Mẹo làm thịt đông trong veo, mềm tan trong miệng cho ngày Tết
Chỉ cần lưu ý những điều này chị em sẽ nấu được món thịt đông vừa thơm ngon, trong veo, thanh mát cho ngày Tết.
Tham khảo một cách nấu thịt đông
Cùng giống như giò lụa, nem rán, dưa kiệu, dưa hành… thịt đông cũng là một món ăn truyền thống trong dịp Tết Âm lịch. Bởi thịt đông vốn ngon, mềm, thơm lại thanh mát nên nó sẽ là món chống ngán cho mâm cỗ Tết.
Thịt đông quen thuộc là thế nhưng không phải ai cũng biết cách làm cho món thịt đông mềm thơm, có thể tan khi vừa mới cho vào miệng.
Vì vậy, chị em hãy tham khảo thêm thông tin dưới đây để Tết đến, xuân về có món thịt đông ngon cho cả nhà thưởng thức.
Chọn miếng thịt chân giò vì thịt chân giò khi chế biến sẽ tạo ra nhiều chất kết dính cho món ăn. Ngoài ra, bạn có thể thêm ít bì heo nấu cùng, bì heo cũng tạo ra chất kết dính như móng giò. Chỉ là, khi nấu xong, bạn vớt bỏ bì heo ra là được.
Với một số gia đình, người ta thêm cả thịt gà để tăng thêm độ thơm, độ trong của nước thịt đông, tăng độ hấp dẫn của món ăn.
Nếu thích, bạn có thể thêm cả tai heo vào nấu cùng. Phần tai heo này sẽ tạo thêm một chút giòn giòn cho thịt đông.
Vì thịt đông là một món ăn có độ trong và độ mát nhất định vì thế bạn chỉ nên cho ít muối, nước mắm. Cho nhiều, thịt đông sẽ mất đi độ mát và thậm chí khó đông hơn.
Video đang HOT
Gia vị tạo độ thơm cho thịt đông nhất định bạn không được quên hạt tiêu, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô. Lưu ý, mộc nhĩ không nên thái quá nhỏ, vì thái nhỏ quá khi nấu chúng sẽ bị nhũn, không tạo được độ giòn.
Thịt chân giò cần cạo sạch lông rồi đem rửa sạch và thái miếng vừa. Nếu dùng thêm cả tai heo bạn nên cạo sạch rồi khử mùi hôi bằng cách xát với muối và giấm. Sau đó đem thái miếng cỡ vừa. Bì heo rửa sạch thái miếng to. Còn thêm thịt gà bạn chỉ việc rửa sạch, chặt miếng vừa ăn là xong.
Mộc nhĩ, nấm hướng có thể xào qua hoặc để nguyên, lúc thịt gần chín mới cho vào nấu đều được.
Trong quá trình nấu, nồi thịt sẽ nổi nhiều bọt, bạn cần hớt hết chỗ bọt này để tạo độ trong cho thịt đông.
Lượng nước chế vào nấu cùng vừa phải, không ít quá hoặc nhiều quá. Nếu ít quá thịt đông sẽ bị đặc, nhiều nước sẽ loãng càng khó đông.
Nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu không cho quá sớm, khoảng sau 15 phút khi thịt chín mềm mới cho vào, nấu 10 phút nữa là được.
Nếu bạn cho thịt gà vào nấu kèm cần lưu ý khi thịt mềm phải rút bỏ xương gà. Nhà có nồi áp suất thì thịt đông sẽ nấu nhanh hơn nhiều.
Bạn có thể tỉa một ít hoa cà rốt, lá mùi để dưới đáy khay hoặc bát, đợi thịt nguội, múc thịt đông vào, bọc màng bọc thực phẩm, cho vào tủ lạnh để ngăn mát từ 4-6 tiếng, mang ra, úp ngược ra đĩa là xong. Với cách này, thịt đông vừa trong vừa đẹp, rất hấp dẫn.
Theo Khám Phá
Tuyệt chiêu luộc gà 100 con da vẫn vàng ươm, đẹp căng như 1
Chỉ với những mẹo đơn giản này sẽ giúp chị em luộc gà con nào cũng chín tới, da vàng ươm, căng bóng và đẹp mắt.
