiện. Một số người biểu tình có vũ trang còn lập trạm kiểm soát ngay lối vào thành phố.
Trong khi đó tại tỉnh Donesk, cảnh sát đã bất tuân lệnh tấn công người biểu tình khi những người này tràn vào các cơ quan chính quyền địa phương. Cảnh sát trưởng vùng Donesk thông báo từ chức ngay sau khi trụ sở cảnh sát bị người biểu tình chiếm giữ.
Những người biểu tình cho biết họ lo ngại nguy cơ mất quyền nói tiếng Nga và nền kinh tế Donesk sẽ sụp đổ nếu Kiev cắt đứt quan hệ với Mátxcơva.
Trong phản ứng mới nhất, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên ở Ukraine kiềm chế tối đa và tiến hành đối thoại giải quyết tình hình.
Giới phân tích lo ngại căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine sẽ phủ bóng đen lên cuộc họp 4 bên giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine vào ngày 17/4 tới tại Geneva.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo cuộc họp sẽ bị hủy nếu Kiev sử dụng lực lượng vũ trang đối phó với người biểu tình.
Phía Nga cũng tuyên bố sẽ “không khoanh tay đứng nhìn” nếu người nói tiếng Nga bị tấn công và chính quyền lâm thời Kiev không tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản của các địa phương.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Phương Tây chật vật đối phó với Nga
Dù rất lo ngại sẽ xảy ra "một cuộc xâm chiếm" ở miền Đông Ukraine, song đến nay NATO vẫn bất lực trước việc làm thế nào để ngăn chặn "gấu" Nga.
NATO cung cấp ảnh chụp các máy bay Su-27/30 và Su-24 của Nga ở căn cứ quân sự vùng Buturlinovka
Trong hai ngày qua, NATO liên tục cung cấp các bức ảnh kèm theo các lời tố cáo nói rằng Nga đang điều hàng chục nghìn binh sĩ đến sát biên giới Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc "xâm chiếm" ở miền Đông nước này. Dù rất lo lại, nhưng cái chính là các nước phương Tây không đưa ra được bất cứ đối sách nào ngăn chặn hành động can thiệp, nếu có, của Nga nhằm vào Ukraine.
Đầu tiên, do Ukraine không phải là một thành viên của NATO nên việc viện đến giải pháp quân sự hoàn toàn bị loại trừ. Trong bối cảnh đó, chỉ có các biện pháp trừng phạt và cô lập là những phương sách tốt nhất và có lẽ cũng là con đường duy nhất để gây sức ép với Nga. Theo các chuyên gia châu Âu, về lâu dài, việc gia tăng áp lực lên giới nhà giàu và các nhân vật quyền lực thân cận với Tổng thống Vladimir Putin sẽ buộc nhà lãnh đạo Nga phải tìm hướng tiếp cận hòa giải hơn cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Nhưng cách làm này vừa mất nhiều thời gian, vừa có mặt trái khiến phương Tây không khỏi quan ngại. Một số quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng thời gian cô lập càng dài, nước Nga sẽ càng dâng cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa và tìm được phương cách tự xoay sở. Khi đó, Tổng thống Putin sẽ càng có thêm quyết tâm để thực thi các chính sách bảo vệ lợi ích của dân tộc mình.
Trong khi đó, điểm cốt yếu nhất hiện nay là quyết tâm của Nga trong việc giành lại ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết luôn mạnh hơn nhiều so với nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc ngăn chặn hành động này. Cụ thể, trong khi Nga ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các nước thuộc không gian ảnh hưởng của mình (cả về quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế) thì Mỹ và châu Âu lại luôn thờ ơ với những lời kêu gọi giúp đỡ khi các nước gặp khó khăn. Sự bám rễ của Nga ăn sâu tới mức nước này có thế dễ dàng khuấy động bất ổn ở bất cứ đâu và nếu cầu có thể tạo lập ngay các điều kiện cho việc tiến hành can dự.
"Những gì chúng ta đang nhìn thấy là một cuộc chiến tranh mới và là một phần của chiến lược đã được trù tính", chuyên gia Chris Donnelly nói. Ông Donnelly là cựu cố vấn cấp cao của NATO về Nga và hiện là Giám đốc Viện nghệ thuật quản lý ở thủ đô London, Anh.
