Mẻ – thứ gia vị truyền thống đặc sắc
Mẻ là thứ gia vị chua có mùi thơm rất đặc trưng, vị chua dịu và thanh chứ không gắt như giấm hay chanh.
Là một vị trong 5 vị cơ bản trong ẩm thực của người Việt, mẻ luôn khẳng định được giá trị khác biệt của nó so với những thứ gia vị quả chua khác. Bởi có mẻ, món ăn thêm đậm đà và có nhiều cảm xúc hơn.
Làm mẻ không khó và có nhiều cách. Mẻ để được rất lâu nếu chăm sóc hũ mẻ tốt. Dụng cụ để cất trữ mẻ thường là lọ thủy tinh hoặc hũ sành để bảo quản, vừa sạch sẽ lại đảm bảo tính thẩm mỹ. Cách làm mẻ thì đơn giản lắm, sang nhà hàng xóm, xin một bát mẻ về, cho nó vào hũ sành, múc một bát cơm nguội cho lên trên rồi đậy nắp kín, để trong chạn ủ cho ấm, chỉ sau vài ngày là phần cơm bên trên sẽ nhuyễn ra và bắt đầu lên men, mùi chua nhẹ lúc đó chính xác là cơm đã chuyển thành mẻ. Nếu không xin được mẻ từ hàng xóm thì ra chợ mua cũng được, ở chợ Việt cái gì không có chứ mẻ thì không bao giờ thiếu.
Một cách làm khác rất hay và khoa học là khi nấu cơm, cho nước nhiều hơn một chút, lúc nước cơm sôi lên, chắt lấy bát nước cơm để nguội. Đợi cơm chín tới, múc một bát vừa đủ cho cái hũ sành rồi lại để nguội. Cho cơm nguội và nước cơm vào hũ sành, đậy kín nắp và bọc kín hũ để tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đặt hũ vào nơi kín gió, đủ ấm cho lên men nhanh hơn. Chỉ sau một tuần là sẽ có một hũ mẻ thơm lừng.
Cách sử dụng mẻ thì rất đơn giản, dùng thìa sạch múc mẻ ra bát rồi lọc qua rây cho mịn trước khi nấu canh, rồi còn có thể om hoặc ướp thịt để nướng. Khi mẻ trong hũ sành sắp hết lại cho thêm cơm vào ủ tiếp trong vài ngày sẽ có mẻ mới để ăn.
Vào mùa hè, mẻ thực sự “phát huy được tác dụng”. Cái nóng miền Bắc vào mỗi buổi trưa hè mang lại cảm giác ngột ngạt kinh khủng. Ăn uống ngày hè cũng vất vả hệt như đứng trong bếp để nấu cơm vậy, nên những món ăn mang vị chua dịu và thơm thơm mùi mẻ luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Nấu canh cá với mẻ rồi ăn với bún vừa nhẹ dạ lại rất dễ trôi. Mẻ là thứ gia vị chua có mùi thơm rất đặc trưng, vị chua dịu và thanh chứ không gắt như giấm hay chanh. Các món truyền thống với cách chế biến và sử dụng nguyên liệu khác nhau khi kết hợp với mẻ đều khá dễ.
Đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Ngôi Sao
Video đang HOT
Thử 8 đặc sản trên đường rong chơi Mộc Châu
Bê chao, cá suối, thịt trâu gác bếp, ốc đá, nậm pịa... là những đặc sản hấp dẫn du khách khi tới thăm Mộc Châu.
Cách Hà Nội 200 km về phía Tây, men theo đường quốc lộ 6 tìm về Mộc Châu vào những ngày mưa se lạnh, bạn sẽ được sống trong bầu không khí sương mây bao phủ của một vùng cao nguyên thơ mộng bạt ngàn hoa cải trắng và chè xanh mướt. Bên cạnh đó, khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của huyện miền núi rộng nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La cũng là những trải nghiệm khó quên dành cho mỗi du khách. Hãy đừng bỏ qua các món dưới đây nhé:
Bê chao
Nhiều người nói vui rằng nếu đến Mộc Châu mà chưa ăn bê chao thì chưa phải đã đến đây. Món bê chao làm say lòng du khách được làm từ con bê non, chọn phần thịt loại ngon, đầy đủ nạc, mỡ, bì và xắt thành từng miếng con chì, đem chần qua nước sôi để thịt bê bớt hôi sau đó ướp gia vị gồm sả, gừng, dầu hạt điều, sa tế... trong khoảng 5 đến 10 phút cho ngấm đều rồi chao qua dầu sôi. Quán 64 là một địa chỉ được nhiều du khách gợi ý.
