“Mê sảng, co giật” vì xem camera nhà trẻ
Bệnh nhân lúc nào cũng muốn quan sát camera vì sợ con bỏ ăn, bị đánh đập…
Hiện nay khá nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo ở TP.HCM đều được lắp đặt camera quan sát… Hình ảnh từ camera được kết nối với điện thoại thông minh hay máy tính của phụ huynh giúp họ có thể theo dõi hoạt động của con em mọi lúc, mọi nơi. Nhiều phụ huynh xem camera với suy nghĩ chỉ bảo vệ con mình. Thế nhưng xem lâu, xem nhiều với sự lo lắng mơ hồ nào đó dễ dẫn đến nghiện mà không hề hay biết.
“Vợ tôi thường mê sảng, co giật”
Đầu tháng 1, chị HTTT, ngụ quận 10, TP.HCM, nhập BV Tâm thần TP.HCM trong tình trạng mê sảng. Miệng chị liên tục yêu cầu người nhà mở máy tính xem con gái đang đi học như thế nào.
Ngồi bên giường bệnh chăm sóc vợ, anh Phạm Hồng Thái, chồng chị T., cho biết trước đó một tuần, chị hay nói mê trong giấc ngủ. “Tôi tưởng cô ấy mệt mỏi vì chăm con, lo quá nhiều công việc nên không để ý. Dạo gần đây vợ tôi hay nổi nóng, quát mắng người khác vô cớ. Có hôm về nhà, dù con ở ngay bên cạnh vợ tôi cũng đòi mở máy tính lên xem con đã ngủ chưa, ở trường có bị ai đánh không. Rơi vào trạng thái đó một tuần thì cô ấy rơi vào tình trạng thường mê sảng, co giật khi đêm ngủ”.
Quá lo lắng, anh Thái quyết định đưa vợ đến BV khám. Bác sĩ cho biết vợ anh bị rối loạn tâm thần vận động do ám ảnh. Nhìn chị T. ngồi bó gối trên giường với gương mặt ủ rũ, chúng tôi không khỏi ái ngại.
Theo ThS-BS Trần Vĩnh Trung, BV Tâm thần TP.HCM, người điều trị trực tiếp cho chị T., bệnh nhân khởi phát bệnh hơn một tháng nay. Kể từ khi gửi con đến nhà trẻ, chị T. có thói quen quan sát camera kết nối ở nhà trẻ để theo dõi con mình làm gì, ăn gì, chơi gì… Ban đầu bệnh nhân T. dành một, hai giờ mỗi ngày để xem, sau tăng dần lên năm, sáu giờ, thậm chí liên tục suốt tám tiếng ở cơ quan. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tâm thần, khiến bệnh nhân lúc nào cũng muốn quan sát camera vì sợ con bỏ ăn, bị đánh đập…
Một bà mẹ mắc hội chứng nghiện xem camera nhà trẻ đang được điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Tăng dần số bà mẹ nghiện
Nhà giữ trẻ với quy mô chưa đến 12 bé của cô Lê Thị Thanh Thảo, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức được lắp đặt camera quan sát theo yêu cầu của phụ huynh. Theo cô Thảo, tâm lý phụ huynh gửi con hay lo lắng, muốn quan sát con em họ, trong đó có không ít người chú ý quá mức cần thiết. “Có một phụ huynh gửi con năm tuổi, nơi làm việc của chị cách nhà trẻ hơn 10 km nhưng cứ mỗi lần bé khóc trong lúc chơi đùa với bạn là chị gọi điện thoại đến hỏi ngay. Có lần bé biếng ăn, cô giáo đang dỗ dành thì 20 phút sau mẹ bé đã có mặt ở nhà trẻ. Có ngày chị ấy chạy đi chạy về cả ba, bốn lần chỉ để xem con mình ăn uống ra sao” – cô Thảo cho biết.
Video đang HOT
Qua phân tích nhiều trường hợp, ThS-BS Trần Vĩnh Trung, BV Tâm thần TP.HCM, khẳng định xem camera nhà trẻ của các bà mẹ được liệt vào hội chứng nghiện giống như nghiện game, nghiện Facebook, nghiện mạng xã hội… Theo BS Trung, số lượng bệnh nhân nhập viện với tình trạng này đang có dấu hiệu tăng dần thời gian gần đây.
Ở góc độ tâm lý, BS Trung cho rằng với những người nghiện camera này, nhẹ nhất bệnh nhân sẽ luôn bị ám ảnh chuyện con cái ở trường, giảm trí nhớ. Nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi dẫn đến bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đây là biểu hiện của hội chứng nghiện khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn. Nhiều trường hợp nặng có thể chuyển sang rối loạn tâm thần, thể hiện qua việc hoang tưởng, có cảm giác mình vô dụng hoặc tội lỗi khi không chăm sóc được con. Nặng hơn có thể dẫn đến hành vi tự sát.
“Phụ huynh nên biết tiết chế, yêu thương con hiệu quả. Đừng vô tình rơi vào trạng thái nghiện khiến việc yêu con trở thành hành vi hại bản thân” – BS Trung khuyên.
Đối với các trường hợp nghiện quan sát camera ở mức độ nhẹ, bệnh nhân cần được cách xa với máy tính, các thiết bị kết nối camera. Gia đình, bạn bè nên thường xuyên tương tác với bệnh nhân để giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác thèm muốn được quan sát. Trong trường hợp bệnh nhân nặng, rơi vào các biến chứng trầm cảm, rối loạn tâm lý cần đưa đến cơ sở nội trú tâm thần để được theo dõi và hướng dẫn điều trị của thầy thuốc. Tránh điều trị tại nhà vì dễ đưa bệnh nhân vào trạng thái rối loạn tâm thần nặng. ThS-BS TRẦN VĨNH TRUNG, BV Tâm thần TP.HCM
Theo Hà Phượng ( Pháp luật TPHCM)
11 dấu hiệu chứng minh bạn nghiện mạng xã hội
Vô thức trong việc sử dụng smartphone, cập nhật mọi thứ lên Facebook, cảm thấy khó chịu khi không vào dùng mạng xã hội,... là những dấu hiệu chứng minh bạn 'nghiện' mạng xã hội.
