Mẹ sai lầm, con suy dinh dưỡng
BS Hoàng Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Hầu hết các trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng (đến khám tại bệnh viện) có nguyên nhân chính là do sai lầm và sự thiếu hiểu biết của mẹ trong cách cho con bú, trong cách chế biến cũng như lượng thực phẩm chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ (khi trẻ đã ăn dặm).
Cho trẻ bú đúng cách
Rất nhiều bà mẹ do không biết cho con bú đúng cách nên sữa không tiết ra đầy đủ và bé không được hưởng trọn lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ. Sai lầm trong cách cho con bú mẹ gồm cả việc trẻ không được ngậm bắt bú đúng và tư thế bế sai. Ngậm bắt bú đúng là khi miệng trẻ ngậm toàn bộ phần núm đến quầng thâm của vú mẹ, mũi bé đối diện với mặt mẹ, cằm chặn vào vú mẹ, có thể thấy quầng vú của mẹ phía trên nhiều hơn phía dưới. Khi đó, miệng trẻ sẽ ép được vào vùng xoang sữa, giúp sữa tiết ra nhiều và đầy đủ. Tư thế bế đúng là khi toàn bộ cơ thể bé được nâng đỡ, đầu và lưng bé thẳng hàng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mỗi một bữa bú của bé thường kéo dài khoảng 15-20 phút. Vì vậy, chỉ khi được bế đúng, trẻ mới cảm thấy thoải mái và bú được nhiều.
BS Thanh Thủy cũng khuyến cáo, các bà mẹ nên cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia để trẻ có thể nhận đầy đủ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Không được cho bé đang bú nửa chừng rồi chuyển ngay sang bên vú còn lại. Lượng sữa tiết ra ban đầu thường trong, chứa lượng đường nhiều để thỏa mãn cơn khát của bé, càng về sau sữa càng đục, chứa nhiều chất béo. Thế nên, nếu chỉ cho bú sữa đầu, trẻ sẽ kém lên cân. Nên cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm, khoảng 8-12 lần/ngày. Trong thời gian cho bé bú mẹ, bốn-sáu tháng đầu, tránh cho bé ăn thức ăn khác trước khi bú hay cho uống nước, nước trái cây, ngậm núm vú giả. Nên cho trẻ bú mẹ đến hết năm thứ hai hoặc hơn.
Video đang HOT
Cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất
Khi cho trẻ ăn bổ sung (từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu) cần chuyển dần từ ngọt sang mặn, lỏng sang đặc để trẻ quen dần. Cần cung cấp đủ năng lượng cho trẻ bằng cách bổ sung dầu ăn vào khẩu phần cho đến suốt hai năm đầu đời. Cụ thể, bổ sung khoảng hai muỗng canh dầu ăn (dầu tinh luyện) cho 200ml thức ăn (bột, cháo). Mỗi lần chỉ nên tập cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới để loại trừ khả năng trẻ có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào đó. Không nên nêm nếm nhiều gia vị trong thức ăn của trẻ, đặc biệt là bột ngọt và cũng không nên nêm mặn.
BS Thanh Thủy nhấn mạnh, nhiều mẹ thường cho trẻ ăn quá thừa đạm, tinh bột nhưng lại thiếu rau xanh và chất béo. Điều đó khiến trẻ vừa khó tiêu hóa, sinh ra biếng ăn, đồng thời thiếu những vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Phải bảo đảm trẻ được ăn đầy đủ bốn nhóm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Số lượng khuyến cáo cho trẻ cụ thể như sau. Trẻ sáu-tám tháng: thức ăn là bột đặc hoặc thức ăn nghiền, hai bữa/ngày, mỗi bữa 2/3 chén cộng thêm bú mẹ. Trẻ 9-11 tháng: thức ăn băm nhỏ hoặc có thể gắp, ba bữa chính, một bữa phụ và bú mẹ, mỗi bữa 3/4 chén. Trẻ 12-24 tháng: thức ăn gia đình, ba bữa chính, hai bữa phụ và bú mẹ, mỗi bữa một chén.
