Mệt mỏi vì thông gia “đại chiến” giành quyền chăm cháu
Mặc cho những đứa trẻ còn ngô nghê trước sự tranh giành của người lớn, mặc cho các nàng dâu phải rơi nước mắt vì khó xử, công cuộc tranh giành quyền chăm cháu của ông bà nội, ngoại vẫn diễn ra trong nhiều gia đình.
Với khuôn mặt tiều tụy, chị Lan (Hà Đông, Hà Nội) vừa trút bầu tâm sự với người bạn thân vừa nén tiếng thở dài. Vợ chồng chị sinh được hai bé, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ cũng mới đầy năm.
Những tưởng sinh con đủ nếp đủ tẻ sẽ khiến chị có cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Nhưng oái oăm thay, vợ chồng chị Lan lại phải đau đầu đối mặt với chuyện phân chia con cho hai bên nội, ngoại.
Ông bà nội nhất quyết giành quyền chăm cháu nội. Bà nội lý lẽ: “Cháu bà nội, không dám tội bà ngoại. Cháu là cháu đằng nội, nhà nội hoàn toàn có quyền chăm cháu”.
Dẫu biết nhà nội có cái lý của họ, song chẳng lẽ cháu của riêng đằng nội, ông bà ngoại không có cháu chắt gì? Hơn nữa, quanh năm suốt tháng, ông bà nội thay nhau “nhốt” cháu ở trong nhà. Thậm chí, hai đứa bé vừa bước chân ra ngoài, ông bà cũng cuống cuồng lôi vào vì “sợ lây văn hóa xấu của lũ trẻ cùng xóm” khiến chị rất phiền lòng.
Đã nhiều lần chị Lan xin phép bố mẹ chồng đưa con về thăm nhà ngoại, nhưng ông bà nội đều không chấp thuận. Mẹ chồng chị Lan thỉnh thoảng nói nhỏ với chồng rằng: “Vất vả thì vẫn phải gắng chăm cháu thôi ông ạ! Để nó về nhà ngoại, nó quên hết ông bà nội ngay”.
Ông bà nội còn lôi chồng chị Lan vào công cuộc giữ con, giữ cháu ở nhà mình. Chính vì thế, không ít lần vợ chồng chị Lan đã to tiếng cãi vã cũng chỉ vì chuyện này.
Trong khi đó, mẹ đẻ chị Lan không ngừng trách móc con gái cả năm không thèm đưa con về thăm ông bà ngoại. Bà cho rằng: “Con gái đi lấy chồng như bát nước đổ đi. Đến mặt cháu ngoại cũng chẳng được nhìn”. Chị Lan ngậm đắng nuốt cay, chẳng dám kể thật sự tình bố chồng đã từng dọa dẫm: “Dám đưa con ra khỏi nhà thì cuốn xéo đi luôn”.
Còn bố đẻ chị Lan thì tức giận quy kết lỗi cho nhà thông gia: “Lúc con dâu mang bầu, sinh con thì giữ chặt túi chẳng bỏ ra lấy một đồng. Bây giờ có cháu rồi thì ôm lấy cháu để tính công”.
Video đang HOT
Thỉnh thoảng bố mẹ đẻ chị Lan nhớ cháu ngoại quá đành muối mặt tới nhà thông gia thăm cháu. Lời qua tiếng lại đòi giành quyền trông cháu. Nhiều lần, hai bên nội ngoại còn chẳng muốn nhìn mặt nhau.
Ông bà nội thì nhất quyết đòi chăm cháu trong khi ông bà ngoại không ngừng trách cứ chị cả năm không thèm đưa cháu về chơi (Ảnh minh họa).
Gia đình chị Huyền (Đông Anh, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh bị ông bà nội kiểm soát cháu gắt gao. Theo chị Huyền thì ông bà nội không có lương hưu nên muốn giành quyền chăm cháu để nhận tiền chu cấp của các con cho hợp tình hợp lý.
Nhưng tệ nhất, hai ông bà thường xuyên sang nhà hàng xóm than vãn rằng già yếu, ốm mệt mà vẫn phải “hầu” cháu nội. Không một ngày nào đi làm về, vợ chồng chị không phải nghe bài ca kể khổ của ông bà nội.
Trong khi đó, bố mẹ chị Huyền đều mới nghỉ hưu, nhàn rỗi và có điều kiện kinh tế. Ông bà ngoại cũng đã nhiều lần trực tiếp đề nghị được san sẻ công việc chăm cháu với nhà nội.
Phải đến năm lần bảy lượt đưa hết điều kiện này, lý do khác, ông bà ngoại mới đón được cháu về chăm. Có điều kiện lại rảnh rỗi thời gian nên cả hai ông bà đều cưng cháu ngoại nhất mực, chăm chút đến từng miếng ăn, giấc ngủ của cháu.
