Mềm môi rượu tất niên, cổng bệnh viện chực chờ
Dịp Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, chủ yếu do xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp…
Một bệnh nhân nhập viện điều trị viêm tụy cấp do rượu gây nên
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia có xu hướng tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp…
Xuất huyết tiêu hóa nôn ra máu vì rượu
Bệnh nhân N.V.T (TP Bắc Ninh) được người nhà cho nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi vã mồ hôi, tay chân lạnh, huyết áp tụt, nôn ra máu, đại tiện ra máu… Theo người nhà, ông T. nghiện rượu gần 20 năm, dù đã bị xơ gan nhưng vẫn “lấy cớ” tất niên để lướt khướt tối ngày bất chấp vợ con khuyên can và hậu quả phải nhập viện cấp cứu. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên, bởi bệnh nhân trước đó uống quá nhiều rượu bia, say rượu nên nôn nhiều làm rách niêm mạc thực quản. Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức tích cực chống sốc mất máu.
Theo BS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái mỡ, tổ chức xơ phát triển dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như: Khả năng thải độc, tạo mật, quá trình đông máu… Các bệnh nhân xơ hoá gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như: Xuất huyết tiêu hoá, vàng da, cổ trướng…
Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như: Mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Các chuyên gia về tiêu hóa nhận định, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa.
Video đang HOT
Nguy kịch viêm tụy cấp cũng vì rượu
Năm nay, anh H.V.P (Hà Nam) lắc đầu quầy quậy mỗi khi ai mời rượu và quyết tâm chỉ nâng đủ 3 chén trong tiệc rượu cho mọi người vui. “Cũng dịp áp Tết năm trước, nếu không nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ BV Bạch Mai thì chắc tôi không còn cơ hội được đón Tết với hai đứa con thơ chỉ vì viêm tụy cấp do những trận rượu tất niên triền miên”, anh P. chia sẻ.
Theo lời anh P., anh được chính các bạn rượu đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng vật vã, chân tay mềm nhũn, nôn thốc nôn tháo tất cả. Lúc đó anh P. vẫn chỉ nghĩ chắc cơn đau dạ dày hành hạ mà không ngờ đó là cơn đau báo hiệu viêm tụy cấp. Sau nhập viện, anh P. nhanh chóng được chuyển lên khoa hồi sức cấp cứu vì có dấu hiệu hoại tử, suy đa tạng. “10 ngày tôi sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, đối mặt với tử thần khiến cả nhà không ăn không ngủ. May mắn thoát chết trong gang tấc, nên từ lần đó chừa luôn những trận rượu say khướt”, anh P. tâm sự.
GS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, bệnh viêm tụy do uống quá nhiều rượu bia, hoặc tăng mỡ máu chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, diễn tiến của viêm tụy cấp rất khó lường nên tiên lượng cho các bệnh nhân thể hoại tử đã có biến chứng sốc và suy đa tạng luôn hết sức dè dặt.
Còn theo phân tích của BS. Lê Dương Tiến, Khoa tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn, khi uống quá nhiều rượu, sẽ gây ra tổn thương tụy, rối loạn chuyển hoá. Lúc này men tụy sẽ được hoạt hóa, men tụy tự phá hủy tụy và các cơ quan lân cận gần nó, dẫn đến suy đa phủ tạng, bệnh nhân rất dễ tử vong. Dịch tụy tham gia vào quá trình tiêu hoá, bị tổn thương sẽ khiến bệnh nhân đau tức thượng vị và mạng sườn trái, đau xuyên ra sau lưng, nôn, buồn nôn, chướng bụng…
Nặng hơn bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tụt huyết áp, toan chuyển hóa nặng, hôn mê và tử vong. “Số bệnh nhân viêm tụy, do rượu bia hiện nay ngày càng tăng lên và nó chiếm khoảng 20-30% các mặt bệnh tiêu hóa”, BS. Tiến khuyến cáo.
Theo số liệu của ngành Y tế, khoảng 80% viêm tụy cấp có nguyên nhân, 20% không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do 2 nguyên nhân rượu và mỡ máu lại tăng rất nhanh, chiếm tới 70% số ca nhập viện.
Theo baogiaothong
Anh em ruột phải sống nhờ máu người khác
Khuôn mặt hai con tái nhợt vì mất máu, chị Đỗ Thị Hiền lần nào đưa con nhập viện cũng lo âu không biết khi nào có máu để truyền.
