Mì Quảng lề đường – cái đẹp vô hình ở Hội An
Tôi không phải là người Quảng Nam, cũng không có nhiều bạn bè gốc Quảng. Vậy mà lần đầu tiên được ăn mì Quảng lề đường ở Hội An, tôi nhận ra rằng đây là một trong những món ăn ngon nhất mình từng được thưởng thức.
Cái vô hình và đẹp nhất về Hội An, có thể chỉ nằm ở tô mì này, của một đầu bếp vô danh
bên lề đường – Ảnh: Giang Hương
Di sản ẩm thực của Hội An, theo tôi không nằm ở những quán sang mà nằm ở lề đường, góc hẻm. Trước khi đặt chân đến Hội An, tôi tin cậy vào anh “Google” để tìm quán ăn. Đến và ăn, thật chẳng như mong đợi (tất nhiên cũng có vài quán ăn được). Và tôi phải chọn những cách khác, lúc thì hỏi bác xe ôm, lúc thì hỏi người dân địa phương về những quán ăn ngon nhất ở đây. Và thật kỳ diệu, chẳng trật chút nào.
Cơm gà ư, ở một góc hẻm nào đó có món cơm gà rất ngon. Thịt gà ngọt lừ, đích thị là gà chạy nhảy chứ không nuôi nhốt, da vàng ươm, được xé bằng tay, vừa chạm vào lưỡi đã thấy tuyệt cú mèo. Nước chấm hoàn hảo, rau thơm thì thơm phức, cơm nấu bằng nước gà luộc có pha nước nghệ vàng ươm. Hột vịt lộn ư? Tới góc ngã ba nào đó mà ngồi bên cây đèn dầu ăn hột vịt lộn, ngắm đêm khuya tịch mịch, nghe cô bán hàng rủ rỉ đủ thứ chuyện mới thấy Hội An thật nhiều thứ để khám phá.
Có lần đã ăn đầy một bụng nào cao lầu, bánh hoa hồng, bánh đập thì tôi bắt gặp một gánh mì Quảng lề đường, nằm bên bờ sông Hoài, gần nơi cho du khách thuê thuyền đi ra khơi tung lưới để chụp ảnh. Nhìn nồi nước nhưn (nước lèo) quá hấp dẫn, cộng với nhiều người dân địa phương đang ngồi ăn xì xụp rất vui mắt, tôi cũng vào kêu một tô.
Ui chao, món mì mà tôi mong đợi đây rồi, nó khác hẳn với những quán mì Quảng trông có vẻ sang sang. Hóa ra, Hội An có thể chỉ nằm trong tô mì này thôi. Vì những cái hữu hình về Hội An thì ai cũng thấy, nhưng cái vô hình và đẹp nhất về Hội An, có thể chỉ nằm ở tô mì này, của một đầu bếp vô danh bên lề đường.
Tô mì ngon từ sợi mì dai dai đến con tôm sông ngọt lịm, rau thơm tới mức phải hít hà, nước nhưn ngọt tự nhiên và hấp dẫn nhờ gạch tôm đỏ au. Tôi rất sợ phải phân tích hay mô tả tô mì này, vì chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn được. Ngon! Thật ra, lúc đó tôi cũng không ý thức được gánh mì Quảng lề đường của người phụ nữ trông bình dị, không biển hiệu lại “thành phẩm” tô mì tuyệt nhất, vì thế cũng không hỏi tên cô.
Gánh mì Quảng bên bờ sông Hoài hấp dẫn từ nồi nước nhưn cho đến sợi mì dai dai, chén nước mắm ớt xanh cay nồng và thơm ngát hương rau Trà Quế – Ảnh: Giang Hương
Sau này, khi tự mò mẫm nấu mì Quảng theo công thức của những blogger ẩm thực trên mạng, tôi nhận ra rằng nấu mì Quảng khó hơn bất kỳ món nào. Bạn có thể nấu phở ngon, nấu hủ tiếu ngon, nấu bún mắm ngon nhờ chỉ dẫn của ai đó nhưng mì Quảng thì đành… bó tay. Tôi cũng đi ăn nhiều quán mì Quảng ở Sài Gòn nhưng rất khó thấy một nét gì đó riêng biệt như gánh mì Quảng Hội An. Có lẽ vì vậy, tôi vẫn nhớ hoài về tô mì Quảng của người phụ nữ ven bờ sông Hoài, chỉ ăn một lần mà nhớ mãi.
