Meta đóng cửa dự án Internet miễn phí
Sau khi sa thải hơn 11.000 nhân viên hồi tháng 11, bộ phận Connectivity chịu trách nhiệm quản lý dự án Internet miễn phí của Meta đã phải đóng cửa.
Đợt cắt giảm nhân sự hồi tháng 11 đã khiến Meta phải cắt bỏ một loạt dự án tiềm năng. Ảnh: Telecom Tech News.
Mới đây, Meta đã đóng cửa bộ phận Meta Connectivity của mình trong nỗ lực tái cơ cấu công ty. Cụ thể, công ty đã xác nhận với Light Reading và Fierce Wireless rằng họ sẽ chia bộ phận trên thành các nhóm Cơ sở hạ tầng và Sản phẩm trung tâm.
Hiện đường link dẫn tới dự án vẫn hoạt động với tin tức mới nhất được đăng từ tháng 8.
Meta Connectivity (trước đây là Facebook Connectivity) được ra mắt vào năm 2013 với mục tiêu phổ cập Internet tới nhiều người hơn, từ đó thu hút thêm lượng người dùng cho các mạng xã hội của công ty.
Một trong những dự án nổi bật nhất của Meta Connectivity là cung cấp Internet miễn phí đến các nước đang phát triển bằng cách kết hợp với đối tác viễn thông.
Trạm phát sóng Internet của Meta tại Homewood, Mỹ. Ảnh: Technically.
Vào tháng 10/2021, công ty cho biết dịch vụ này đã cung cấp Internet cho hơn 300 triệu người dùng. Tuy nhiên, dự án sau đó lại vấp phải lùm xùm về việc tính phí nhầm khi người dùng truy cập Facebook.
Ngoài ra, bộ phận cũng từng thực hiện một dự án phát Internet đến những vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới thông qua máy bay không người lái tự động. Dự án này đã đóng cửa hồi 2018, sau một số chuyến bay thử gặp sự cố.
Một dự án khác là cung cấp Internet bằng cách sử dụng vệ tinh tương tự như Starlink của Elon Musk cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều nhân viên chủ chốt đã chuyển sang làm cho Amazon vào năm 2021.
Video đang HOT
Theo The Verge, nguyên nhân chính dẫn đến việc bộ phận này phải đóng cửa là do đợt tái cấu trúc của công ty nhằm cắt giảm đội ngũ và chi phí. Trong đợt sa thải hồi tháng 11, Meta đã cho 11.000 người nghỉ việc, tương đương 13% nhân sự công ty.
Dan Rabinovitsj, người đứng đầu bộ phận, vẫn ở lại công ty, nhưng chưa rõ ông sẽ đảm nhận vai trò gì trong tương lai.
The Verge cho rằng đợt cắt giảm nhân sự này có liên quan đến việc Meta chi mạnh tay cho CEO Mark Zuckerberg để xây dựng dự án metaverse. Tuy nhiên, công ty dự kiến tiếp tục thua lỗ ở mảng này trong năm 2023.
Trong hơn một năm qua, tình hình kinh doanh của Meta đã “lao dốc” chóng mặt sau khi công ty chuyển hướng sang phát triển metaverse và đầu tư hàng chục tỷ USD vào các công nghệ liên quan.
Trong những bản tin cuối trên trang web của Connectivity, Meta vẫn thể hiện tham vọng phổ cập Internet, từ đó thu hút người dùng vào metaverse do công ty xây dựng.
“Hy vọng của chúng tôi là metaverse sẽ tiếp cận hơn một tỷ người dùng trong thập kỷ tới. Tương lai này phụ thuộc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối”, Meta cho biết.
Theo Light Reading, dù ngừng hoạt động bộ phận Connectivity, Meta vẫn tham gia vào Telecom Infra Project (TIP). Đây là dự án hạ tầng viễn thông do Meta khởi xướng năm 2016, kết hợp cùng Intel, Nokia, Deutsche Telekom và SK Telecom nhằm thúc đẩy hạ tầng Internet trên thế giới.
Theo Light Reading, việc bộ phận Connectivity ngừng hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến dự án Hạ tầng Viễn thông (TIP) mà Meta đã giúp thành lập vào năm 2016.
TIP là một nhóm các công ty viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ và các bên liên quan kết hợp lại nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên toàn thế giới.
Internet sắp trở nên đắt hơn với Google, Meta
Các quốc gia EU cho rằng những nền tảng trực tuyến của Google, Meta đang chiếm dụng quá nhiều lưu lượng Internet nên phải trả thêm tiền để bảo trì đường truyền.
Các ông lớn công nghệ không cho rằng họ cần trả tiền vì đã sử dụng đường truyền mạng. Ảnh: CNBC.
Ở châu Âu, cuộc chiến giữa các công ty viễn thông và Big Tech của Mỹ đang trên đà căng thẳng. Về phía tập đoàn viễn thông, họ yêu cầu các công ty công nghệ phải nộp phí mỗi khi gửi dữ liệu qua đường mạng của họ. Số tiền này sẽ được dùng để nâng cấp và bảo trì cơ sở hạ tầng viễn thông mỗi khi hư hỏng.
Họ cho rằng những nền tảng như Amazon Prime và Netflix đang ngốn một lượng dữ liệu khổng lồ, nên phải chịu một phần chi phí để tăng dung lượng đường truyền.
Big Tech đang "hưởng không" Internet
"Nói một cách ngắn gọn, các tập đoàn viễn thông muốn được trả khoản phí khi cung cấp đường truyền và phải nhận về lượng lưu lượng ngày càng lớn từ các nền tảng", nhà phân tích Paolo Pescatore của PP Foresight nói với CNBC.