Cuộc sống hiện đại phát triển khiến con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, bằng chứng là sự bùng nổ của các mạng xã hội trong những năm gần đây.
Dưới đây là 10 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang mắc chứng "nghiện online" và cần phải thay đổi thói quen sử dụng Internet ngay lập tức.
1. Mất hứng thú trong công việc, học tập
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mạng xã hội là nguyên nhân chính khiến người dùng cạn kiệt nguồn cảm hứng trong công việc và học tập. Tham gia các lớp học vẽ, nấu ăn, chơi nhạc... là một trong những cách thay đổi hiệu quả.
2. Danh sách mục tiêu đề ra chẳng bao được thực hiện
Sự mất tập trung thường xuyên xảy ra ở những người nghiện mạng xã hội. Chúng khiến người dùng có tâm lý trì hoãn thực hiện các mục tiêu đề ra từ trước như việc hoàn thành bài luận hay tập thể dục mỗi ngày. Năng suất công việc từ đó cũng bị giảm đi đáng kể.
3. Lần gặp gỡ bạn bè gần nhất là từ 1 tháng trước
Gặp bạn bè chỉ là xã giao, mang tính tượng trưng. Lâu ngày gặp nhau cũng chỉ chào hỏi qua loa rồi cặm cụi nghịch điện thoại, lướt web. Ảnh: Southaustralianstyle.com .
Công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách giữa những người ở xa, nhưng cũng khiến những người ở gần trở nên ngày càng xa cách. Những chiếc điện thoại cảm ứng hiện đại hay máy tính bảng thời thượng khiến chúng ta bớt giao tiếp và ít quan tâm đến thế giới xung quanh hơn.
5. Vô thức dùng điện thoại trong khi chờ đợi
Thành công là sự kết hợp của rất nhiều những thói quen tốt. Tuy nhiên, việc dùng điện thoại để giết thời gian mỗi khi rảnh rỗi lại không hay chút nào. Có người nhận xét, "thế hệ của chúng ta là thế hệ cúi đầu" khi dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người đồng loạt cúi xuống nhìn màn hình điện thoại mọi lúc mọi nơi.
6. Biến tất cả các sự kiện trong ngày thành status trên Facebook
Thay vì viết nhật ký như trước đây, người dùng có xu hướng "số hóa" tất cả các sự kiện xảy ra trong ngày bằng những status trên mạng xã hội.
7. Ngưng đọc sách đã lâu
Thói quen đọc sách đang dần bị mai một trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Tuy nhiên, bản thân Zuckerberg - ông chủ của Facebook chia sẻ: "Sách giúp bạn khám phá toàn diện một chủ đề để đắm mình sâu hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ mọi người sẽ đọc sách nhiều hơn thay vì cắm cúi vào mạng xã hội của mình".
Ngoài ra, theo Business Today, 86% người giàu rất thích đọc, họ dành ít nhất 30 phút để đọc mỗi ngày.
8. Thiếu quyết đoán
Mỗi lần cần đưa ra quyết định quan trọng, thay vì xác định một phương án khả thi và lên kế hoạch nghiêm túc để thực hiện đến cùng, chúng ta thường tốn thời gian tham khảo ý kiến bạn bè trên mạng xã hội một cách không cần thiết. Điều đó làm chúng ta thiếu đi sự quyết đoán cần thiết trong cuộc sống.
9. Cảm thấy không ổn nếu thiếu mạng xã hội
Đó là cảm giác chung của tất cả những ai trót "sống ảo" quá lâu trên mạng. Chỉ cần một chút quyết tâm, bạn sẽ vượt qua được trạng thái bất an này để tận hưởng cuộc sống một cách chân thực hơn.
10. Không muốn rời xa máy tính dù chỉ một phút
Sử dụng máy tính trong một thời gian dài có thể gây ra những tác hại không ngờ như giảm thị lực, đãng trí, stress...thậm chí là vô sinh. Vì vậy nếu công việc đòi hỏi bạn phải ngồi trước màn hình liên tục ít nhất 8 tiếng/ngày, hãy hạn chế tối đa việc phải sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử khác trong quỹ thời gian còn lại trong ngày.
11. Thiếu tập trung
Việc mất tập trung khi dùng mạng xã hội quá nhiều còn thể hiện ở việc bạn quên mất bài viết trên thiếu mục số 4. Mạng xã hội không hề xấu nếu người dùng biết sử dụng một cách hợp lý.
Hãy tạm thời rời xa các thiết bị hiện đại trong một thời gian đủ lâu trước khi dùng lại với tần suất hợp lý. Đừng quên kết hợp các thói quen tốt như đọc sách, tập thể thao, ăn chay...để hỗ trợ việc "cách ly" hiệu quả hơn.
Minh Minh
Theo Zing
Làm thế nào để đối phó với đối tượng "ngáo đá"? Những vụ giết người dã man do thủ phạm bị "ngáo đá" xảy ra thời gian gần đây khiến người dân lo sợ. Vậy khi gặp đối tượng này chúng ta cần làm gì? Người "ngáo đá" thường không kiểm soát được hành vi của mình nên khi thấy người bị "ngáo đá", mọi người không nên xúm đông xúm đỏ lại xem...