Video đang HOT
Rất có thể, tô mì Quảng chính hiệu phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu của địa phương. Mì Quảng nấu với tôm thì phải là tôm sông ở Hội An, rau thơm ăn kèm phải là rau trồng ở làng Trà Quế ở xã Cẩm Hà, Hội An, thậm chí, có người cho rằng, phải nấu mì từ nước giếng ở Hội An mới ra đúng vị. Báo chí đã đưa tin cụ già Nguyễn Đường, 82 tuổi, suốt 37 năm chỉ sinh sống bằng nghề đi gánh nước giếng Bá Lễ bán cho các tiệm ăn nấu mì Quảng, cao lầu ở Hội An.
Bởi vậy, nếu đã trót ăn mì Quảng ở Hội An rồi mà về Sài Gòn đi ăn mì Quảng thì đừng so sánh, khập khiễng lắm. Có lần trò chuyện với bếp trưởng Geoffrey Deetz, chủ nhà hàng Black Cat, nhà hàng được CNN.com bình chọn là 1 trong 10 điểm cần phải đến trong năm 2006, anh tâm sự, mỗi khi rảnh rỗi, anh thường cùng vợ ra Hội An để thưởng thức những món ăn xứ này mà theo anh là ngon nhất. Geoffrey cho biết, những món ăn miền Trung, trong đó có mì Quảng xứng đáng được giới thiệu với thế giới, bởi vì được nấu từ những nguyên liệu rất riêng của địa phương, có bản sắc, không lẫn với bất kỳ món ăn nào.
Theo SGAT
Những món ăn ngon của xứ Quảng ở Sài Gòn
Mì Quảng, cao lầu, don... là những món ăn đậm chất xứ Quảng được ưa thích trong thực đơn của người Sài Gòn.
Những người Quảng Nam, Quảng Ngãi nhập cư vào Sài Gòn thường được gọi chung là người xứ Quảng. Trong quá trình mưu sinh, họ đã mang theo những đặc sản của quê hương mình và đã biến nó thành những món ăn được người Sài Gòn ưa thích như mì Quảng, cao lầu, don, bún cá ngừ...
1. Mì Quảng
Trong những món ăn của xứ Quảng thì có lẽ nổi tiếng nhất là mì Quảng, bạn có thể thưởng thức mì Quảng ở bất kì đâu, từ quán lề đường cho đến nhà hàng. Mì Quảng là món ăn đươc chế biến từ bột gạo, có sợi to, ăn hơi mềm và dai. Nguyên liệu ăn món này rất phong phú như sườn lợn, gà, tôm...
Nước lèo được nấu từ xương lợn, thịt gà, tôm, cá lóc... hoặc có thể là những sản vật riêng có ở từng vùng quê miền Trung. Nước lèo phải sánh và rất ít chỉ đủ thấm và quyện vào từng sợi mì và làm mềm những món rau ăn kèm.
Khi ăn mì, người ta ăn kèm với bánh tráng (bánh đa). Cùng với đó là các loại rau như xà lách, bắp chuối, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, mùi và một trái ớt sừng, những nguyên liệu đó hòa quyện vào nhau làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
2. Bún cá ngừ
Bún cá ngừ um là món ăn quen thuộc của người dân ở dải đất miền Trung nắng gió nói chung và của người xứ Quảng nói riêng. Món ăn đơn giản đến bình thường, chỉ là vài lát cá ngừ tươi um với thơm, ăn chung với bún tươi và rau sống. Tuy không quá cầu kỳ nhưng lại là một món ăn hấp dẫn mà những ai đã ăn một lần thì không bao giờ quên được cái vị đậm đà và cay nồng của nó.
Món cá ngừ um được chế biến rất đơn giản, vài lát cá tươi, một ít dứa thái lát hơi dày, củ hành thái mỏng, ớt bột. Cho tất cả các nguyên liệu đó vào nồi và đặt lên bếp, để lửa hơi lớn. Sau khi thấy nồi cá sôi thì cho nhỏ lửa để gia vị thấm đều vào từng thớ thịt cá. Một đĩa rau gồm xà lách, bắp chuối thái mỏng, vài cọng húng quế và một ít giá sống, đĩa bún tươi, chén ớt xanh, đặt bên cạnh bát cá ngừ um bốc khói sẽ là một món ăn hấp dẫn mà bạn không thể cưỡng lại được, nhất là vào những ngày mưa.
Cho một ít bún tươi vào chén, một lát cá ngừ, một ít rau sống, chan nước um cá vào và thưởng thức. Vị hơi chua của nước dùng, vị cay nồng của ớt bột, thêm một miếng cá ngừ kho vừa thơm vừa béo cùng bún tươi và rau sống. Món ăn ngon nhưng cay xé lưỡi làm cho bạn vừa ăn vừa hít hà và không bao giờ quên được.