Bê chao phải ăn nóng mới thấy hết vị ngọt mềm của miếng thịt. Giá cho một đĩa bê chao nhỏ khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Ảnh: Văn Nguyễn.
Ốc đá
Món ốc đá phổ biến và được ưa chuộng nhất ở đây là ốc nấu canh lá chua hoặc măng chua, cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Tuy nhiên, đơn giản hơn cả là món ốc luộc chấm mắm ớt. Vị giòn ngọt, thơm bùi của ốc kết hợp với vị ớt cay nồng và mắm chấm đậm đà rất hợp với tiết lạnh nơi rẻo cao.
Cá hồi
Nhiều du khách thường truyền tai nhau đến ăn đặc sản cá hồi tươi ở trang trại Tú Phượng, thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Đây là trang trại nuôi và chế biến cá hồi duy nhất ở Mộc Châu nhưng chính vị ngon của cá hồi trên độ cao hơn 1.000 m nơi đây, qua bàn tay chế biến của những người đầu bếp quê nhà mà món cá hồi được xếp vào hàng đặc sản của vùng. Cá hồi ở đây được chế biến thành 6 món chính là gỏi cá hồi, da cá hồi chiên, thịt cá hồi chiên, xông khói, lẩu và cháo. Giá cho một phần ăn bao gồm cả 6 món khoảng 200.000 đồng. Nếu du khách mua cá tươi mang về, giá khoảng 350.000 đồng một kg.
Cá suối
Món cá suối nướng ăn với xôi nếp ba màu và chấm với chẩm chéo rất hợp vị. Ảnh: Dulichmocchau.
Cá suối nướng ở Mộc Châu là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách bởi cá không bị tanh, tuy bé nhưng có thể ăn cả thịt lẫn xương và hương vị thì thơm nồng hấp dẫn. Sau khi rửa sạch, cá được mổ để vứt bỏ mật và ruột, sau đó ướp cùng mắc khén, rau thơm rừng, sả, ớt... và dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi chừng 15 phút cho chuyển sang vàng ruộm là có thể dùng được.
Xôi ngũ sắc
Để làm ra xôi ngũ sắc cần chuẩn bị khá công phu. Gạo nếp nương loại ngon được chia làm 5 phần và trộn với các loại lá cây rừng khác nhau để nhuộm màu. Tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau. Xôi sau khi đồ rất mềm, dẻo, thơm và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức món ăn này trong các phiên chợ ở Mộc Châu. Chỉ khoảng 10.000 đồng là bạn đã có thể no bụng rồi.
Cải mèo
Cải mèo là một trong những món không thể thiếu của người dân ở đây dùng để thiết khách quý đến chơi nhà. Thứ rau xanh mát này được người dân Mộc Châu chế biến thành nhiều món khác nhau như xào, nấu canh, luộc hoặc nhúng lẩu, đôi khi có thể xào cùng thịt gà, thịt bò, thịt hun khói, nấm... để phục vụ khách uống rượu.
Với khí hậu mát lạnh quanh năm, độ ẩm cao, cây cải mèo Mộc Châu mọc rất tươi tốt, múp míp, khi ăn thấy ron rót đắng nhưng ăn quen thấy ngọt, giòn. Ảnh: Dulichmocchau.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen ở Mộc Châu. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, ướp muối rồi hun khói trên gác bếp trong nhiều ngày để cho thịt trâu se lại cho các chất ngọt tụ vào trong thịt. Khi ăn đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay. Tuy nhiên, nếu không ăn quen bạn sẽ thấy lạ miệng với vị khói khá hắc và mặn của món ăn.
Nậm pịa
Món ăn khá đắng và "bốc mùi" nên trở thành thách thức chỉ dành cho người can đảm. Ảnh:Dulichmocchau.
Không phải vị khách nào khi du lịch đến Mộc Châu cũng đủ dũng cảm để thưởng thức món ăn này, tuy nhiên đây lại là món ăn yêu thích của người dân vùng cao. Nguyên liệu để tạo ra nậm pịa bao gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân non của bò hoặc dê. Khi ăn thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà... Nậm pịa là mồi nhậu thứ thiệt cho phái mày râu ở bản cao trong các phiên chợ ngày lạnh.
Lê Thương
Theo Ngôi Sao
Bữa ăn đa dạng trên trời của các hãng hàng không Bữa ăn trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Đài Loan đến TP HCM bao gồm sữa chua, hoa quả, cá hồi cuộn cà chua và súp lơ. Đồ ăn trên máy bay luôn được coi là kém ngon và không hợp khẩu vị nhiều hành khách. Vậy nên các hãng hàng không đang cố gắng cải thiện bữa ăn trên máy bay, sao...