Miền Bắc sẵn sàng đón nước từ hồ thuỷ điện về đồng ruộng
Những ngày này, các tỉnh miền Bắc đang tất bật chuẩn bị mọi công tác để sẵn sàng đón nước từ hồ thủy điện về đồng ruộng. Trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết nguồn nước năm nay rất dồi dào, việc lấy nước đổ ải sẽ thuận lợi, tiết kiệm hơn so với mọi năm.
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
Chỉ còn 4 ngày nữa là các tỉnh miền Bắc đón đợt xả nước đổ ải đầu tiên cho vụ đông xuân 2018. Qua nắm bắt của ông, đến nay các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa?
- Chúng tôi vừa đi khảo sát ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và nhận thấy các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án lấy nước. Ở một số vùng trũng, nhiều thửa ruộng nông dân đã cày xong và đang mênh mông nước như huyện Duy Tiên, Bình Lục (Hà Nam), dù chưa xả hồ Hòa Bình. Đây chủ yếu là nước mưa và nước từ các vùng cao dồn về. Nhìn chung, tại các chân ruộng ở vùng chuyên canh lúa, nông dân đã cày xong, bờ vùng bờ thửa, mương máng cũng đã được dọn sạch cỏ dại, bùn đất, chỉ cần chờ nước về.
Các hồ thủy lợi đã sẵn sàng mọi công tác để chuẩn bị xả nước đổ ải vụ đông xuân 2018. Ảnh: EVN
“Trước đây việc đổ ải thường gặp khó khăn, tốn nhiều nước vì diện tích lúa dài ngày còn nhiều. Nhưng nay, chủ trương của Bộ NNPTNT là tăng cường các giống ngắn ngày, lịch thời vụ các địa phương cùng thống nhất, nên các địa phương cần căn cứ vào kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ để có kế hoạch lấy nước, tích nước phù hợp”. Ông Trần Xuân Định
Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm nay vụ đông xuân sẽ có 3 đợt xả nước, tổng cộng 18 ngày. Mới đây, Tổng cục Thủy lợi cũng đã tổ chức một số đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Theo đó, ngày 16.1 sẽ bắt đầu mở một số cửa xả của hồ thủy điện Hòa Bình và một số hồ thủy lợi. Mục tiêu đợt xả đầu tiên chủ yếu phục vụ các tỉnh cuối nguồn và công tác thau chua, rửa mặn, khơi thông các lòng sông, kênh mương.
Chủ lực mới là đợt lấy nước thứ 2, từ 28.1 – 4.2. Tổng diện tích cần lấy nước đổ ải trên 600.000ha.
Video đang HOT
Việc lấy nước ở các địa phương năm nay có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Công tác lấy nước 2-3 năm gần đây rất thuận lợi, bởi cứ khi chuẩn bị lấy nước đổ ải thì trời có mưa. Do nước mưa đã ngấm vào đất, ruộng đã đủ ẩm nên chúng ta sẽ tiết kiệm được một lượng lớn nước ban đầu. Vì vậy, có thể năm nay sẽ điều tiết, cắt giảm bớt số ngày xả nước. Tuy nhiên việc này cũng cần điều hành linh động, hiệu quả. Khảo sát trên các hồ thủy điện và hồ thủy lợi cho thấy, về nguồn nước năm nay rất dồi dào và thuận tiện.
Những năm trước đây, một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc thường có “truyền thống” lấy nước muộn, cứ đến chân mới nhảy và được biết, năm nay Hà Nội lại “xin” xả thêm 1 đợt thứ 4 (sau Tết Nguyên đán). Vậy ông có thể cho biết kế hoạch của Bộ đối với các địa phương này?
- Hà Nội có đề xuất xả thêm 1 đợt sau Tết Nguyên đán, nhưng diện tích lấy nước muộn của Hà Nội không phải là toàn thành phố, mà chủ yếu ở một số huyện phía tây như Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… Do đó, nếu chỉ xả 1 đợt để phục vụ cho Hà Nội thì rất lãng phí. Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt đã có ý kiến với EVN để nếu trong trường hợp không xả thì có thể bố trí cho những công ty thủy nông đang gặp khó khăn bơm nước lên bằng động lực, bơm truyền từ thấp lên cao từ sông Hồng.
Thực tế là ở những vùng như Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ…, lâu nay thường lấy nước trực tiếp từ sông Hồng. Nếu mực nước sông Hồng bị xuống thấp thì máy bơm sẽ bị “treo giỏ”, không hoạt động được. Vì vậy phải có phương án bơm truyền qua 2 nấc bơm, dẫn đến tốn kém. Đây cũng là lý do Hà Nội đề xuất thêm đợt xả thứ 4. Qua tính toán cho thấy, nếu EVN hỗ trợ kinh phí để thực hiện bơm truyền thì sẽ bớt tốn kém, lãng phí hơn so với xả thêm đợt nữa, do đó Bộ NNPTNT đã đề xuất EVN hỗ trợ.