Thịt gà là thực phẩm bổ dưỡng, được nhiều người sử dụng để chế biến thành các món ăn hấp dẫn trong gia đình. Trong đó, gà luộc là món phổ biến nhất vì nhanh gọn, lại giữ được độ ngọt, hương vị nguyên bản nhất của thịt gà. Không những thế, gà luộc còn là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết, được trang trọng đặt lên mâm cỗ cúng mà hầu như nhà nào cũng phải làm.
Món ăn quen thuộc là thế nhưng rất nhiều chị em cũng phải lo lắng, "đứng ngồi không yên" khi luộc gà. Bởi nếu không biết cách, gà luộc sẽ bị chín quá, nứt da hoặc vẫn còn sống đỏ bên trong. Nhất là với những nàng dâu mới về nhà chồng, e ngại luộc gà vì sợ món gà luộc không được như ý.
Gà luộc còn là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết, được trang trọng đặt lên mâm cỗ cúng mà hầu như nhà nào cũng phải làm.
Vì thế, chị em có thể tham khảo cách luộc gà dưới đây, đảm bảo 100 con vẫn vàng ươm, căng bóng, đẹp mắt như 1.
Luộc được con gà ngon thì trước tiên và quan trọng không kém là khâu chọn gà. Chị em lưu ý, khi chọn gà lông (gà còn sống), thì chỉ nên chọn những con mắt sáng, mào đỏ tươi, diều nhỏ, không bị nồi căng cứng, ức nhỏ, thịt chắc, da mỏng, bóp phần đùi gà thấy rắn chắc, chân thẳng không trầy xước và sứt móng.
Sau khi làm lông xong, toàn bộ da gà không hề có đốm, nốt màu lạ.
Để gà luộc xong đem chặt miếng thịt được đầy đặn và đẹp mắt, bạn nên nhờ người bán hàng mổ moi. Rửa gà với muối để da gà được sạch. Đặc biệt, khi rửa, cần rửa sạch tiết để làm nước luộc không bị đục và tiết bám đen vào da gà.
- Các nguyên liệu khác gồm gừng, hành khô, mỡ gà, nghệ.
- Xoong/ nồi luộc gà phải đủ lớn để đặt vừa gà.
Tạo dáng đẹp cho gà luộc bằng cách buộc cánh vào với cổ gà, còn chân gà nhét vào trong bụng.
Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà. Đun lửa tới sôi lăn tăn. Không để sôi sùng sục, vì để sôi to quá, da gà rất dễ bị nứt. Lúc này, hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7 - 8 phút.
Nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập dập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp (nếu không muốn cho hành, gừng thì có thể bỏ qua bước này).
Nếu là gà tơ, gà non thì luộc thêm 5 phút, còn gà già hơn chút thì luộc thêm 10 phút. Sau đó, tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút. Còn gà to khoảng 3kg thì luộc 20 phút tính từ lúc nước sôi, sau đó tắt bếp, ngâm thêm 15 phút.
Thử xem gà chín chưa, xiên thử que tăm thấy không ra nước hồng là được.
Muốn da gà giòn, khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh, khi nguội hẳn thì vớt ra, để ráo. Hơn nữa, gà luộc ngâm qua nước lạnh thì thịt săn, chắc, lúc chặt và xếp gà rất dễ, không bị vỡ nát.
Cách 1: Gà sau khi làm sạch xong, dùng một miếng nghệ xát lên xung quanh da gà rồi đem luộc.
Cách 2: Giã nát một chút xíu nghệ tươi rồi vắt lấy nước, đem trộn với mỡ gà đã rán vàng. Khi thấy gà luộc chín, ngâm nước lạnh xong, vớt ra, đã ráo nước thì quét một lớp mỏng hỗn hợp này đều lên phần da gà. Đảm bảo da gà sẽ vàng ươm, thậm chí trông rất căng và bóng.
Theo Khám Phá
Mách chị em cách chọn giò chả ngon và chuẩn đón Tết Chỉ với một vài mẹo đơn giản là chị em có thể chọn được những cây giò, phên chả ngon để làm món ăn Tết cho gia đình rồi. Giò, chả là một trong những mặt hàng thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết bởi giò chả chẳng ít khi vắng mặt trong các mâm cỗ cúng của nhiều gia đình....