Messi và Barca xung đột tiền bạc: Ngày chia tay đến gần
Lionel Messi đồng ý giảm lương 70% vì dịch Covid-19, kéo theo xung đột với Barca lên cao, và khả năng chia tay trong tương lai gần là rất cao.
Messi, Barca và xung đột tiền bạc
Chiều 30/3, Barca thông báo chính thức về việc các cầu thủ đội một đồng ý giảm lương 70%, trong suốt thời gian La Liga không thi đấu. Đây là bước đi trong nỗ lực kiểm soát những khó khăn tài chính ở Nou Camp, do hệ lụy từ đại dịch Covid-19.
Messi đồng ý giảm lương trước đại dịch Covid-19
Messi tự nguyện? Về cơ bản là thế. Trên trang Instagram cá nhân, đội trưởng người Argentina khẳng định việc anh cùng các đồng đội luôn luôn lắng nghe và làm những điều tốt nhất cho Barca (Messi nhấn mạnh từ “luôn luôn”, bằng cách viết hoa).
Thực tế, tự nguyện của Messi chỉ đến khi Barca khẳng định áp dụng Quy định Việc làm Tạm thời – ERTE, nhằm cắt giảm ít nhất 70% tiền lương của bộ phận cầu thủ chuyên nghiệp.
Chủ tịch Josep Maria Bartomeu ít ngày trước tuyên bố, bất chấp phản ứng của các cầu thủ ra sao, CLB quyết định dựa theo luật pháp Tây Ban Nha để áp dụng ERTE. “Không có sự thỏa hiệp”, ông khẳng định.
Theo kế hoạch, Barca sẽ thông qua việc áp dụng quy định về việc làm khi hoạt động gián đoạn bất khả kháng, để cắt lương cầu thủ trong ngày hôm nay (31/3), hoặc chậm nhất là 31/3.
Cuối tuần qua, CEO Oscar Grau xuất hiện trên kênh truyền thông riêng của Barca, thừa nhận CLB kích hoạt quy định ERTE, và đọc một bức thư “đẫm nước mắt”. Đại ý của bức thư là mong mọi người đồng hành với đội trong giai đoạn khó khăn chung, vì Covid-19.
Chủ tịch Bartomeu khẳng định sử dụng ERTE
Tất nhiên, khi Messi xác nhận cả đội giảm lương, quy định này không cần phải nhắc đến.
Giảm lương là câu chuyện gây nhiều tranh cãi ở Barca trong suốt một tuần qua. Chủ tịch Bartomeu kêu gọi toàn bộ vận động viên các khu vực thể thao tự giảm lương 70%. Riêng đội bóng đá, do Messi làm đội trưởng, từ chối đàm phán và chỉ chấp nhận giảm 10%. Vì thế, ERTE được đề xuất.
Chia tay là không tránh khỏi?
Khi Barca nói đến khả năng áp dụng quy định ERTE, toàn bộ các bộ phận khác đều nhanh chóng đồng ý, gồm bóng rổ, futsal, khúc côn cầu trên băng. Chỉ riêng nhóm thủ lĩnh bóng đá do Lionel Messi cầm đầu vẫn im lặng.
Ở Đức, Bayern Munich vận động giảm 20% lương và được đồng ý dễ dàng. Juventus nêu ý kiến giảm lương. Ngay lập tức, Cristiano Ronaldo cùng các cầu thủ, và cả HLV Maurizio Sarri, chấp nhận không ăn lương trong 4 tháng (3, 4, 5 và 6/2020).
2/3 mùa giải đã đi qua, và Barca yêu cầu các cầu thủ giảm lương gần cả năm
Ronaldo và các đồng đội giúp Juventus tiết kiệm được 90 triệu euro chi phí, trong thời gian bóng đá ngưng trệ vì Covid-19.
Barca thì sao? Trong bối cảnh thiệt hại nặng về tài chính (Barca thiệt hại 140 triệu euro), Chủ tịch Bartomeu gây áp lực lên các cầu thủ, thay vì tìm thỏa thuận như Juventus hay Bayern Munich.
Một mặt tiến hành đàm phán, mặt khác một số quan chức Barca đưa ra những tuyên bố không chính xác với báo giới Catalunya. Họ – những người quản lý ở Nou Camp – tung tin về việc các cầu thủ thiếu hợp tác, nên phải viện đến ERTE.