Quan điểm này đã được nhiều quốc gia ủng hộ, trong đó có Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Do đó, Ủy ban châu Âu (EU) đã chuẩn bị tổ chức một buổi tọa đàm để bàn bạc về đề xuất yêu cầu các công ty công nghệ trả phí đường truyền.
Theo CNBC, vấn đề này không hề mới. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhiều ông lớn ngành viễn thông đã tìm cách buộc các Big Tech chịu một phần chi phí cho cơ sở hạ tầng. Các nhà mạng cũng tỏ ra dè chừng khi doanh thu sụt giảm do sự bành trướng của các nền tảng gọi thoại trực tuyến như WhatsApp, Skype, nói rằng họ đang "xài mạng mà không trả tiền".
Các Big Tech đã lọt vào tầm ngắm của EU khi sử dụng quá nhiều lưu lượng Internet. Ảnh: Bangkok Post.
Nhưng phải đến sau đại dịch, giới quan chức ở EU mới bắt đầu bày tỏ quan ngại với việc hệ thống mạng gặp tình trạng quá tải vì một lượng lớn người dùng Internet để làm việc tại nhà hay giải trí.
Hồi tháng 5/2022, bà Margrethe Vestager, Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu, nói rằng bà sẽ xem xét dự luật yêu cầu các Big Tech trả tiền cho đường truyền. "Họ chiếm dụng quá nhiều lưu lượng cho hoạt động của mình nhưng lại chẳng đóng góp gì để xây dựng cơ sở vật chất", bà chia sẻ.
Trên thực tế, các ông lớn như Meta, Alphabet, Apple, Amazon, Microsoft chiếm hơn 56% tổng lưu lượng toàn cầu năm 2021.
Chiêu trò kiếm tiền của các nhà mạng
Nhưng lý do thật sự các hãng viễn thông yêu cầu Big Tech trả phí lại không hề đơn giản.
Doanh thu trên mỗi người dùng của các dịch vụ di động truyền thống hàng tháng đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu của các công ty này cũng giảm mạnh so với các năm trước. Đối mặt với tình trạng này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet bắt đầu tìm cách để kiếm thêm lợi nhuận.
Nhà phân tích Pescatore cho rằng dịch vụ chia sẻ video hiện nay đã gây ra tình trạng lưu lượng mạng tăng đột biến, đặc biệt là các định dạng chất lượng cao như 4K, 8K và những ứng dụng như TikTok. "Các nhà mạng chẳng thu thêm được đồng nào dù cung cấp khả năng truy cập vào đường truyền khổng lồ như vậy", chuyên gia cho biết.
Trong khi đó, lĩnh vực metaverse mới nổi lại càng cần nhiều lưu lượng hơn để có thể vận hành cả một vũ trụ ảo rộng lớn. "Một khi thị trường metaverse được hình thành, lưu lượng Internet sẽ vượt qua những gì chúng ta có thể tưởng tượng", nhà phân tích Dexter Thillien tại Economist Intelligence Unit nói với CNBC.
Big Tech phản đối
Tuy nhiên, về phần các công ty công nghệ, họ không cho rằng mình phải trả phí chỉ vì truyền dữ liệu đến người dùng.
Google và Netflix nói rằng khách hàng của các hãng viễn thông đã phải trả cước gọi, nhắn tin và dữ liệu di động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, việc yêu cầu các nền tảng trả thêm tiền là đi ngược lại với tính công bằng trong việc cung cấp dịch vụ Internet.
Các hãng công nghệ cho rằng việc thu phí sẽ đi ngược lại tính bình đẳng phân phối của Internet. Ảnh: Hackernoon.
Các công ty công nghệ còn khẳng định rằng họ đã đổ rất nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng Internet ở châu Âu với 183 tỷ euro trong suốt 10 năm từ 2011-2021. Số tiền này đã được dùng cho cáp quang biển, mạng phân phối và các trung tâm dữ liệu.
Netflix cũng cho biết họ đã cung cấp miễn phí hàng nghìn máy chủ để lưu trữ nội dung Internet, đẩy nhanh tốc độ truy cập dữ liệu và giảm băng thông.
"Chúng tôi đã xây hơn 700 máy chủ khắp châu Âu để giúp người dùng truy cập vào nội dung trên Netflix mà không cần phải thông qua đường truyền quá xa. Điều này giúp giảm lưu lượng mạng, tiết kiệm chi phí và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho người dùng", đại diện Netflix nói với CNBC.
Do đó, Hiệp hội ngành Máy tính và Truyền thông cho rằng yêu cầu Big Tech đóng phí đường truyền chỉ nhằm mục đích lấp đầy khoản lỗ do các dịch vụ trực tuyến ngày càng phát triển. "Đề xuất này sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc mở của Internet", Matt Brittin, Chủ tịch Google chi nhánh châu Âu, khẳng định.
Bên cạnh đó, nếu các nền tảng bị thu phí vì sử dụng đường truyền mạng, rất có thể họ sẽ chuyển phần chi phí tăng thêm này vào người dùng, gây nên nhiều tranh cãi. "Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến khách hàng, đặc biệt là vào thời điểm lạm phát tăng cao", Matt Brittin cho biết.
Sai lầm kinh điển Mark Zuckerberg đang mắc phải: Thứ từng khiến gã khổng lồ Yahoo sụp đổ, CEO từ chức Những gì đang xảy ra tại Meta của Mark Zuckerberg chính là điều từng xảy ra ở Yahoo gần một thập kỷ trước. Một gã khổng lồ Internet có tốc độ phát triển đang giảm dần. Một CEO xuất sắc đang ấp ủ tham vọng đầy rủi ro. Một lực lượng người lao động đang lo lắng trước những yêu cầu cao và...