Messi chưa thể dập hết đám cháy ở Barca
Sự nhúng nhường của Messi trong bản hợp đồng mới không thể giải quyết hết cuộc khủng hoảng ở Camp Nou.
Việc Lionel Messi chấp nhận giảm sâu mức thu nhập của mình trong thời gian ngắn hạn là nỗ lực giúp Barca thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhưng đội bóng xứ Catalonia chỉ có thể trở lại khi hoạt động một cách tích cực hơn trên thị trường chuyển nhượng, bên cạnh việc tìm kiếm các khoản vay lẫn hợp đồng thương mại mới. Chủ tịch mới của họ, Joan Laporta đang nỗ lực dập đám cháy.
Hợp đồng mới của Messi
Barca lẽ ra có thể chốt hợp đồng với Messi sớm hơn, nếu quỹ lương của họ không phình to và phá vỡ mức trần La Liga quy định.
Trong mùa giải 2020/21, Barca có quỹ lương 347 triệu euro, chiếm 61% tổng doanh thu CLB. Con số này giảm so với mùa giải trước đó, nhưng vượt xa mức mà La Liga dự tính quy định cho mùa giải 2021/22.
Trước Covid-19, quỹ lương của các CLB La Liga không được vượt quá 70% tổng doanh thu. ESPN tiết lộ mức lương trần mà La Liga quy định cho Barca ở mùa giải 2021/22 rơi vào khoảng trên dưới 200 triệu euro. Điều này xuất phát từ việc Barca đã lỗ hơn 350 triệu euro ở mùa giải trước.
Barca đang nợ ngập đầu, đồng thời chịu sức ép lớn từ quỹ lương. Ảnh: Reuters.
Trong đó, mức lương của Messi là vấn đề quan trọng. Ở mùa giải 2020/21, lương của Leo chiếm khoảng 20% quỹ lương Barca
Trong bản hợp đồng mới được truyền thông Tây Ban Nha đăng tải, Messi chấp nhận giảm khoảng 50% thu nhập. Thực tế, trong ít nhất 2 năm đầu của bản hợp đồng có thời hạn 5 năm, Messi còn giảm sâu hơn con số kể trên.
Với hợp đồng cũ có thời hạn 4 năm, siêu sao người Argentina có thể nhận tổng cộng 555 triệu euro. Trung bình một mùa Leo được trả 139 triệu euro gồm cả lương, thưởng lẫn thu nhập từ bản quyền hình ảnh.
Video đang HOT
Vấn đề ở đây là trong hợp đồng mới, Messi đã nhượng bộ thế nào để giúp Barca vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong 555 triệu euro mà Messi có thể nhận, 115 triệu euro là tiền thưởng khi gia hạn và 77 triệu euro tiền trung thành. Barca sẽ trả cho Messi 363 triệu euro tiền lương và thưởng thành theo thành tích thi đấu trong 4 năm.
Theo tính toán, Messi nhận mức lương trước thuế khoảng 72 triệu euro trong hợp đồng cũ. Điều này đồng nghĩa với việc Messi sẽ nhận 36 triệu euro thu nhâp trong hợp đồng mới.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin khác từ truyền thông Catalonia, Messi chấp nhận giảm sâu mức lương hơn trong 2 năm đầu của hợp đồng 5 năm. Onda Cero tiết lộ Messi chỉ nhận hơn 20 triệu euro tiền lương trong mùa giải 2021/22.
Messi đang cho Barca thêm thời gian. Bởi, nếu La Liga khởi tranh vào ngày mai, Messi sẽ không thể thi đấu cho Barca vì quy định mức trần lương.
Tất nhiên, siêu sao người Argentina có thể được Barca bù đắp bằng các điều khoản ưu đãi về tiền thưởng thành tích hay bản quyền hình ảnh. Bên cạnh đó, việc Barca chấp nhận ký hợp đồng 5 năm với Messi thay vì 2 năm cũng là một ưu đãi. Messi lúc này đã 34 tuổi.
Chiến lược của Messi và Barca trong hợp đồng mới phù hợp với phát biểu của Laporta vào đầu tháng này. Ông thừa nhận Barca gặp vấn đề về quỹ lương và phải nhanh chóng giải quyết nó trước mùa giải mới.