Người mẹ chỉ dám thở phào khi kim truyền được gắn vào tay con, sức sống dần trở lại nhờ từng giọt máu được truyền vào cơ thể.
Chị Hiền ở Yên Bái, suốt 17 năm đằng đẵng đưa con đi viện. Hai con của chị là Phạm Anh Tuấn 19 tuổi và Phạm Ngọc Ánh 11 tuổi, đều bị bệnh suy nhược chức năng tiều cầu. Đây là một bệnh rối loạn chảy máu di truyền hiếm gặp, hai anh em Tuấn thường xuyên chảy máu khó cầm và bị mất máu.
Hai anh em Tuấn và Ánh phải sống chung với bệnh suy nhược chức năng tiểu cầu. Ảnh: Lê Phương.
Phát hiện bệnh vào lúc 14 tháng tuổi, Tuấn đã trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh. Nặng nhất là năm 2005, Tuấn bị chảy máu cam ồ ạt, nôn ra máu và xuất huyết tiêu hóa. Hình ảnh đứa con bé bỏng đầm đìa máu đang ở giữa ranh giới sinh tử vẫn như còn vẹn nguyên trong tâm trí chị Hiền.
"Khi 5 tuổi, cháu phải đi cấp cứu, máu chảy ra từ mũi, miệng và đi ngoài ra máu. Cháu nằm bất động, da và môi trắng nhợt không còn chút máu đến các bác sĩ cũng phải lắc đầu", chị Hiền nhớ lại. Lúc đó, bệnh viện hết cả máu và tiểu cầu. Bố cháu vội vàng đi từ Yên Bái xuống Hà Nội hiến máu để truyền cho con, các bác sĩ bảo bố là vị cứu tinh của con, nếu không có bố thì con cũng bỏ mạng.
Lần lữa mãi không dám có thêm con, 8 năm sau chị Hiền mới có thai và sinh cháu Phạm Ngọc Ánh. Thật không may Ánh cũng cùng chung số phận như anh. Gần 10 năm nay, hai anh em cùng điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Suy nhược tiểu cầu là một bệnh rối loạn di truyền tiểu cầu. Thể điển hình thấy hiện tượng xuất huyết ngoài da do xuất huyết giảm tiểu cầu. Đôi khi có chảy máu đường tiêu hóa. Tuy nhiên bệnh thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân bị chảy máu không cầm do một nguyên nhân khác như nhổ răng, chảy máu kinh nguyệt kéo dài, chảy máu đường tiêu hóa kéo dài, chảy máu cam. Ngoài ra, bệnh còn được phát hiện do trong gia đình có người bị bệnh di truyền về máu. Bệnh không có điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân cần truyền khối tiểu cầu nếu chảy máu nhiều.
Chị Đỗ Thị Hiền chăm sóc con đang tiếp máu tại bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Việt.
Căn bệnh này khiến anh em Tuấn và Ánh tháng nào cũng phải vào viện truyền tiểu cầu và khối hồng cầu, phải sống nhờ vào nguồn máu hiến. Đến nay, Tuấn và Ánh đã truyền bao nhiêu đơn vị chế phẩm máu, chị Hiền cũng không đếm nổi nữa. Máu đã trở thành nguồn sống của hai anh em, là niềm hy vọng, nỗi chờ mong của bố mẹ các em.
"Trước kia bố hiến máu cứu con, còn bây giờ người hiến máu là cứu tinh của các con", chị Hiền chia sẻ.
Người làm mẹ lúc nào cũng lo xa, sợ con không có máu, không có tiểu cầu để truyền. Nỗi lo ấy lại càng lớn hơn vào dịp Tết và dịp hè - khi nguồn người hiến máu rất khan hiếm.
Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán (từ tháng 12/2019 - tháng 2/2020), Viện cần khoảng 80.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị của 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi những người đủ điều kiện sức khỏe, đặc biệt là người nhóm máu O và nhóm máu A, tham gia hiến máu để phục vụ cấp cứu và điều trị vào dịp cuối năm.
Trương Hằng
Theo VNE
Nữ bệnh nhân nôn ồ ạt 1 lít máu tươi được cứu sống trong 5 phút Đang trên đường được đưa từ Cà Mau lên BV Chợ Rẫy (TP HCM), nữ bệnh nhân bất ngờ nôn ra 1 lít máu tươi nên người nhà đưa vào BV ở Cần Thơ và được bác sĩ cứu sống trong 5 phút. Ngày 4/11, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa cứu một nữ bệnh nhân...