Trong bản thông điệp đặc biệt đọc ngày 18/3 sau khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin cũng đã nói rõ nước Nga sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 25 triệu người gốc Nga (chủ yếu ở Ukraine, Kazakhstan, Gruzia, Moldova, các nước Trung Á, Baltic) và khoảng 10 triệu người nói tiếng Nga (ở Ukraine, Belarus và một số nước khác). Vì vậy, cần phải hiểu đúng tinh thần tuyên bố của ông Putin rằng nước Nga sẵn sàng đối đầu với bất kỳ thế lực nào nếu như được cộng đồng người Nga hay người nói tiếng Nga ở nước ngoài lên tiếng cầu viện "gấu mẹ vĩ đại".
Đối lập với quyết tâm mạnh mẽ của Nga, rất ít quốc gia phương Tây có đủ khả năng và quyết tâm để chặn đường. Các cuộc chiến tại Transdniestria ở Moldova, hay Nam Ossetia và Abkhazia ở Gruzia cũng đã chứng minh điều đó. Thực tế cho thấy Nga không chỉ mạnh hơn về tiềm lực quân sự, mà còn ở cả ý chí và quyết tâm bảo vệ lợi ích dân tộc của mình. Chỉ có duy nhất một lằn ranh đỏ mà nước Nga sẽ phải tính toán cẩn trọng trong cuộc đối đầu với phương Tây là không được đụng đến các nước thành viên NATO, dù đó là các quốc gia vùng Baltic. NATO không ít lần khẳng định động đến các nước này có nghĩa Nga sẽ nhấn nút khởi động chiến tranh tổng lực với liên minh quân sự lớn nhất thế giới và Mỹ, đối thủ nặng ký bên kia bờ Đại Tây Dương.
Phương Tây thực chất có thể làm gì?
Một số chuyên gia cho rằng, đối sách mạnh mẽ nhất của phương Tây đối với Nga hiện nay là cứ mỗi khi Nga sáp nhập thêm một vùng đất vào lãnh thổ liên bang thì lại có thêm một hoặc một vài quốc gia khác nằm gần quỹ đạo của Nga ngả sang phương Tây. Nhưng để làm được điều đó, phương Tây sẽ phải có các hỗ trợ kinh tế thường xuyên và phải quan tâm nhiều hơn đến việc kết nạp các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập EU, thậm chí NATO. Xây dựng các chiến lược kinh tế và năng lượng với Trung Á cũng là những bước đi cần tính đến.
Tuy nhiên, việc kéo các nước này ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga phụ thuộc rất lớn vào việc Mỹ và châu Âu có tạo được tâm lý ổn định và an toàn cho chính phủ các nước. Với một Ukraine chìm sâu trong khủng hoảng và vòng cung ảnh hưởng của Nga đang ngày càng lan rộng, chiến lược này xem ra cũng chỉ là ảo tưởng huyễn hoặc, chí ít trong bối cảnh hiện nay.
Một đề xuất khác được đưa ra là các nước phương Tây sẽ đưa quân tới đồn trú ở các nước Đông Âu, đặc biệt là 3 nước vùng Baltic, và những nước có ý định sẽ liên kết với châu Âu. Cách làm này vô cùng nguy hiểm vì sẽ phá vỡ thỏa thuận và chạm đến lằn ranh mà Mátxcơva đã vạch ra trước đó. Đó là NATO và EU không được phép mở rộng biên giới tới sát đường biên của Nga.
Vì vậy, nếu xét tổng thể, "vũ khí" tốt nhất hiện nay của phương Tây vẫn là gây áp lực kinh tế và ngoại giao với Nga, cho dù hiệu quả thực sự của phương pháp này có thể không được như phương Tây mong đợi.
Đức Vũ
Theo Dantri
Kịch bản khó lường khi 3 tỉnh đòi ly khai Ukraine Vừa mới mất Crimea không lâu, Ukraine đang đứng trước nguy cơ mất thêm vùng lãnh thổ phía Đông, nơi cộng đồng người nói tiếng Nga chiếm đa số... Những người biểu tình ủng hộ Nga ở Ukraine "Kịch bản Crimea". Tình hình miền Đông Ukraine đang biến động từng ngày và khó có thể dự đoán. Những người thân Nga, trong đó...