Barca đang nợ 1,2 tỷ euro. Cộng với sự có mặt của Sergio Aguero, Eric Garcia và Memphis Depay theo dạng chuyển nhượng tự do vào hè này, Barca cần cắt giảm thêm ít nhất 100 triệu euro tiền lương. Chính Chủ tịch La Liga, Javier Tebas tiết lộ điều này với báo chí.
Tebas không nói chơi. Năm 2014, tiền đạo Pedro Leon phải ngồi ngoài 6 tháng khi Getafe không thể đăng ký cầu thủ vì giới hạn quỹ lương. Sẽ không có ngoại lệ cho Barca.
Trách nhiệm giờ đổ dồn vào Laporta, người đã hứa đưa Barca trở lại sau khi ngồi vào ghế chủ tịch CLB vài tháng trước.
Laporta đang nỗ lực đưa Barca thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Ảnh: Reuters.
Laporta loay hoay
Sau khi kế hoạch Super League thất bại, Laporta trông chờ nhiều vào khoản vay 525 triệu euro từ ngân hàng Goldman Sachs. Tập đoàn tài chính từ Mỹ chính là đơn vị dự tính bảo trợ cho kế hoạch Super League, với khoản đầu tư 6 tỷ USD.
Hơn nửa tỷ euro từ Goldman Sachs có thể giúp Laporta trả lương cho Messi đồng thời tái cấu trúc các khoản nợ trong thời gian ngắn hạn. Khoản vay kể trên có thời hạn 15 năm với mức lãi suất khoản 3% một năm.
Tebas đã đặt ra tỷ lệ 1:4 cho Barca ở phiên chợ hè 2021. Tức là nếu Barca chỉ 10 triệu euro trả lương cho cầu thủ mới, họ sẽ phải cắt giảm 40 triệu euro tiền lương từ những cầu thủ khác. Đây là một nhiệm vụ khó khăn.
Mục tiêu lớn nhất lúc này của Barca là đẩy Griezmann sang Atletico Madrid, người đang nhận lương khoảng 30 triệu euro (trước thuế), cao thứ hai sau Messi. Tháng 7/2019, Tổng giám đốc Bayern Munich khi đó, Karl Heinz Rummenigge gọi mức lương mà Griezmann nhận tại Barca “cao một cách điên rồ”.
Khúc mắc lớn nhất trong vụ trao đổi Griezmann – Saul Niguez vẫn là tiền lương của hai cầu thủ. Niguez dự tính nhận 10 triệu euro (trước thuế) tại Barca. Trong khi Griezmann cũng phải giảm sâu lương nếu muốn về lại Atletico.
Trên thị trường chuyển nhượng, Barca đã bán thành công Konrad de la Fuente, Jean-Clair Todibo, Carles Alena và Junior Firpo với tổng giá trị lên tới 35 triệu euro.
Tuy nhiên, số tiền 35 triệu euro này Barca chưa thể nhận một lần. Nguyên tắc chuyển nhượng thông thường của các CLB bóng đá trên thế giới là chia làm nhiều lần trả khác nhau theo từng năm, dựa theo các điều khoản hợp đồng. Mức lương của các cầu thủ kể trên khá thấp tại Barca.
Bên cạnh Griezmann, đội chủ sân Camp Nou đang gặp khó trong việc thanh lý Philippe Coutinho (lương 20 triệu euro/năm), Ousmane Dembele (13 triệu euro/năm) hay Samuel Umtiti (12 triệu euro/năm). Giá trị của các cầu thủ kể trên đang xuống thấp trên thị trường chuyển nhượng.
Nếu muốn giảm quỹ lương nhanh chóng, Barca phải chấp nhận cho mượn cầu thủ hoặc bán với giá rẻ, điều ban lãnh đạo đội bóng đến lúc này không chấp nhận.
Nếu lâm vào đường cùng, Barca có thể phải bán tài sản cố định. Ảnh: FC Barcelona.
Pjanic, người nhận hơn 12 triệu euro/năm tại Barca cũng là một thảm họa chuyển nhượng khác dưới thời cựu chủ tịch Josep Bartomeu. Tiền vệ người Bosnia & Herzegovina chưa có ý định rời Camp Nou.