Bạn có thể tìm đến quán Bột ở địa chỉ: 183E Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh. Mỗi phần bún cá ngừ ở đây có giá 28.000 đồng.
3. Don
Nghe đến món don, ngoài những người gốc Quảng thì có lẽ không ai biết được đó là món ăn như thế nào nếu như chưa từng ăn thử. Don có hình dáng tương tự con hến nhưng nhỏ hơn, có vỏ màu vàng hoặc màu đen nhạt. Ở Quảng Ngãi, don sống tập trung ở sông Trà Khúc và sông Vệ, chỉ xuất hiện vào khoảng đầu năm cho đến hết hè. Cứ mỗi khi thủy triều xuống, người dân hai bên bờ sông lại rủ nhau đi bắt don.
Nghe tên don có vẻ lạ nhưng món ăn này lại rất đơn giản, chỉ gồm một tô nước có một ít don, hành tây và một bánh tráng gạo nướng giòn. Đơn giản, bình dị là thế nhưng ai đã được thưởng thức một lần chắc sẽ không bao giờ quên. Ăn don không thể thiếu món ớt xiêm xanh đặc trưng. Một bát don bốc khói được dọn lên, dùng thìa dằm trái ớt xiêm xanh cho vào, khi ăn don bạn phải vừa ăn, vừa húp nước mới có thể cảm nhận hết được cái vị ngọt của nước, cái dòn mềm của bánh tráng nướng cùng cái vị cay xè của ớt xiêm tạo nên một món ăn lạ miệng nhưng rất ngon.
Địa chỉ: Quán Bột 183E Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh hoặc quán Ngọc Điệp ở 108 Nguyễn Văn Đậu, phường 7, quận Bình Thạnh. Mỗi bát don có giá 15.000 đồng.
4. Cá chuồn nấu mít non
Cá chuồn nấu mít non là món ăn bình dị trong bữa cơm hàng ngày, nhưng lại là một món đặc sản ở Sài Gòn. Món ăn dân dã đã đi vào trong thơ ca Việt Nam rất bình dị: "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên". Sự kết hợp giữa hai nguyên liệu đó đã tạo nên một món ăn ngon miệng và khó quên.
Cá chuồn làm sạch ruột, giã củ nén, nghệ tươi, hành tím, ớt trái, muối hột, gia vị... nhét vào trong bụng, gấp đôi cá thành hình ếch ngồi, lấy lá chuối tươi tước sợi buộc cá lại. Khử dầu với hành củ đập giập, cho cá vào lấy mùi và thêm nước liền sau đó. Kho đi một lượt, cho mít non héo xắt hình tam giác nhỏ bằng hai ngón tay, thêm ít nước và đun sôi đi sôi lại, thêm gia vị là ăn được.
Món cá kho của người Quảng thường đậm đà. Tuy nhiên, món mít non kho cá chuồn thường cho nước nhiều nên nhạt, có thể chan vào bún, mì thay cho nước lèo.
Bạn có thể thưởng thức mon ăn này tại các quán đặc sản xứ Quảng ở Sài Gòn như: Fai Fo, Bột, Cao Lầu. Tuy nhiên vì cá chuồn chỉ có theo mùa nên món ăn này cũng chỉ đến mùa mới có.
5. Cao lầu
Có hình thức giống với mì Quảng nhưng cao lầu là một món ăn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt của mình. Khác với những món ăn khác có thể biến tấu với nhiều nguyên liệu ăn kèm, cao lầu chỉ "chung thủy" với một công thức duy nhất đó là sợi mì, thịt lợn, rau sống và ít nước dùng.
Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng. Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Không như những món ăn của miền Trung khi ăn kèm với rất nhiều loại rau, đĩa rau sống của cao lầu đơn giản với cải non và rau đắng.
Nếu muốn thưởng thức vị ngon của món ăn này, bạn có thể đến quán Fai Fo ở địa chỉ: 139 Lê Thị Hồng Gấm, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM. Mỗi bát cao lầu ở đây có giá 45.000 đồng.
Theo Huấn Phan(monngonsaigon)
Hấp dẫn Vị Quảng Hương vị xứ Quảng dễ dàng khiến người ta nhớ mãi, nhất là sự tinh tế đậm đà trong mỗi món ăn. Miền trung có nhiều đặc sản ẩm thực, đặc biệt, xứ Quảng với cao lầu hay cá nục, gỏi mít, bánh bèo, thịt luộc... bạn đã ăn một lần sẽ khó quên được dư vị đậm đà. Cách chế biến mang...