Mệt mỏi vì định kiến
Không dưới hai lần mẹ chồng dạy em, sinh ra làm kiếp đàn bà là phải chịu khổ nhục, nhận về những vất vả khó nhọc, hi sinh. Anh cũng ngồi ngay đấy âm thầm chẳng ý kiến gì, chỉ khi về đến nhà mới rụt rè: “Anh chẳng bao giờ đồng tình với quan điểm đó”.
Em không hiểu do thổ nhưỡng, do long mạch hay do gì mà cứ về quê là em với anh không tài nào cười nói nổi với nhau. Anh lườm: “ Sao cứ mê tín đổ thừa như thế, là do con người hết”. Điều này em đồng ý.
Nhưng anh bảo có vui nổi không, khi tất cả là em phải làm từ việc nhà cho đến việc họ, gánh vác cả công việc lẫn tài chính, tiền đóng gạo góp, góp công góp sức và em là đàn bà phải có trách nhiệm nặng hơn. Phải thu xếp xin nghỉ mà về lê la ở quê hai ngày cho dân làng nhìn vào. Trong khi đó anh sẽ ngồi ghếch chân, chỉ việc xem ti vi cho giống bố anh, khôn hồn đừng giúp vợ việc gì kẻo mẹ sẽ lườm nguýt, bố thì cười khẩy “mặc váy vào đi con”.
Ông vẫn kể công rằng một tay ông nuôi con ăn học, xây nhà, mua sắm vật dụng, bà đã làm được cái gì… Bà vẫn phải im dù nhiều phen ấm ức, vì phụ thuộc mãi nên bà quen chịu chữ nhẫn và muốn con dâu mình cũng phải như thế.
Trong khi em khác bà nhiều chứ. Em sống chủ động, có công việc của mình, cũng đầu tắt mặt tối bỏ toàn bộ thời gian riêng tư dành cho bố con anh và tháng nào có giỗ chạp cũng vẫn về góp mặt. Anh hiểu điều đó, anh thương em nhưng cứ về quê là anh lại thể hiện mình là “trụ cột gia đình đích thực”, chỉ ngồi chờ người khác phục vụ. Anh thích nghi nhanh thật đấy, kiểu gì cũng góp vui được và yêu cầu vợ cũng phải thay đổi lập tức, rồi anh trách em cầu toàn.
Video đang HOT
Điều bất công có chọn lọc ấy em không phục hàng bao năm rồi, nhưng anh cứ tỉ tê nịnh nọt kêu là có về mấy đâu, chịu khó tí. Chả mấy khi về thật, nhưng em khó chịu khi kiểu gì em cũng bị nói, bị chê, rồi được nghe kể về các tấm gương con bé nhà kia biết việc đảm đang, con dâu nhà nọ ỷ lại lười biếng không biết điều. Những câu chuyện của họ mang màu sắc chủ quan vô lý, em không tài nào tiêu hóa nổi. Vẫn phải miễn cưỡng ngồi nghe và nghĩ sống sao cho vừa lòng người?
Thế nên đừng ngạc nhiên khi em dần muốn thoái thác mỗi khi có việc cần về. Vì ở đó em luôn có cảm giác chồng như không phải chồng mình. Ai nói gì anh cũng gật, kể cả có ông to mồm bảo: “Không đánh được vợ là chưa thể hiện được sức mạnh đàn ông”. Giá em mà là anh em sẽ mạnh miệng hơn: “Nắm đấm chỉ sử dụng khi não bộ đã bị vón thành cục”.
Dù gì cũng là việc chung, trách nhiệm của anh cũng phải có trọng lượng một chút. Đằng này anh hất tất cả thành việc của đàn bà, còn anh thì đi câu cá, bẫy chim cùng mấy ông trong xóm, tối uống nước chè bàn chuyện với các cụ và giao lưu phỏm đến tối khuya. Mỗi lúc về quê vợ chồng lại giận nhau, cứ thế vết rạn dần loang lổ, quan hệ gia đình ngày một nặng nề. Em bắt đầu thấy những đổ vỡ, ít nhất là từ niềm tin ở trong tim.
Theo VNE
Níu kéo mà chi!
Việc níu kéo khó mang lại hạnh phúc nếu điều này không xuất phát từ tình yêu.
Gá nghĩa vợ chồng được 10 năm, một ngày nọ, ông Bình - ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM - biết tin bà Hương, vợ ông, đã nộp đơn đơn phương xin ly hôn tại TAND quận. Vừa bất ngờ, tức giận vừa không cam tâm để bà đến với nhân tình, ông xuống nước năn nỉ vợ rút đơn ly dị.