Đến nay hệ thống kênh mương ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã được đầu tư khá kiên cố. Điều này có góp phần tiết kiệm lượng nước cần xả không?
- Thực tế cho thấy hệ thống kênh mương ở các tỉnh lấy nước tự chảy, bơm động lực đều đã rất sẵn sàng. Trước khi triển khai kế hoạch lấy nước vụ đông xuân 2018, các địa phương đều đã có kế hoạch nạo vét kênh mương, sửa lại các đầu kênh cấp 2, cấp 3, chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống máy móc…
Chỉ có một số khu vực bị lấy đất làm khu công nghiệp, quy hoạch làm giao thông, đồng ruộng bị chia cắt, phá vỡ thì việc lấy nước mới bị khó khăn hơn, ví dụ như một số địa phương của Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… Tuy nhiên, họ cũng đã có phương án khắc phục bằng cách bơm truyền, đầu tư cải tạo sửa chữa một số trạm bơm, đưa công nghệ bơm đẩy vào và hạ các giỏ bơm bằng với mực nước sông để bơm nước lên ruộng.
Những năm gần đây, việc bê tông hóa hệ thống kênh mương đã được nhiều địa phương quan tâm, nước không bị ngấm nhiều xuống đất như trước nên chúng ta cũng đã tiết kiệm được một lượng nước không nhỏ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Cán bộ thủy lợi ngất vì "sông tuyết" ở Hà Nam ô nhiễm khủng khiếp
Ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hà Nam cho biết như vậy khi nói về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các trạm bơm tưới tiêu tại sông Nhuệ, sông Đáy (Hà Nam).
Cán bộ ngành thủy lợi... ngất vì nước sông quá bẩn (ảnh: IT)
Nhiều người bị choáng vì "sông tuyết" ô nhiễm quá kinh khủng
Mỗi khi thấy có đoàn ô tô ở trung ương về, người dân ở xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) lại kéo nhau tới nghe ngóng xem tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã chuẩn bị được giải quyết hay chưa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây được phản ánh là đã xảy ra 10 năm nay mà vẫn chưa được giải quyết.
"Cứ khi nào trạm bơm vào mùa bơm nước đổ ải là bọt trắng lại cao hàng mét, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, các hộ dân ở gần đêm ngủ cũng phải đeo khẩu trang", ông Lê Văn Hùng ở xã Yên Bắc cho biết.
Nghĩ tới việc các công nhân phải trực 24/24 giờ, nên nhiều lần đã bị choáng, thậm chí có người bị ngất đi vì mùi hôi thối của nguồn nước tại sông Đáy, ông Lê Văn Hòa chia sẻ với phóng viên giọng nghẹn ngào: "Tình trạng ô nhiễm nước có từ hàng chục năm rồi nhưng không hiểu sao năm nay mức độ ô nhiễm lại nghiêm trọng, đậm đặc đến thế. Hiện 32.000ha lúa của người dân mà dừng lại không bơm nước phục vụ sản xuất cũng sẽ rất phức tạp nên các cơ quan chức năng cần điều chỉnh lịch lấy nước cho Hà Nam thêm thời gian để phục vụ cho người dân gieo cấy".
Theo ông Hòa, đến mùa mưa, nước từ Hà Nội đổ hết về, thì Hà Nam không tiêu được còn mùa khô thì lại bị ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm này cứ kéo dài sẽ rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là cán bộ ngành thủy nông phải trực 24/24 giờ, đã có cán bộ bị choáng, bị ngất vì ngửi mùi nước sông ô nhiễm.
Ông Phạm Hồng Thanh - Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết thêm: Lịch gieo cấy vụ Đông Xuân hiện đang vào thời điểm đổ ải, trong khi thủy lợi của Duy Tiên trực thuộc vào hệ thống thủy nông sông Nhuệ được quy hoạch từ 1970. Trạm bơm Chợ Lương (Duy Tiên - Hà Nam) trước đây được quy hoạch để bơm hỗ trợ tưới cho 1.000ha ở khu vực đất cao, diện tích còn lại phụ thuộc vào nguồn nước tự chảy của sông Nhuệ. "Trước đây, mực nước tại trạm bơm là 3 - 3,2m, dòng nước luôn trong xanh và tự chảy. Bây giờ nước sông chỉ còn 0,5 - 0,7m và nước rất ô nhiễm. Do đó, trạm bơm Chợ Lương đã nâng công suất lên gấp đôi, tưới cho 2.000 ha vào thời gian bơm nước cũng kéo dài thêm. Do đó, nếu không lấy nước sớm thì không kịp thời vụ dù chưa tới lịch xả nước của ngành điện.
"Không có việc xả thải của các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn huyện Duy Tiên, hiện tượng ô nhiễm nước sông hay còn được ví là "sông tuyết" ở Duy Tiên đã diễn ra nhiều năm, được người dân phải ánh với các đại biểu Quốc hội. Chính phủ cũng đã thành lập Ủy ban sông Nhuệ, sông Đáy nhưng giải quyết còn chậm nên tình trạng ô nhiễm cứ năm sau lại nghiêm trọng hơn năm trước". ông Thanh nhấn mạnh.