Bên cạnh đó, do lo sợ ông bà nội sẽ đòi lại quyền nuôi cháu nên thỉnh thoảng bố mẹ đẻ chị Huyền còn cho chị tiền, mua quà về biếu bố mẹ chồng với mục đích sẽ làm yên lòng ông bà thông gia.
Đồng thời, ông bà ngoại nhất quyết không cho cháu về thăm đằng nội vì sợ mỗi lần về, cháu sẽ bám lấy ông bà nội mà không chịu về nhà mình nữa. Mẹ chị Huyền còn tuyên bố thẳng: “Ông bà ấy mà nhớ cháu nội thì đạp xe sang đây mà thăm”.
Bố mẹ chồng chị Huyền lỡ giao cháu nội cho nhà thông gia rồi nên “há miệng mắc quai”. Những lúc nhớ cháu nội, bố mẹ chồng chị Huyền chỉ còn cách kiếm cớ trách cứ vợ chồng chị không biết đường ăn ở, để con “bám chặt” lấy đằng ngoại, không còn biết mặt mũi nhà nội là gì.
Chị Huyền tâm sự: “Hai bên nội, ngoại thương cháu thì đều quý cả. Song vợ chồng mình đứng giữa khó xử vô cùng. Con mình liên tục bị ông bà lấy cớ đưa ra để dèm pha thông gia. Cháu còn quá nhỏ, làm sao nó hiểu được điều gì to tát mà phải hứng đạn trong cuộc chiến của người lớn, thật tội nghiệp!”.
Theo Afamily
Khi mẹ chồng bên trọng, bên khinh
Ghét con dâu nên không thèm chăm cháu. Hoặc thiên vị chăm cháu ngoại hơn hẳn cháu nội. Thậm chí, bà chỉ quý cháu giàu mà "bơ" cháu nghèo. Đó là chân dung những bà mẹ chồng "nhất bên trọng, nhất bên khinh".
Ghét con dâu, không thèm chăm cháu!
Thấy bé Nam chơi một mình trên sàn nhà, mắt nhìn bà nội bế chị họ một cách thèm thuồng mà Phương - mẹ bé Nam, không khỏi chạnh lòng.
Nhớ ngày Phương biết tin mình có thai, chị mang tâm trạng vui sướng về báo tin cho cả nhà thì mẹ chồng dội luôn gáo nước lạnh: "Chị Mai cũng có tin vui rồi. Lúc đó, tao chỉ chăm cháu ngoại thôi, bọn mày tính sao thì tính".
Nghe mẹ chồng nói thế, Phương sững sờ. Chị nhìn chồng mà ứa cả nước mắt, chạnh lòng thương cho đứa con chưa ra đời đã bị bà nội hắt hủi.
Mẹ chồng Phương nói là làm. Từ ngày Phương sinh bé Nam ra đến nay đã được 2 tuổi, nhưng số lần con chị được bà nội bế cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày Phương sinh, mẹ chồng vì còn bận chăm cháu ngoại nên không thèm đến viện... nhìn cháu nội lấy một lần. Hai tuần sau khi sinh con, Phương đã phải tự làm tất cả mọi việc bởi mẹ đẻ chỉ xin phép nghỉ được hai tuần chăm con gái rồi phải về quê để tiếp tục đi làm.
Mọi công việc nhà, Phương phải tranh thủ làm lúc con ngủ, hoặc chờ chồng đi làm về. Có hôm nhân lúc con ngủ, Phương tranh thủ tắm gội, vừa xoa dầu gội lên tóc thì con khóc. Vậy là phải xả luôn nước để vào cho con bú. Những lúc như thế, Phương thấy tủi thân ghê gớm, vậy là vừa cho con bú vừa khóc.
Có lúc ấm ức quá, Phương lại trút nỗi bực dọc lên chồng: "Cháu nào cũng là cháu, sao bà có thể như thế chứ?". Áp lực, tủi thân thì trách mắng chồng thế, nhưng Phương cũng biết anh khổ tâm lắm. Vốn là người con hiếu thảo nhưng từ ngày lấy nhau, vì chị, vì con anh cũng đã không ít lần xung đột với mẹ mình.
Những tưởng chỉ phải ấm ức vậy thôi, Phương cũng dần biết phận tự đảm đương mọi việc cho đến khi hết ngày nghỉ sinh. Để có người chăm con khi đi làm trở lại, vợ chồng Phương bàn tính thuê ngườigiúp việc. Thế nhưng, hai vợ chồng vừa đưa ra lời đề nghị thì mẹ chồng chị gạt phắt với lí do: "Mẹ không thích có người lạ ở trong nhà".