Laporta hy vọng các trụ cột như Alba, Sergio Busquets hay Sergi Roberto sẽ đồng ý cắt giảm lương trong bản hợp đồng mới. Trước đó, Lenglet, De Jong, Gerard Pique và Marc-Andre ter Stegen là những người chịu giảm lương.
Giải pháp khác cho Barca là bán hoặc cầm cố tài sản của CLB. Đội xứ Catalonia có vài hạng mục bất động sản như Học viện bóng đá, Trung tâm phát triển, cấp phép và bán hàng (BLM), hãng phim,…
Dẫu vậy, đây đều là các hạng mục thiết yếu với sự phát triển dài hạn của CLB. Một hy vọng lớn khác với Laporta là các hợp đồng tài trợ mới. Cadena SER cho biết ban lãnh đạo Barca ước tính sau khi Messi ký hợp đồng, giá trị các hợp đồng tài trợ của CLB sẽ tăng 30%.
Ở mùa giải 2019/20, một mình Messi tạo ra một phần ba trong số 855 triệu euro tổng doanh thu của Barca. Tất nhiên, đó chỉ là dự tính trong mùa giải tới.
Trong khoảng thời gian ngắn hạn, đặc biệt là giai đoạn trước mùa giải, Laporta cần giải quyết sớm vấn đề lương của CLB. Đây là vấn đề cản trở Barca nổ các quả bom tấn như Erling Haaland hay Kylian Mbappe.
Khả năng cao trong phiên chợ hè 2021 này, Barca sẽ không thể mua thêm các ngôi sao lớn. Và nếu lực lượng của Barca ở mùa giải mới không có nhiều thay đổi, thật khó để tin họ có thể chinh phục đỉnh cao.
Chủ tịch Barca làm lộ thông tin vụ Super League
Dự án Super League với Florentino Perez là người đứng đầu đã bị rò rỉ thông tin từ trước khi được công bố.
Theo New York Times , Chủ tịch Joan Laporta của Barca là người đứng sau những rò rỉ thông tin của Super League tới Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Trưa 15/4 (giờ địa phương), Chủ tịch Barca và Chủ tịch La Liga, Javier Tebas, có bữa ăn thân mật để mừng việc ông Laporta đắc cử chủ tịch đội chủ sân Camp Nou.
Trong bữa ăn này, ông Laporta đã tiết lộ thông tin Barca suýt gia nhập nhóm 12 CLB hàng đầu châu Âu để cùng nhau tạo nên một siêu giải đấu.
Ông Laporta (trái) khiến Super League thất bại? Ảnh: Getty.
Thông tin này không mới nhưng lần này, ông Tebas cảm thấy tất cả sắp trở thành sự thật khi Laporta quả quyết nhiều CLB đã cam kết với dự án này, phần còn lại được cho thời gian đến cuối tuần đó để quyết định.
Tebas đưa ra lời cảnh báo tới cả châu Âu. Chủ tịch La Liga gọi điện tới các quan chức cao cấp của những giải VĐQG hàng đầu châu Âu và đặc biệt là Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin.
Với việc biết trước thông tin về Super League, ông Ceferin đã đưa ra kế sách phản công nhóm này, buộc 6 đội bóng từ Premier League rút lui sau đúng 48 giờ. 4 ngày sau khi thông báo về Super League được đăng tải, chỉ còn 3 CLB ở lại là Real Madrid, Barca và Juventus.
Phía Barca của Laporta đưa ra tuyên bố vào rạng sáng 23/4 (giờ Hà Nội) về việc tin tưởng tính khả thi của Super League, nhưng cũng cho biết sẽ lấy ý kiến cử tri trước khi đưa ra ý kiến cuối cùng.
Trong cuộc phỏng vấn với El Larguero, ông Perez nhấn mạnh bên khiến dự án Super League thất bại là "CLB tới từ Manchester, nhưng tôi sẽ không nói cụ thể".
Barca: Không nhanh tay sẽ mất Messi Kế hoạch thay máu đội hình Barcelona của HLV Koeman trong đó có việc gia hạn hợp đồng với Messi đang gặp trở ngại do vấn đề tiền lương. Chủ tịch La Liga - Javier Tebas thông báo Barca sẽ không gia hạn hợp đồng với Messi cũng như đăng ký các cầu thủ mới nếu như đội chủ sân Camp Nou không...