Do nguồn nước ô nhiễm cấp độ nghiêm trọng, UBND tỉnh Hà Nam đã đề nghị tạm dừng bơm nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2018 (ảnh PL)
Sẽ báo cáo Chính phủ
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết, năm nay toàn tỉnh gieo cấy vụ Đông Xuân 2018 khoảng 32.000ha và hơn 6.300ha cây rau, mầu nhưng lượng nước phục vụ cho nông nghiệp phụ thuộc vào lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ rất lớn. Riêng sông Nhuệ là phải bơm nước phục vụ cho khoảng 5.000ha. "Việc nước bị ô nhiễm không phải thuộc ở Duy Tiên gây ra nhưng chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nông dân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi muốn đề nghị tạm dừng không bơm nước để có cơ sở báo cáo với UBND tỉnh và từ đó tỉnh có báo cáo lên Trung ương", Giám đốc Sở NNPTNT nói.
Phát hiện tiền chất gây ung thư ở dòng "sông tuyết"Ngày 10.1, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, qua lấy mẫu kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng amoni tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có nơi vượt quá tới 96 lần cho phép, riêng khu vực được ví là "sông tuyết", đoạn chảy qua trạm thủy lợi Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam cũng vượt trên 70,3 lần cho phép.Nồng độ oxy hòa tan có nơi nhỏ hơn 2,5 lần, có nơi nhỏ hơn 1,6 lần giới hạn cho phép. Nước sông bị ô nhiễm ở cấp độ rất nghiêm trọng nên UBND tỉnh Hà Nam đã đề nghị tạm dừng bơm nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân của bà con nông dân và kiến nghị các Bộ, ngành trung ương có giải pháp hỗ trợ khắc phục.
Ông Đạt cũng cho biết, từ năm 2012 Nhà nước đã có Đề án xử lý nước khu vực sông Nhuệ, sông Đáy nhưng do chưa có kinh phí để triển khai nên tới nay tình trang ô nhiễm tiếp tục nghiêm trọng hơn. "Về lâu dài, chúng tôi cũng kiến nghị TP. Hà Nội phải làm ngay cống và đập khu Liên Mạc để ngăn lại nguồn nước ô nhiễm, xử lý trước khi đồ về hệ thống sông Nhuệ. Đồng thời, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị Bộ TNMT đô đốc, kiểm tra các nguồn xả thải ra sông để kiểm soát từ đầu nguồn", ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, năm nay là năm Nhuận nên lập Xuân ngày 4.2 (tức là 19 tháng Chạp), trước Tết Nguyên đán. Do đó, Bộ NNPTNT cũng thống nhất lịch gieo cấy chủ yếu là Xuân muộn, và nếu có nước thì nhiều địa phương sẽ cấy trước Tết. "Tháng Giêng, tháng 2 dự báo sẽ có đợt rét đậm, rét hại nên các khu vực cấy sớm gặp rét có thể phải cấy lại nên các địa phương cần phải lưu ý", ông Tỉnh nói.
Theo ông Tỉnh, từ nhiều năm nay, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong công tác xả nước từ các đập thủy điện đổ ải phục vụ gieo cấy rất tốt nhưng năm nay có nhiều khó khăn nên cần tập trung làm tốt hơn.
"Mặc dù nguồn nước dồi dào hơn ở các hồ chứa nhưng điều hành của chúng tôi vẫn thống nhất quan điểm 1m 2 đất của nhân dân vẫn phải đủ nước gieo cấy nhưng cũng phải đảm bảo tiết kiệm nước cho phát điện vào mùa khô. Theo tính toán, 1 ngày điều tiết nước về hạ du thì trung bình gần 300 triệu m3, mỗi 1m3 thiệt hại 330 đồng, tức là mỗi ngày mất khoảng 100 tỷ, trong khi đợt này ngành điện phải xả khoảng 18 ngày", ông Tỉnh nói.
Nói về chất lượng nước bị ô nhiễm, ông Tỉnh cho rằng đây là vấn đề lớn, không chỉ xảy ra ở Hà Nam mà nhiều địa phương tại khu vực phía Bắc nên sẽ có báo cáo lên lãnh đạo Bộ NNPTNT để Bộ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. "Đợt lấy nước đầu dù không nhiều địa phương sẽ lấy tối đa nhưng tất cả hệ thống đều ít nhiều có ô nhiễm nên cần phải có giải pháp trước mắt là thau rửa hệ thống", ông Tỉnh cho biết.
Theo Danviet
EVN đảm bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018 Để đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018, đồng thời đảm bảo cung cấp điện cho các tháng mùa khô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu các đơn vị cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018 các tỉnh Trung du và Đồng bằng...