Khi cho con ăn, các bà mẹ thường mở ti vi có chương trình quảng cáo, ca nhạc để trẻ xem. Thói quen này khiến trẻ ăn một cách thụ động, không có cảm nhận về món ăn, không có giao tiếp với cha mẹ. Cách tốt hơn là nên tiếp xúc, nói chuyện, cười và khích lệ để trẻ ăn và cảm nhận món ăn một cách chủ động. Nên cho trẻ cùng ngồi trong bữa ăn gia đình để kích thích trẻ thử những món ăn mới, đồng thời giúp trẻ tự xúc ăn để trẻ có cảm giác tự lập.
Nếu bị suy dinh dưỡng trong 5 năm đầu đời, trẻ không chỉ lùn, chậm phát triển chiều cao mà còn chậm phát triển trí não hơn trẻ thông thường. Nếu rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cụ thể: 12 tháng nhưng chỉ nặng 7,7kg, 24 tháng nặng 9kg) thì còn có thể điều chỉnh, phục hồi được. Nhưng nếu bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi (cụ thể: 12 tháng nhưng chỉ cao 68,6cm, 24 tháng: cao 80cm), trẻ sẽ không có khả năng hồi phục. Do vậy, ngay khi thấy trẻ kém tăng cân và chiều cao, cần đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, tránh tuyệt đối để trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi.
Theo PNO
Thiếu vi chất, nhiều trẻ bị thấp còi
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam hiện còn khoảng 1/3 trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi với nguyên nhân là "bị quên" bổ sung vi chất cần thiết. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, tình trạng thiếu kết hợp nhiều vi chất ở trẻ trước tuổi đi học diễn ra khá phổ biến. Có đến hơn 62% trẻ thiếu selen, gần 87% thiếu kẽm và gần 52% trẻ thiếu mangan.
TS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có nhiều trẻ đến khám trong tình trạng thiếu vitamin D. Mà vitamin D lấy chủ yếu từ ánh nắng mặt trời (80%) và thức ăn chỉ chiếm 20%. "Nhiều bố mẹ quá giữ con nên ít khi cho trẻ ra ngoài chơi để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến trẻ thiếu vitamin D trầm trọng" - TS Bạch Mai chia sẻ.
Theo TS Bạch Mai, thiếu các vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn dẫn đến tử vong, suy giảm trí tuệ... Chẳng hạn, thiếu vitamin A đe dọa đến sự sống còn, sự phát triển của trẻ nhỏ và có thể làm mù vĩnh viễn.
"Đối với trẻ, có các loại vi chất cần bổ sung trong những năm tháng đầu đời đó là kẽm, sắt, vitamin C, vitamin B, vitamin D và canxi" - TS Bạch Mai khuyến cáo. Theo đó, khi thiếu kẽm, chiều cao của trẻ kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ nhão. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà. Khi thiếu sắt, trẻ mang màu da xanh, nhợt nhạt, môi không hồng, móng tay màu nhợt, mềm và dễ gãy. Trẻ hay ngứa, dễ mệt mỏi nên ít đùa nghịch. Sắt có nhiều trong gan, bầu dục lợn, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim lợn, mộc nhĩ, nấm hương.
Thiếu vitamin B trẻ dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát... Thiếu vitamin C sẽ gây lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Chất này có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót. Thiếu vitamin D và canxi trẻ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, phó mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.
Trúc Khuê
Theo PNO
Phù - dấu hiệu của nhiều bệnh Người bỗng dưng nằng nặng, chân trở nên to hơn, mang giày dép khó, khi nhấn xuống, da lõm vào... đó là những dấu hiệu bị phù chân. TS Phạm Văn Bùi - PGĐ BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết: "Phù ở người lớn có nhiều nguyên nhân cụ thể ở tim, gan, thận". - Ở thận, thường gặp trong hai tình...