Vậy là sau 4 tháng nghỉ sinh, Phương lại phải xin nghỉ không lương để ở nhà trông con. Trong khi con người ta 2 tuổi vẫn được chăm bẵm bế bồng trên tay thì bé Nam nhà chị 7 tháng tuổi đã phải đi gửi trẻ.
Thực ra Phương biết rõ mẹ chồng không thích chị bởi trong mắt của bà, cô không xứng đáng với Nguyên - con trai bà. Mẹ chồng luôn nghĩ Nguyên đường đường là giảng viên đại học, còn chị chỉ tốt nghiệp trung cấp, làm kế toán "quèn".
Nhưng Phương không ngờ, dù chị có cố gắng đến đâu thì vẫn không dành được thiện cảm của mẹ chồng. Thậm chí, vì ghét chị mà bà còn ghét luôn cả cháu ruột của mình.
Ngay cả khi chung sống dưới một mái nhà nhưng mẹ chồng vẫn có sự phân biệt rạch ròi trong cách đối xử với các cháu (Ảnh minh họa).
Mẹ chồng quý cháu giàu, "bơ" cháu nghèo!
Không giống hoàn cảnh của Phương, mẹ chồng của Nhật thì vẫn bế, vẫn chăm sóc các cháu. Tuy nhiên sự yêu thương, cưng chiều dành cho bé Nghĩa - con của vợ chồng Nhật và bé Đức - con nhà anh chồng thì hoàn toàn khác nhau.
Cùng sống chung dưới một mái nhà, nhưng kinh tế của vợ chồng Nhật so với vợ chồng anh chị chồng thì kém hơn nhiều. Cũng chính vì thế, sự nuông chiều, yêu thương của bố mẹ chồng dành cho bé Nghĩa so với bé Đức cũng kém hơn.
Đơn cử, mỗi lần bà tặng quà cho hai cháu, quà của bé Đức so với quà của bé Nghĩa bao giờ cũng đắt tiền hơn. Theo cách nói của ông bà thì: "Anh Đức quen dùng hàng hiệu rồi, ông bà buộc phải đầu tư. Còn Nghĩa thì bố mẹ chưa có điều kiện, nếu mua hàng đắt quá thì sẽ tạo thói quen không tốt. Sau này Nghĩa cứ đòi dùng đồ đắt thì bố mẹ nó lấy tiền đâu".
Nghe mẹ chồng nói vậy thì cũng có vẻ có lý, nhưng cứ nhìn quà của con anh chị chồng có giá tiền triệu, còn quà của con mình chỉ độ vài trăm nghìn, nói không ghen tị thì quả là Nhật cũng đang tự lừa mình, dối người.
Thôi thì bà đã nói thế, dù có ghen tị cũng phải chấp nhận. Nhưng đến tiền mừng tuổi vào các dịp Tết hàng năm mẹ chồng cũng phân biệt rõ ràng. Không biết thì thôi, chứ biết là Nhật không khỏi chạnh lòng. Bởi tiền mừng tuổi mà ông bà dành cho Đức bao giờ cũng gấp đôi Nghĩa.
Mới đầu, Nhật cứ nghĩ là ông bà mừng tuổi các cháu giống nhau. Nhưng trong một lần tình cờ nghebố mẹ chồng nói chuyện với nhau cô mới vỡ lẽ.
Theo bà thì: "Nhà ngoại của thằng Đức giàu thế, mình mừng tuổi phải nhiều để khỏi xấu hổ với bên thông gia. Với lại, vợ chồng bố mẹ nó cũng cho mình nhiều. Còn nhà ngoại thằng Nghĩa không có điều kiện, mình mừng từng ấy so với bên đó là nhiều rồi".
Bây giờ thì Nhật bắt đầu hiểu, tại sao trước đây, mỗi lần hai anh em chơi với nhau, nếu như Đức làm Nghĩa khóc, bà nội sẽ nói: "Ôi cái thằng bé này, anh mới động một tí đã khóc rồi". Ngược lại, nếu người khóc là Đức, lập tức bà sẽ quát Nghĩa: "Cái thằng này, sao lại làm anh khóc rồi, có muốn bị bà đánh vào mông không hả?"...
Thương con, nhưng biết làm sao được. Nhật nghĩ: Thôi mình nghèo thì chịu thiệt thòi một tí vậy. Bù lại vợ chồng chị sẽ cố gắng yêu thương con thật nhiều!
Theo Afamily
Ngậm ngùi cảnh "gà mái" nuôi cháu Nếu cảnh "gà mái" nuôi con đã rất vất vả và khiến người đời khâm phục là thế thì việc những bà ngoại cực nhọc nuôi cháu còn khốn khổ gấp trăm bề. Mỗi nhà mỗi cảnh Sáng nào cũng vậy, nhiều người trong khu phố đều trông thấy bà Tính (Việt Trì, Phú Thọ) đi chợ trung tâm từ sớm tinh mơ....