Tài sản không đổi được hạnh phúc
Để chứng tỏ "tấm chân tình", ông Bình đã soạn thảo bản "hợp đồng hôn nhân". Trong bản hợp đồng, hai bên cam kết: Nếu bà Hương đồng ý rút đơn xin ly hôn thì sau này ông sẽ chia cho bà 60% tài sản, là giá trị 2 căn nhà mà ông đứng tên. Bà Hương đồng ý.
Thế nhưng, chưa đến 1 năm sau, ông bà lại dắt nhau ra tòa xin ly hôn. Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Tân Bình quyết định cho ông bà ly hôn. Khi phân chia tài sản, vì 2 căn nhà có trước hôn nhân nên tòa phán bà Hương chỉ được nhận một nửa phần tài sản mà 2 ông bà đã tạo dựng được trong thời gian chung sống, gồm: xe máy, nồi cơm điện, máy lạnh và một số đồ dùng lặt vặt khác.
Hạnh phúc phải được xây dựng trên tình yêu đích thực
Bà Hương làm đơn kháng cáo yêu cầu ông Bình phải thực hiện lời hứa chia 60% giá trị 2 căn nhà cho bà. Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bình cho rằng bà Hương là người phá vỡ giao ước, không thực hiện đúng thỏa thuận trong bản hợp đồng là tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc cùng ông. Bà Hương đáp lại: "Hạnh phúc phải do 2 người vun đắp, một mình tôi làm sao làm được. Ông ấy suốt ngày khủng bố tinh thần tôi, chửi tôi ra rả". "Nhân tình của bà ấy cứ đúng 12 giờ đêm lại nhắn tin chọc tức tôi khiến tôi không thể nào ngủ được, tôi không nổi nóng với bà ấy mới lạ" - ông Bình phản pháo. Vị chủ tọa phiên tòa đề nghị: "Hoàn cảnh bà Hương rất khó khăn, không có tài sản, chỗ ở. Dù ông bà đã ly hôn nhưng đã có 10 năm chung sống, không còn tình cũng còn nghĩa với nhau. Ông có thể hỗ trợ cho bà Hương một khoản tiền?". Ông Bình đáp gọn hơ: "Tôi không có tiền".
Không yêu cũng giữ
Với lý do không còn tình cảm với nhau và đã ly thân hơn 2 năm, anh Sơn, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nộp đơn xin ly hôn. Xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không nghiêm trọng đến mức phải ly hôn, tòa sơ thẩm tuyên bác đơn của anh Sơn. Anh kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Lam, vợ anh, tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình. Chị trình bày: Cách đây 2 năm, tình cảm vợ chồng vẫn tốt đẹp nhưng do anh Sơn bị stress trong công việc nên đề nghị được sống riêng để ổn định lại tinh thần. Thương chồng, chị đồng ý và tạo mọi điều kiện để anh sớm hồi phục chứ không phải ly thân. Còn anh Sơn khẳng định: "Vợ tôi không chịu ly hôn chẳng phải vì còn yêu tôi mà vì sợ phải chia đôi tài sản mà cô ấy cho rằng một tay mình tạo dựng nên. Suốt 6 năm chung sống, cô ấy luôn cho mình tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nên coi thường tôi. Đã vậy, 2 năm tôi sống riêng, cô ấy cũng chẳng thèm ngó ngàng tới. Thậm chí, khi đưa con đến gặp tôi, cô ấy cũng muốn tránh mặt, thấy tôi ra là cô ấy đi ngay".
Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhận định: "Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Anh hãy vì con mà suy nghĩ lại". Anh Sơn bật khóc: "Tòa không hiểu, với tòa là không nghiêm trọng nhưng với tôi là nghiêm trọng. Tôi là giáo viên nên dù tức giận đến mấy cũng không bao giờ động tay động chân với vợ. Nếu tòa xét khi có bạo lực gia đình mới nghiêm trọng thì có lẽ tôi chẳng bao giờ được ly hôn".
Kết thúc phiên tòa với kết quả y án sơ thẩm, chị Lam nhanh chóng đi ra bãi giữ xe, chẳng thèm nhìn chồng. Còn anh Sơn ngồi phịch xuống ghế đá trong sân tòa, ngửa mặt lên trời thiểu não.
Theo VNE
"Trứng rụng rồi, anh về ngay nhé!" Quanh chuyện săn cho kịp Ngựa vàng cũng có bao tình huống dở khóc, dở cười. Chuyện thụ thai với phần lớn các cặp đôi đều rất dễ dàng nhưng cũng có không ít người phải mất cả 1 năm, 2 năm, thậm chí là 5 năm chờ đợi mà vẫn chẳng thấy "tin vui". Đương nhiên, tâm lý nôn nóng, sốt ruột...