Barca muốn giảm mỗi tháng ít nhất 22 triệu euro từ tiền lương cầu thủ, trong giai đoạn không thi đấu vì Covid-19. Nhưng thái độ của ban giám đốc và ông Bartomeu khiến Messi cùng một số thủ lĩnh không hài lòng. Đấy là nguyên nhân dẫn đến bức thư trên Instagram.
“Nếu chúng tôi im lặng cho đến lúc này, là vì chúng tôi tìm giải pháp tốt nhất cho CLB, cũng như những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố này”, Messi giải thích.
Những người bị ảnh hưởng mà Leo nhắc đến là các nhân viên không thuộc lĩnh vực thể thao. Trước việc cầu thủ giảm lương, họ sẽ được đảm bảo 100% thu nhập.
Xung đột giữa Messi và ông Bartomeu ngày càng lớn
“Chúng tôi không bao giờ hết ngạc nhiên rằng từ trong CLB đã có những người cố gắng đặt chúng tôi dưới kính lúp…”, Messi đầy mỉa mai. Vài ngày qua, nhiều bài báo từ Catalunya chỉ trích anh và đồng đội.
Xung đột trong cắt giảm lương vì Covid-19 càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa Messi với đội ngũ quản lý Barca. Cụ thể là Chủ tịch Bartomeu.
Hai tháng trước, quan hệ giữa hai bên đã rất căng thẳng, bắt đầu từ việc thư ký Abidal chỉ trích nhóm cầu thủ. Ông Bartomeu không làm cho Messi hài lòng trong việc xử lý rắc rối này.
Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, Messi rời Barca là không tránh khỏi. Hợp đồng của anh có thời hạn đến 2021, kèm điều khoản được tự do ra đi mùa hè năm nay. Hoặc, một kịch bản khác là ông Bartomeu mất chức.
Nhiều cules chờ kịch bản sau hơn…
Video top quả 11m hỏng ăn đáng quên của Messi:
Đại Phong
Barca mua Neymar để thuyết phục Messi ở lại
Barca đang muốn giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ, và thuyết phục Lionel Messi ở lại, bằng kế hoạch mua Neymar.
Nội bộ Barca vẫn chưa hết loạn, khi đội trưởng Lionel Messi, Chủ tịch Josep Maria Bartomeu và thư ký kỹ thuật Eric Abidal mâu thuẫn nặng nề.
Giới truyền thông xứ Catalunya đưa tin, Messi xem xét rời Barca, bởi vì đây không phải lần đầu tiên anh có mâu thuẫn với các quan chức CLB.
Barca mua Neymar để chiều lòng Messi
Giải pháp mà Barca đang tính đến là đưa Neymar trở lại Nou Camp. Trong mùa hè 2019, Barca hứa hẹn mua lại Neymar từ PSG, nhưng sau đó chuyển sang lấy mục tiêu Antoine Griezmann.
Đây là một trong những lý do khiến mối quan hệ giữa Messi với Bartomeu và Abidal trở nên ngột ngạt. Cách nay không lâu, bộ đôi Bartomeu - Abidal chọn Quique Setien thay Valverde là một nguyên nhân khác làm tăng sự căng thẳng.
Ông Bartomeu đang xem xét mua lại Neymar - người luôn muốn trở lại Nou Camp - để chiều lòng Messi. Giữa Neymar và Messi có mối quan hệ khá tốt. Họ luôn duy trì những buổi gặp, dù thi đấu ở hai quốc gia khác nhau.
Ngoài ra, chiêu mộ Neymar cũng là chiêu bài trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ 2021 của Chủ tịch Bartomeu, sau khi uy tín sa sút nghiêm trọng.
Theo Vietnamnet
GÓC NHÌN: Messi - Khi "quả bom" được châm ngòi... Lionel Messi thể hiện vai trò của một thủ lĩnh hay chỉ là sự bùng nổ từ những dồn nén cá nhân trong nhiều năm là điều được đặt dấu hỏi... Qua một đêm, cảm giác bình yên trở lại ở Barcelona vào buổi sáng thứ Năm. Họ đã trải qua ngày thứ Tư khó tin, với một phản ứng chưa từng thấy...